Giờ đây, các nhà thiết kế đã chú trọng nhiều hơn với cách thiết kế nội thất, ngoại thất cho nhà nhỏ sang chảnh và tiện nghi như những căn hộ theo các phong cách đa dạng dưới đây:
Sang chảnh & tiện nghi với mẫu thiết kế ngoại thất, nội thất cho nhà nhỏ (P.2)
Với một căn hộ lớn, bạn có thể thỏa thích đặt bất cứ thứ gì, nhưng với một căn hộ nhỏ, mọi thứ đều cần phải cân nhắc. Bạn sẽ phải quan tâm đến việc bố trí, thiết kế nội thất sao cho vừa sang trọng lại tiện nghi và mang lại cảm giác thoáng rộng nhất có thể.
Sang chảnh & tiện nghi với mẫu thiết kế ngoại thất, nội thất cho nhà nhỏ (P.1)
Với những ngôi nhà phố có diện tích nhỏ, không gian chật hẹp, tù túng, nếu biết lựa chọn và thiết kế nội thất phù hợp, hài hòa thì ngôi nhà sẽ trở nên xinh xắn, thoáng rộng, sang chảnh và tiện nghi.
Nhà thuộc quy hoạch – mua thông tin về nhà đất để xin phép xây dựng
Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đang soạn thảo Quy định về lập, chỉnh lý, cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính và cung cấp thông tin đất đai trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức có thể trả tiền để được cung cấp thông tin đất đai từ hồ sơ địa chính. Dự kiến, nội dung thông tin được cung cấp gồm: trích lục bản đồ địa chính đối với từng thửa đất, trích sao sổ địa chính, sổ mục kê đối với từng thửa đất hoặc chủ sử dụng đất, tra cứu thông tin hoặc tổng hợp thông tin về thửa đất… Đơn vị cung cấp thông tin có thể là các Văn phòng đăng ký đất nhà hoặc UBND xã, phường, thị trấn… Người muốn có thông tin chỉ cần nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản tới các đơn vị này để nhận được thông tin.
Điều này rất quan trọng với các công trình thuộc không gian được quy hoạch (Đặc biệt quy hoạch từ lâu nhưng chưa triển khai). Việc này giúp cho chủ đầu tư quyết định thiết kế thi công công trình một cách lâu dài, có thể chia phần nào thuộc diện quy hoạch xây tạm và phần nào thi công kiên cố.
Các bạn có thể tham khảo thêm các thủ tục và quy định xin phép xây dựng tại http://giayphepxaydung.com
Nghị định số 29/2007/NĐ-CP – Quản lý Kiến trúc đô thị
Quản lý kiến trúc đô thị – Theo Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27 tháng 2 năm 2007.
Chính phủ quy định: các công trình kiến trúc đô thị khi xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp công trình kiến trúc đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ giấy phép xây dựng và các quy định tại Quy chế quản lý kiến trúc đô thị của các địa phương.
Không được tạo thêm kết cấu bằng bất kỳ loại vật liệu nào nhằm tăng diện tích hoặc xây dựng cơi nới, chiếm dụng không gian đô thị, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và phải dỡ bỏ theo quy định của pháp luật, mặt ngoài công trình kiến trúc đô thị không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây chói lóa hoặc phản xạ quá tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn cho sức khỏe con người, vật quảng cáo độc lập ngoài trời hoặc gắn với các công trình kiến trúc đô thị phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo, nghiêm cấm việc đặt các loại quảng cáo không được phép của cơ quan có thẩm quyền…
Chủ nhà không được tạo thêm kết cấu, hoặc loại vật liệu nào nhằm tăng diện tích ở, cơi nới, chiếm dụng không gian đô thị. Mặt ngoài công trình không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây chói lóa hoặc phản xạ quá tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn cho sức khoẻ con người…
Nhà ở mặt phố xây dựng mới phải phù hợp quy hoạch chi tiết. Khi xây dựng không đồng thời thì các nhà xây sau ngoài việc phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt còn phải căn cứ vào cao độ nền, chiều cao tầng, màu sắc của nhà xây trước đó đã được cấp phép. Nếu không tuân thủ, chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính và phải dỡ bỏ công trình…
Nhà chung cư, nhà tập thể đã quá niên hạn sử dụng hoặc xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền phải có kế hoạch di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng chung cư mới theo quy hoạch chi tiết…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 hai bên trục đường quốc lộ 1A đoạn từ nút giao thông Văn Điển xuống hết địa phận huyện Thanh Trì
Ngày 17/11, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức công bố và bàn giao đồ án quy hoạch chi tiết hai bên trục đường Quốc lộ 1A tỷ lệ 1/2000.
Tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch chi tiết hai bên trục quốc lộ 1A đoạn từ nút giao thông Văn điển xuống phía Nam đến hết địa phận huyện Thanh Trì tỷ lệ 1/2000 có các Đ/C Đào Xuân Mùi — Bí thư huyện uỷ; Đ/C Trần Văn Bằng — Phó CT Hội đồng nhân dân huyện; Đ/C Trần Văn Huy – Chủ tịch UBND Huyện và các Đ/C đại diện Đảng uỷ – HĐND — UBND Thị trấn Văn điển và các xã Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh.
Đại diện Sở QHKT đã bàn giao toàn bộ Hồ sơ QHCT tỷ lệ 1/2000 kèm theo Quyết định phê duyệt và Điều lệ quản lý quy hoạch cho UBND huyện để tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
Quy hoạch hai bên trục đường Quốc lộ 1A được nghiên cứu đồng bộ cả hai bên đường phục vụ chủ trương mở đường liền với chỉnh trang kiến trúc hai bên, tạo bộ mặt đô thị ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Theo quy hoạch này, phạm vi nghiên cứu có tổng diện tích khoảng 4.282.600M2, dài khoảng 6Km từ nút giao thông Văn điển xuống phía Nam đến hết địa phận huyện Thanh Trì, với số dân dự kiến là 31.376 người. Quy hoạch là một bước cụ thể hoá một phần của điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và QHCT huyện Thanh Trì đã được duyệt, xây dựng mở rộng đường 1A thành đường chính Thành phố, được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Hà Nội sẽ điều chỉnh quy hoạch khu vực Tây Nam
Hôm qua (8/3), UBND thành phố Hà Nội đã có cuộc họp với Bộ Xây dựng về quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch khu vực xã Mễ Trì – Trung Văn – Mỹ Đình (huyện Từ Liêm).
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đang được nghiên cứu rất thận trọng. Riêng khu vực Tây Nam, thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án theo điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung trên địa bàn xã Mễ Trì – Trung Văn – Mỹ Đình. Theo đó, khu vực bên cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ có một số thay đổi so với chức năng đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết trước đây.
Cụ thể, khu công viên văn hóa Tây Nam được xác định là công viên cây xanh, mặt nước, kết hợp công viên động vật bán hoang dã, thuộc xã Mễ Trì – Trung Văn, có tổng diện tích khoảng hơn 160 ha, sẽ được điều chỉnh thêm một số chức năng: Bảo tàng thiên nhiên VN, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế,… Ngoài ra, khu vực này cũng sẽ được nghiên cứu phối hợp với các chức năng bảo tàng, hội chợ triển lãm quốc tế để trở thành một khu vực có chức năng không gian phù hợp với cảnh quan khu vực.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng Hà Nội, những vấn đề cụ thể cần phải được giải quyết trong quy hoạch vùng Thủ đô là: Xác định không gian trung tâm chính trị của đất nước, trong đó có vị trí các cơ quan TƯ của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; không gian hành chính của Hà Nội; hệ thống hạ tầng hiện đại; khu vực đô thị và các khu vực chức năng khác.
Theo đó, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cũng sẽ được tính đến trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, đáp ứng nhu cầu phát triển mọi mặt của Hà Nội với quy mô dân số lớn hơn nhiều lần hiện nay.
Dự kiến, nhiệm vụ thiết kế điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô sẽ được trình HĐND Thành phố trong kỳ họp tới. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ góp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế.
Do tính chất đặc biệt của đề án, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất cơ chế đặc thù trong việc nghiên cứu, thực hiện đề án này. Các chuyên gia quy hoạch – kiến trúc có kinh nghiệm của nước ngoài sẽ được mời thẩm định quy hoạch vùng Thủ đô trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính sách mới về GPMB: Trong mọi trường hợp, người dân đều có lợi
Nghị định 17 tạo một bước ngoặt trong chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo ở mức tối đa, công tác giải phóng mặt bằng hứa hẹn nhanh hơn, ít khiếu kiện hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã nhận xét như vậy về Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành
* Ông có thể nói rõ hơn về “bước ngoặt” đó, thưa Bộ trưởng?
– Trong chính sách đất đai, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh phải tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước khi thu hồi đất. Nhưng trên thực tế thời gian qua, ở nơi này nơi khác đã chưa thể hiện được quan điểm đó. Việc đền bù được thực hiện theo giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định mà giá này thường thấp, thậm chí rất thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Mặt khác, khi lên phương án đền bù, các địa phương thường chỉ tính đến việc bồi thường bằng tiền mà ít quan tâm xem người ta sẽ sinh sống như thế nào, thành ra có chuyện nhiều gia đình nông dân được đền bù cả đống tiền, đã dùng tiền sửa nhà, sắm xe nhưng sau đó thì không có nguồn thu nhập thường xuyên nào cả.
Nghị định (NĐ) 17 giải quyết cả hai vấn đề bất cập đó. Thứ nhất, giá đền bù phải sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp giá do UBND tỉnh, thành phố quy định không sát giá thị trường tại thời điểm thu hồi thì phải định giá lại. Có nghĩa rằng, sẽ không lệ thuộc vào “khung giá” trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Thứ hai, một giải pháp mang tính căn cơ hơn, đó là hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp nếu không được bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được giao đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì việc tái định cư nhất thiết phải gắn với tạo việc làm từ sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp.
* Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất phi nông nghiệp để giao khi giải phóng mặt bằng thì sao, thưa ông?
– Khi hướng dẫn thi hành NĐ này, chúng tôi sẽ quy định rõ. Ví dụ, khi lập dự án một khu công nghiệp cần 200 ha, địa phương phải lên phương án thu hồi nhiều hơn, chẳng hạn 220 ha. 20 ha dư ra đó được bố trí làm đất tái định cư và đất sản xuất dịch vụ phi nông nghiệp để giao cho hộ có đất bị thu hồi. Rất nhiều dịch vụ phục vụ khu công nghiệp mà những hộ nông dân không còn đất sản xuất có thể làm để bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn một chính sách hỗ trợ cũng rất cụ thể khác của NĐ 17, đó là trong trường hợp hộ bị thu hồi đất là hộ nghèo (đã từng là hộ nghèo hoặc rơi vào diện hộ nghèo sau khi thu hồi đất) sẽ được hỗ trợ vượt nghèo trong vòng từ 3 – 10 năm.
* Thưa Bộ trưởng, chính sách thì lúc nào cũng tốt cả nhưng từ chính sách đến thực tế là một khoảng cách mà đôi khi không đạt tới. Chẳng hạn trước đây chúng ta cũng quy định về việc người bị thu hồi đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng thực tế như ông biết…
– NĐ 197 trước đây chỉ quy định hỗ trợ dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp nhưng thực tế số người đi học nghề không nhiều. Bây giờ thì có đất làm dịch vụ, con đường chuyển đổi nghề nghiệp rộng hơn và thuận lợi hơn nhiều. Có những dịch vụ thậm chí không phải học gì nhiều như cho thuê nhà trọ cho công nhân ở các khu công nghiệp chẳng hạn.
* Nhưng lấy gì để bảo đảm rằng, những quy định đó được các địa phương thực hiện nghiêm túc?
– Không có cấp ủy, chính quyền địa phương nào lại không quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, nếu có chỉ là cá nhân cán bộ này, cán bộ khác mà thôi. Chỉ có điều chính sách của chúng ta lâu nay chưa rõ ràng nên nhiều nơi giải quyết không thỏa đáng khiến dân bất bình. Các chính sách đã quy định trong NĐ 17 rất rõ ràng, cụ thể; nếu địa phương nào không làm, người dân sẽ khiếu nại. Theo tôi, hiện chỉ còn hai việc cần tiếp tục hoàn hiện, đó là xây dựng hệ thống định giá đất khoa học, khách quan và xây dựng hệ thống tài phán hành chính. Có hai công cụ đó thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhẹ nhàng hơn.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hà Nội: không cấp phép xây dựng cho lô đất nhỏ hơn 15m2
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định mới về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhằm siết chặt trật tự xây dựng đô thị tại Thủ đô.
Điều kiện đầu tiên để được cấp phép là lô đất xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt. Ngoài ra, lô đất phải có khoảng cách ly vệ sinh và an toàn cho người sử dụng, không bị úng ngập, ô nhiễm, bảo đảm các quy định về chỉ giới, an toàn công trình lân cận, hành lang bảo vệ đê…
Đặc biệt, để giảm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m hoặc những lô đất có kích thước hình học không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy hoạch (nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, rộng không hợp lý…) thì không được phép xây dựng.
Đối với công trình nhà ở còn lại sau giải phóng mặt bằng, nếu phù hợp quy hoạch cũng được phép sửa chữa, nâng cấp, cải tạo… Đồng thời, nhà ở, công trình đã có sẵn từ vị trí cách chân đê hiện tại 5m, không ảnh hưởng tới thoát lũ, có giấy tờ hợp pháp cũng được xem xét cấp phép xây dựng.
Theo quy định mới, khi xin cấp phép người dân cần phải có 12 loại giấy tờ về quyền sở hữu công trình và quyền sử dụng đất, bao gồm: Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất; GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Quyết định giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở; Giấy tờ thừa kế nhà đất được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận không có tranh chấp; Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; Giấy tờ chuyển nhượng đất đai hoặc mua bán nhà ở có xác nhận của UBND phường…
Trường hợp không có các loại giấy tờ nêu trên nhưng được UBND quận, huyện xác nhận là không có tranh chấp cũng được xem xét cấp phép. Tuy nhiên, các trường hợp có một trong các loại giấy tờ trên chỉ được xem xét cấp phép xây dựng đến hết 31.12.2007. Từ 1.1.2008, theo các quy định pháp luật về đất đai, người sử dụng đất phải có GCN quyền sử dụng đất mới được xét cấp phép xây dựng.
Cũng theo quy định mới, có 9 nhóm công trình khi xây dựng không phải xin phép. Đó là công trình thuộc danh mục bí mật Nhà nước; công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; công trình xây dựng tạm, phục vụ trong thời gian thi công xây dựng công trình chính, bao gồm công trình tạm của chủ đầu tư và của nhà thầu nằm trong sơ đồ tổng mặt bằng công trường đã được phê duyệt; công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500; các công trình sửa chữa, cải tạo bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực; công trình hạ tầng kỹ thuật có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng thuộc vùng sâu, vùng xa; nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa, không thuộc đô thị, điểm dân cư tập trung.
Ngoài 9 nhóm công trình trên, các loại công trình còn lại đều phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả công trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở.
Về xử lý các sai phạm, nếu các công trình đã được cấp phép nhưng xây dựng lấn chiếm không gian, xây dựng thêm tầng, xây kín ban công, lô ra thành buồng, phòng, vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng… đều bị coi là hành vi xây dựng trái phép và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi khởi công, trong thời hạn 7 ngày, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản, nộp bản sao giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác cho thanh tra xây dựng cấp phường. Kể cả trường hợp được miễn giấy phép, chủ đầu tư cũng phải thông báo và nộp các giấy tờ liên quan.
Khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, không phép, sai phép, UBND xã phường phải kịp thời đình chỉ ngay hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt. Trường hợp người được cấp phép xây dựng không chấp hành quyết định xử lý hành chính, vẫn tiếp tục vi phạm, UBND xã, phường phải thông báo ngay cho cơ quan cấp phép để thu hồi giấy phép. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền sẽ không cung cấp các dịch vụ điện, nước… đối với công trình xây dựng sai giấy phép đã được cấp.
UBND Thành phố cũng đã đưa ra danh mục 24 tuyến đường, phố cần đặc biệt lưu ý khi cấp phép xây dựng cho các công trình tiếp giáp mặt đường, phố. Đó là các tuyến phố thuộc khu trung tâm và một số đường mới mở như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi; Hàng Bài, Phố Huế, Bạch Mai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Bà Triệu. Việc cấp phép cho nhà mặt đường, phố nói trên sẽ do Sở Xây dựng xem xét.
Quy hoạch sẽ gần dân và dễ hiểu hơn
Ngày 19/12, Sở QH-KT đã ra văn bản hướng dẫn số 556/QHKT-TH về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông phục vụ cho công tác phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch trên địa bàn thành phố, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ phân cấp quy hoạch.
Theo hướng dẫn này, các yêu cầu về đồ án quy hoạch không chỉ phục vụ cho công tác xác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch của địa phương mà còn nhằm mục đích đưa quy hoạch đến gần dân hơn, dễ đọc và dễ hiểu hơn.
Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, việc điều tra hiện trạng phải được thực hiện đầy đủ trên các mặt dân số, lao động việc làm, đất đai, giao thông, nhà ở, hạ tầng xã hội, HTKT, văn hóa lịch sử, đặc trng kiến trúc, các dự án liên quan, quỹ đất trống… Trong đó xác định rõ các vùng cấm xây dựng và cập nhật các dự án liên quan và tập hợp các quy hoạch liên quan đã có. Mức độ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 – 1/500 phải cụ thể đến đường nhánh, tỷ lệ 1/500 cụ thế đến đường rẽ (lối vào nhà). Bản đồ nền để lập quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu đúng quy định về tỷ lệ, thời gian đo đạc không quá 2 năm.
Khác với trước đây, ngay từ khâu quy hoạch, việc tổ chức thực hiện và căn cứ quy hoạch chi tiết sử dụng đất sẽ được làm rõ, xác định cụ thể theo 3 khu vực: Khu vực nhà nước là các dự án đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các khu công cộng phục vụ chung cộng đồng (không kinh doanh). Khu vực chủ đầu tư là các dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Khu vực nhà nước và dân cùng làm là các khu dân cư, làng xóm cải tạo chỉnh trang trên nguyên tắc nhà nước hỗ trợ về kính phí làm hạ tầng kỹ thuật, người dân bỏ vốn tham gia và cải tạo nhà ở của mình.
Các quy định kiểm soát phát triển cũng là điểm đổi mới phục vụ cho công tác quản lý theo quy hoạch và người dân cũng dễ dàng nắm bắt để thực hiện cho đúng. Theo đó các đồ án quy hoạch phải xác định rõ khu vực cần kiểm soát (quá trình cải tạo, xây dựng các công trình trong đô thị theo phân cấp). Nội dung kiểm soát là tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, phù hợp quy hoạch, hình khối kiến trúc, màu sắc, vật liệu, mái, ban công, lô gia, độ cao tầng 1, vị trí điều hóa, vệt dắt xe, máng nớc… phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Quy định cụ thể kiến trúc – quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật thể hiện trong bản Điều lệ – Quy chế quản lý quy hoạch tập trung làm rõ các hành động: cấm, khuyến khích, miễn cấp phép (theo Quyết định 28/2006/QĐ-UB ngày 17/3/2006 của Uỷ ban nhân dân Thành phố).
Tại hội thảo về phân cấp quy hoạch do Hội Kiến trúc sư HN tổ chức ngày 21/12, ông Đỗ Viết Chiến, phó giám đốc Sở QH-KT cho biết, sau khi phân cấp cho các quận, huyện, việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc cấp nào phê duyệt đồ án thì cấp đó cho phép điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch điều chỉnh. Để bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư đối với khu làng xóm đô thị hóa (hoặc điểm dân cư nông thôn) khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần làm rõ về: các không gian trống phục vụ cộng đồng, đất chuyển đổi lao động việc làm, đất dành cho nhu cầu mất cân đối về HTXH và HTKT. Sở QH-KT cũng yêu cầu hết sức hạn chế việc san lấp ao hồ có diện tích lớn hơn 1.000m2 trong khu dân cư làng xóm. Khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch, người có thẩm quyền phê duyệt phải lấy ý kiến nhân dân thông qua phiếu hoặc họp đại diện tổ dân phố và UBND phường, xã có liên quan.
Công bố quy hoạch chi tiết khu Đền Lừ III và Cụm Công nghiệp Vĩnh Tuy (Giai đoạn II)
Ngày 16/11, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND quận Hoàng Mai tổ chức công bố và bàn giao 2 đồ án quy hoạch chi tiết đã được UBND Thành phố phê duyệt: QHCT tỷ lệ 1/500 khu di dân Ðền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất. QHCT Cụm công nghiệp Vĩnh Tuy (giai đoạn II) tỷ lệ 1/500.
QHCT tỷ lệ 1/500 khu di dân Ðền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất được UBND Thành phố phê duyệt tại quyết định số 127/2006/QĐ-UBND ngày 4/8/2006. Khu đất thuộc địa phận phường Hoàng Văn Thụ và phường Thịnh Liệt với quy mô 8,69ha. Ranh giới của khu quy hoạch được xác định bởi phía bắc giáp đường vành đai 2,5 rộng 40m và khu Ðền Lừ I, II; phía nam là khu đô thị mới Thịnh Liệt và Hoàng Văn Thụ; phía đông giáp chợ đầu mối phía Nam; phía tây giáp khu dân cư phường Tân Mai.
Theo quy hoạch, các công trình cao tầng quy mô lớn được bố trí phía mặt đường rộng 40m. Tại các góc đường có không gian và tầm nhìn lớn bố trí các tổ hợp công trình cao 17-20 tầng, tạo bộ mặt cho tuyến đường giao thông. Phần lớp trong là vườn, biệt thự với diện tích đất hơn 11.000m2. Hơn 10.600m2 đất trong khu vực được dành để xây dựng khách sạn cao cấp, văn phòng cho thuê. Các khu nhà ở cao tầng có tầng cao trung bình từ 8,5-10 tầng.
QHCT Cụm công nghiệp Vĩnh Tuy (giai đoạn II) tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố phê duyệt tại quyết định số 147/2006/QĐ-UBND ngày 30/8/2006, trên địa bàn các phường: Lĩnh Nam, Yên Sở, Trần Phú và phường Vĩnh Hưng.
Theo quy hoạch, Cụm công nghiệp Vĩnh Tuy (giai đoạn II) có tổng diện tích 20,41 Ha (trong đó có một phần diện tích đã cấp trong giai đoạn I là 0,468 Ha), được nghiên cứu đồng bộ, khớp nối hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và được quy hoạch với các chức năng chính: Đất coong nghiệp kho tàng, đất trường đào tạo, cây xanh, dịch vụ, hành chính, đất kỹ thuật và đường giao thông, trong đó đất xây dựng nhà xưởng đạt diện tích 95.095M2
Hồ sơ bàn giao bao gồm toàn bộ bản vẽ của 2 Đồ án và các Quyết định phê duyệt nội dung quy hoạch chi tiết và điều lệ quản lý xây dựng theo QHCT được duyệt
Công bố qui hoạch khu công nghiệp Sóc Sơn
UBND TP Hà Nội vừa công bố qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn. Theo đó, khu công nghiệp Sóc Sơn sẽ có qui mô gần 204ha, thuộc địa bàn các xã Mai Đình, Quang Tiến, Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).
Về địa giới, phía Tây Bắc khu công nghiệp tập trung Sóc Sơn giáp trục đường 131, phía Tây Nam giáp khu công nghiệp Nội Bài, phía Nam giáp đường qui hoạch cấp liên khu vực, phía Đông giáp đường qui hoạch và mương tưới Đồng Quan.
Theo qui hoạch, khu công nghiệp sẽ gồm 3 khu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trong đó cụm 1 diện tích 14,1ha; cụm 2 diện tích 47,9ha; cụm 3 diện tích 78,1ha. Các cụm công nghiệp được bố trí theo từng lô với nhiều loại diện tích lớn, nhỏ khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp.
4 dự án khác sẽ được triển khai đồng thời với dự án cụm công nghiệp tập trung để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội có liên quan: dự án khu di dân tái định cư, xây dựng khu trường dạy nghề, khu nhà ở cho công nhân làm việc trong cụm công nghiệp.
Để đảm bảo yếu tố môi trường, cụm công nghiệp được đặt ở vị trí không nằm trong khu dân cư và ở cuối hướng gió. Khoảng cách ly tối thiểu với khu vực dân cư là 50m. Diện tích cây xanh được bố trí khá dày trong từng cụm công nghiệp với diện tích lớn, tạo khoảng cách ly vệ sinh với khu vực dân cư nông thôn lân cận và khu nghỉ của công nhân.
Cũng theo qui hoạch, các khu làng xóm thuộc các xã Mai Đình được giữ lại, cải tạo chỉnh trang theo hướng hiện đại hóa, phát triển ổn định, được bổ sung đủ hạ tầng cơ sở cho các đơn vị ở. Mạng lưới đường trong khu vực nghiên cứu qui hoạch có đường cấp liên khu vực có mặt cắt ngang rộng 50m; đường cấp khu vực mặt cắt ngang điển hình rộng 40m. Trong đó tuyến đường đông – tây nối quốc lộ 3 với đường 131 sẽ được thực hiện theo dự án đã được thành phố phê duyệt.
Theo ước tính ban đầu, khoảng 3.600 lao động có liên quan đến diện tích bị thu hồi sẽ được tạo điều kiện để chuyển đổi nghề. Sở QH-KT Hà Nội cho biết trên cơ sở qui hoạch tỉ lệ 1/2.000 được duyệt, chủ đầu tư dự án sẽ triển khai lập qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với qui mô khoảng 63,1ha.