Skip to Content

Blog Archives

Thành phố Sông Hồng bị copy?

Lại một vụ nghi án vi phạm bản quyền nữa. Lần này không phải là tranh, ảnh, thơ, nhạc; mà liên quan đến cả một dự án khoa học về quy hoạch sông Hồng, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang triển khai. Người lên tiếng cho rằng ý tưởng của mình có thể đã bị “copy” chính là một…họa sỹ Việt Nam, một người ngoại đạo về quy hoạch. Ông tên là Văn Thơ.

Chuyện này tưởng như là chuyện đùa (vì gần đây có quá nhiều những lời tố cáo giật gân tương tự và không chính xác), nhưng trong tuần qua đã đủ làm xôn xao dư luận với sự vào cuộc của một số báo, và kết quả là ông Lee Won Chan (Hàn Quốc), đại diện cho cả trăm cán bộ, kỹ sư của dự án đã phải gửi thư trả lời đến một số cơ quan chức năng Việt Nam…

* Cứ dùng giải pháp “bỏ đê” là copy?

2 năm nay, người ta đã phong thanh biết đến ý tưởng dự án “Thành phố sông Hồng” của họa sỹ Văn Thơ. Dĩ nhiên, dư luận cũng chỉ biết như sáng kiến của một người yêu Hà Nội- một họa sỹ giàu có và mơ mộng, đã tỉ mỉ vẽ ra một bản vẽ phối cảnh rộng bằng nửa gian nhà, trên đó sông Hồng giống như một góc của thành phố New York với 600 cao ốc chọc trời.

Điều gì khiến tác giả Văn Thơ tin rằng ý tưởng của mình đã bị “copy”

… Và tôi hết sức ngạc nhiên, khi ông Văn Thơ chỉ lấy ra “tang chứng” là một phác đồ quy hoạch cỡ trang A4 do phía Hàn Quốc trình bày vào tháng 11 vừa rồi. Phác đồ đó còn sơ sài đến mức đã đánh lộn giữa Cầu Thanh Trì và cầu Chương Dương, trong đó họ phác ra hướng tuyến cho hai bờ đê mới (sẽ xây dựng) thay cho đê cũ, nhằm mục đích chỉnh trị sông Hồng. Hướng tuyến đê mới trong bản vẽ, còn rất chung chung, nhưng chỉ vào đó, họa sỹ Văn Thơ nhấn mạnh: “Đây là điều chứng tỏ ý tưởng và giải pháp chỉnh trị sông Hồng của họ là giống của tôi. Từ trước đến nay, có rất nhiều phương án chỉnh trị sông Hông nhưng chưa có phương án nào là có ý tưởng bỏ đê cũ, làm thành hệ thống đê mới. Đã thế, hướng tuyến của đê mới lại có rất nhiều phần trùng với dự án của tôi- họa sỹ vừa nói vừa lấy dự án của mình ra để đối chiếu- khó mà tin rằng người làm cái nọ lại không biết cái kia”.

Và dự án của ông, thì như đã biết, đã được công bố từ tháng 5/2005, và đã đăng ký bản quyền từ tháng 4/2006. Trong khi phía Hàn Quốc đến tháng 7/2006 mới bắt tay vào làm, và tháng 11 vừa qua mới công bố…

Như tôi đã nói, với hướng tuyến của đê mới chỉ phác ra một cách hết sức sơ sài của cả hai dự án, thì khó có thể so sánh với nhau xem trùng bao nhiêu %. Họa sỹ Văn Thơ cũng nhận thấy điều này, song ông khăng khăng cho rằng ý tưởng bỏ đê cũ, xây dựng đê mới chính là một phát minh độc đáo của ông vào giây phút lóe sáng. Và phát minh đó đã được bảo hộ!

 

* Cái lý, cái tình đằng sau một dự án

Và thế là, tất cả những ai coi ý tưởng bỏ đê cũ, xây đê mới của họa sỹ Văn Thơ là một sáng kiến độc đáo, một phát minh, thì đều cho rằng ở đây có sự copy hoặc “thất thoát” ý tưởng, hoặc ý tưởng lớn gặp nhau!

Quan điểm này cũng có lý ở chỗ, các quy hoạch trước đây và tới đây hầu hết đều tôn trọng hệ thống đê cũ như một ranh giới bất khả xâm phạm theo quy định của pháp luật (mới nhất là dự án Quy hoạch Hà Nội đến 2020 do tổ chức JICA- Nhật Bản đang thực hiện cũng nhìn nhận đê sông Hồng như vậy). Trong bối cảnh đó, ý tưởng của họa sỹ Văn Thơ là “phá đê”cũ, thay vào đó là xây đê mới, “tịnh tiến” ra phía dòng sông, để vừa nắn dòng chảy, và tận dụng quỹ đất dôi ra (lên tới 2000ha) để phát triển đô thị (đủ để xây dựng thành phố sông Hồng) . Đó có thể coi là một bước đột phá trong tư duy quy hoạch sông Hồng.

Không dừng ở đó, ông Văn Thơ còn tự nghiên cứu qua sách vở và thực địa để xây dựng cơ sở khoa học cho dự án này.

Tuy nhiên, về lý mà nói, khó có thể khẳng định rằng việc bỏ đê cũ chính là một phát minh. Nếu bỏ đê chỉ là giải pháp trị thủy thông thường (nhất là trong cách tư duy của người nước ngoài) thì sao? Vấn đề có vi phạm hay không phải xét cả đến cách bỏ đê như thế nào: có áp dụng các lập luận, các thông số kỹ thuật, những kết quả nghiên cứu của ông Văn Thao hay không?

Và chúng ta cũng có thể thấy ngay rằng, chưa có bằng chứng nào về điều này.

Vậy thì tại sao lại có những phản ứng nặng nề như vừa rồi? Có một chuyện là, UBND TP. Hà Nội khi xem xét dự án của ông năm 2005, tuy chối không dùng với lý do (bằng văn bản) là “hiện tại Hà Nội chưa đủ điều kiện để triển khai”, nhưng lại có chua thêm rằng, “trong tương lai ý tưởng của ông có thể được áp dụng”, đồng thời “yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải mời họa sỹ Văn Thơ tham gia đóng góp ý kiến cho các chương trình nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông.

Nói tóm lại, ban đầu TP. Hà Nội tỏ ra muốn hợp tác và phát huy ý tưởng của ông Văn Thơ, nhưng đến khi có dự án 4,3 triệu USD hợp tác với Hàn Quốc thì lại chẳng nhớ đến ai. Đương nhiên, những người có tâm huyết thấy lời nói trước sau không thống nhất thì không vui; lại thấy người ta lập dự án to như thế, mà xem ra ý tưởng chính cũng không khác mình bao nhiêu, thì cho rằng có thể đã bị xâm phạm bản quyền…

s.hong

* “Bắt tay” nhau chưa muộn

Chúng tôi đã xem Quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội của Tổ dự án, và quả thực thấy rằng, trừ việc bỏ đê cũ xây đê mới như đã nói, , thì các hạng mục quy hoạch khác theo dự kiến của họ cũng rất hay và tôi tin rằng, nếu đưa ra trưng cầu sẽ được người dân ủng hộ.

Bởi lẽ, việc sử dụng đất kẹp giữa 2 đê không hoàn toàn vào việc phát triển đô thị “chọc trời” như họa sỹ Văn Thơ mà thiên về tự nhiên, sinh thái. Có thể nói họ cũng muốn “nhân bản” sông Hàn từ bên Seoul sang. Hai bên sông Hồng (theo đề xuất của dự án) sẽ là các khu công viên, cây xanh, sinh thái, và đặc biệt với bãi giữa sông Hồng, họ định biến thành khu bảo tồn sinh thái giống như đảo Bam sông Hàn (thiên đường của các loài chim nước, lập khu bảo tồn bãi cát, nhóm thực vật…) …Đương nhiên như thế sẽ dễ chịu hơn nhiều so với việc “bê tông hóa” sông Hồng và bãi giữa …

Vấn đề là hợp tác như thế nào cho phải đạo!

“Nhìn vào bản quy hoạch của hoạ sĩ Văn Thơ và “Kế hoạch xử lý sông Hồng…” của NAMWONKEONSEOL ENGINEERING CO,. LTD- một công ty của Hàn Quốc- tôi ngỡ ngàng bởi sự trùng hợp về ý tưởng đến kỳ lạ.

Từ giữa năm 2005, HS Văn Thơ đã đưa ra ý tưởng này gửi đến các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội. Đây là một ý tưởng sáng tạo mang tính khoa học cao song rất táo bạo, mới mẻ, chưa từng xuất hiện từ trước đến nay. Trong đó ông nhấn mạnh:” Đầu tiên là điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng. Cụ thể là mở rộng dòng chảy mùa cạn của sông Hồng sang cả hai phía. Nạo vét dòng sông. Đồng thời kiên cố hoá tuyến đê mới hai bên bờ sông bằng kè bê tông kiêm đại lộ… Song song với việc bê tông hoá kè và nắn dòng, mở rộng dòng chảy là xây dựng khu đô thị hai bên bờ sông. Và có thể cả bãi giữa sông “. Từ quan điểm này dẫn đến các bản quy hoạch thể hiện ý tưởng được Viện Khoa học Thuỷ lợi đánh giá cao. Viện Quy hoạch Đô thị- Nông thôn ( Bộ Xây dựng) cũng có ý kiến: “Chúng tôi những nhà quy hoạch hoan nghênh ý tưởng của tác giả và cũng mong ý tưởng đó trở thành hiện thực trong dự án” Quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng”- Dự án hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Hàn Quốc” (Công văn số 392/VQH- NCKHQHXD ngày 18/8/2006 ).

Bản quy hoạch của công ty Hàn Quốc công bố vào tháng 11-2006 giống hệt bản quy hoạch của ông Văn Thơ công bố cách đây hơn một năm, nhất là tuyến đê mới dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Chỉ khác là diện tích khai thác đất để xây dựng thành phố hẹp hơn do phía bạn không sử dụng các bãi giữa sông…

Công ty của Hàn Quốc thực hiện dự án này với mấy chục nhà chuyên môn gồm những giáo sư, tiến sĩ không thể đặt vấn đề với một hoạ sĩ Việt Nam một cách thách thức:” Dự án này có những phần cần đòi hỏi về mặt kỹ thuật cao, nên phía tổ dự án chúng tôi cũng muốn hỏi ông Văn Thơ về đề án của ông có những căn cứ khoa học không?” . Câu hỏi này của người đi sau mà dự án của mình không khác dự án của người đi trước thì quả là kỳ lạ. Sao không đặt vấn đề nên hợp tác như thế nào cho phải đạo?

READ MORE

Thành phố sông Hồng – bài toán chỉnh trị khó khăn

Dự án TP sông Hồng được đánh giá cao về mặt ý tưởng. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn trước bài toán khó là làm sao có thể chỉnh trị con sông Hồng vốn nổi tiếng “bất trị”, làm sao di dời được hàng chục vạn dân.

Chỉnh trị sông tức là phải làm được ba việc, chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ và chống xói mòn đất trong khu vực sông. Việc này quyết định bởi các phương án xác định dòng chảy chính của sông và đắp đê mới.

song hong11

Sơ đồ vị trí đường chỉnh trị và vị trí tương đối giữa đê mới và đê cũ

Theo đề án mới công bố của Tổ dự án TP sông Hồng, đoạn sông qua Hà Nội sẽ có một tuyến đê mới, thay thế tuyến đê hiện nay. Tuyến đê này về cơ bản sẽ thu hẹp lại so với đê cũ. Lòng dẫn của sông sẽ được thu hẹp tại bốn điểm là khu vực thượng lưu cầu Thăng Long, khu vực ngã ba sông Đuống, khu vực cầu Vĩnh Tuy và khu vực Bát Tràng. Riêng khu vực chân cầu Chương Dương lòng dẫn được mở rộng hơn so với trước đây (chi tiết trong sơ đồ trên).

Theo GS, TS Ngô Đình Tuấn, ĐH Thủy Lợi Hà Nội, cần một dự án tổng thể và có quy mô như dự án sông Hồng, nhưng để làm một tuyến đê mới thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Dự án chưa đưa ra được cơ sở khoa học vững chắc cho những điều chỉnh của mình.

Dự án đề xuất một tuyến đê mới, với một phương án nắn dòng chảy dựa trên các kết quả đã nghiên cứu trước đây của Viện Khoa học Thủy Lợi. Nhưng theo ông Tuấn, bản thân kết quả này vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Để xác định được dòng chảy chính của sông làm cơ sở cho việc xây dựng tuyến đê mới cần phải có sự nghiên cứu các nhà khoa học, cần phải được thử nghiệm trên các mô hình toán học và vật lý cụ thể. Những thử nghiệm này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng hết sức cần thiết.

Để thông thoáng dòng chảy, dự án đưa ra kế hoạch nạo vét sông hằng năm. Ông Tuấn cho rằng việc nạo vét hàng triệu m3 bùn cát ở đây cũng phải có kế hoạch cụ thể. Giáo sư cũng đề xuất phương án tạo dòng chảy có tốc độ lớn ở một số điểm làm xói mòn, tạo độ sâu cần thiết. “Chỉnh trị sông Hồng là việc hết sức quan trọng, cần phải có một hội đồng khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản. Việc này có thể mất nhiều thời gian chứ không thể là chuyện một sớm, một chiều”, ông Tuấn nói.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, việc chỉnh trị sông Hồng không hề đơn giản. Nó vẫn được mệnh danh là con sông “bất trị”. Trong thời gian đô hộ nước ta thực dân Pháp đã cử những kỹ sư giỏi nhất sang để nghiên cứu chỉnh trị con sông tuy nhiên vẫn không thành công. Khoa học thời đó và ngày nay đã khác nhiều, nhưng việc chỉnh trị sông vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ và làm thật cẩn trọng.

Bài toán di dân

Theo dự tính sẽ có khoảng 39.100 hộ, tương đương với khoảng 180.000 dân phải di dời cho dự án. Tức là gần như toàn bộ dân đang sống ở khu vực ven sông và bãi sông trên địa bàn huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng phía hữu ngạn và huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên phía tả ngạn sẽ phải di dời.

XomThuyenChai11

Khu vực này chiếm đa phần là dân làm nông nghiệp. Cự Khối, Long Biên là khu trồng rau sạch của Hà Nội, còn Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên thì vẫn nổi tiếng xưa nay với nghề trồng hoa, trồng quất…

Ở Nhật Tân có khoảng 40% hộ thuần nông, 65% hộ bán nông nghiệp. Còn ở phường Tứ Liên số dân nông nghiệp chiếm đến khoảng 50%. Ông Chu Văn Sinh, đảng viên 40 năm tuổi đảng ở Nhật Tân, nói: “Gia đình tôi cũng như đa số những người ở đây, mảnh đất nếp nhà là cả sản nghiệp, lấy nghề trồng rau, trồng hoa là kế sinh nhai. Giờ phải di dời, không biết việc đền bù ra sao, gia đình ông sẽ phải chuyển đi đâu? Sẽ sống bằng nghề gì?”. Những băn khoăn, lo lắng của ông Sinh cũng là của hầu hết những hộ dân nằm trong diện phải di dời.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng việc di dời một số lượng lớn người dân như vậy sẽ tạo nên một sự biến động xã hội lớn. Nếp sống của người dân từ bao đời qua sẽ bị thay đổi. Cần phải tính được những vấn đề nảy sinh khi những người xưa nay chỉ biết đến vườn tược, sông nước chuyển lên ở chung cư cao tầng sẽ như thế nào. Cần phải có thời gian nghiên cứu đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng, tránh “dục tốc, bất đạt”.

 

READ MORE

Quy hoạch thành phố sông Hồng

Nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua, việc quy hoạch hai bờ sông Hồng sẽ tiến hành từ năm 2009 với 4 khu vực sông và đô thị tương ứng.

Theo dự án, Hà Nội sẽ kè đê dọc theo phần sông Hồng chạy qua thành phố, với chiều dài mỗi bên sông trên 40 km. Đồng thời, thành phố xây dựng đường ven sông Hồng theo đê hiện có và đê mới, liên kết với mạng lưới đường vành đai 2, 3 và 4 và mở rộng thêm đường bộ trên trục Nam – Bắc. Hệ thống đường bộ này cũng sẽ được liên kết với đường thủy và đảm bảo tiếp cận sông dễ dàng.

Hà Nội dự kiến sẽ có 4 đường vành đai, 8 đường hướng tâm và 5 cây cầu, trong đó một cầu đang xây dựng (cầu Vĩnh Tuy) và 4 cầu khác có kế hoạch xây dựng. Các tuyến đường huyết mạch đô thị đều có tốc độ thiết kế 60 km/g.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, các tuyến đường đê bên hữu ngạn (phía Hà Nội) sẽ có 2-8 làn xe, đường phía tả ngạn là 2-4 làn xe và thêm 2 đường chui.

Hai bên bờ sông sẽ là các công trình giúp người dân tiếp cận sông, trong đó sẽ có các tuyến đường đi bộ và các bậc thang. Gần bờ sông cũng có những bãi đỗ xe và điểm dừng xe buýt để hạn chế xe hơi cá nhân vào bãi sông.

Phát triển các đô thị ven sông Hồng

q11

Phân bố 4 khu vực ven sông. Ảnh: DOHWA

Nhờ phần đê mới kè, thành phố sẽ có thêm khoảng 2.050 ha đất phát sinh trong đó khoảng 1.500 ha sẽ dành để phát triển đô thị. Theo kế hoạch, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cùng phần đất trên bờ sẽ được phân chia thành 4 khu vực có chức năng khác nhau, lần lượt gồm các đoạn từ Chèm đến cầu Thăng Long, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì, và từ cầu Thanh Trì đến làng Bát Tràng.

Khu vực Diện tích (ha) Định hướng phát triển
KV1 220 Cư trú, thương mại phân phối hàng đa chức năng
KV2 600 Khu tổng hợp quốc tế, tổ chức các hoạt động quốc tế
KV3 170 Cư trú, công cộng, phân phối hàng đa chức năng
KV4 980 Cư trú, nghỉ ngơi, sản xuất
Tổng 2.050 Bao gồm diện tích giữ lại (80 ha)

Khu vực 1

KV1

Theo kế hoạch, khu vực 1 sẽ xây dựng thêm một cây cầu tại Chèm và phát triển khu dân cư lân cận khu công nghiệp hiện hữu. Tại đây cũng sẽ hình thành khu phân phối hàng đa chức năng được liên kết với sân bay và khu công nghiệp, đồng thời phục vụ thu hút dân di dời đợt một.

Khu vực 2

KV2 huu ngan

Khu vực hữu ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực 2 là phần quan trọng nhất của dự án chỉnh trị và phát triển sông Hồng. Tại hữu ngạn (phía Hà Nội) hiện có diện tích 280 ha, sẽ phát triển khu đa chức năng quốc tế liên kết trên cơ sở các khu phố tập trung các công ty chứng khoán, tài chính, kinh doanh hiện hữu. Tại đây cũng sẽ có các khu dân cư cao cấp có liên kết với hồ Tây và vùng ven sông.

KV2 ta ngan

Khu vực tả ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực tả ngạn (phía Đông Anh, Cổ Loa, diện tích 320 ha) sẽ có 2 chức năng chính: khu phức hợp phục vụ Olympic (Olympic Complex) và các sự kiện thể thao lớn như làng Olympic, làng báo chí… nhằm tạo đông lực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Phần thứ hai phía tả ngạn là khu phức hợp triển lãm (Expo Complex) phục vụ các lễ hội, triển lãm lớn.

Khu vực 3

KV3

Khu vực kéo dài từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì (170 ha) sẽ là khu dân cư, đồng thời là khu phân phối hàng đa chức năng bao gồm các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng và công trình phụ trợ.

Khu vực 4

KV4

Khu vực này có diện tích lớn nhất dự án (980 ha), có chức năng một khu cư trú, nghỉ ngơi kết hợp làm khu sản xuất của thành phố. Tại đây cũng sẽ hình thành một du lịch có liên kết với không gian văn hóa, lịch sử của làng Bát Tràng, một sân golf và khu công nghệ cao. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, sân golf sẽ được đặt tại phía bắc khu vực 4, nhưng hiện Hà Nội đã chấp thuận cho Vincom lập quy hoạch sân golf tại phía nam. Vì thế, khu vực này có thể còn có điều chỉnh.

Phân chia chức năng các khu vực cụ thể

ên khu vực Phương án
Võng La Khu bảo tồn sinh thái ven sông
Đông Anh Công viên thể thao tổng hợp
Ngọc Thụy Nơi nghỉ ngơi
Long Biên Nơi học tập, sinh thái
Gia Lâm Vùng tinh lọc thực vật tự nhiên ven sông
Từ Liêm Khu phục hồi sinh thái ven nước
Tây Hồ Công viên mở
Hoàn Kiếm Công viên sinh thái lịch sử
Hoàng Mai Gate Park
Vùng bãi bồi Khu bảo tồn sinh thái đảo tự nhiên
Tứ Liên Vườn thực vật (Hanoi World Class Garden) 

Kinh phí khổng lồ

Theo ước tính của các chuyên gia Hàn Quốc, đầu tư cho “thành phố sông Hồng” sẽ lên tới 27.240 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, trong vòng 12 năm. Như vậy trung bình mỗi năm Hà Nội sẽ cần đến 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Công việc Khối lượng Kinh phí (tỷ đồng)
Chỉnh trị sông Đắp đê: 75,1 km
Chỉnh trị lòng dẫn: 13,1 triệu m3
Bến phà: 6 bến
9.360
Công viên ven sông Tổng 4.200 ha
Vùng trung tâm sử dụng: 1.350 ha
Vùng bảo tồn và sử dụng: 2.850 ha
4.260
Đường đê Tổng chiều dài 80 km
6 cầu
2 đường chui
7.660
Phí dự phòng 5.960
Tổng cộng 27.240
READ MORE

Đô thị sông Hồng có thể ngốn 20 tỷ USD

Nguồn tin từ Tổ dự án quy hoạch sông Hồng và khu vực 2 bên sông cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này có thể gấp vài lần so với con số 7 tỷ USD mới được công bố.

Tại Hội nghị do Tổ dự án tổ chức để báo cáo Chính phủ và Hà Nội vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định, con số phải là vài chục tỷ đôla. Cũng theo Phó thủ tướng, hiệu quả tài chính của dự án phụ thuộc vào nguồn vốn sinh lợi từ đất, lấy giá trị của đất làm dự án để đầu tư vào các công trình chính. Vì thế, Hà Nội và các bộ, ngành phải tính toán chặt chẽ về tiến độ giải tỏa và tiến độ thu hồi vốn. Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra con số ước tính 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.

TP song Hong

Theo Tổ dự án, phía Hàn Quốc cũng đã dự trù mức kinh phí hàng chục tỷ đôla từ trước, song chưa đưa ra con số cuối cùng do chưa xây dựng xong bản kê khai chi tiết các hạng mục cũng như để tránh gây bất ngờ khi vốn đầu tư quá lớn.

Thông tin về dự án thành phố sông Hồng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu công bố lần đầu vào tháng 5 vừa qua. Khi đó, mức kinh phí dự kiến cần thiết cho dự án là 2 tỷ USD. Gần đây nhất, các chuyên gia Hàn Quốc công bố con số 7,099 tỷ USD.

Đến phiên công bố thông tin dự án lần cuối vào tháng 11 năm nay, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ đưa ra mức kinh phí dự kiến mới, cao hơn 7,1 tỷ USD công bố mới đây. Dự án khổng lồ này có thể sẽ cần đến 20 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn.

Dự kiến đến tháng 11 năm nay, Tổ dự án sẽ hoàn tất dự án, trình Chính phủ và Hà Nội.

READ MORE

Cần cân nhắc khi xây dựng thành phố sông Hồng

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến đề án qui hoạch thành phố hai bên sông Hồng (Hà Nội). Ông đã gửi thư đến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, gặp Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị để góp ý.

Trao đổi với báo giới sáng 19-9, nguyên thủ tướng nói:

– Dự khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây tại Hà Nội, tôi có gặp đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi về hướng phát triển Hà Nội ra phía bên kia sông Hồng mà gần đây các thông tin công khai đã đưa. Đồng chí Nghị có trao đổi sơ bộ về vấn đề này nhưng cho rằng hướng phát triển chủ yếu vẫn là Hà Tây.

Nếu như hướng phát triển Hà Nội về phía Hà Tây đã được xác định thì có nên đặt ra hướng phát triển về phía bên kia sông Hồng nữa không? Đương nhiên hướng mở rộng Hà Nội có liên quan đến vùng cảng biển và vùng tam giác động lực là đúng. Tuy nhiên, đặt mức phát triển với qui mô coi sông Hồng là trung tâm, chảy qua giữa thủ đô thì tôi rất ngại bởi nhiều lẽ. Trong đó có lý do là sông Hồng rất khác so với một số sông chảy qua thủ đô ở các nước, xét về điều kiện tự nhiên.

* Với thời gian nghiên cứu như vừa qua liệu phương án đủ “chín” để trình Chính phủ thông qua chưa, thưa ông?

– Về vấn đề này, lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm phát triển của cả nước nên chuyện của Hà Nội cũng là vấn đề mà cả nước quan tâm. Nếu là dự án nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng đây là vấn đề mới, có tính chất đặc biệt nên càng phải nghe ý kiến của cả nước, của các nhà khoa học chuyên ngành về qui hoạch, môi trường, địa chất, thủy văn… để cùng góp tiếng nói cho dự án. Tôi lấy làm tiếc khi có nhiều người dân tại các quận Gia Lâm, Tây Hồ… quan tâm đến đề án qui hoạch, muốn góp ý nhưng lại hết phiếu.

Để xây dựng TP.HCM và Hà Nội hiện đại phải có tư duy rất lớn, “đi” đường dài. Nếu không suy nghĩ đúng tầm sẽ dẫn đến lúng túng, công tác quản lý, xây dựng không hiệu quả. Trong khi đó, phương án xây dựng thành phố dọc sông Hồng đưa ra mốc năm 2020 hoàn thành. Như vậy từ nay đến đó chỉ còn 13 năm. Thời gian này chưa đủ để hoàn thành một đô thị tầm cỡ như vậy. Muốn hoàn tất phải chạy đua với thời gian?

Việc phá bỏ đô thị cũ để xây dựng mới là cách làm của những nước giàu. Với nước nghèo, người ta thường “cấy” thêm vào hoặc chỉnh trang đô thị.

Qui hoạch Hà Nội còn rất nhiều vấn đề và không thể tách ra từng mảng mà phải nhìn trên tổng thể. Hướng phát triển thành phố dọc sông Hồng dù là một mảng nhưng có tính chất chi phối cả thủ đô, liên quan đến nhiều khu vực khác. Chưa kể ở góc độ xã hội, việc di dời 170.000 dân là vấn đề đại sự, không đơn giản chút nào. Không khéo lại gây ra sự xáo trộn lớn. Về chuyện này tôi không tán thành.

* Thưa ông, dự án lần này cũng đề cập việc chỉnh trị sông Hồng nhưng biện pháp ra sao chưa rõ, trong khi đây là vấn đề liên quan thiết thực đến người dân?

– Tôi hiểu biết về con sông này khi có thời gian dài ở Hà Nội. Khi mùa nước dâng cao con sông rất dữ, ngược lại nhiều lúc cạn đến đáy sông. Do vậy chỉnh trị dòng sông là khâu đầu tiên phải làm, phải tìm cách đào thoát cho dòng sông. Khi con sông thông thoáng, đảm bảo đến mức an toàn nhất cho người dân, cho thủ đô thì lúc đó mới tính đến chuyện xây dựng thành phố dọc con sông.

Tôi chưa biết nguyên thủy của sông Hàn (Hàn Quốc) ra sao nhưng nếu dòng chảy con sông Hàn hiền lành thì giải pháp chỉnh trị khó có thể áp dụng cho sông Hồng. Còn nếu với điều kiện tương tự thì đây quả là kinh nghiệm rất quí đối với ta trong việc chỉnh trị sông Hồng.

Chuyên gia nghiên cứu về qui hoạch đô thị Nguyễn Trọng Huấn

Thông tin về dự án còn quá ít. Đây là dự án với chi phí đầu tư lên đến 7 tỉ USD nhưng thông tin về dự án còn quá ít. Với dự án này, cần có nhiều ngành tham gia để có cái nhìn đa dạng hơn và giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Nhưng nhiều thông tin về dự án chưa rõ nên những người quan tâm đến dự án khó có thể góp ý. Mặt khác để góp ý có hiệu quả, cần công khai rộng rãi, thời gian kéo dài hơn.

READ MORE