Căn biệt thự là kết quả trên cả mong đợi của sự pha trộn giữa mộc mạc và tinh tế tạo ra một bầu không khí thật sự độc đáo và sang trọng, đẳng cấp.
Phong thủy giếng trời giúp cân bằng sinh khí
Không gian giếng trời, nếu khéo léo vận dụng ngũ hành trong khoa học phong thủy, sẽ đem lại sự hài hòa và cân bằng về trường khí nội thất.
Đưa thiên nhiên vào nhà phố
Ngôi nhà ẩn mình trong con hẻm cụt và có vẻ khiêm nhường sau bức tường rào loang nắng. Với 1/3 không gian dành cho mảng xanh, chủ nhân còn cố gắng nhấn nhá thêm một khoảng giếng trời ngay giữa nhà với thác nước và vườn cây nhỏ như muốn khẳng định quan điểm “tôi cần thiên nhiên!” thông qua một chút màu hoài niệm và tiện nghi cao.
Giải pháp giật lùi dần khiến lớp mái che tầng này chính là ban công viền sân của tầng kia gợi nên những nhấp nhô một thuở rêu xanh phố cũ. Các chi tiết nhất quán theo phong cách biệt thự Pháp quen thuộc ở Sài Gòn nhưng không nệ cổ mà tìm kiếm đường nét hiện đại và giảm thiểu đi các gờ chỉ rườm rà. Lan can bằng gang đúc, gạch Tàu và gạch gốm Norco, Đồng Nai,… Tất cả như các ký hiệu khá quen thuộc nhưng vẫn mới lạ nhờ cách sắp xếp, gia giảm vừa phải. Chuối, đu đủ, mật cật, phát tài núi… đứng cạnh nhau trong một khoảng cỏ xanh rì khiến mảnh sân con trong nhà trở nên vui tươi và thuần Việt hơn.
Trở lại phòng khách, như muốn tìm một gạch nối trong ngoài, kiến trúc sư chọn giải pháp đóng trần theo kiểu giật cấp lõm tạo nên mảng vuông gắn kính màu ghép mảnh, 4 ô vuông làm nên bức tranh liên hoàn những cánh chuồn chuồn vờn quanh hoa lựu… Khi bật đèn lên, mảng trần này trở nên lạ lẫm mà vẫn thân quen nhờ các họa tiết đơn giản nhưng đậm chất đồ họa hiện đại trong một chủ đề dân dã. Mỗi ngày sợi nắng đều vui vẻ in bóng qua các bông sắt giếng trời, nhảy múa dọc mái hiên như tôn thêm vẻ đẹp của một không gian ở hướng nội, lặng lẽ mà vẫn sang trọng và tươi sáng. Tôi cần thiên nhiên! Phải lắm, mà thiên nhiên đôi khi chỉ là những xếp đặt khéo léo nhỏ xinh…
Chọn cây cho giếng trời
Việc đưa cây xanh vào nội thất nhà phố rất quan trọng để hình thành nên các cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, cải thiện môi trường ở và điều chỉnh luồng khí. Cây xanh cho nội thất nên là những loại cây xanh tốt, có nhiều mầm lộc phù hợp với môi trường sống ít ánh sáng trực tiếp và chịu bóng râm. Nên tránh các loại cây thô nhám, xù xì, gai góc. Tuy nhiên, khi đặt cây xanh ở khu giếng trời, thông thường sau một thời gian, chúng sẽ trở nên xơ xác. Một lý do là cây không hợp với điều kiện trong nhà, đòi hỏi thời gian chăm sóc… Một số kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp cây xanh nhà bạn không rơi vào tình trạng đó.
Chúng ta chỉ nên bố trí một lượng cây vừa đủ, dễ chuyển dời để chăm sóc và đảm bảo vệ sinh. Những giếng trời có diện tích lớn, chỉ nên để đất ở khu vực trồng cây. Phần diện tích còn lại có thể láng xi măng, sau đó dùng đá sỏi phủ lên, như vậy nhìn vẫn tự nhiên, lại dễ chăm sóc.
Chọn cây
Các chủng loại cây trong nhà hiện nay rất đa dạng về hình dáng và màu sắc (nhất là các loại lá được nhập giống từ Đài Loan rất phong phú). Đối với những cây chủ đạo có độ cao 1-2,5 m, ta có thể chọn loại phát tài núi, cau Hawaii, mật cật, đại phú gia, kim thiên, trúc Nhật, kim ngân… Các giống cây họ trầu có dáng lá rất đẹp như trầu thanh xuân, trầu đế vương, trầu rau muống, trầu chân vịt, trầu Mỹ, trầu khía… Các loại cây bụi như ngũ gia bì, vạn niên thanh, cau tiểu trâm, rán huyền, rán ổ phụng, đinh lăng, thiên niên kiện… Các loại hoa thì ít phong phú hơn, nhưng có thể chọn lan Ý, hồng môn…
Bố trí cây
Có vài cách bố trí đơn giản nhưng đạt hiệu quả khá cao. Kết hợp đá, sỏi, các phụ liệu trang trí sân vườn sẽ giúp tiểu cảnh của chúng ta đẹp lên và khá tự nhiên. Mảng xanh ấy sẽ thành công nếu đạt được vẻ tự nhiên, hài hòa, sạch sẽ và thỏa mãn được tầm nhìn.
– Với diện tích nhỏ, nên bố trí cây xanh thành một cụm, với một cây chủ đạo như phát tài núi, cau Hawaii… sau đó dùng đá, sỏi, đèn… và một số loại lá, cây bụi… điểm xuyết xung quanh.
– Với diện tích lớn hơn, có thể bố trí 2-3 cụm, nhưng chỉ nên là một loại cây chủ đạo và yếu tố cân bằng về bố cục phải được lưu ý.
– Vườn nước không nên bố trí nhiều cây. Cây được trồng trong chậu dùng sỏi phủ lên mặt, sau đó giấu bên dưới mặt nước, lớp vật liệu, sự luân chuyển của nước với hình dáng và âm thanh sẽ góp phần tạo nên hiệu quả.
– Với khu vực nhiều người đi lại như cầu thang, hành lang… bạn nên bố trí các cây nhỏ, ít gai nhọn, thân cành gọn không vướng víu như: Trúc nhật, trúc quân tử, hay một số cây bụi nhỏ khác không cản trở việc đi lại như hồng môn, đỏ môn, hoàng yến…
– Với những không gian riêng như phòng ngủ, phòng làm việc thiên về không gian tĩnh bạn nên bố trí các loại cây dung dị không nên quá sặc sỡ hay tưng bừng sắc hoa và nên bổ sung tính dương như: các loại cây xương rồng, các cây bonsai, những chậu cây lá sáng màu.
– Trong khu vực phòng ăn và bếp bạn nên bố trí các loại cây gọn, tán nhỏ và có chức năng khử mùi như: dương xỉ, ngũ gia bì,… Trong khu vực đặt bàn ăn nên có những chậu hoa màu sắc tươi sáng, kích thích sự tiêu hóa như: tía tô cảnh, đỗ quyên…
Với những không gian chuyển tiếp phía ngoài nhà thì việc bố trí cây xanh tùy theo ý thích của bạn vì khu vực này là nơi cây có thể tiếp xúc với điều kiện tự nhiên nên dễ sinh sống phát triển bình thường.
Nếu bạn bố trí cây xanh trong nhà ở vị trí ít ánh sáng thì bạn có thể dùng đèn chiếu sáng cho cây. Loại đèn này phát ra ánh sáng giống ánh sáng mặt trời giúp cây sinh trưởng và quang hợp một cách bình thường.
Bố trí chậu
Với chậu đơn lẻ, hình dáng và vật liệu, màu sắc chậu, loại cây rất quan trọng để tạo sự hài hòa với tổng thể. Với những chậu lớn, đôi khi cây xanh được bố trí vào một chậu nhựa hoặc lưới rồi đặt khít vào để dễ thay đổi. Nếu có nhiều chậu, có thể sử dụng nhiều loại chậu cao thấp, và chủng loại để tạo nên một góc xanh tự nhiên. Riêng việc xếp đặt và bố cục thì khó hơn, yêu cầu phải có trình độ thẩm mỹ nhất định.
Chăm sóc cây
Ánh sáng và thông thoáng là yếu tố quan trọng nhất giúp cây bền lâu. Mỗi khi thấy cây không còn sung sức, ta nên luân chuyển cây ra ngoài trời (nơi có bóng râm). Không để cây thiếu nước, nhưng lượng nước tưới quá nhiều đôi khi làm cây chết nhanh hơn. Ta có thể kiểm tra độ ẩm đất bằng cách thọc sâu vào lớp đất bên dưới.
Lá phổi của ngôi nhà
Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, sau khi xây dựng và sử dụng được một thời gian, có trường hợp chủ nhà phải thuê thợ đến “thủ tiêu” sân vườn đi vì không chịu nổi nước mưa vào nhà cùng với những vị khách côn trùng không mời mà đến.
Ai quan tâm đến góc xanh?
Trong xu hướng đô thị ngày càng sống theo chiều đứng, cây xanh càng thể hiện rõ vai trò của mình. Song không phải chủ nhà nào cũng ý thức được vấn đề và dám hy sinh một phần cho mục tiêu có vẻ như xa xỉ này. Lý do hết sức đơn giản là tại các đô thị, từng mét vuông đất được tận dụng là hái ra tiền.
Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, gió rất khôn, không có lối ra thì sẽ không vào, nên không phải ngôi nhà nào tổ chức giếng trời, sân vườn cũng đạt hiệu quả như mong đợi. Còn có lý do khác khiến chủ nhà e ngại khi tổ chức sân vườn, là với đặc thù nắng lắm mưa nhiều như khí hậu Việt Nam, việc mang ánh sáng vào nhà và tiêu thoát nước mưa là vấn đề không hề đơn giản. Không đủ ánh sáng tự nhiên, không đủ nước cho cây sống thì hiệu quả của sân vườn sẽ bằng không. Do vậy, việc tổ chức giếng trời và sân vườn hoàn toàn không phải là chuyện …ngẫu hứng! Tuỳ diện tích ngôi nhà mà giếng trời, sân vườn có một không gian nhất định. Và cũng tuỳ mức độ yêu thiên nhiên hay sự hào phóng của chủ nhà mà diện tích ấy có thể lớn hay nhỏ. Có nhiều ngôi nhà được thiết kế có vẻ như khá hợp lý với việc tổ chức giếng trời và sân vườn, nhưng sau khi xây dựng và sử dụng một thời gian, chủ nhà phải thuê thợ đến thủ tiêu sân vườn đi vì không chịu nổi những bất lợi mà nó mang lại: nước mưa và côn trùng. Lại có những ngôi nhà, người thiết kế không thuyết phục được chủ nhà bớt một phần diện tích làm giếng trời, sân vườn rồi sau đó lại phải thuê thợ đến cắt một ít diện tích sàn hay đục tường, trổ thêm vài cửa sổ. Tất nhiên, những giải pháp đó vô cùng khiên cưỡng…
Gợi ý làm giếng trời
Có thể tạm chia là 2 loại giếng trời:
– Giếng trời chỉ có tác dụng điều hoà khí hậu:thông gió là chính, lấy sáng là phụ, hay áp dụng cho nhà phố có nhiều tầng. Ở những ngôi nhà này, việc lấy sáng, thông gió trực tiếp là hết sức khó khăn. Loại giếng trời, sân vườn này hay được bố trí kết hợp ở những vị trí thuộc loại góc khó, góc khuất, góc chết. Do diện tích giếng trời của những nhà loại này thường không lớn nên việc kết hợp trang trí sân vườn phải hết sức cân nhắc. Không nên ốp quá nhiều loại vật liệu cũng như không nên sử dụng màu sẫm tối trong diện tích nhỏ này, vì như thế sẽ làm giảm hiệu quả chiếu sáng. Có thể kết hợp trang trí bằng cây xanh nhưng không nên trồng cây có rễ cọc lớn hay những loại dây leo có khả năng phát triển nhanh, rậm. Tốt nhất là dùng chậu trồng những loại cây có thể sống lâu ngày trong điều kiện ít được chăm sóc trực tiếp bằng ánh sáng và nước mưa.
– Giếng trời kết hợp sân vườn: Ngoài chức năng điều hoà cải tạo vi khí hậu còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trường hợp này thường được áp dụng cho nhà phố có diện tích lớn hoặc biệt thự. Loại này giếng trời có diện tích đủ lớn và thường được bố trí tại các vị trí mặt tiền của ngôi nhà như phòng khách, phòng sinh hoạt chung, nơi hội tụ của các phòng, không gian kết hợp cầu thang…Tóm lại, đó là những vị trí sao cho mọi người có thể quan sát và thụ hưởng được. Có thể sử dụng vật liệu một cách ngẫu hứng, miễn sao việc bố trí mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Hoàn toàn có thể trồng cây xanh trực tiếp trong khu vực này nếu diện tích bề mặt đủ lớn (không láng xi măng hay lát gạch), đảm bảo thoát nước một cách tự nhiên, và cần có giải pháp ngăn không cho nước mưa chảy vào những khu vực cấm khi chưa được phép. Việc trồng cây xanh trong khu vực này cũng khá đơn giản, có thể sử dụng cả những loại cây có hoa hoặc có mùi thơm nhẹ nhàng nhằm mang lại sự hứng khởi cho không gian sống hoặc làm việc trong nhà.
Làm đẹp giếng trời
Một góc sân trong nhà tuy nhỏ hẹp nhưng cũng có thể làm không gian sống của bạn trở cân bằng và thú vị nếu biết tận dụng thế mạnh của thiên nhiên và cây cỏ.
Theo các quy định về quy chuẩn xây dựng mới thì phía sau nhà phố phải chừa lại tối thiểu 1m (chiều sâu diện tích) “giếng trời”. Khoảng không gian này giữ vai trò như là sân sau và có tác dụng làm thông thoáng một căn nhà. Trong quy chuẩn xây dựng cũng bắt buộc phải chừa diện tích thông thoáng lớn hơn hoặc bằng10% trên diện tích xây dựng (theo trục đứng).
Ngoài “sân sau”, theo nhiều KTS, tốt nhất các gia chủ vẫn nên dành ra những khoảng diện tích cần thiết trong nhà khác như khu vực buồng thang ở khoảng giữa nhà để bố trí thêm những giếng trời và làm họng hút khí để cân bằng “hệ sinh thái” trong nhà.
Để nhấn mạnh không gian bạn có thể thay những mảng tường đơn điệu thường thấy bằng cách sử dụng một số vật liệu ốp lát từ đá thiên nhiên hoặc sử dụng những màu sắc, những hình vẽ hoa văn trang trí sống động cho bức vách.
Để đưa thiên nhiên vào nhà, dù diện tích không lớn lắm bạn vẫn có thể biến những khoảng giếng trời này thành những mảng xanh cho nhà với chậu treo hoặc dây leo xanh trên bờ tường. Dưới sàn nhà, xen với cây cảnh bạn có thể làm những hồ nước nhỏ, thả hoa hoặc cá để tạo sự cân bằng về mặt phong thủy. Nếu không đủ diện tích thì cũng chỉ cần rải sỏi, đặt thêm vài bình lọ gốm hoặc các vật trang trí…
Từ những khu vườn thiên nhiên hiện diện ngay trong nhà này, gian bếp, phòng ăn hoặc các khu sinh hoạt lân cận có thể tận hưởng được ánh sáng trời đầy đủ trong ngày, có được sự thoáng mát nhờ sự đối lưu không khí tốt. Để tranh thủ không gian, với một chiếc ghế tựa nhỏ hoặc thêm vài chiếc đôn bạn cũng có thể biến khu vực giếng trời thành chỗ ngồi thư giãn, đọc sách hay trò chuyện hoặc làm nên một “sân chơi” thoáng mát cho trẻ…
Ngũ hành của giếng trời
Trong khoa học phong thủy, nếu biết khéo léo vận dụng ngũ hành cho không gian giếng trời, sẽ đem lại sự hài hòa và cân bằng về trường khí cho nội thất.
Với vai trò phân bố ánh sáng và thông thoáng cho nhà, giếng trời thường được bố trí tại trung tâm của mặt bằng nhà (trung cung). Đây là khu vực mang đặc tính của hành Thổ, cân bằng với các hành khác theo nguyên tắc Hỏa thăng – Thủy giáng – Thổ bình hòa hoặc Mộc chuyển – Kim ẩn – Thổ trung dung.
Bốn hành còn lại trong ngũ hành đều lấy Thổ làm cầu nối để tăng giảm, qua lại tương tác với nhau thông qua vật liệu, màu sắc, đường nét của những không gian trống mà giếng trời là đặc trưng. Từ đó, các bố trí nội thất sẽ cân nhắc tính chất Ngũ hành để điều chỉnh cho hài hòa. Ví dụ như một cầu thang lượn có hồ nước đặt dưới gầm là dạng Thủy vượng, sẽ khó sử dụng và gây ẩm thấp. Còn nếu đặt hồ nước ấy trong giếng trời, cho nước chảy trên tường, có ánh sáng trực tiếp chiếu xuống thì Thổ sẽ khắc Thủy vượng, Dương sẽ bù âm, giảm được tủ đọng tối tăm, tăng sự mát mẻ cho không gian.
Gặp dạng nhà mặt bằng méo mó, giếng trời nên đặt vào các góc méo theo dạng hành Hỏa (góc nhọn) để trả lại hình vuông vức cho nội thất (Hỏa sinh Thổ). Khi cần tiết kiệm diện tích, giếng trời có thể kết hợp với ô trống giữa hoặc bên cạnh cầu thang. Cách làm này tất nhiên không thông thoáng trực tiếp bằng giếng trời độc lập, nhưng khi trên nóc thang có cửa trời dạng chéo (Hỏa sinh Thổ) thì khả năng luân chuyển nội khí vẫn tốt và có thể trang trí vách cầu thang thành một trục nhấn toàn nhà.
Trường hợp nhà có cầu thang đi về một bên và đổi tầng, hoặc dạng cầu thang lệch tầng sẽ tạo thành dạng giếng trời xiên (cũng thuộc hành Hỏa) thuận tiện về giao thông và tầm nhìn, thông thoáng cũng tốt hơn.
Bố trí Ngũ hành cho giếng trời cần quan sát không gian bên cạnh là không gian gì, có đặc tính Ngũ hành nào để điều chỉnh và dùng chất liệu cho phù hợp.
Với những nhà thấp tầng hoặc chủ nhà không muốn đặt phòng thờ trên lầu cao thì giếng trời có mái là nơi phù hợp nhất để đặt phòng thờ, vừa tiện việc hương khói mỗi ngày (thoát hơi nóng dễ dàng) vừa không bị các không gian khác ở phía trên tác động xuống bàn thờ bên dưới. Đặc tính Thổ của giếng trời còn giúp phòng khách (cũng thuộc Thổ) có thể mở rộng sinh hoạt sang khoảng trống này, nhất là đối với nhà trệt hoặc biệt thự.
Nếu giếng trời bên cạnh phòng ăn (thuộc Mộc), thì có thể dùng cây cảnh, suối nước để có Mộc và Thủy tương sinh. Nếu mở giếng trời thông thoáng cho phần bếp thì nên bố trí theo dạng ống hút thẳng đứng (Mộc sinh Hỏa) nhưng trên đỉnh phải có mái che tránh mưa tạt. Có thể dùng mái bằng gắn kính lấy sáng hoặc mái dốc nghiêng (Hỏa) để tạo hiệu ứng ống khói hút nhiệt lên cao, không lan tỏa khói mùi sang các phòng khác.
Khi giếng trời kế bên phòng ngủ thì cách bài trí lại thiên về tính Thủy và Mộc bằng cách tạo trang trí nhẹ nhàng, màu tươi sáng. Những giếng trời để trơ trọi hoặc bọc khung sắt quá dày luôn không tốt bằng những giếng trời để thoáng có vật liệu gần gũi với thiên nhiên (Thổ, Mộc hoặc Thủy) và khung hoa sắt bảo vệ vừa đủ, có đường nét tạo hình sinh động cũng như biến giếng trời thành điểm nhấn nổi bật cho nội thất.