Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc rất dễ được nhận ra giữa muôn vàn các cao ốc tại phía đông khu Manhattan (New York) bởi đó là một tòa nhà có kiến trúc khá đặc biệt, rộng nhưng mỏng, nằm trên diện tích hơn 7 ha.
Trên thực tế, quần thể trụ sở chính của Liên Hợp Quốc không chỉ có tòa nhà chính cao 39 tầng dành cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc mà còn có 3 khối nhà khác gồm tòa nhà của Đại hội đồng (General Assembly building); khu hội nghị và Dag Hammarskjold Library (mới được bổ xung xây dựng năm 1961).
Quần thể này được thiết kế bởi 11 kiến trúc sư, trong đó phụ trách chính là Wallace K. Harrison (người Mỹ). Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc là khu vực “quốc tế”, thuộc về tất cả các quốc gia thành viên. Nơi đây có lực lượng an ninh, cứu hộ, hành chính… riêng biệt.
Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc được xây dựng từ năm 1949 và hoàn thành 4 năm sau đó. Đây là địa điểm làm việc của khoảng 3.400 nhân viên. Toàn bộ khu đất của quần thể các tòa nhà Liên Hợp Quốc được mua lại từ tập đoàn bất động sản lớn nhất nước Mỹ thời đó là William Zeckendorf với giá 8,5 triệu USD.
Trước Mahattan, đã có San Francisco, Chicago, South Dakota… được cân nhắc để chọn làm nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc. Sau đó, có thông tin cho rằng Pháp, Anh và Hà Lan đã bỏ phiếu chống với việc xây dựng trụ sở ở Mỹ.
Thay vì tổ chức một cuộc thi chọn các mẫu thiết kế, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự hợp tác của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới, thuộc nhiều quốc gia khác nhau. KTS Wallace K. Harrison là người đứng đầu nhóm thiết kế, và các kiến trúc sư khác đến từ Liên Xô, Bỉ, Canada, Pháp, Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil, Anh, Australia và Uruguay. 50 bản thiết kế khác nhau đã được cân nhắc trước khi phương án cuối cùng được lựa chọn. Phần cơ bản của thiết kế được sử dụng dựa trên phương án của KTS người Pháp, Le Corbusier.
Yêu cầu đầu tiên đặt ra cho trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, đó là tòa nhà cao tầng, có đủ chỗ làm việc cho các cơ quan. Độ cao 39 tầng với thiết kế hiện đại vào thời điểm đó gặp phải nhiều ý kiến không tán đồng. Tuy nhiên cuối cùng, nó lại là biểu tượng tiêu biểu của chủ nghĩa tân thời.
Điểm nhấn của tòa nhà chính là hai mặt hướng tây và đông hoàn toàn được bao phủ bởi kính giảm nhiệt màu xanh, hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời. Các khoang thoát khí được bố trí ở tầng 6, 16, 28 và 38 có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hai mặt hẹp hơn ở hướng bắc và nam sử dụng đá marbe Vermont.
Khi thiết kế được thông qua, cũng có một số ý kiến không tán đồng bởi nhiều người cho rằng tòa nhà có nguy cơ cháy rất cao. Nhưng trên thực tế, ở đây có hệ thống phòng cháy tốt, đặc biệt là đội ngũ chuyên nghiệp trong việc chống cháy. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng với khoản vốn vay không tính lãi 65 triệu USD từ Chính phủ Mỹ.