Khi xây nhà không chỉ cần chú ý đến phong thủy trong nhà mà cũng cần chú ý đến phong thủy cảnh quan xung quanh. Cảnh quan xung quanh tạo nên sinh khí cho ngôi nhà.
Cách chọn Vật liệu Xây dựng khi xây nhà
Chọn vật liệu xây dựng (VLXD) là công việc khó khăn với tất cả mọi người. Dù bạn chọn phương án khoán công hay khoán trắng bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ về VLXD. Vật liệu xây dựng quan trọng nhất là cát, gạch, thép, đá, nước và xi măng. Chúng tôi sẽ liệt kê một số điểm quan trọng để giúp bạn có được những tiêu chuẩn chung và có thể chọn từ những cái có sẵn.
1. Xi măng
Xi măng là một chất gắn kết các thành phần cát, đá và nước lại với nhau để hình thành đá nhân tạo (bê tông). Xi măng là thành phần quan trọng nhất trong công tác xây tô, và đổ bê tông. Chọn xi măng thích hợp sẽ đảm bảo sự vững chắc cho công trình xây dựng. Nên lựa chọn nhãn hiệu xi măng uy tín, có danh tiếng và được sự tin tưởng của nhà thầu cũng như kiến trúc sư.
Có thể phải tốn thêm chi tiết rất lớn sau này để sửa chữa nếu như tiết kiệm một vài nghìn đồng khi mua xi măng để xây rồi bạn không thể thay thế hoặc cải thiện nó như với mái ngói hoặc với một số các thứ khác. Nếu nó kém chất lượng bạn phải đập bỏ để làm lại. Chi phí mua xi măng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị của công trình. Thông thường xi măng chiếm khoảng 7% – 9% tổng giá trị công trình. Vì vậy khi lựa chọn xi măng, bạn hãy chắc chắn mình đã quyết định đúng.
2. Cát
Cát chất lượng có thể được xác định một cách dễ dàng bằng cách lấy một vốc cát rồi nắm tay lại. Bầt kỳ chất bẩn nào (như bùn) sẽ dính lại vào lòng bàn tay bạn. Trong cát có đất sét, sạn hay các chất bẩn khác có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công trình. Chúng cần được sàng lọc ra khỏi cát trước khi sử dụng. Một phương pháp kiểm tra khoa học hơn cách trên là đổ cát vào nửa bình thuỷ tinh, thêm một ít nước vào rồi quấy lên.
Cát sẽ lắng xuống đáy, cát chất bẩn sẽ xuất hiện rõ. Có một nguyên tắc là nếu hàm lượng bùn hoặc bụi bẩn vượt quá 3% tổng trọng lượng cát thì cát đó cần được làm sạch trước khi sử dụng. Tóm lại cát chất lượng là cát không thể chứa đất sét, chất bẩn, mica hay vỏ sò, … Không nên sử dụng cát nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn trong bê tông và xây thô.
3. Đá
Cốt liệu thô thường là những viên đá nhỏ tăng thêm sức chịu lực của bê tông. Đá sử dụng cho bê tông thông dụng hiện nay là đá 1×2 (kích thước hạt lớn nhất 20mm – 25mm).Cốt liệu đá phải sạch tạp chất khi đưa vào trộn bê tông
Trong khi lựa chọn đá, bạn cần lưu ý những yếu tố sau:
– Đá thông dụng có dạng hình khối, không có nhiều tạp chất và ít thành phần hạt dẹt;
– Cần loại bỏ ngay lập tức các tạp chất bằng cách sàng và rửa;
4. Nước
Nếu bạn sử dụng nước máy từ hệ thống cấp nước thì không cần phải lo. Trường hợp bạn dùng nước giếng hay nguồn khác thì nước cần phải sạch, không có chất bẩn. Tuyệt đối không dùng nước biển, nước phèn, nước ao hồ, nước lợ, nước có váng dầu, mỡ để xây nhà đẹp. Lượng nước phù hợp với tỷ lệ xi măng sẽ giúp công trình vững chắc.
5. Bê tông và vữa
Bê tông là loại vật liệu xây dựng đá nhân tạo được hình thành bằng cách đổ khuân và làm rắn chắc hỗn hợp với tỷ lệ hợp lý của các thành phần gồm xi măng, nước, cát và phụ gia nếu có. Trong đó:
– Đá và cát (cốt liệu) đóng vai trò là bộ khung chịu lực;
– Chất kết dính và nước (hồ) bao bọc xung quanh hạt cốt liệu đóng vai trò là chất bôi trơn và đồng thời lắp đầy các khoảng trống giữa các hạt cốt liệu;
– Vữa là hỗn hợp gồm cát, xi măng và nước theo một tỷ lệ nhất định;
Bạn cũng cần lưu ý đến công tác bảo dưỡng. Chất lượng bê tông và vữa sẽ giảm (cường độ không đạt thiết kế ) nếu không có chế độ bảo dưỡng hợp lý và đúng cách:
– Đối với vữa xây tô: nên bảo dưỡng ẩm liên tục từ 7-10 ngày
– Đối với bê tông: Nên bảo dưỡng liên tục từ 10-14 ngày
Lưu ý:
– Nên sử dụng bê tông mác ≥250 (tỷ lệ 2:3:5 – 1 bao xi măng + 3 thùng đá) đối với các cấu kiện: Cọc bê tông cốt thép, móng, đá kiềng, công trình ngầm, cột, sàn sân thượng;
– Nên sử dụng mác bê tông ≥ 200 ( tỷ lệ 1:2:3 – 1 bao xi măng + 4 thùng cát + 6 thùng cát) đối với các chi tiết còn lại;
– Vữa xây sử dụng tỷ lệ: 8 thùng cát (tỷ lệ 1:4), cát sử dụng có độ lớn ≥ 2 (sử dụng cát bê tông càng tốt).
– Vữa tô sử dụng tỷ lệ: 10 thùng cát (tỷ lệ 1:5), nếu sử dụng cát quá nhỏ nên dùng tỷ lệ 1:4 hoặc 1: 4.5
– “Thùng” ở đây là thùng sơn hoặc xô 18 lít. Lưu ý là các xô tôn thường có dung tích nhỏ hơn.
6. Gạch
Gạch có thể kiểm tra được thông qua quan sát. Thường có thì gạch tốt cần phải có hình dạng chuẩn với những góc cạnh sắc. Màu sắc tương đồng nhau cùng bảo đảm chất lượng tốt. Và sau đây là các cách kiểm tra gạch chất lượng:
– Khi làm vỡ một viên gạch, nó sẽ không vỡ vụn ra thành nhiều mãnh nhỏ;
– Đập 2 viên gạch vào nhau, gạch chất lượng sẽ phát ra âm thanh dứt khoát;
– Thử làm rơi một viên gạch ở độ cao khoảng 1 mét, gạch tốt sẽ không bị vỡ;
– Ngâm viên gạch vào trong nước khoảng 24 h sau đó kiểm tra trọng lượng của nó. Nếu trọng lượng nặng thêm hơn 15% bạn không nên sử dụng loại gạch này.
7. Thép
Bê tông có sức chịu lực nén tốt những chịu lực kéo và lực uốn kém. Để khắc phục điều này thanh thép cần phải được đặt trong bê tông để có thêm sức chịu lực cần thiết. Do đó mới xuất hiện thuật ngữ bê tông cốt thép. Hãy lựa chọn thép từ những thương hiệu uy tín trên thị trường. Bạn nên tham khảo kích cỡ và chủng loại thép từ kiến trúc sư của bạn.
Lưu ý:
Thép xây dựng gia công thường có đường kính nhỏ hơn thông số ghi trên thanh thép. VD: Thông số là phi 12 thì thực tế chỉ là phi 10.
8. Cốp pha
Cốp pha được sử dụng để làm khuôn đổ bê tông. Cốt pha phải đúng kích thước thiết kế mới đảm bảo được khả năng chịu lực của bê tông. Thực tế đây là việc của nhà thầu. Bạn có thể lưu ý với giám sát của bạn vấn đề này khi tiến hành xây dựng.
9. Thiết bị điện, nước
Các thiết bị này sẽ được lắp đặt bên trong công trình vì thế bạn nên chọ những sản phẩm có xuất xứ và chất lượng uy tín đồng thời có thiết kế phù hợp với ngôi nhà.
Kiêng kỵ đúng và đủ khi xây nhà
Trước tiên cần xác định rõ về vấn đề thời điểm và kiêng kỵ trong xây nhà. Nhiều gia chủ xem ngày giờ dày đặc mọi công đoạn khi làm nhà, thực ra là không cần thiết. Theo các kiêng kỵ của dân gian và tư liệu phong thuỷ chính thống thì chỉ cần xem xét ngày giờ khởi công và nhập trạch (đầu và cuối) là đủ. Phần còn lại hãy để nhà thầu, đội thợ tuỳ cơ ứng biến, miễn sao hợp với tiến độ đề ra, thuận thời tiết khí hậu, đảm bảo kỹ thuật. Chứ nếu vì ngày giờ tốt mà đúc bêtông lúc nửa đêm, đào móng hôm trời mưa hoặc lợp mái ngày sấm chớp thì không hợp lý, thiếu khoa học, vi phạm an toàn lao động nữa.
Tiếp theo là vấn đề hoàn thiện mức nào thì dọn vào ở, và nếu nhà chưa xong phần nội thất thì có phải là phạm phong thuỷ chăng? Lần ngược lại lịch sử văn hoá ăn ở truyền thống của dân tộc ta sẽ thấy ngôi nhà thời xưa hầu như không tách phần thô và phần hoàn thiện. Nhà bằng khung gỗ là chính, có bổ sung thêm gạch, đá hay ngói… nói chung là các chất liệu tự nhiên và thô mộc, nên hầu như khi cất nóc (lợp mái) xong là nhà đã xong, có thể dọn đồ vào ở, và giữa các ngôi nhà cùng một địa phương nói chung không có sự khác biệt đồ đạc gì nhiều (trừ nhà thuộc dạng dinh thự cầu kỳ hay cung điện vua chúa). Thời nay, tuỳ tiện nghi đa dạng nhưng tính thuần nhất về không gian và vật liệu không như thuở trước, nhà làm xong mà thiếu đồ đạc, thiết bị thì sẽ khó sinh hoạt thoải mái. Do vậy đa phần gia chủ đều muốn làm cho bằng hết các chuyện lớn nhỏ rồi mới vào ở. Nhưng cho dù nhà thiết kế và nhà thầu có chăm chút đến đâu thì ngôi nhà cuối cùng vẫn phải bàn giao cho gia chủ, và từ đây bắt đầu một tiến trình mới có liên quan chặt chẽ đến cuộc sống của người cư ngụ. “Của bền tại người”, nhà ở có an lành và hài hoà phong thuỷ hay không là nhờ vào thực tế sử dụng của gia chủ. Do vậy, hoàn thiện nhà ở nên lưu tâm hai chữ: nhẫn và khiêm.
Nhẫn là sự nhẫn nhịn, không hơn đua tranh giành với láng giềng và môi trường chung quanh, biết bền bỉ tạo dựng nơi ăn chốn ở hài hoà, không nóng vội. Kinh nghiệm về nhẫn có khá nhiều, ví dụ như làm xong nhà chưa nên vào ở ngay (vì vật liệu đang còn mới, có một số chất độc phải một thời gian sau mới bay hết), hoặc chọn tranh ảnh và vật dụng không nên theo lối lấp đầy cho xong. Cần kiên trì chọn lựa những vật dụng phù hợp với không gian sống của mình, nên đòi hỏi thời gian “chung sống” đủ lâu thì mới vỡ lẽ ra nhiều điều mà ngay cả thiết kế nội thất rất chi tiết cũng không thể lường hết được.
Còn chữ khiêm thể hiện qua sự nhún nhường, tránh phô trương hình thức mà tập trung cho nội dung của góc sống riêng mình, không chịu sự chi phối của bên ngoài mà cũng không đối nghịch với ngoại cảnh. Ta có thể thấy ngôi nhà truyền thống của cha ông ít đặt nặng đến vấn đề “mặt tiền” như hiện nay mà chủ trương hài hoà thiên nhiên, đồng bộ với cảnh quan của cả cộng đồng chung quanh. Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ bởi hiện nay đang còn rất nhiều gia chủ muốn phô trương mặt tiền, chạy theo hình thức bên ngoài mà thiếu quan tâm đến các giá trị cộng đồng, xâm hại vào cảnh quan chung.
Về mua sắm đồ nội thất, phong thuỷ xác định nên tránh chi phí tốn kém vào những vật dụng trang trí đắt tiền nhưng bố trí thiếu phù hợp, cụ thể như một vài vấn đề thường gặp sau:
– Treo gương không đúng cách: gương (kính thuỷ) hướng vào giường ngủ, vào bàn làm việc, vào các không gian riêng tư trong khi mục đích chính của gương là để phản chiếu xung sát, nhà ở không phải là tiệm vàng hay tiệm hớt tóc.
– Dùng tranh, ảnh, tượng không phù hợp: quá nhiều kích cỡ, chủ đề lộn xộn, không phân biệt chính phụ, nội dung tranh ảnh gây tác động tâm lý xấu.
– Vật dụng thiếu tương thích: vật dụng có thể đắt tiền nhưng lại không phù hợp như đặt quá nhiều máy móc thiết bị trong không gian ngủ, để xe cộ lẫn vào nơi sinh hoạt.
– Dùng đèn sai lệch: đèn là nguồn năng lượng dương cho ban đêm, nếu không đủ sáng hoặc ngược lại, thừa sáng, sẽ ảnh hưởng đến thị giác và tâm lý người cư ngụ. Một số nhà ở thiết kế đèn theo phong cách quán xá hoặc gallery, không phù hợp với sinh hoạt hàng ngày.
Tóm lại, biết kiêng kỵ đúng và đủ, không thái quá trong làm nhà cũng giống như biết phòng bệnh, sinh hoạt, ăn uống điều độ. Khi hiểu rõ nhu cầu bản thân và gia đình thì không phải lo ngại trước các truyền tụng thiếu cơ sở, tự chọn lựa được cách thức làm nhà hợp với bản thân và gia đình.
Tìm kiến trúc sư thiết kế
Khi bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị xây nhà, câu hỏi thường trực đầu tiên sẽ là: Tìm người thiết kế như thế nào? đáp ứng các tiêu chí gì của gia đình hay là tham khảo thiết kế của bạn bè, hàng xóm sửa chữa một chút cho phù hợp với nhà mình rồi xây. …Rồi xây nhà mình làm sao để có được một ngôi nhà đẹp…Câu hỏi thoạt nghe khá đơn giản và dường như ai cũng có thể trả lời, mỗi người một cách. Đại loại như người thiết kế phải có nghề, chủ nhà phải biết chơi và chịu chơi, thầu thi công phải có kinh nghiệm, đặc biệt là phải có tiền…
Tất cả đều đúng. Thế nhưng thực tế tỷ lệ nhà đẹp hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với con số được xây dựng hằng ngày, hàng giờ ở khắp mọi nơi.
Vai trò của Kiến trúc sư (KTS) thiết kế
Kiến trúc sư thiết kế giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ngôi nhà. Không cần bàn cãi, vai trò của người KTS thiết kế là cực kỳ quan trọng. KTS chính là người giải bài toán mà chủ nhà đã ra đề. Bản lĩnh người thiết kế sẽ ảnh hưởng rất lớn dến chất lượng sau cùng của ngôi nhà. Nếu không, đứng trước sự nhập nhằng của đề bài và sự khó chịu của chủ nhà hoặc khi gặp phải thầu kém, người thiết kế rất dễ sa vào dễ dãi nghề nghiệp. Nhiều khi, chỉ vì mục đích kinh tế nên nhà thiết kế làm theo ý chủ nhà mà không phân tích thiệt hơn. Trường hợp này đã xảy ra và xảy ra rất nhiều. Khi đó, cái thiệt lớn nhất và trước tiên thuộc về chủ nhà. Người KTS thiết kế cũng bị ảnh hưởng nhưng chỉ là uy tín nghề nghiệp, mà khi đã dễ dãi thì ắt hẳn anh ta ít coi trọng điều này.
Mối quan hệ giữa người thiết kế và chủ nhà
Một căn nhà đẹp phải đầu tư cả tiền bạc lẫn công sức. Là người đề ra, hơn ai hết, chủ nhà tự biết mình cần gì ở ngôi nhà của chính mình, ngôi nhà sẽ nói được gì về tính cách chủ nhân… Có nhiều ngôi nhà khi hoàn thiện, chủ nhà mới hay đó là nơi phô diễn những chi tiết loạn mắt, hoặc chỉ biểu hiện được cái tôi ủa người thiết kế còn hình ảnh của chủ nhà rất mờ nhạt. Có nhiều trường hợp, chủ nhà đưa ra lý do “nhà chỉ làm đơn giản” để giải thích cho sự không cần đẹp, đồng thời tiết kiệm chi phí. Cũng có thể chủ nhà không biết phải làm sao mới đẹp, vì chưa từng có cơ hội tiếp xúc với ngôi nhà đẹp theo đúng nghĩa, nhưng khi ngôi nhà hình thành thì họ cảm nhận được đâu là đẹp, đâu là xấu. Trường hợp nếu chủ nhà quá tham sẽ rất dễ chị chắp vá, rối ren. Điều đáng ngại nhất là gặp phải chủ nhà bảo thủ và không có khái niệm gì về thẩm mỹ, công việc của người thiết kế. Khi đó, KTS thiết kế dễ bị biến thành thợ vẽ và hay “lãnh đạn” trong trường hợp ngôi nhà xây xong bị chê.