Cầu thang được coi là phương tiện giao thông thẳng đứng của ngôi nhà, là biện pháp chuyển tiếp từ độ cao này đến độ cao khác. Thiết kế cầu thang phải được làm bằng vật liệu bền vững, có khả năng chống cháy cao. Vị trí cầu thang quyết định bố trí mặt bằng ngôi nhà.

Trong thiết kế nhà kiểu Pháp trước đây thường bố trí cầu thang thành một buồng riêng. Ngày nay, người ta quan niệm cầu thang cũng là một yếu tố trang trí mang tính thẩm mỹ cao nên bố trí như một tiêu điểm của ngôi nhà. Khi kết hợp với khu vực hành lang thông thoáng, cầu thang – xương sống của ngôi nhà lại là nơi ” khoe” tất cả vẻ đẹp của ngôi nhà.

Phân loại cầu thang

Có thể phân loại cầu thang theo hai loại: thang thẳng và thang tròn. Thang thẳng có thể là loại 1 đợt, 2 đợt hay 3 đợt. Thang tròn là kiểu cầu thang mà các bậc thang xoay quanh một trục. Lựa chọn kiểu thang nào phụ thuộc vào vị trí và thế đất, nhưng cần chú ý đến một số đặc điểm sau:

Thang 1 đợt làm rộng diện tích sử dụng cho tầng trệt nhưng lại tốn diện tích cho các tầng trên vì phải tạo hành lang đi bên cạnh.

Thang 2 đợt diện tích chiếm đất ít hơn nhưng các đợt dưới thường tối và bí.

Thang 3 đợt thông thoáng, giao thông tốt, kết hợp chiếu sáng nếu tum thang làm mái kính, mái nhựa trong, diện tích chiếm đất nhiều nhất.

Trong điều kiện đất rộng rãi, nên bố trí thang 3 đợt kết hợp làm khoảng không gian thông thoáng chung của ngôi nhà. Các bậc thang có thể bố trí kiểu đợt nhiều đợt ít để tạo chiếu nghỉ ở những vị trí hẹp.

Trang tròn tiết kiệm không gian hơn thang thẳng, nhưng khó đi và khó mang vác đồ đạc. Thang tròn không nên sử dụng cho những tầng nhà quá cao, thường là 3m trở xuống là thích hợp để đỡ cảm giác chóng mặt khi đi lại. Thang tròn còn là điểm nhấn đẹp cho công trình, thường hay sử dụng ngoài trời làm thang phụ dẫn lên sân các tầng trên.

ctgo (27)

Tiêu chuẩn khi thiết kế cầu thang

Có nhiều nhà xây cầu thang rất cầu kỳ, toàn bộ cầu thang uốn thành một đường cong lượn rất mềm mại, vật liệu sang trọng, nhưng khi bước lên, vẫn có cảm giác khó chịu, dễ vấp. Ngược lại, nhiều cầu thang không rộng, lại chỉ đơn giản hai đợt lên xuống nhưng vẫn tạo cho con người cảm giác thoải mái, thích thú khi bước lên. Đó là nhờ bậc thang được thiết kế phù hợp với chiều dài bước đi trung bình của mỗi người.

Khi thiết kế cầu thang cần lưu ý đến độ dốc thang được quyết định bởi chiều cao và chiều rộng bậc thang. Chiều cao cổ bậc 17cm, rộng bậc 26cm tạo góc thang 33 độ được coi là độ dốc chuẩn. Trên cơ sở đó có thể gia giảm đôi chút tùy thuộc theo ngôi nhà bạn. Độ cao bậc chỉ cần nâng lên một chút ( đến 19, 20cm) là người đi lên dễ cảm thấy vấp váp mỏi mệt. Độ cao này tỷ lệ thuận với đợt dốc toàn đợt thang, gây nên tâm lý ngần ngại ” mỏi gối, chùn chân, chẳng muốn trèo”. Nhiều người thích làm nhà cao, tầng 1 trung bình phải đạt 3,9m – 4,2m. Trong khi đó, phần diện tích làm cầu thang lại muốn giảm thiểu để tiết kiệm đất, nên cầu thang bị thu hẹp, phải cao, dốc, chật chội là điều dễ hiểu. Nếu vị trí thang quá chật không đảm bảo chiều rộng tối thiểu 24cm, cần làm loại bậc thang xương cá giúp cho việc lên xuống dễ dàng, không bị vấp vì kích thước mặt bậc nhỏ sẽ dễ hụt chân khi bước xuống. Chiều rộng bản thang từ 0,9m đến 1,0m trong nhà ở 4,5 tầng là phù hợp, không nên nhỏ hơn 0,8m.

Chiều cao tay vịn cầu thang cũng là yếu tố cần lưu tâm. Thông thường tay vịn không được thấp hơn 90cm. Cầu thang cho nhà có trẻ con, tay vịn phải cao và tránh để khoảng cách lơn giữa các thanh đứng của tay vịn. Lưu ý khe giữa hai thanh đứng không quá 14cm. Trẻ hiếu động rất dễ bị lọt qua các cột đứng nếu không cẩn thận. Nhưng nếu bạn không muốn có những thanh lan can dày đặc, bạn vẫn có thể làm thưa thoáng và thêm các thanh ngang, dọc theo các bậc thang ở vị trí 1/3 từ dưới lên. Thanh này hâu như đóng vai trò tay vịn riêng cho trẻ nhỏ.

Mỗi đợt thang không bố trí quá 16 bậc vì nhiều bậc  sẽ  gây mỏi cho người đi. Khoảng trống phía trên mỗi bậc thang ít nhất là 2,0m để người đi lên không bị đụng đầu. Cần hết sức lưu ý điểm này khi thiết kế cầu thang một đợt và thang tròn.