Skip to Content

Blog Archives

Hướng dẫn xây nhà – Chuẩn bị mặt bằng, làm nền móng

Từ bước này, công việc sẽ là trách nhiệm của nhà thầu xây dựng, chủ nhà sẽ không cần phải lo toan nhiều, tuy nhiên cũng cần biết rõ về các giai đoạn chủ yếu để có thể kiểm soát được về công việc, chất lượng và thời gian thi công.

READ MORE

Cách chọn Vật liệu Xây dựng khi xây nhà

Chọn vật liệu xây dựng (VLXD) là công việc khó khăn với tất cả mọi người. Dù bạn chọn phương án khoán công hay khoán trắng bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ về VLXD. Vật liệu xây dựng quan trọng nhất là cát, gạch, thép, đá, nước và xi măng. Chúng tôi sẽ liệt kê một số điểm quan trọng để giúp bạn có được những tiêu chuẩn chung và có thể chọn từ những cái có sẵn.

1. Xi măng

Xi măng là một chất gắn kết các thành phần cát, đá và nước lại với nhau để hình thành đá nhân tạo (bê tông). Xi măng là thành phần quan trọng nhất trong công tác xây tô, và đổ bê tông. Chọn xi măng thích hợp sẽ đảm bảo sự vững chắc cho công trình xây dựng. Nên lựa chọn nhãn hiệu xi măng uy tín, có danh tiếng và được sự tin tưởng của nhà thầu cũng như kiến trúc sư.

Có thể phải tốn thêm chi tiết rất lớn sau này để sửa chữa nếu như tiết kiệm một vài nghìn đồng khi mua xi măng để xây rồi bạn không thể thay thế hoặc cải thiện nó như với mái ngói hoặc với một số các thứ khác. Nếu nó kém chất lượng bạn phải đập bỏ để làm lại. Chi phí mua xi măng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị của công trình. Thông thường xi măng chiếm khoảng 7% – 9% tổng giá trị công trình. Vì vậy khi lựa chọn xi măng, bạn hãy chắc chắn mình đã quyết định đúng.

2. Cát

Cát chất lượng có thể được xác định một cách dễ dàng bằng cách lấy một vốc cát rồi nắm tay lại. Bầt kỳ chất bẩn nào (như bùn) sẽ dính lại vào lòng bàn tay bạn. Trong cát có đất sét, sạn hay các chất bẩn khác có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công trình. Chúng cần được sàng lọc ra khỏi cát trước khi sử dụng. Một phương pháp kiểm tra khoa học hơn cách trên là đổ cát vào nửa bình thuỷ tinh, thêm một ít nước vào rồi quấy lên.

Cát sẽ lắng xuống đáy, cát chất bẩn sẽ xuất hiện rõ. Có một nguyên tắc là nếu hàm lượng bùn hoặc bụi bẩn vượt quá 3% tổng trọng lượng cát thì cát đó cần được làm sạch trước khi sử dụng. Tóm lại cát chất lượng là cát không thể chứa đất sét, chất bẩn, mica hay vỏ sò, … Không nên sử dụng cát nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn trong bê tông và xây thô.

vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng

3. Đá

Cốt liệu thô thường là những viên đá nhỏ tăng thêm sức chịu lực của bê tông. Đá sử dụng cho bê tông thông dụng hiện nay là đá 1×2 (kích thước hạt lớn nhất 20mm – 25mm).Cốt liệu đá phải sạch tạp chất khi đưa vào trộn bê tông

Trong khi lựa chọn đá, bạn cần lưu ý những yếu tố sau:

– Đá thông dụng có dạng hình khối, không có nhiều tạp chất và ít thành phần hạt dẹt;

– Cần loại bỏ ngay lập tức các tạp chất bằng cách sàng và rửa;

4. Nước

Nếu bạn sử dụng nước máy từ hệ thống cấp nước thì không cần phải lo. Trường hợp bạn dùng nước giếng hay nguồn khác thì nước cần phải sạch, không có chất bẩn. Tuyệt đối không dùng nước biển, nước phèn, nước ao hồ, nước lợ, nước có váng dầu, mỡ để xây nhà đẹp. Lượng nước phù hợp với tỷ lệ xi măng sẽ giúp công trình vững chắc.

5. Bê tông và vữa

Bê tông là loại vật liệu xây dựng đá nhân tạo được hình thành bằng cách đổ khuân và làm rắn chắc hỗn hợp với tỷ lệ hợp lý của các thành phần gồm xi măng, nước, cát và phụ gia nếu có. Trong đó:

– Đá và cát (cốt liệu) đóng vai trò là bộ khung chịu lực;

– Chất kết dính và nước (hồ) bao bọc xung quanh hạt cốt liệu đóng vai trò là chất bôi trơn và đồng thời lắp đầy các khoảng trống giữa các hạt cốt liệu;

– Vữa là hỗn hợp gồm cát, xi măng và nước theo một tỷ lệ nhất định;

Bạn cũng cần lưu ý đến công tác bảo dưỡng. Chất lượng bê tông và vữa sẽ giảm (cường độ không đạt thiết kế ) nếu không có chế độ bảo dưỡng hợp lý và đúng cách:

– Đối với vữa xây tô: nên bảo dưỡng ẩm liên tục từ 7-10 ngày

– Đối với bê tông: Nên bảo dưỡng liên tục từ 10-14 ngày

Lưu ý:

– Nên sử dụng bê tông mác ≥250 (tỷ lệ 2:3:5 – 1 bao xi măng + 3 thùng đá) đối với các cấu kiện: Cọc bê tông cốt thép, móng, đá kiềng, công trình ngầm, cột, sàn sân thượng;

– Nên sử dụng mác bê tông ≥ 200 ( tỷ lệ 1:2:3 – 1 bao xi măng + 4 thùng cát + 6 thùng cát) đối với các chi tiết còn lại;

– Vữa xây sử dụng tỷ lệ: 8 thùng cát (tỷ lệ 1:4), cát sử dụng có độ lớn ≥ 2 (sử dụng cát bê tông càng tốt).

– Vữa tô sử dụng tỷ lệ: 10 thùng cát (tỷ lệ 1:5), nếu sử dụng cát quá nhỏ nên dùng tỷ lệ 1:4 hoặc 1: 4.5

– “Thùng” ở đây là thùng sơn hoặc xô 18 lít. Lưu ý là các xô tôn thường có dung tích nhỏ hơn.

6. Gạch

Gạch có thể kiểm tra được thông qua quan sát. Thường có thì gạch tốt cần phải có hình dạng chuẩn với những góc cạnh sắc. Màu sắc tương đồng nhau cùng bảo đảm chất lượng tốt. Và sau đây là các cách kiểm tra gạch chất lượng:

– Khi làm vỡ một viên gạch, nó sẽ không vỡ vụn ra thành nhiều mãnh nhỏ;

– Đập 2 viên gạch vào nhau, gạch chất lượng sẽ phát ra âm thanh dứt khoát;

– Thử làm rơi một viên gạch ở độ cao khoảng 1 mét, gạch tốt sẽ không bị vỡ;

– Ngâm viên gạch vào trong nước khoảng 24 h sau đó kiểm tra trọng lượng của nó. Nếu trọng lượng nặng thêm hơn 15% bạn không nên sử dụng loại gạch này.

7. Thép

Bê tông có sức chịu lực nén tốt những chịu lực kéo và lực uốn kém. Để khắc phục điều này thanh thép cần phải được đặt trong bê tông để có thêm sức chịu lực cần thiết. Do đó mới xuất hiện thuật ngữ bê tông cốt thép. Hãy lựa chọn thép từ những thương hiệu uy tín trên thị trường. Bạn nên tham khảo kích cỡ và chủng loại thép từ kiến trúc sư của bạn.

Lưu ý:

Thép xây dựng gia công thường có đường kính nhỏ hơn thông số ghi trên thanh thép. VD: Thông số là phi 12 thì thực tế chỉ là phi 10.

8. Cốp pha

Cốp pha được sử dụng để làm khuôn đổ bê tông. Cốt pha phải đúng kích thước thiết kế mới đảm bảo được khả năng chịu lực của bê tông. Thực tế đây là việc của nhà thầu. Bạn có thể lưu ý với giám sát của bạn vấn đề này khi tiến hành xây dựng.

9. Thiết bị điện, nước

Các thiết bị này sẽ được lắp đặt bên trong công trình vì thế bạn nên chọ những sản phẩm có xuất xứ và chất lượng uy tín đồng thời có thiết kế phù hợp với ngôi nhà.

READ MORE

Tìm kiến trúc sư thiết kế

Khi bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị xây nhà, câu hỏi thường trực đầu tiên sẽ là: Tìm người thiết kế như thế nào? đáp ứng các tiêu chí gì của gia đình hay là tham khảo thiết kế của bạn bè, hàng xóm sửa chữa một chút cho phù hợp với nhà mình rồi xây. …Rồi xây nhà mình làm sao để có được một ngôi nhà đẹp…Câu hỏi thoạt nghe khá đơn giản và dường như ai cũng có thể trả lời, mỗi người một cách. Đại loại như người thiết kế phải có nghề, chủ nhà phải biết chơi và chịu chơi, thầu thi công phải có kinh nghiệm, đặc biệt là phải có tiền…

Tất cả đều đúng. Thế nhưng thực tế tỷ lệ nhà đẹp hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với con số được xây dựng hằng ngày, hàng giờ ở khắp mọi nơi.

Vai trò của Kiến trúc sư (KTS) thiết kế

Kiến trúc sư thiết kế giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ngôi nhà. Không cần bàn cãi, vai trò của người KTS thiết kế là cực kỳ quan trọng. KTS chính là người giải bài toán mà chủ nhà đã ra đề. Bản lĩnh người thiết kế sẽ ảnh hưởng rất lớn dến chất lượng sau cùng của ngôi nhà. Nếu không, đứng trước sự nhập nhằng của đề bài và sự khó chịu của chủ nhà hoặc khi gặp phải thầu kém, người thiết kế rất dễ sa vào dễ dãi nghề nghiệp. Nhiều khi, chỉ vì mục đích kinh tế nên nhà thiết kế làm theo ý chủ nhà mà không phân tích thiệt hơn. Trường hợp này đã xảy ra và xảy ra rất nhiều. Khi đó, cái thiệt lớn nhất và trước tiên thuộc về chủ nhà. Người KTS thiết kế cũng bị ảnh hưởng nhưng chỉ là uy tín nghề nghiệp, mà khi đã dễ dãi thì ắt hẳn anh ta ít coi trọng điều này.

nha-dep-4

Mối quan hệ giữa người thiết kế và chủ nhà

Một căn nhà đẹp phải đầu tư cả tiền bạc lẫn công sức. Là người đề ra, hơn ai hết, chủ nhà tự biết mình cần gì ở ngôi nhà của chính mình, ngôi nhà sẽ nói được gì về tính cách chủ nhân… Có nhiều ngôi nhà khi hoàn thiện, chủ nhà mới hay đó là nơi phô diễn những chi tiết loạn mắt, hoặc chỉ biểu hiện được cái tôi ủa người thiết kế còn hình ảnh của chủ nhà rất mờ nhạt. Có nhiều trường hợp, chủ nhà đưa ra lý do “nhà chỉ làm đơn giản” để giải thích cho sự không cần đẹp, đồng thời tiết kiệm chi phí. Cũng có thể chủ nhà không biết phải làm sao mới đẹp, vì chưa từng có cơ hội tiếp xúc với ngôi nhà đẹp theo đúng nghĩa, nhưng khi ngôi nhà hình thành thì họ cảm nhận được đâu là đẹp, đâu là xấu. Trường hợp nếu chủ nhà quá tham sẽ rất dễ chị chắp vá, rối ren. Điều đáng ngại nhất là gặp phải chủ nhà bảo thủ và không có khái niệm gì về thẩm mỹ, công việc của người thiết kế. Khi đó, KTS thiết kế dễ bị biến thành thợ vẽ và hay “lãnh đạn” trong trường hợp ngôi nhà xây xong bị chê.

READ MORE

Lưu ý trước khi làm “thượng đế” của kiến trúc sư

Từ xa xưa, các cụ đã khái quát ba việc lớn của đời người: “Xây nhà, lấy vợ, tậu trâu”…Ngày nay, tạo dựng một căn nhà tuy có đặc điểm khác nhưng nó vẫn là việc trọng đại. Quá trình tạo dựng một ngôi nhà khó có thể gọi là mỹ mãn nếu không có sự tham dự của người kiến trúc sư (KTS). Mối quan hệ giữa chủ nhà (người sẽ ở trong căn nhà không phải do mình sáng tạo nên) và KTS (người sáng tạo nên ngôi nhà không phải cho mình) đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành của ngôi nhà.

Người có tiền có thể ra cửa hàng để mua một món đồ một cách đơn giản, không phải tốn quá nhiều công sức và trí tưởng tượng để hình dung cái mình muốn. Một chiếc xe hơi có thể tìm thấy chủ nhân của nó nếu nó đủ đẹp, đủ sức hấp dẫn trước mặt người mua với tiện nghi và hình ảnh của chính mình.

Nhưng ngôi nhà không đơn giản như thế. Cho dù phải thuyết phục đến khản cả cổ thì người KTS cũng không thể truyền cái sự rung động của mình trong thiết kế nếu như ông ta không gặp may khi phải đối diện một vị khách hàng không quen tưởng tượng. Và ông KTS cũng lại càng không gặp may nếu như vị khách đi đến văn phòng với “một phái đoàn” gồm vợ, con để cùng bàn luận chuyện xây nhà. Có khi họ tranh nhau nói, giành nhau trình bày cái mình thích ngay trước mặt nhà thiết kế. Và chuyện cãi nhau và giận hờn nhau ngay tại văn phòng KTS cũng là chuyện có thể xảy ra và chính người KTS lại trở thành nhà hòa giải với hậu quả “quá mất thời gian”.

Trong chuyện xây nhà, cái khó nhất của người chủ nhà là làm sao có thể “chốt” được cái ý muốn của mình, đồng thời ngay lập tức phải hiểu được rằng mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc xây cất này.

Ai cũng hiểu vậy nhưng mấy ai biết “lần” ra từ chỗ nào trước?

Đối với người KTS, cái khó nhất ở giai đoạn này là làm sao có thể hiểu được khách hàng của mình thực sự cần cái gì là chính. Cũng như một người bệnh đến với bác sĩ, đối với họ, chỉ có căn bệnh của mình là quan trọng. Còn đối với người KTS thì cũng giống như bác sĩ, ngày nào cũng thấy bệnh, mọi bệnh đều có thuốc trị, đâu có gì mà phải lo. Đây chính là điều không tốt. Người đặt hàng thì quá lo lắng, còn người thiết kế thì thấy bình thường.

Trên thực tế mọi chuyện đều bình thường nhưng cũng đáng để lo lắng

Sự thành công sẽ nằm ở chỗ hai bên sẽ có cùng một cái hiểu về những điểm chính của ngôi nhà để cùng quan tâm cái đáng quan tâm. Ở các dự án lớn, người ta không cần phải bàn nhiều vì đã có những quy định, và tất cả mọi người tham gia đều biết cách làm. Nhưng ở một ngôi nhà, chủ nhân là một nhà “đầu tư không chuyên nghiệp” (tạm gọi là như thế) thì có bao nhiêu câu hỏi sẽ được đặt ra trước khi đi gặp người KTS thiết kế cho ta?

Có thật sự cần một Kiến trúc sư?

Đối với những người chưa từng xây nhà, có lẽ KTS sẽ là cứu cánh. Tuy nhiên thực tế chưa chắc, bởi vì “cứu” tới lúc nào đó bỗng nhiên sao thấy ông KTS nhiều “cánh” quá, thôi mình tự… cứu cho nhanh: giải quyết thẳng với ông thầu hoặc ông cai tại chỗ, nhanh hơn nhiều. Đó là điều sai và như thế thì chả khác nào KTS là cái bánh… thứ 5 của chiếc xe hơi.

Nhưng đối với người đã từng xây nhiều nhà rồi, thì KTS sẽ dễ trở thành “thợ vẽ” dùm cho ý đồ của chủ nhà. Đôi khi KTS bị… tước cả quyền chọn lựa vật liệu cho ngôi nhà. Điều này không quá khó hiểu vì đôi khi chủ nhà lại sợ KTS bày vẽ tốn kém, nhưng thật ra cũng sai nốt. Bởi vì KTS được đào tạo để bỏ bớt những sự dư thừa trong thẩm mỹ nhằm đi tìm sự hài hoà trong những vật liệu khác nhau.

Đồng tiền có ý nghĩa

Ngôi nhà nói lên sự khôn ngoan trong việc sử dụng đồng tiền của chủ nhân. Cả người KTS lẫn chủ nhà đều nên cùng hiểu cấp độ đầu tư phù hợp cho ngôi nhà. Mỗi phòng ngủ đều có một nhà vệ sinh riêng chưa chắc đã là ý tưởng khôn ngoan cho một căn hộ với chủ nhân có nhiều “công chúa và hoàng tử nhí”: làm sao chăm sóc vệ sinh? Trang trí ngôi nhà như một khách sạn 5 sao với quá nhiều đá marble đắt tiền từ trong ra ngoài sẽ làm ngôi nhà trở nên không thân thiện.

Cái mình cần và cái mình thích phải có sự phân biệt rõ ràng

Một phòng sauna trong nhà? Ôi, thật là thích, nhưng có thực mọi người cần? Một phòng sinh hoạt có bàn bida trong căn hộ thật là mời mọc, nhưng ông chủ thường xuyên không có cơ hội sử dụng nó. Một cái bếp lớn và tuyệt đẹp… chỉ dành cho những bữa cơm trưa ăn vội.

Nêu nhu cầu, đừng đưa giải pháp

Thường trong lúc trao đổi, đặt hàng với KTS, chủ nhà thường đưa luôn giải pháp của mình cho người thiết kế, khiến cho đối tượng lúng túng không biết phải ứng xử ra sao. Một cái mặt bằng đã được soạn sẵn, chìa ra cho KTS đã vô hình trung biến người thiết kế trở thành… “con tin” của đơn đặt hàng. Nhưng thực ra KTS cũng cần một số gợi ý mang tính cởi mở để cả hai cùng hình dung một xu hướng. KTS cũng rất cần sự nung sáng cảm hứng nghề nghiệp thể hiện bằng sự tin tưởng của chủ nhà vào mình.

Bao nhiêu tiền một mét vuông?

Theo tôi, hãy quên đi cái cách định giá kiểu này. Đây là cách để làm an lòng nhau theo kiểu thầy bói. Nhà có đóng cọc, ba tấm, mái ngói khác nhà mái ngói, ba tấm, không đóng cọc. Bao nhiêu tiền một mét vuông? Cửa nhôm, cửa gỗ, gạch ceramic hay gạch thạch anh, hai phòng vệ sinh, ba phòng vệ sinh? Bao nhiêu tiền một mét vuông? Và cứ thế hàng chục thông số khác nhau làm sao đi đến kết luận?

Một cái dự toán sau khi có thiết kế sẽ giải quyết hết mọi vấn đề nêu trên. Vì vậy, hãy quan tâm đến việc cùng KTS xây dựng một dự toán chi tiết sau khi thiết kế xong. Sau đó sẽ cân đối lại mức đầu tư trong vật liệu và thiết bị.

Hãy tỉnh táo với cái “sướng” của KTS

Nhàm chán với những giải pháp lặp đi lặp lại, thường các KTS có xu hướng sáng tạo (hay nói cách khác là “vặn vẹo”) thêm trong thiết kế của mình, đôi khi không thực tế lắm. Đó là cái đáng yêu của nghề nghiệp nhưng cũng là cái đáng cảnh giác. Thật khó khăn để đánh giá nên hay không nên nghe theo KTS. Chỉ có một điều, theo tôi, là hãy tuân thủ nguyên tắc: “công” rồi mới đến “dung”. Nghĩa là phải sử dụng tốt đã mới đến thẩm mỹ.

Phải tuân thủ nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong nội bộ gia đình

Ở một số trường hợp ông chồng là người “quan trọng” nhưng bà vợ lại “quyết định” và những đứa con là “những nhân tố chính”. Đó là những bi kịch cho cái gọi là “chủ đầu tư không chuyên nghiệp”. Không thể có quá nhiều người có ý kiến thay đổi chỉnh sửa trong bàn bạc về việc thông qua thiết kế ngôi nhà. Chỉ nên có một người đại diện duy nhất để nói chuyện với KTS. Đó là cách tiết kiệm thời gian và công sức cả hai bên nhất.

Nên chọn người thiết kế hơn là chọn giải pháp thiết kế mình thích

Có nhiều người thường đi tham khảo “mẫu này mẫu kia” ở nhiều văn phòng KTS khác nhau để đi đến quyết định chọn ai làm cho mình. Thực tế là gặp một KTS phù hợp ta sẽ có nhiều giải pháp phù hợp để chọn lựa. Còn mẫu phù hợp chưa chắc đã được xử lý chi tiết bằng chính bàn tay của người thiết kế phù hợp.

Phải biết sản phẩm mua về gồm có cái gì?

Không hẳn là người thiết kế thiếu lương tâm, nhưng xu hướng giản lược các đòi hỏi của một hồ sơ có thể giúp rút ngắn thời gian, nhất là đối với công trình là nhà dân. Hãy yêu cầu người thiết kế nêu kế hoạch hồ sơ trước khi ký kết hợp đồng là điều nên làm. Điều này sẽ có lợi cho cả hai bên. Hồ sơ làm kỹ, nhiều chi tiết sẽ giảm được thời gian xử lý tại hiện trường của KTS và chủ nhân.

Trên đây là 10 việc cần quan tâm trước khi đặt hàng thiết kế một ngôi nhà. Viết ra những yêu cầu, những điều mình kỳ vọng là một cách làm khôn ngoan. Khoan vội tìm giải pháp, và dành thời gian tìm hiểu xem ai là người có thể giúp ta đi hết quá trình xây cất ngôi nhà. Khi tìm được người tư vấn rồi thì hãy nghĩ đến vai trò “thượng đế” của mình.

Làm “thượng đế” xem ra không dễ chút nào!

READ MORE