Căn biệt thự nghỉ dưỡng tuyệt đẹp này nằm ở một địa thế tuyệt đẹp của vịnh Vân Phong, một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng ở Việt Nam.
Hoàng Ngọc Resort
Hoàng Ngọc Resort là khu nghỉ dưỡng thuộc phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết. Nằm giữa hàng loạt những khu resort nổi tiếng, nhưng Hoàng Ngọc vẫn nổi bật nhờ tạo được dấn ấn riêng.
Thiết kế: KTS Nguyễn Trường Lưu
KTS Ngô Đằng Vân
Kiến trúc được thiết kế trên quan điểm là một công trình thân thiện với môi trường. Không gian mở rộng tối đa với hệ thống cây xanh và nước… đi vào từng không gian nội thất. Toàn bộ công trình cũng được thiên nhiên phủ kín. Nếu đứng nhìn từ bên ngoài vào, có chỗ không nhìn thấy công trình đâu, chỉ thấy cỏ cây, nước, đá… xen lẫn nhau, tạo thành một không gian kiến trúc thân thiện. Cây xanh có rất nhiều chủng loại, là sự kết hợp của cả ba miền bắc, trung, nam.
Với mong muốn ai đến nghỉ ở biển cũng đều phải được tận hưởng cảnh quan biển, nên tất cả các phòng tại đây đều được thiết kế hướng ra biển. Diện tích khu đất là 16.000 m2, nhưng diện tích xây dựng chỉ hơn 4.000 m2, bao gồm biệt thự cho thuê, nhà nghỉ liên kế, các công trình công cộng như nhà hàng, hồ bơi, sân tennis, sân vườn… với thời gian thi công trong 2 năm.
Với hình thức kiến trúc vật liệu kiến trúc kết hợp với sự tạo không gian địa hình ở các cốt khác nhau, nên có cảm giác công trình như được “mọc” lên từ khu đất thiên nhiên, thành một bức tranh hoàn chỉnh. Các không gian được phân chia chung và riêng. Khách đến đây luôn có cảm giác như ở chính nhà mình. Các phòng đều được thiết kế có sân vườn, các hạng mục cây xanh được tách ra để không làm ảnh hưởng đến nhau. Các đường giao thông nội bộ, các hành lang, cầu nối các công trình đều được nâng cốt nền cao độ khác nhau để tạo sự phong phú về không gian và đa dạng về tầm nhìn.
Công trình được sử dụng năng lượng mặt trời để tận dụng được cái nắng của miền trung cũng như tạo được hệ sinh thái cho công trình. Đá chẻ tay thô và đá khối là vật liệu chính. Đá thiên nhiên củ công trình hòa quyện với cây xanh, nước, trời tạo nên cảm giác công trình gần gũi, vững chãi và hài hòa. Không gian phòng ngủ được trang trí nhẹ nhàng, còn toilet thì thoáng mát, được mở rộng với thiên nhiên. Ánh sáng cũng được sử dụng như một hình thức trang trí ấn tượng.
Công trình trước đây từng được thiết kế và xây dựng một lần, nhưng phải bỏ dở vì nhận thấy nhiều khiếm khuyết. Công việc thi công chỉ được tiến hành tiếp tục khi hai kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu và Ngô Đằng Vân bắt tay với chủ đầu tư.
Palm Garden Resort
Palm Garden Resort tọa lạc bên bờ biển Cửa Đại, cách sân bay Đà Nẵng 30 km và cách thị xã Hội An 4 km. Khu nghỉ dưỡng mang phong cách kiến trúc Phương Đông với những chi tiết nội thất được trau chuốt tỉ mỉ.
Mục đích thiết kế của các kiến trúc sư của Công ty Green Architecture là muốn gợi lại hình ảnh của phố cổ Hội An vào thế kỷ 16, 18. Nơi đây, thời điểm đó là một thương cảng buôn bán sầm uất giữa Việt Nam và các nước như Trung Quốc, Nhật Bản. Từ đó, kiến trúc của Hội An cũng chịu ảnh hưởng của hai quốc gia này. Ngày nay, Hội An đã trở thành một địa điểm du lịch ấn tượng và độc đáo. Và nét ấn tượng đó đã trở thành đặc trưng, là điểm nhấn mạnh nhất cho Palm Garden Resort.
Gỗ, mây, lá và gạch tàu là những vật liệu chính tạo nên một khu nghỉ dưỡng hoàn hảo. Tất cả đã tạo nên vẻ thân thiện, mộc mạc và giản dị như chính con người Hội An. Ấn tượng còn nằm ở những nét điêu khắc riêng biệt trên tường, trên lối dẫn vào hành lang, hình ảnh lá cọ làm bệ cho quầy lễ tân…
Toàn bộ ghế ngồi bằng mây trong một không gian với màu sắc nhẹ nhàng, cởi mở và hòa quyện với thiên nhiên. Những lan can trên các khu nhà là sự cách điệu những ngôi nhà trên phố Hội An. Ngoài ra, vi kiến trúc mở, ánh sáng đi qua làm cho nội thất trở nên lung linh. Tỷ lệ cột, cửa, chân cột… hài hòa khiến nội thất trở nên trong veo.
Việc mô phỏng và cách điệu đặc trưng các chi tiết kiến trúc bản địa (Hội An – Việt Nam) cho trang trí nội thất là một dấu ấn mạnh nhất cho công trình Palm Garden Resort. Những mảng tường, đầu hồi nhà, lan can, mái ngói màu sắc rất hiện đại nhưng vẫn rất rõ những chi tiết mô phỏng cổ xưa, là những ngôn ngữ chính để thiết kế công trình.