Skip to Content

Blog Archives

Bí Quyết Chống Nồm Của Các Biệt Thự Kiểu Pháp

Các biệt thự do người Pháp xây tại Hà Nội trước đây không chỉ mát về mùa hè, ấm về mùa đông mà còn không bao giờ bị ẩm ướt khi trời nồm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có một căn phòng lớn trong ngôi nhà biệt thự do người Pháp xây dựng. Hè 2006, ông cải tạo nhà, chuyển từ nhà 1 tầng thành 2 tầng. Để làm điều này, ông phải hạ thấp nền nhà từ cốt cao 75 cm xuống còn 5 cm, đồng thời nâng trần nhà cao thêm.

Khi hạ nền, tiến sĩ Châu nhận thấy nhà này được thiết kế với nền bằng cát vàng (dày khoảng 45 cm) và xỉ than (khoảng 25 cm). Vì vậy, mặc dù phá bỏ nền cũ, ông vẫn quyết định làm nền mới cũng theo cách trên: Đào sâu xuống cốt âm 50 cm, sau đó đổ một lớp cát vàng 30 cm, tiếp tục là lớp xỉ than 20 cm, trên cùng lát bằng gạch lát bình thường.

biet-thu-kieu-phap-1

Kết quả thật mỹ mãn, trong những ngày nồm vừa qua nền nhà tiến sĩ Châu vẫn khô ráo trong khi nhà cô em ngay bên cạnh (chung tường) lại rất ướt. Ngay cả bức tường chung thì ở phía nhà ông Châu khô còn phía bên nhà cô em chảy sũng nước.

Để chống lại ẩm ướt, có thể có nhiều giải pháp khác nhưng theo tiến sĩ Châu, có thể áp dụng giải pháp khá đơn giản mà ai cũng có thể làm được: Đó là thiết kế nền nhà bằng vật liệu truyền nhiệt tốt chứ không phải vật liệu cách nhiệt tốt như một vài bài báo đã nêu.

Vì hiện tượng ẩm ướt nền nhà là do chênh lệch nhiệt độ giữa nền dưới và bề mặt trên nền, làm hơi ẩm trong không khí ngưng tụ lại trên bề mặt nền nhà. Nôm na như khi ta để một cốc kem hoặc cốc nước lạnh ở trên bàn, sau vài phút sẽ thấy mặt ngoài cốc ngưng tụ thành nước, chứ không phải do nước từ trong cốc ngấm ra hoặc từ sàn nhà ngấm lên như nhiều người lầm tưởng.

READ MORE

Đặc điểm của kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố của tình yêu. Những căn kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt nơi đây cũng mang hơi thở của tình yêu, đẹp, mang dấu ấn riêng.

Nước Pháp tuy là một quốc gia độc lập lâu đời, nhưng về kiến trúc thì thật đa dạng. Kể từ Đại chiến thế giới lần thứ 2 về trước, kiến trúc cổ điển của Pháp thực là đặc sắc. Hàng ngàn lâu đài mỗi cái một kiểu. Từ Château de Versailles đến Château de Fontaine – Bleau sang các Château vùng sông Loire, sông Seine,… ở mỗi nơi kiến trúc mỗi thay đổi. Phía Bắc Pháp phần lớn có kiến trúc chung loại Anglo-Normand, có thể phân ra vùng Normandie, vùng Bretagne, vùng cực Bắc, vùng Bắc Paris, vùng Tây – Bắc. Kiến trúc vùng Alsace – Lorraine – Strasbourg có phần lai kiến trúc Đức. Kiến trúc miền Đông từ Nantes xuống đến Bordeaux là kiến trúc miền biển.

biet-thu-da-lat-2
Nhà ở đà lạt

Kiến trúc miền Trung là vùng cao nguyên Trung bộ. Kiến trúc miền Vosges xuống kiến trúc miền núi Alpes, kiến trúc cực Nam vùng Marseille – Carmargue tức vùng Provence và kiến trúc vùng Đông – Nam Montpellier sang Toulouse và kiến trúc xứ Basque lai Tây Ban Nha. Chính sự đa dạng ấy đã tạo cho kiến trúc Pháp mang tính quốc tế. Do đó khi đi chiếm thuộc địa, các kiến trúc sư Pháp đã mang theo tinh túy của mình xây các biệt thự theo kiến trúc của các địa phương Pháp. Người Pháp sang Việt Nam cũng không quên điều đó.

Riêng ở Đà Lạt các kiến trúc sư Hébrard, Pineau, Moncet, Lagisquet là những nhà quy hoạch đô thị thường hay nói: “Ai đi xa cũng muốn mang màu sắc quê hương, nhất là kiến trúc, đến chỗ mình mới đến ở”. Đó là sự thực, vì kiến trúc các biệt thự nhà cửa ở Đà Lạt sao tránh khỏi hình ảnh của kiến trúc các địa phương nước Pháp. Từ người Pháp nghèo có cái nhà nho nhỏ cho đến biệt thự lớn, cái nào cũng do các kiến trúc sư thiết kế và cái nào cũng theo ý của chủ nhà: Ngôi nhà phải giống như nhà của họ ở bên Pháp để cho đỡ nhớ và khỏi quên quê hương.

Hơn 1.500 biệt thự phần lớn là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Có lẽ cũng có ảnh hưởng của kiến trúc vùng núi nên các biệt thự đầu tiên, các nhà gỗ lợp ngói, lợp tôn đều giữ nguyên kiến trúc cũ. Nếu có thay đổi chỉ là số ít bố cục.

Nhiều nhất và cũng đặc biệt nhất là loại biệt thự có khung sườn bằng gỗ tốt xây chèn gạch. Sàn bằng một hai lớp gỗ hay bằng sàn ghép. Kiến trúc sàn gỗ, trần gỗ gây nên cảm giác ấm cúng cho xứ lạnh. Đó là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp từ thành phố Rouen về phía Lille. Hệ khung cột giữ cho nhà vững chắc đều bằng gỗ, sau đó xây chèn gạch, nhìn bức tường từ xa giống như có sơn cột và thanh chống, thanh giằng giả. Phổ biến là các nhà ở chung quanh viện Pasteur, khu biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo, đường Huỳnh Thúc Kháng. Thời gian đầu xi măng chưa lên được, nhà xây gạch toàn bằng vôi tôi trộn chất nhớt lấy ra từ lá cây giã ra. Các tường gạch xen chèn vào các khung gỗ vẫn không nứt nẻ. Lúc làm họ chọn gỗ tốt kể cả gỗ thông, có nhà làm đã bảy, tám mươi năm vẫn còn tốt. ở Đà Lạt không có mối mọt nhiều, gỗ chỉ hư hỏng khi mục, khi thanh gỗ nào mục thì thay thanh đó mà mảng tường không hề nứt đổ.

Các biệt thự đầu tiên một tầng, có loại hai mái cân xứng, có loại mái dài mái ngắn, đầu hồi nhô ra mặt trước. Biệt thự sang trọng một hai tầng thì cầu thang đặt ở trong nhà (cầu thang gỗ hay xây có tay vịn gỗ). Vào các năm 1920 – 1940 ở Đà Lạt chỉ có gỗ là nhiều, còn thép phải nhập từ Pháp và đưa từ Sài Gòn lên nên cấu trúc ít dùng thép. Các côngxon của những nhà xây thường đúc theo kiểu tam giác, cạnh lớn uốn cong. Còn các biệt thự kiến trúc kiểu Bắc Pháp thì côngxon bằng gỗ đục mộng chắc chắn. Lò sưởi thường bố trí ở phòng khách, phòng ăn hay phòng ngủ chính. Trang thiết bị trong phòng vệ sinh đều nhập từ Pháp.

biet-thi-da-lat-1
Biệt thự pháp cổ đà lạt

Đặc điểm kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt

1. Người Pháp có hai quan niệm làm cho Đà Lạt trở thành nơi an dưỡng đẹp, đó là:

– Xây các biệt thự có vườn hoa, xa cách nhau, có tầm nhìn đẹp: nhìn ra rừng thông, nhìn xuống thung lũng, nhìn về hướng các đỉnh núi Lang Bian. Các dinh thự đều chiếm cao điểm (Đà Lạt có 99 cao điểm). Các biệt thự đều ẩn mình trong rừng thông. Thời trước trong bài viết của một du khách Pháp đã tả Đà Lạt như sau: “Từ xa ta thấy những thảm cỏ xanh rì (đó là những rừng thông) nối tiếp nhau đến tận chân trời, trong đó có những nụ hoa đỏ (đó là mái ngói của những biệt thự ) nổi lên”.

– Đà Lạt chỉ được xây cất biệt thự không quá ba tầng (kể cả tầng trệt) vì làm cao tầng sẽ phá cảnh rừng thông. Và đặc biệt là về hướng Tây – Bắc và Bắc của hồ Lớn (nay là hồ Xuân Hương) không được xây dựng nhà cửa như phía Đông – Bắc vòng về phía Tây bờ hồ.

2. Mọi sự xây dựng trên thành phố đều phải do kiến trúc sư thiết kế.

Có kiến trúc sư chịu trách nhiệm về thẩm mỹ. Mọi sự xây dựng phải qua phòng quy hoạch đô thị của Sở Công chánh và nơi này phải chịu trách nhiệm về mọi sự xây dựng.

Người Pháp dự định dân số Đà Lạt có thể đến 300.000 người, nhưng cho đến lúc họ rời Việt Nam thì mới chỉ trên 20.000 (người Pháp 2.500) nên việc xây dựng còn ít và dễ kiểm soát.

3. Người Pháp đi tha phương luôn luôn hướng về quê hương, được thể hiện trong kiến trúc và trong cuộc sống. Do đó trên 1.000 biệt thự thì kiến trúc các địa phương Pháp ảnh hưởng nhiều nhất là:

– Kiến trúc Anglo – Normand;

– Kiến trúc miền cao nguyên trung phần Pháp;

– Kiến trúc miền núi Alpes và phía Nam;

– Kiến trúc miền Pyrénées và Basques.

Đặc điểm của các kiến trúc nhà đẹp này là:

– Mái nhà: Loại hai mái ít dốc, ở hai đầu có hai mái ngắn (miền Nam).

Loại hai mái có các mái nhô: nếu các mái nhô tròn là của miền Trung và Bắc Pháp, nếu các mái nhô nhọn và cao có cửa kính lớn (có cũng hai mái) là của miền Nam Paris.

Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là loại nhà vùng núi, từ vùng Vosges xuống Alpes, mùa tuyết tan dễ tháo nước.

Loại mái dốc xây đá chẻ là loại nhà kiểu Anglo – Normand (nhiều ở vùng biển Normandie).

Loại mái nhà lợp ardoise (đá mài miếng mỏng màu đen) là loại của miền cao nguyên miền Trung nước Pháp.

– Ống khói lò sưởi: ống khói lò sưởi có cái thấp nếu mái ít dốc, có cái cao nếu mái dốc nhiều. Lò sưởi ở miền Bắc Pháp thường có ba ống tròn ở trên đầu chóp để che mưa, tuyết khỏi vào nhiều hoặc chỉ có một ống tròn ở giữa tấm che.

Ống khói, lò sưởi miền Trung và Nam cho khói ra 4 phía có tấm che bên trên.

Ống khói lò sưởi xây có cẩn đá và một phía uốn tròn là kiểu mới cải tiến để cho hợp với nét cao nguyên

– Tường xây: Tường xây có khung cột bằng gỗ là kiến trúc miền Bắc Pháp, Bắc Paris (nhất là vùng Rouen, quê hương của Jeanne d’Arc).

Tường xây bằng đá chẻ là của vùng Trung Pháp hay Đông – Nam Pháp.

– Mái nhô: Mái tròn nhô lên có cửa sổ kính là của vùng Bắc Pháp.

Hai mái cao nhô ra và có cửa kính lớn là của miền Trung Pháp.

Mái nhô ra và có cửa kính dài, kiểu được cải tiến ở Đà Lạt.

Các mái nhô cốt để sử dụng các phòng trên mái nhà mà người Pháp gọi là tầng áp mái (mansarde). Nó cũng làm đẹp cho mái nhà của biệt thự, nhất là những mái nhà quá lớn rộng.

– Lò sưởi trong nhà: Lò sưởi trong nhà là một dạng kiến trúc trang trí vừa là để sưởi những ngày lạnh. Chỉ cần đếm số lượng lò sưởi nhiều hay ít trong biệt thự ở Đà Lạt mà biết nội thất sang trọng hay không.

Những người quen sống ở Đà Lạt ít thấy cái lạnh của Đà Lạt. Nhưng những ai từ xứ nóng đến thì cái lạnh vô cùng thấm thía. Phòng khách biệt thự nào cũng nối liền phòng ăn, nơi đây thường có một lò sưởi và cũng thường để một khúc gỗ để trang trí khi không đốt lửa.

Phòng ngủ của gia đình chủ nhân cũng có lò sưởi. Sở dĩ có lò sưởi mà không làm ngợp thở khi ngủ là nhờ có ống hút đi lẫn khói cả khí cacbonic.

Ở Pháp mỗi biệt thự đều có nơi treo áo, mũ trước khi vào nhà, nhưng ở Đà Lạt rất ít nhà có, mà thường ở lối vào nhà có một khoảng lõm vào hoặc nhô ra để khi trời mưa lạnh khách đến có chỗ trút bỏ áo mưa, nón v.v…

– Vườn cảnh và cổng ra vào:Người Pháp và kiến trúc sư Pháp rất chú ý đến ngoại thất, đặc biệt là vườn cảnh, vì họ biết khí hậu Đà Lạt thích hợp với những loại hoa từ Pháp đưa sang. Từ cổng vào nhà, lối đi trong vườn, vườn trước và sau nhà đều trồng hoa, đem lại cái đẹp cho con người. Thường thiết kế phòng khách sâu về sau để có tầm nhìn ra một vườn hoa rộng, nhìn xuống thung lũng hay rặng thông đẹp. Các biệt thự ít đất thì thường có bồn hoa đúc ở trước các cửa sổ, quanh chân tường nhà. Nó tạo nên màu sắc điểm tô cho căn nhà khi từ ngoài bước vào.

Cổng vào cũng thay đổi tùy ý của mỗi kiến trúc sư hay mỗi chủ nhà. Số nhà có cổng đi thẳng vào mặt trước không nhiều. Cổng vào và lối đi vào thường lệch sang một phía để vườn hoa rộng dễ tạo thành một mảng lớn, khi ra vào nhà có tầm nhìn bao quát vườn hoa. Nhà vườn rộng, có xe ô tô thường làm cổng vào, cổng ra riêng biệt, đường xe vào ra không cần trở đầu.

READ MORE