Ngói màu là loại ngói xi măng cát được sản xuất theo công nghệ ép mới, đã loại bỏ những khoảng rỗng, hạn chế độ xốp nên nhẹ và đẹp hơn. Ngói được phủ một lớp màu bằng cách trộn trực tiếp bột màu vào nguyên liệu hoặc phun sơn lên bề mặt viên ngói.

Công nghệ sản xuất ngói màu mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chừng 5-6 năm trở lại đây. Sản phẩm chủ yếu sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản, Đức, Italy… Một viên ngói có kích thước trung bình 330 x 400 x 15 (mm), tương đương 10 viên/m2, mỗi viên nặng từ 4 đến 4,2 kg và trọng lượng mái từ 40 đến 42 kg/m2, nhẹ hơn ngói truyền thống khoảng 20%. Ngoài ra, ngói màu có cường độ uốn cao hơn, có khả năng hút ẩm, chống nóng, chống thấm và hạn chế rêu mốc rất tốt. Các gờ chắn nước theo chiều dọc và chiều ngang của viên ngói có thể để ngăn hiện tượng nước tràn qua khe ngói khi trời mưa to và gió lớn. Ngoài ra, do kích thước viên ngói lớn, chi phí cho hệ thống giàn đỡ trên mái có thể giảm được một nửa.

ngoi-mau-trang-tri-nha-1

Ngói màu Nhật Bản

Bề mặt ngói có hai loại, loại trơn, tạo bề mặt ngói bóng đẹp và loại có “vẩy sần” có tác dụng khúc xạ ánh sáng nhằm tránh hấp thụ nhiệt qua ngói để chống nóng và chống trơn trượt khi thi công. Màu sắc phổ biến nhất là đỏ và xanh tím. Ngoài ra, sản phẩm còn được biết đến với các gam màu như đỏ nâu, nâu, xanh thẫm, xanh lá cây, xanh rêu, ghi, đen… Người sử dụng có thể sơn lại màu mới khi cần thay đổi.

Khi lắp đặt ngói màu trên mái có kết cấu bằng gỗ hoặc sắt, độ dốc nên lớn hơn 30%, chiều dài mái ngói cũng không nên quá 10 m (tính từ đỉnh xuống). Nếu mái có kết cấu bằng bê tông thì độ dốc có thể nhỏ hơn 30%, nhưng phải có lớp chống thấm. Nếu mái có độ dốc lớn hơn 60% thì phải bắt vít hoặc đóng đinh toàn bộ phần ngói lợp. Trường hợp các mái lõm phải có máng xối dẫn nước bên dưới để thoát nước hợp lý.

ngoi-mau-trang-tri-nha-2

Công trình lợp mái bằng ngói màu.

Khi lợp, lợp một hàng dưới trước rồi lợp từ dưới lên và từ trái qua phải. Viên ngói đầu tiên bên trái mái lợp cách riềm 30 mm, lấy vuông góc hai chiều của riềm hông và hàng ngói đầu tiên. Mỗi viên ngói được liên kết chắc chắn với thanh chắn bằng vít thép. Gắn ngói nóc bằng vữa dẻo khô, trải đều vào vị trí chân viên ngói, khi vữa đã đủ độ cứng, cắt bỏ phần vữa thừa để làm nhẵn. Đối với ngói cạnh, khi lắp phải áp sát vào riềm trang trí bên hông. Để vệ sinh và hoàn thiện cho quá trình thi công, khi thấy vữa dính lên mặt ngói khô trắng, dùng xốp lau sạch. Bạn cũng có thể dùng sơn acrylic chuyên dụng để sơn lớp vữa đồng màu với ngói.

Độ bền màu của ngói màu là một vấn đề lâu nay vẫn được bàn tới, nhất là trong điều kiện khí hậu ở nước ta. Nếu phủ màu bằng cách cho bột màu trực tiếp vào nguyên liệu thì màu sắc của viên ngói không bóng đẹp và nhanh bị rêu mốc. Nếu dùng sơn màu để phun lên mặt ngoài của viên ngói thì màu sắc bóng đẹp hơn nhưng độ bền màu của viên ngói lại kém vì chất tạo màng hữu cơ dù chất lượng cao đến mấy cũng khó bền trong điều kiện nóng ẩm như ở nước ta. Ngoài ra, sản phẩm này có giá thành khá cao, trong đó, chi phí sơn màu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành. Vì vậy, hiện nay, vẫn có cả hai loại ngói để người dùng dễ dàng lựa chọn.