Skip to Content

Blog Archives

Lưu ý khi lắp đặt đường điện trong nhà

Khi lắp đặt điện nước theo một quy trình khoa học sẽ giúp căn nhà của bạn trở nên thoáng, không bị chằng chịt bởi dây điện và giúp đảm bảo an toàn hơn trong quá trình sử dụng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số chú ý khi lắp đặt đường điện nước trong nhà một cách  khoa học và an toàn nhất.

1. Đặt đường dây điện nổi

Đây là kiểu lắp đặt phổ biến nhất từ xưa nhưng hiện nay đối với những nhà thi công mới thì hầu như không còn. Hạn chế của kiểu lắp điện kiểu này thường xấu và làm rối mắt. Tuy nhiên, cách lắp này có ưu điểm là dễ kiểm tra đường dây, công lắp đặt thấp và có thể không cần thiết kế trước khi xây nhà, dễ sửa chữa điện khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên bạn cần lưu ý tại những nơi có nguy cơ cháy nổ như bếp, nhà tắm (có lắp bình nóng lạnh), nên dùng dây điện có vỏ bọc bằng vật liệu chống cháy, chịu được công suất tối đa. Dây điện hở nằm trên ban công phải có khoảng cách tối thiểu 2,5 m, trên cửa sổ tối thiểu 0,5 m, dưới ban công và cửa sổ tối thiểu 1 m, cách mặt đất 2,75 m. Trong nhà, dây điện phải cao tối thiểu 2,5 m so với mặt sàn và mặt bằng làm việc.

lap-dat-dien-nuoc-2

2. Đặt đường dây điện chìm

Hiện nay, khi thi công xây dựng nhà cửa đường dây điện đều được thiết kế đặt chìm vào trong tường. Mắc kiểu này có ưu điểm là đẹp, sang trọng, gọn gàng nhưng công lắp đặt cao, phải có thiết kế, tính toán đường dây đi cũng như toàn bộ linh kiện, dây dẫn đi chìm phải bảo đảm an toàn. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc sửa chữa điện, thi công lắp đặt đường điện, chúng tôi khuyên các bạn chú ý là không đặt dây dẫn, cáp điện không có vỏ bọc bảo vệ ngầm trực tiếp trong hoặc dưới các lớp vữa trát tường, trần nhà, những chỗ có thể đóng đinh hoặc khoan lỗ. Không được đặt đường dây điện ngầm trong tường chịu lực khi bề sâu rãnh chôn quá 1/3 bề dày tường. Không được đặt dây dẫn và cáp điện trong ống thông hơi. Cấm đặt dây dẫn dọc mái nhà ở cũng như chôn trực tiếp dưới lớp đất ở ngoài nhà. Dây đi xuyên tường vào nhà phải luồn ống cách điện không cháy và phải tránh nước đọng trên đường dây.

READ MORE

Cách tính chi phí khi xây nhà

Khi chuẩn bị xây dựng một căn nhà mới, một vấn đề mà tất cả các chủ nhà và các chủ đầu tư đều quan tâm là chi phí xây dựng. Việc tính giá thành xây dựng được chia thành 2 bước cụ thể là tính khái toán giá trị xây dựng và tính dự toán chi tiết.

READ MORE

Quan tâm điều gì trước khi tìm đơn vị tư vấn thiết kế nhà?

Đơn giá thiết kế?
Tính đột phá về ý tưởng?
Tất cả các yếu tố trên?
Phong cách chuyên nghiệp ?
Chất lượng các sản phẩm đã thực hiện?
Vấn đề khác?

READ MORE

Vật liệu xây dựng: Chọn sao cho chuẩn?

Lựa chọn vật liệu cho công trình là một yếu tố rất quan trọng trong cả quá trình thiết kế và thi công. Trên thị trường hiện nay, vật liệu rất đa dạng và thông tin rất nhiều, nên lựa chọn vừa dễ mà cũng lại khó…

Lựa chọn đúng, phù hợp chủng loại vật liệu sẽ làm công trình đẹp hơn, bền hơn, và ngược lại; có thể làm xấu đi nếu sự lựa chọn sai lầm, không phù hợp. Mặc dù sử dụng vật liệu loại nào, như thế nào đã được kiến trúc sư định hình, có ý tưởng ngay từ khi thiết kế phương án, thiết kế kỹ thuật. Song tới lúc thi công, vẫn thường có những điều chỉnh, thay đổi nhất định. Có nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân đó là việc… không tìm được tiếng nói chung với chủ nhà.

Phù hợp công năng sử dụng

Vật liệu sử dụng trong công trình kiến trúc, điều đầu tiên phải phù hợp công năng; đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Mỗi không gian, mỗi phòng chức năng, mỗi loại cấu kiện, bộ phận kiến trúc có những vị trí và vai trò khác nhau, cần thiết tới các loại vật liệu có đặc tính cơ – lý – hoá phù hợp. Gạch lát sàn ở nơi có nước (sân, phòng vệ sinh) yêu cầu đầu tiên phải chống trơn trượt, rồi mới tới các vấn đề khác như hoa văn, màu sắc..

gieng-troi-anh-nho-3

Phù hợp không gian sử dụng

Để tạo nên sự hiệu quả đúng chức năng, thì các loại vật liệu cũng cần phù hợp. Ví dụ như phòng khách cạnh sân vườn tầng trệt cần sự thoáng đãng, thoải mái, gần gũi thiên nhiên, có thể dùng các loại vật liệu tự nhiên; phòng sinh hoạt chung trên lầu mang lại sự gần gũi; phòng ngủ cần tĩnh lặng, ấm áp; phòng nghe nhạc, giải trí cần sự ấn tượng…

Phù hợp phong cách kiến trúc – nội thất

Mỗi phong cách kiến trúc – nội thất đòi hỏi các loại vật liệu tương ứng và cách thức sử dụng vật liệu đúng. Phong cách hiện đại có mặt nhiều các loại vật liệu mới như kính, thép, inox…; phong cách cổ điển phương Đông có âm hưởng trầm của màu nâu gỗ với những chi tiết tinh xảo; phong cách dân gian thô mộc có sự góp mặt của các loại vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, đá…

tranh-kinh-trang-tri-2

Phù hợp tỷ lệ

Tỷ lệ là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc. Một số không gian cần sử dụng vật liệu có liên quan đến điều này, nhất là những bề mặt ốp lát. Diện tích một sàn, chiều cao bức tường, không gian của phòng cần những tỷ lệ phù hợp. Phòng vệ sinh thường nhỏ, nên chọn gạch ốp lát có kích thước vừa phải; không nên lớn quá, nếu tính toán chẵn viên thì càng tốt. Nếu sử dụng kích thước gạch lớn, ngoài việc không phù hợp tỷ lệ, thị giác, còn gây hư hao lãng phí do phải cắt bỏ nhiều. Một số loại bộ phận kiến trúc hiện nay được sản xuất tiền chế với nhiều loại kích thước, ví dụ như cửa đi; thì cũng cần căn cứ vào diện tích, chiều cao phòng, khoảng tường chèn cửa để lựa chọn kích thước phù hợp.

Tương quan hoà hợp với xung quanh

Một công trình được sử dụng rất nhiều loại vật liệu, trong nhiều không gian và các không gian đó có liên quan đến nhau. Để có một tổng thể hài hoà, thì cần lưu ý cả điều này.

Sự liên quan đó có thể ở bản thân trong mỗi phòng chức năng, trong phạm vi công trình; hay ra ngoài sân vườn, ngoài ngõ – đường phố. Cần thiết phải xem xét mối tương quan và bao cảnh xung quanh để lựa chọn vật liệu.

Thực ra, nguyên tắc cũng chỉ là nguyên tắc, là một phần chứ không phải là tất cả. Nhưng nó vẫn luôn cần thiết và không bao giờ là thừa.

 

READ MORE

Khắc phục những hạn chế của gỗ trong xây dựng nhà ở

Do những tính chất có thể gọi là nhược điểm như co giãn, cong vênh… nên trong quá trình sử dụng gỗ gặp nhiều phức tạp. Nếu hiểu rõ những thuộc tính của gỗ, người ta có thể khai thác tối đa hiệu quả sử dụng vật liệu tự nhiên quý hiếm này.

Trên thực tế, gỗ có ba đặc điểm: dẻo dai, giãn nở và ở sự liên kết vững vàng. Để dùng gỗ một cách tốt nhất phải hiểu rõ cội rễ và nắm rõ bản chất gỗ khi ứng dụng. Hiểu được điều này tất yếu phải nắm được tính chất gỗ từ nguyên dạng cây xanh.

Trong thớ cây, tom gỗ bao giờ cũng kết hợp nước với xơ thân. Nắm rõ yếu tố trên đối với từng loại gỗ chúng ta sẽ có phương án sử dụng phù hợp nhất. Chu trình tìm gỗ từ thân cây xanh không chỉ phơi thoát hơi nước mà sấy là công đoạn cần thiết nhất, để từng thớ gỗ ổn định, rồi liên kết nhau tạo nên thế giằng. Gỗ khi được biến đổi tính chất sinh học như vậy, đột nhiên trở thành khô cứng, dẻo dai, và chịu mọi sự va đập uốn nắn trong việc tạo hình sau này.

354596124 258724e9d9 m

Vật liệu gỗ luôn gắn kết với kiến trúc và nội thất ngay từ ban đầu. Điều dễ nhận thấy nhất về ưu điểm của gỗ là tính thẩm mỹ mà cụ thể là vẻ đẹp tự nhiên của nó. Một sản phẩm gỗ tự nhiên được cấu tạo bởi những sợi gỗ. Tom gỗ hình thành do giữa sợi gỗ có lỗ rỗng và chính tom gỗ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới yếu tố quan trọng nhất là độ ổn định của gỗ.

Dù biến thể nhưng gỗ lại mang những đặc tính mới, thể hiện thế mạnh và điểm yếu của chất liệu đó. Đôi khi nó mang ưu điểm: ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, có lợi thế bề mặt tự nhiên, có khả năng ứng dụng hoàn hảo trong các chức năng sử dụng. Và đặc biệt gỗ tự nhiên lại mang đầy giá trị thẩm mỹ, hợp với văn hoá và quan niệm của người Việt Nam xưa nay. Nhưng không phải ưu điểm nào cũng cho hiệu quả sử dụng tốt. Dựa vào đặc tính của gỗ, người ta có thể lựa chọn dùng cho từng bối cảnh phù hợp.

Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô nên khả năng co giãn của gỗ thường xảy ra. Nó có thể bị nứt, mối mọt, cong vênh hoặc mục nát theo thời gian. Bởi vậy, việc bảo vệ và gìn giữ được những sản phẩm gỗ là công việc không đơn giản. Việc gia công không tốt sẽ làm phản tác dụng của gỗ. Khi gỗ bộc lộ những nhược điểm như nhạy cảm với thời tiết, biến dạng, cong vênh, co ngót hay nứt nẻ… thì cách khắc phục là gia công tốt, lựa chọn không gian sử dụng phù hợp với tính chất của gỗ.

338158438 22bf96094a m

Thực tế cho thấy, gỗ không kén màu sắc của không gian. Gỗ có thể kết hợp với mọi chất liệu từ thô sần, gai góc, đến bóng nhẵn. Đặc biệt, khi ứng dụng trong điều kiện đòi hỏi sự linh hoạt, gỗ sẵn sàng tồn tại trong những không gian có nhiều kiểu hình khối và phong cách khác nhau, cả hiện đại và truyền thống.

Do vật liệu gỗ sử dụng tương đối dễ trong nhà nên phải tính đến liều lượng. Có nhiều trường hợp lạm dụng quá nhiều về gỗ làm sàn, ốp trên tường, ốp kín cả trần dẫn tới bức bí về màu sắc hoặc dùng vân gỗ một cách bừa bãi gây cảm giác khó chịu.

Điều cần thiết khi sử dụng là biết cân nhắc tỷ lệ giữa gạch, sắt, đá hoa, hay thảm vải, để tương ứng với diện tích gỗ trong một không gian kiến trúc. Để bảo quản tốt gỗ, cần tránh môi trường thời tiết quá khắc nghiệt, không thể để gỗ thường xuyên ngập trong nước, loại bỏ những vỏ ngoài những cây gỗ chưa được lọc hết để tránh mối mọt.

Điều cần thiết khi quyết định sử dụng gỗ là phải xác định rõ mục đích. Mỗi loại gỗ có ưu, nhược điểm khác nhau, và nếu được sử dụng hợp lý sẽ giúp tăng tuổi thọ. Đối với những loại gỗ có thể chịu được nước, nên ưu tiên sử dụng trong môi trường nước. Ngược lại, những loại gỗ cứng nên dùng ở nơi cần va đập.

Thông thường, gỗ mềm có thể sử dụng làm đồ gia dụng. Nhưng gỗ cứng phải được sử dụng làm cầu thang, sàn nhà, nơi thường chịu lực. Gỗ muốn dùng hợp lý, không chỉ ứng biến tuỳ theo chất liệu đi kèm, màu sắc chủ đạo, hay tỷ lệ tương quan, mà nó phải được tôn trọng theo phong cách kiến trúc của chính ngôi nhà.

Để kết hợp với nhiều loại vật liệu khác, người ta phải nắm được tính ổn định và biến dạng của gỗ, vì bên cạnh yêu cầu về màu sắc, gỗ còn phải có tính chất lý, hoá phù hợp với kết cấu, biến dạng, chịu lực.

READ MORE

Làm sao để có nhà đẹp? (Phần 2)

Khi đề bài được ra khá chặt chẽ, cụ thể, người “giải bài” có đầy đủ bản lĩnh và có nghề thì coi như ngôi nhà đã đẹp được hơn 70% (không tính yếu tố tài chính). Vấn đề còn lại là chọn thầu thi công.

Thầu thi công là người “giải mã” ngôn ngữ  của giấy bút bằng chất liệu, hình thể, công năng… Gặp trường hợp thi công không đúng thiết kế do thầu kém tay nghề… thì chủ nhà rất nên áp dụng giải pháp xấu nhất là đổi thầu thi công, thậm chí phải đổi nhiều lần dể di đến đích cuối cùng là tạo ra ngôi nhà đẹp.

phong-khach-dep1-22fjk5zzfbez9h9

Vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất… cũng là những yếu tố góp phần ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng kết cấu, thẩm mỹ ngôi nhà. Công việc xây dựng ở một tỉnh lẻ có những hạn chế nhất định, từ phương pháp thi công đến sử dụng chủng loại vật liệu. Song tôi nghĩ, mỗi vật liệu có ngôn ngữ riêng mà nếu được sử dụng hợp lý sẽ tạo hiệu quả tốt. Ngày nay có không ít vật liệu trang trí đảm bảo cho ngôi nhà sang trọng hay lạ mắt. Tuy nhiên, vật liệu rẻ tiền mà được sử dụng bởi một bàn tay có nghề giúp nó “nói lên” đầy đủ ngôn ngữ của chính nó thì công trình chưa chắc đã “rẻ tiền”. Ngược lại, nếu vật liệu đắt tiền bị lạm dụng thì ngôi nhà vẫn có nguy cơ trở nên “rẻ tiền”.

Theo như những phân tích ở trên thì yếu tố nào cũng quan trọng cả. Nhưng cái nào là quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của những người từng xây nhà truyền lại thì tất cả mọi nguồn gốc của vấn đề đều nằm ở chủ nhà. Trong mọi trường hợp, để có nhà đẹp, chủ nhà cần được “khai thị”, tức là cần có khái niệm về thẩm mỹ, công việc thiết kế, thi công và phải biết “chọn mặt gửi vàng”.

READ MORE

Chủ đầu tư – Bạn là ai?

“Trong khoảng 10 năm qua đã có nhiều thay đổi đáng kể về nhận thức, nhu cầu và cách ứng xử của Chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở tư nhân (mà tôi xin dùng đại từ Bạn để bắt đầu câu chuyện của mình). Chính Bạn đã góp phần thúc đẩy những người làm công tác chuyên môn như Nhà Tư vấn thiết kế, nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ và vật liệu…cũng phải chuyển mình theo, năng động hơn và cạnh tranh hơn để có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của Bạn.”

Thực ra vẫn có nhiều người làm nhà khoẻ re, nhiều người làm nhà xong đã trở thành tri kỷ với người thiết kế vì đã biết làm chủ nhà một cách chuyên nghiệp và gặp đúng người chuyên nghiệp.

Chân dung những người Bạn!

Bạn khá già và cũng khá trẻ, bằng chứng là khá nhiều các cô cậu chủ nhà thuộc thế hệ 8x, ra riêng sớm và được chủ động về chuyên môn lẫn tài chính suốt quá trình xây nhà. Cũng lại có rất nhiều chủ nhà ở lứa tuổi U80 còn khá tráng kiện, gạt hết con cháu ra để tự mình làm việc với Kiến trúc sư và Nhà thầu, tự mua vật tư và chạy giấy phép, hoàn công…mà lớp trung niên cũng phải nể.

Một chủ nhà khác mà tôi muốn nói đến là dạng chủ đầu tư xây dựng công trình kiểu “cha chung không ai khóc” hoặc chủ đầu tư xây nhà qua loa để bán hoặc chủ đầu tư ảo, thích thì tìm hiểu cho vui vì chưa biết lúc nào sẽ xây.

Bạn cần gì?

Phần lớn Bạn rất kỳ vọng về ngôi nhà của mình. Bạn lên mạng download ào ào các mẫu nhà Tây Tàu đủ cả. Cũng may là Bạn chỉ thường tham khảo mà thôi! Nhưng Bạn cũng “pressing” cho giới hành nghề kiến trúc như Tôi phải vận động nhiều hơn để chiều được ý Bạn.

Cũng có khi nhu cầu của Bạn rất bình thường hoặc hời hợt theo kiểu cho gì nhận nấy, song, cũng có khi Bạn…thay đổi xoành xoạch “sáng nắng chiều mưa” đến nỗi nhiều nhà chuyên môn phải thốt lên rằng sao làm nhà ở tư nhân bây giờ khó chiều quá! Có những nhu cầu của bạn là xác thực, có nhu cầu ở thì tương lai xa (mà cũng gần) như xe hơi, phòng spa tại gia…Lại có nhiều nhu cầu khá mơ hồ, nếu nhà chuyên môn không tỉnh táo sẽ rất dễ bị lạc lối mê cung. Do đó có không ít ngôi nhà đã được làm theo lối …tới đâu hay tới đó khá tuỳ tiện và dễ phát sinh.

Bạn đã từng đi đây đi đó. Bạn thu thập cũng không ít đồ đạc, kiểu dáng, vật liệu…và Bạn quyết tâm đưa chúng vào nhà của Bạn. Nếu có điểm dừng, đó là một lợi thế không nhỏ, nhưng tiếc thay, hình như có nhiều Bạn cũng chưa chuyên nghiệp trong vấn đề này. Kết quả là lắm khi nhà Bạn trở thành một dạng tủ kính trưng bày kiểu…đa quốc gia, khiến người làm chuyên môn phải than trời. Một thời, những “củ hành củ tỏi” mọc lên như nấm, một thời, báo chí đã phải kêu trời: Em ơi, Hà nội chóp!

biet-thu-pho-dep-anh-nho-1

Bạn cũng cần chuyên nghiệp!

Vì Bạn có nhiều nhu cầu nên Tôi đành phải kêu lên: làm chủ nhà cũng cần phải chuyên nghiệp! Chắc Bạn sẽ ngạc nhiên: xây nhà đời người có một hai lần, làm gì mà chuyên nghiệp được?

Ồ không Bạn ạ! Có phải cứ trải qua chuyện gì rồi là chuyên nghiệp được ngay đâu? Vấn đề nằm ở quan niệm, ý thức, cung cách của Bạn khi làm việc với những nhà chuyên nghiệp khác, để Bạn trở thành chuyên nghiệp hơn, cũng là có lợi cho Bạn hơn. Tức là Bạn chỉ cần ý thức Bạn luôn là chủ nhà – Vai trò thật cao cả và quan trọng, không hơn mà cũng không kém – chứ Bạn không phải là nhà thiết kế hoặc nhà thầu. Niềm hạnh phúc của Bạn chính là chỗ đó, vì Tôi đã từng thấy nhiều khổ chủ là Kiến trúc sư xây nhà cho mình cũng dằn vặt thâu đêm và bơ phờ râu tóc lắm, Bạn ạ!

Bạn cũng là người có thể biết khá rành hoặc không biết chút gì về Kiến trúc – xây dựng và trang trí nội thất. Không sao! Bởi không biết thì Bạn mới cần tìm hiểu. Yếu tố cốt lõi Bạn cần có thêm chính là lòng tin vào người chuyên môn, biết cách tôn trọng giá trị thiết kế, có quan điểm rõ ràng và minh bạch về công việc cũng như chi phí xứng đáng phải trả cho người làm chuyên môn. Khi đó, Bạn sẽ nhận thức lại được rất nhiều, chứ không phải chỉ là “có mấy bản vẽ sao mà đắt thế?” như một số người hay kêu! (Tất nhiên, nếu Bạn gặp những “gương mặt thiết kế” có vấn đề thì Bạn vẫn có quyền kêu, và chúng ta sẽ bàn về chuyện kêu ca chính đáng đó ở một bài viết khác).

Đừng đảo ngược vai trò!

Ở một thái cực khác, Bạn lại quá tin tưởng nhà chuyên môn, đem con bỏ chợ, phó thác hoàn toàn cho những người sẽ không hề ở trong ngôi nhà mà họ xây cho Bạn. Kết quả tuỳ chọn: Một là Bạn có được ngôi nhà như ý…của họ vì Bạn không quyết được gì cả. Hai là Bạn được những bản sao nhạt nhoà của các thể nghiệm bất thành. Ba là Bạn không nhận ra nổi những “ự do sáng tác” trong nhà mình. Bốn là Bạn tiền mất tật mang và tệ hơn cả là lôi nhau ra toà, mà thiệt thòi trước tiên về thời gian, tiền bạc vẫn luôn là …Bạn. Cứ thế, Bạn được gọi chung là những “khổ chủ”.

Lúc đầu trước khi xây nhà, Bạn là người có tiền và nhà thầu có kinh nghiệm. Còn khi xây nhà xong thì vai trò đổi ngược lại, Bạn là người có kinh nghiệm còn nhà thầu thì có tiền

Ngôi nhà dù xây dựng hoàn hảo đến đâu vẫn chưa hề có phần hồn mang đậm hơi thở cuộc sống của Bạn, chưa có màu của những kỷ niệm hay sắc của những dấu ấn thời gian mà tự tay Bạn cùng những người thân phải góp phần chăm chút nên. Nghĩa là ngôi nhà ấy vẫn cần sáng tạo thêm một lần nữa, sáng tạo bởi chính chủ nhân của nó. Có như thế, đó mới là Nhà Bạn chứ!

Hình như chân dung Tôi vẽ Bạn không được tươi tắn lắm Bạn nhỉ? Thực ra vẫn có nhiều người làm nhà khoẻ re, nhiều người làm nhà xong đã trở thnàh tri kỷ với người thiết kế vì đã biết làm chủ nhà một cách chuyên nghiệp và gặp đúng người chuyên nghiệp. Tất nhiên, không có lửa làm sao có khói? Nhà thiết kế – tức là Tôi đây – cũng góp mặt khá nhiều. Và Tôi sẽ phác hoạ chân dung tự hoạ mình trong bài viết sau, Bạn nhé!

READ MORE

Đối phó với phát sinh khi xây nhà

Khi căn nhà gần hoàn thiện là lúc xuất hiện nhiều phát sinh nhất. Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tế của những người đã từng trải qua giai đoạn này.

Bà Lan Phương, chủ một căn nhà ba tầng lầu xây từ hai năm trước trên đường Phổ Quang, quận Phú Nhuận kể: “Nói đến xây nhà tôi còn rùng mình. Tôi thuê kiến trúc sư thiết kế, theo bản vẽ đó tôi thuê thầu xây nhà và tự mua sắm vật tư. Thực ra ban đầu tôi có gọi khoán. Người ta đưa ra giá khoán gọn là 950 triệu đồng, thời giá hồi đó. Tôi đi hỏi người quen và chẳng biết lúc tính như thế nào mà thấy rẻ hơn được đến 30 triệu. Thế là tôi không khoán nữa mà tự mình đi lo vật tư. Cuối cùng thì phát sinh nhiều hơn số tiền mà mình tính sẽ tiết kiệm được”.

Nhưng thiệt hại nhiều nhất là thiệt hại về thời gian. Bà Lan Phương nói: “Đến lúc chọn thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát cho phòng vệ sinh và hệ thống đèn trong nhà thì tôi thật sự bị ngợp. Tôi bị ngợp giữa cả trăm mẫu gạch, trăm loại giá và rất nhiều lời khuyên của người bán, của thợ, lời khuyên nào cũng có vẻ có lý. Sáng chọn gạch màu xanh, trưa đổi sang màu hồng, chiều tối lại thấy màu nâu mới hay. Có những lúc tôi phải quyết để cho công việc xong. Bây giờ nhìn lại, thấy phòng vệ sinh nhà mình tốn rất nhiều tiền mà lại không đẹp và bất hợp lý nữa. Chẳng lẽ lại đục lên làm lại?”

nha-biet-thu-dep-anh-nho-2

Đó là một trong những khó khăn mà các chủ nhà thường gặp phải khi xây nhà. Cũng có những chủ nhà có kinh nghiệm hơn hoặc gặp được người tư vấn rành việc nên biết xử lý công việc trong giai đoạn hoàn thiện. Ông Ngô Đăng Cường, chủ nhà số 100 Nguyễn Thanh Tuyền, phường 2, quận Tân Bình kể: “Lúc mới đào móng xây nhà, đổ tấm, ngày nào qua công trường cũng thấy thay đổi, ngôi nhà thành hình dần, thấy công việc rất chạy. Khi ngôi nhà đã xong phần thô, bước vào hoàn thiện lại thấy công việc như chậm hẳn lại vì ngày nào ghé công trường cũng thấy ngôi nhà vẫn có từng đó. Thế là sốt ruột sinh lo lắng, muốn điều chỉnh. Thực ra, theo tôi, để không bị ảnh hưởng bởi tâm lý này, cần nắm vững tiến độ. Nghĩa là chủ nhà phải có một bảng liệt kê công việc theo thời gian cho rõ ràng, ngày này tuần này ngôi nhà phải làm đến đâu. Từ đó, biết trước việc mình phải làm. Nắm vững được cái này thì sẽ biết cái gì làm trước, cái gì làm sau, đỡ rối. Thường vào cuối năm, nhiều khi thợ thầu cùng giục đẩy nhanh tiến độ, ai cũng muốn phần việc mình nhanh xong, nếu mình không nắm được tiến độ là chồng chéo lên nhau”.

Ví dụ mà ông Cường đưa ra là sơn nước, làm lan can, hoa cửa và lát gạch. Ông yêu cầu sơn nước làm dứt điểm việc trét ma tít, sơn lót, sơn phủ. Thợ sắt cũng phải hoàn chỉnh việc hàn, sơn lót sơn phủ bông cửa. Sau đó mới lót gạch. Lót xong, thợ sơn chỉ còn việc sơn giặm, hạn chế việc dùng giàn giáo. Ông rút kinh nghiệm này ở nhà một người quen, trong lúc đợi thợ sắt, thợ sơn vì bản thân thợ cuối năm phải làm nhiều công trình, ông thầu đòi cho bên hồ lát gạch trước. Lát xong, thợ sơn vào bắc giàn giáo, thợ sắt vào hàn. Dù cẩn thận đến mấy, sàn gạch cũng bị hư ít viên.

Ông Ngô Phước Minh, chủ nhà số 164/16 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8 Phú Nhuận thì chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi làm nhà có kiến trúc sư tư vấn lại khoán gọn từ A đến Z. Dù vậy, là chủ nhà tôi vẫn phải theo dõi công trình và làm những phần việc của chủ nhà đặc biệt là lúc hoàn thiện. Trong khâu hoàn thiện, có ngày có đến cả mấy chục thợ vào làm việc trong nhà mình mà vẫn không thấy rối. Về chuyện vật tư, dù đã khoán, trong hợp đồng có ghi rõ chủng loại vật tư, giá cả nhưng trước ngày thi công, vẫn phải xem tận mắt mẫu gạch, mẫu thiết bị vệ sinh… xem có phù hợp hay không để còn đổi kịp trước lúc giao”. Theo ông Minh, điều quan trọng là bố trí phòng, mình phải trao đổi với kiến trúc sư để biết trước công việc, để đến khi thi công không phải sửa đổi. Ví dụ như phải hình dung giường nằm ở đâu, công tắc điện ở đâu, chỗ nào cần giắc cắm cho điện thoại, cho máy tính nối mạng… Quá trình trao đổi với kiến trúc sư có thể có ý kiến khác nhau, phải xét kỹ theo ý mình nhưng khi gút, nên nghe theo người có chuyên môn vì mình tuy gọi là có kinh nghiệm cũng chỉ xây vài ba căn nhà, đâu thể nào bằng người chuyên đi xây nhà và đã xây đến hàng trăm căn.

READ MORE

Cách tính giá thành khi xây nhà

Khi chuẩn bị xây dựng một căn nhà mới, một vấn đề mà tất cả các chủ nhà và các chủ đầu tư đều quan tâm là giá thành xây dựng. Việc tính giá thành xây dựng được chia thành 2 bước cụ thể là tính khái toán giá trị xây dựng và tính dự toán chi tiết.

Tính khái toán giá trị xây dựng

Việc tính khái toán giá trị xây dựng dựa vào số liệu thống kê và kinh nghiệm của các nhà thầu xây dựng. Sau nhiều công trình và thực hiện tổng kết chi tiết cuối công trình, nhà thầu có kinh nghiệm sẽ tìm được những hàm số thống kê tương quan giữa giá thành và một biến số nào đó. Thông thường và dễ gặp nhất là mối tương quan giữa diện tích xây dựng và giá trên một đơn vị diện tích. Ví dụ: chúng ta thường nghe nói giá xây dựng nhà ở hiện nay là 2,8 triệu đồng/m 2 .

Như đã trình bày ở trên, việc tính khái toán dựa vào đơn giá/m2 là dựa vào thống kê nên chắc chắn sẽ có nhiều sai số và độ tin cậy phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng mẫu thống kê. Cụ thể là nhà thầu phải có nhiều công trình về hình dáng, chất lượng hoàn thiện về kết cấu, địa chất, địa tầng tương đồng để có được một kết quả thống kê tin cậy. Điều này thật khó trong điều kiện hiện nay, bởi khi các Hiệp hội Xây dựng, Hiệp hội Kiến trúc chưa thể đứng ra tập hợp và phân tích số liệu này thì các nhà thầu đơn lẻ rất khó có được số liệu tin cậy. Thông thường, độ sai lệch của giá trị khái toán tính trên đơn giá xây dựng/m2 hiện nay khá cao, có thể sai số hơn 10% và có trường hợp cá biệt lên đến 50%.

Tham khảo ý kiến của các nhà thầu xây dựng hiện nay trên địa bàn TP.HCM ở các vùng nội thành, đơn giá xây dựng/m2 được tính trung bình từ 2,6 – 3 triệu đồng cho mỗi m2 diện tích xây dựng (lưu ý không bao gồm tường rào, sân vườn và các trang bị nội thất). Diện tích xây dựng này được hiểu là diện tích của tầng trệt, các tầng lầu kể cả ban công. Nếu nhà mái ngói, các nhà thầu xây dựng thường cộng thêm 30 – 50% đơn giá cho phần mái ngói, có nghĩa là cộng thêm từ 780.000 -1.300.000đ cho một m2 mái ngói.

thiet-ke-biet-thu-dep-anh-nho-1

Ví dụ: Xây một ngôi nhà diện tích tầng trệt là 100 m2, xây một trệt hai lầu và mái ngói thì giá trị xây dựng được tính như sau: 100 x 3 x 2.600.000 + 100 x 2.600.000 x 1/3 = 867.000.000đ.

Lưu ý: Đơn giá trên chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng trong nội thành. Ở các quận ngoại thành như Nhà Bè, quận 2, quận 9 có cấu tạo địa chất yếu nên đơn giá xây dựng phải tăng lên, cụ thể tăng thêm từ 20 – 30% giá trị xây dựng cho việc gia cố móng. Theo ví dụ trên, nếu ngôi nhà 100m2 được xây ở Nhà Bè thì giá trị khái toán sẽ là 1.156.000.000đ (tức tăng thêm 289 triệu đồng).

Tính dự toán chi tiết

Đây là phương pháp tính chính xác nhất để tính ra giá thành xây dựng. Để lập được một dự toán cho căn nhà chuẩn bị xây, điều tiên quyết là công trình xây dựng dự kiến phải được hoàn tất đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết, bao gồm hồ sơ khảo sát địa chất, hồ sơ thiết kế kiến trúc, hồ sơ thiết kế kết cấu, hồ sơ thiết kế hệ thống cấp thoát nước, hồ sơ thiết kế hệ thống điện, điện thoại, máy tính, camera bảo vệ… Dựa trên những bản vẽ thiết kế này, các dự toán viên sẽ tính được dự toán chi tiết của công trình xây dựng. Kết quả tính toán của các dự toán viên sẽ cho chúng ta 3 bảng tính toán quan trọng sau:

1.Bảng tiên lượng dự toán: Trong bảng này là khối lượng chính xác của tất cả các công việc, hạng mục phải thực hiện từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn tất công trình. Ví dụ: trong công trình sẽ phải xây bao nhiêu m2 tường bằng gạch ống có độ dày 100cm, phải đổ bao nhiêu khối bê tông sàn, cột…

2. Bảng tổng hợp kinh phí vật tư: Bảng này liệt kê chính xác số lượng và đơn giá thị trường của tất cả các chủng loại vật tư sẽ được sử dụng. Ví dụ: phải sử dụng bao nhiêu tấn xi măng, thép, bao nhiêu viên gạch ống, gạch thẻ và giá tiền là bao nhiêu…

3. Bảng tổng hợp kinh phí dự toán: Trong bảng này, dự toán viên sẽ chỉ rõ chi phí cho phần vật liệu, nhân công và các chi phí khác khi xây dựng công trình. Đây là kết quả dự toán cuối cùng có độ chính xác cao, sai số nhỏ hơn 5% cho việc định giá một công trình.

Như vậy, tuỳ vào tính chất quan trọng của công trình, tuỳ vào mức độ chấp nhận rủi ro và sai số, các nhà đầu tư có thể chọn một phương án có độ sai số cao nhưng nhanh chóng, đơn giản (phương pháp tính khái toán) hay chọn cho mình một phương pháp quyết định độ tin cậy (tính dự toán chi tiết).

 

READ MORE

Xây nhà …qua ảnh, nên chăng?

Ông Nguyễn Văn Minh tại Bà Rịa – Vũng Tàu là một điển hình tiêu biểu của việc xây nhà không bản vẽ. Lẽ ra phải nhờ kiến trúc sư tư vấn, ông bà lại tự mình thiết kế theo kiểu đi “săn” ảnh đẹp và bắt chước theo đó.

Gia đình ông Minh có miếng đất nằm trên quốc lộ, bề ngang 5 m và dài 30 m. Con của ông ở nước ngoài yêu cầu ông xây căn nhà một trệt, một lầu, riêng trên lầu, sẽ xây 3 phòng ngủ, một nhà vệ sinh chung để mỗi khi về quê thì các con, cháu ông có nơi nghỉ ngơi cho thoải mái. Lẽ ra phải nhờ kiến trúc sư thiết kế hoặc tư vấn, hai ông bà lại chở nhau đi khắp nơi gần tuần lễ với chiếc máy ảnh, chụp và rửa ra đến vài chục kiểu nhà. Sau khi chọn được trong số ấy mẫu nhà ưng ý nhất, ông bà mời nhà thầu đến. Ông thầu xem qua tấm ảnh mẫu, cam kết sẽ làm được, và đưa ra con số dự trù chi phí vào khoảng 250 triệu đồng. Thế là hai bên giao kèo miệng với nhau.

Nhưng xây dựng một ngôi nhà, không đơn giản chỉ nhìn vào tấm ảnh chụp mặt tiền. Điều quan trọng chính là thiết kế xếp đặt bên trong sao cho phù hợp với sinh hoạt của chủ nhân. Mặt khác, phải biết tận dụng gió trời và ánh sáng tự nhiên để tạo sinh khí cho ngôi nhà. Ông bà Minh cũng rủi là gặp thầu “non tay”, không biết cấu trúc các phòng của nhà mẫu ra sao, nên tự mình xếp đặt. Sau 7 tháng, nhà làm xong, giá thành lên tới gần 400 triệu đồng.

nha-tang-lung-anh-nho-1

Những tưởng có nhà đẹp sẽ làm ông bà sung sướng và hạnh phúc hơn, nhưng căn nhà ấy lại là nỗi xấu hổ và luôn làm cho ông bà tức giận khi ai đó đề cập đến. Bởi vì căn nhà làm xong không đúng như cam kết ban đầu, kể cả mặt tiền. Đã thế các phòng ngủ bên trong lại tối tăm và nóng nực khiến người vào ở không chịu nổi. Nhà 5 m bề ngang, nhà thầu chừa ra đến 2,5 m để trổ cầu thang nên không còn đất để xây phòng. Kết quả là ông Minh phải bỏ ra một số tiền lớn để gắn thêm điều hòa cho mỗi phòng ngủ, điều không có trong dự toán ban đầu, cũng không cần thiết với không khí thoáng đãng, trong lành ở nông thôn. Những bậc thang lại quá cao (25 cm), không phù hợp với thể hình người bình thường, nên mỗi lần lên xuống là cả một “cực hình” cho hai ông bà.

Một sai lầm trầm trọng khác trong ngôi nhà, đó là hệ thống thoát nước luôn ứ nghẹt. Do đường ống ngầm dưới nền quá nhỏ (phi 60 – đường kính 60 mm) nên chỉ sau một năm sử dụng, các chất bẩn bám khiến lòng ống bị thu hẹp lại, dòng chảy bị cản, nước dâng trên mặt nền phòng tắm mỗi khi xả nước nhiều. Trần nhà nước thấm loang lổ rêu mốc trông quá bẩn mắt. Các con về thăm cha mẹ dự định ở lại một tháng, nhưng phải ra đi sớm vì không chịu nổi nóng bức, ngột ngạt khiến mấy đứa cháu rôm sảy nổi đầy người.

Quanh vùng, không chỉ một mình ông Minh bị “dính” trường hợp như thế này. Có nhiều nhà thầu không hề học qua bất kỳ trường lớp chuyên môn nào, nhất là ở nông thôn. Thậm chí văn hóa phổ thông có khi còn chưa qua hết cấp 2. Họ thường khởi đầu công việc là anh thợ nề, nhờ “sống lâu lên lão làng”, có đủ “uy” gom thợ, biết được đầu việc là trở thành thầu. Sau khi quy tụ một số cánh thợ, họ bèn đứng ra nhận thầu. Đã có trường hợp ông thầu không đọc được bản vẽ, không hiểu các ký hiệu ghi trong đó. Đây là một sự thật phũ phàng, vô phúc cho gia chủ khi giao ngôi nhà cho họ thực hiện.

Lại có nhà thầu, vì nhận một lúc vài căn nhà mà thợ thuyền không đủ số nên phải gian lận trong các công đoạn để chạy công. Chính vì thế, nhiều căn nhà chỉ sau vài năm là nứt nẻ, thấm dột, bong tróc… xuống cấp quá nhanh.

Ở các vùng đang đô thị hóa, khi quyết định mua một chiếc xe máy giá trị chỉ mươi triệu, nhiều người hết sức đắn đo, đi dò hỏi nhiều nơi, thậm chí còn nhờ cả thợ sửa xe đi mua cùng. Sự cẩn thận như thế được xem là “khôn ngoan”. Nhưng khi xây ngôi nhà trị giá vài trăm triệu, là sản nghiệp một đời thì có gia chủ lại “ngu ngơ” đem giao phó hoàn toàn cho nhà thầu thi công.

Việc nhờ kiến trúc sư thiết kế, thực hiện bản vẽ cho ngôi nhà dĩ nhiên sẽ phải trả một khoản phí nhất định, nhưng gia chủ sẽ được bảo đảm về kỹ thuật, về giá trị không gian sử dụng và tính thẩm mỹ. Khi bàn bạc với kiến trúc sư, gia chủ cho biết ý định về ngôi nhà của mình, từ ý tưởng ấy, kiến trúc sư sẽ thể hiện ra trên giấy. Những thông số được tính toán, các bố cục không gian, chất liệu, màu sắc được chỉ định cho ngôi nhà… sẽ tránh được sự tùy tiện của nhà thầu, tránh được những sai lầm đáng tiếc về sau.

READ MORE