– Hãy thiết kế cho tôi một ngôi nhà hài hòa phong thủy !
– Để chờ “thầy” xem xong rồi sẽ quyết định chỗ đặt bếp !
– Cuối năm nay phải cất nhà rồi, năm tới là kỵ, còn một tháng làm nhà ba tấm có kịp không?
Qua điện thoại, e-mail hay gặp trực tiếp, mỗi ngày người thiết kế đều nhận rất nhiều những yêu cầu như thế, lúc giống mệnh lệnh, khi như van nài, mà tựu trung chỉ nhằm một mục đích: quyết tâm làm nhà theo những chỉ định về Phong Thủy! Nhưng nếu ngồi nói chuyện lâu hơn để hỏi phong thủy thực chất là thế nào , tại sao lại kiêng cữ chỗ này chỗ kia… thì các gia chủ vừa rất cương quyết ấy cũng phân vân chẳng kém. Thôi “thầy “ đã phán vậy rồi, anh ráng giúp tôi!!!.
Gia chủ về rồi, còn lại người thiết kế với một đống “đơn thuốc” chi chít, từ Mệnh Trạch Bát Quái đến kích thước Lỗ Ban; bếp quay hướng này, giường nằm phía kia…“Cả đời chú chỉ có mỗi ngôi nhà này” – lời vị gia chủ tóc hoa râm cứ văng vẳng bên tai. Phương án thiết kế có chỉnh sửa được chăng? Tạm quên mình là kiến trúc sư, tự xem ta là gia chủ: “Có thờ có thiêng”, chuyện cất nhà là đại sự, không lẽ không kiêng cữ? Mà nhà tui tui ở chứ mấy anh vẽ xong có ở đâu!”.
Lại nghĩ về vấn đề phong thủy đã gặp từ thuở vô tình xem mấy cuốn Bát Trạch như đọc truyện, chẳng hiểu nhiều nhưng ngấm lúc nào không biết. Khi học trường kiến trúc, mới ngộ ra vì sao cha ông ta ngày xưa làm nhà dựng cửa hài hòa tự nhiên như hơi thở, đặt đâu trúng đó, phải chăng “hay không bằng hên”? Chắc là không rồi, vì khi đi vào kho tàng văn hóa dân gian, thấy rõ việc nhà cửa xưa nay luôn là chuyện rất thiết thân trọng đại, ai dám xem thường? Nhưng “lưu trữ thông tin” qua bao lần dâu bể đến đời con cháu thời @ hôm nay đã bị “tam sao thất bản” nhiều quá. Lên mạng gặp bao nhiêu website về phong thủy, muốn xem hướng nhà chỉ cần một cái click chuột; làm ăn trục trặc hay gia đạo bất yên là kêu do… phong thủy xấu. Nhưng ba chủ thể tạo dựng ngôi nhà (người thiết kế, người xây dựng và người sử dụng) vẫn loay hoay thắc mắc thực hư về một vấn đề xưa như… kiến trúc.
Vâng, nhiều giải pháp phong thủy luôn song hành với giải pháp kiến trúc, hay có người còn đùa rằng: ông tổ phong thủy chắc là người làm kiến trúc, thấy thuyết phục gia chủ khó quá bèn dùng phong thủy để khẳng định các ý tưởng của mình! Thực ra trong kiến trúc dân gian, việc xây nhà dựng cửa chủ yếu nhờ dân nghề thổ mộc, gia chủ cũng cùng tham gia từ đầu tới cuối, kinh nghiệm phong thủy hình thành từ quá trình xây cất và sử dụng, rồi truyền khẩu như một dạng kinh nghiệm sống. Còn kiến trúc sư hôm nay với chức năng nhiệm vụ được quy định rõ ràng thì đối xử với phong thủy thế nào? Người gật đầu chiều chuộng, kẻ tự ái gạt phăng, nhưng nhà nhà mới xây vẫn có sự can thiệp của “thầy phong thủy”, vẫn phải đập chỗ này, sửa chỗ kia… và vẫn thiếu đối thoại giữa gia chủ với nhà chuyên môn về chuyện phong thủy.
Chuyện hôm qua – hôm nay và ngày mai
Mọi ngôi nhà đều không thể tách rời các điều kiện thiên nhiên và điều kiện giao tiếp xã hội. An cư mới lạc nghiệp – ai cũng mong muốn ngôi nhà cho mình và cả thế hệ sau ở phải thật an, tức là thích ứng tốt với các biến động ngoại cảnh, tạo nên một môi trường hòa hợp cao với các thành viên cư trú cụ thể, đảm bảo bình yên và phát triển (khái niệm nhà nở hậu nên hiểu cả theo nghĩa thời gian, tức là về sau luôn được phát triển vững bền). Quan niệm như vậy nên cung cách chọn đất cất nhà của cư dân Việt xưa đề cao tính linh hoạt và thái độ ứng xử mềm dẻo với môi trường xung quanh. Thay vì tìm cách trấn áp thiên nhiên, nếp nhà truyền thống luôn khai thác tốt lợi điểm và khắc phục các hạn chế của thiên nhiên với biện pháp đơn giản, chi phí tiết kiệm, khẳng định văn hóa ở đặc sắc và phong phú: nhà phải đón được gió lành và thông thoáng tự nhiên, che chắn mưa tạt nắng chói, tổ chức cây xanh và mặt nước, tạo vùng chuyển tiếp trong – ngoài… Những dữ liệu từ thiên nhiên đều giải quyết ngay từ khâu chọn hướng, chọn đất lúc ban đầu, sau đó mới đến bố cục không gian và kỹ thuật xây cất.
Mặc dù phong thủy là một khoa học – nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với tổ chức không gian – môi trường sống, có lúc người ta đã nhầm lẫn và đánh đồng phong thủy với những yếu tố kỳ bí nhuốm màu mê tín dị đoan. Vì thế tiếp cận phong thủy còn phải luôn dựa trên quan điểm kế thừa và chỉnh lý, các luận đề trước đây và hiện nay về phong thủy hoàn toàn có thể soi rọi dưới ánh sáng khoa học và không ngừng kiểm nghiệm từ cơ bản đến chi tiết. “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”, chữ trạch trong Dương Trạch chính là sự tuyển chọn, tìm cái tốt nhất trong điều kiện có thể.
Bài toán phong thủy trong bối cảnh hôm nay mang thêm nhiều phức tạp củasự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, đất đai khan hiếm và thiên nhiên biến động. Tìm kiếm cuộc đất – ngôi nhà tốt chính là lựa chọn và giải quyết các hạn chế để từ đó nâng cao chất lượng môi trường ở. Tích hợp kinh nghiệm truyền thống và khoa học hiện đại, môn phong thủy ngày nay đang hướng đến những lời giải phù hợp và linh hoạt hơn, bởi mô hình cư trú cũng đa dạng hơn (biệt thự, nhà phố, chung cư). Nhưng chặng đường tìm kiếm bản sắc Việt (ít ra là về mặt phong thủy) xem ra vẫn lắm gian nan. Bước vào căn hộ chung cư có khi gặp ngay nơi bếp núc, chỗ đặt bàn thờ thì tìm mãi chẳng thấy – chỉ hai chuyện tối kỵ đó thôi đủ khiến nhiều người hoài niệm nếp nhà cũ, từ chối lên ở chung cư. Các vấn đề về vật lý kiến trúc, cấu tạo và địa chất công trình cũng đều là phong thủy đó chứ, nhưng chẳng hiểu sao ngày càng bị lấn át bởi sự dễ dãi hưởng thụ các sản phẩm kỹ thuật tân kỳ, quên mất thân xác của mình vốn vẫn đang chịu sự kiểm soát của Bà Mẹ Thiên Nhiên vĩ đại và nghiêm khắc.
Chuyện niềm tin – trách nhiệm
Trái đất vẫn quay cho dù ta không cảm nhận được, hay chỉ cảm nhận gián tiếp qua ngày và đêm, mặt trời mọc và lặn… Cũng thế, khoa phong thủy – theo tôi, gọi đích danh là khoa học và nghệ thuật về tổ chức nơi cư trú – vẫn tồn tại song hành với những người làm nghề lẫn dân ngoại đạo. Nhiều người hay xem phong thủy là độc quyền của Trung Hoa, nhưng thực ra bản năng xếp đặt nơi cư trú đã cùng tiến hóa với loài người dưới nhiều tên gọi tại nhiều vùng văn hóa khác nhau. Khoan đề cập những phạm trù sâu rộng và liên ngành của quy trình chọn lựa địa điểm xây dựng, của ứng dụng triết lý âm dương – ngũ hành, của sắp xếp bài trí nội thất sao cho hài hoà tâm sinh lý người sử dụng… mà chỉ xét đơn thuần ở khía cạnh tâm lý con người thì phong thủy là điều mọi cư dân đất Việt khi tạo dựng chốn ăn ở luôn nghĩ đến trước tiên và ám ảnh lâu dài, bất kể trình độ nhận thức và các nhầm lẫn về tên gọi cũng như tính xác thực. “Có bệnh thì vái tứ phương”, mà không bệnh (hay chưa bệnh) thì cũng luôn muốn “phòng bênh hơn chữa bệnh”. Y học hiện đại đã chứng minh rồi: yếu tố tâm lý chiếm quá nửa trong điều trị. Vấn đề là giảm thiểu những mơ hồ và biết đặt niềm tin đúng chỗ.
Đó là phần gia chủ. Còn ở phía đối diện, việc thêm một dữ liệu cho bài toán của người làm kiến trúc, thêm chút thử thách (đôi khi chỉ vài câu “tôi muốn…” rất cá nhân của gia chủ thôi) cũng như thêm sự thú vị và bài toán giải được càng có giá trị hơn. Vậy tại sao người làm kiến trúc lại phải “nói không” với phong thủy? Nếu anh có thể xử lý những vấn đề phong thủy một cách khoa học, chắc chắn anh sẽ tròn trách nhiệm hơn, chủ động và sáng tạo nhiều hơn. Mặt khác, phong thủy trong nhà ở mới chỉ loay hoay nhỏ hẹp quanh một đối tượng sử dụng cụ thể, một miếng đất riêng biệt nào đó. Còn việc chọn địa điểm xây dựng khu dân cư hay khu công nghiệp, đô thị hay cả một vùng cư trú (quy trình tầm long – điểm huyệt – lập hướng) mới là vấn đề rộng và phức tạp hơn nhiều. Thế mà “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, cha ông ta đã có những cái nhìn phong thủy đầy tính chiến lược và sáng tạo, minh chứng rõ ràng từ Thăng Long – Hà Nội đến Huế, Sài Gòn – TP.HCM… đâu đâu cũng in dấu những xếp đặt đầy ý tứ và hài hòa, rất gần gũi với kiến thức về Địa lý (Geography) của khoa học phương Tây và Địa phong thủy của phương Đông (*). Chẳng lẽ thế hệ sau với nhiều thuận lợi và phương tiện hiện đại lại không thể kế thừa và phát triển tốt hơn?
Như Lão Tử đã từng nói về việc vo đất làm bình để hữu dụng cái phần rỗng trong chiếc bình, ta thấy rằng kiến trúc làm nhà không chỉ tạo ra các bề mặt vật chất, mà để gửi gắm qua những Hình ấy một Thế cụ thể, cho môi trường, cho gia chủ và cho cả nghiệp sáng tạo của mình. Vẽ phần rỗng, phần không khí đó (**) để ai đến nhà cũng buột miệng: nhà có kiến trúc sư có khác, tự hào lắm chứ ! Và cũng nhiều trăn trở lắm trước thực trạng thiếu tiếng nói chung giữa gia chủ và người chuyên môn khi đụng chạm vấn đề phong thủy. Mặt khác, cũng đừng xem phong thủy như liều thuốc an thần, mà hãy tự tạo cho mình chỗ ngủ ấm êm, một thân thể thanh sạch, một đầu óc thảnh thơi để giấc ngủ an nhiên tìm đến nhẹ nhàng.