Đến với Bắc Hà (huyện Bắc Hà – PakHa – Lào Cai) giờ thật sướng, chẳng như chặng đường chúng tôi đi từ ngã ba Bắc Ngầm một phần tư thế kỷ trước. Thị trấn hoàn toàn khác xưa. Các dãy phố biến hầu như không còn căn nhà gỗ một tầng lợp ngói âm dương.

biengioitaybac906171bo4

Bắc Hà đẹp, khí hậu trong lành, chỉ chịu đứng sau Sa Pa trong các địa danh du lịch, nghỉ dưỡng của Lào Cai. Đây là một trong những nơi cư trú đông đúc của người Mông, với khoảng hơn 60 phần trăm. Bắc Hà cũng là một trong những cái nôi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá của nhiều dân tộc anh em, nhất là của người Mông. Nhưng đến thị trấn Bắc Hà, ngoài ngày có chợ phiên với các bạn trẻ có lẽ hơi buồn, nó không khác gì mấy Tam Đảo dưới xuôi. Bạn phải đến các bản, chứ đến tận Cán Cấu, Si Ma Cai (nay đã tách huyện khỏi Bắc Hà) – dù đường rất tốt – cũng đã và đang quy hoạch “hơi bị đẹp” theo kiểu miền xuôi mất rồi.

Thị trấn Bắc Hà có một dinh thự rất đẹp, xứng đáng là di tích lịch sử văn hoá. Đó là một giá trị văn hoá vật thể đáng quý và có lẽ là duy nhất ở Bắc Hà. Chưa ghé qua cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc thì coi như chưa đến Hà Giang. Và đến với Đồng Văn không thể không ghé qua Sà Phìn thăm di tích khu nhà họ Vương, một dòng tộc lớn của người Mông. Nhà họ Vương – chủ nhân là Vương Chính Đức (tức Vàng Dúng Lù, một thủ lĩnh yêu nước) – và con trai Vương Chí Sình (Vàng Seo Lử, được Bác Hồ đặt tên là Vương Chí Thành, thay cha làm thủ lĩnh người Mông Đồng Văn, Đại biểu Quốc hội khoá I) sau bao thăng trầm, đổ nát đã được Nhà nước đầu tư tôn tạo, tu bổ lại, mới hoàn thành cách đây gần hai năm.

DinhHoangATuong BacHa

Có lẽ dinh thự nhà họ Hoàng ở Bắc Hà chưa may mắn bằng. Theo tài liệu lịch sử, lãnh đạo đoàn di cư người Mông đến Lào Cai cách đây hơn 200 năm là Hoàng Sín Dần, một tộc trưởng có uy tín, giỏi võ. Bắc Hà là nơi đất hứa đầu tiên, sau đó mới đến Sa Pa. Dinh Hoàng A Tưởng (còn gọi là Dinh Bắc Hà) mang tên con cháu nhiều đời của thủ lĩnh họ Hoàng ấy. Thân sinh Hoàng A Tưởng là Hoàng Yến Chao, Thổ ty vùng Bắc Hà, rồi Hoàng A Tưởng kế tục làm Thổ ty cho đến ngày Lào Cai giải phóng.

meo 3

Dinh này được Hoàng Yến Chao cho xây từ năm 1914 đến tận 1921 mới xong. Theo nghiên cứu của Cty Tu bổ di tích & Thiết bị văn hoá TƯ (Bộ VHTT) thì Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng trên khu đất rộng hơn 10.000m2trên một ngọn đồi thấp với diện tích sàn 2 tầng khoảng 400m2, được kết hợp giữa kiến trúc phương Tây với nghệ thuật phong thuỷ phương Đông, do hai nhà kiến trúc sư Pháp và Trung Quốc thiết kế.

meo 4

 Vẻ đẹp hoang phế, u sầu của công trình sẽ khiến nhiều du khách cảm thấy bất ngờ vì tại nơi hẻo lánh này lại xuất hiện một kiến trúc phương Tây, mà chính xác nhất ta phải gọi nó là một lâu đài nhỏ. Chiếm lĩnh riêng một ngọn đồi, tòa dinh thự nhìn thẳng xuống thung lũng Bắc Hà. Những cửa sổ vòm cao và hẹp. Những lỗ châu mai, cửa hầm tăm tối, bí hiểm nhấn mạnh thêm phần đế lực lưỡng của tòa nhà.

Tường gạch cao vút nhưng tróc lở, xen kẽ những đám rêu và dương xỉ ẩm ướt. Bước lên theo những bậc thang lượn cong, hé cửa nhìn vào, bạn sẽ thấy một khoảng sân rộng, bao quanh là một dãy hành lang hẹp với hàng cột tròn thanh thoát.

meo 7

Đối diện cửa ra vào ở phía bên kia sân là khối nhà chính hai tầng. Hàng gạch đỏ viền trên các khuôn cửa vẫn còn tươi tắn. Nhưng những nhánh liễu đắp nổi, tượng trưng cho hạnh phúc và sự thịnh vượng đã mờ nhạt. Các cửa phòng đóng kín. Tất cả đều quạnh vắng. Một vài cái quần áo phơi phất phơ và dăm đường kẻ sơn trắng đánh dấu một sân cầu lông cho ta biết nơi đây vẫn có người.

Bạn sẽ mất một thoáng ngẩn ngơ ở trước sân vì không tìm ra cầu thang để đi lên tầng trên, và cuối cùng phải men theo dãy hành lang hẹp chan hòa ánh nắng chiều để vòng ra phía sau. Cầu thang của tầng trên đổ xuống sân sau. Cửa chính của dinh thự quay về hướng Nam – phải chăng điều này chứng tỏ quan niệm về Phong thủy của người Trung Hoa đã ảnh hưởng đến việc chọn vị trí và ý đồ thiết kế tòa dinh thự này.

meo

Những vệt nắng chiều còn sót lại uốn lượn trên dãy hành lang vắng vẻ. Ánh sáng thoắt ẩn, thoắt hiện thật mê hoặc, vì mỗi bước dừng lại và ngước nhìn, bạn thấy một khuôn hình kiến trúc đẹp, liên tục biến đổi bởi các khung vòm, cột tròn của dãy hành lang kết hợp với ánh sáng tạo thành.

Bước ra lan can rộng lớn của tầng trên, nhìn về những dãy núi xa xăm rồi quay lại nhìn tòa ngang dãy dọc của lâu đài cùng con số 1921 vẫn còn rất sắc nét trên nóc của tòa nhà chính, bạn có hình dung tòa nhà này đã lộng lẫy đến nhường nào khi nó hoàn tất cách đây hơn 80 năm.

Dinh vua meo

Chiều xuống thấp hơn. Ánh mặt trời dường như đặc lại, vấn vương nơi những khe cửa sổ. Lấp lánh mãnh liệt trong phút chốc trên gờ của những cây cột tròn. Ngoái nhìn lại một lần nữa, tòa dinh thự lặng lẽ in bóng trên nền trời tím sẫm, u hoài và tráng lệ… Vẻ đẹp hoang tàn của lâu đài nhỏ khiến bạn chạnh lòng, có gì đó tiếc nuối.

Dinh Hoàng A Tưởng gọn ghẽ, chặt chẽ và Tây hơn khu nhà họ Vương. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, nó là một cấu trúc kiến trúc đặc biệt ít gặp trong thể loại kiến trúc dinh, thự xây dựng ở Việt Nam thời kỳ bấy giờ; kết hợp giữa dinh, thự vừa để ở, làm việc và cũng là pháo đài bảo vệ.

Khi tôi đến, Dinh Hoàng A Tưởng đang được bắt đầu sửa chữa. Ngoài cổng đã có hàng rào mới, có cột trát gạch Giếng Đáy, cột phủ đá granitô với một tấm biển đề “Nhà khách UBND huyện Bắc Hà”. Nhiều năm trước, dinh này cũng đã là nhà khách, người ta đã làm thêm đủ thứ chẳng ăn nhập gì với dinh thự như khu bếp ăn, gara ôtô, khu vệ sinh. Sau này dinh xuống cấp trầm trọng, hệ thống sàn gỗ tầng 2 hỏng hoàn toàn, trần vôi rơm xưa mục nát, mái dột nát nhiều, tất cả các cửa đều bị mối mọt.

meo sua

Ngày 20.9.2006, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật này. Dự án do Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương – nay là Cty cổ phần làm tư vấn lập dự án, chủ đầu tư là Sở VHTT Lào Cai. Tôi đặc biệt lưu ý tới phần nội thất: Sưu tầm, trưng bày các hiện vật tiêu biểu, có giá trị văn hoá của bà con các dân tộc sinh sống trong huyện Bắc Hà… Tuy nhiên khi về Hà Nội, gặp ông Lại Bá Cử – Giám đốc Cty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương – thì được biết, công ty ông ngoài báo cáo nghiên cứu khả thi (2005) đến nay không tiếp tục làm gì thêm nữa.

Khi tôi điện hỏi Giám đốc Sở VHTT Lào Cai Trần Hữu Sơn – chủ đầu tư theo Quyết định số 2535 (20.9.2006) của UBND tỉnh Lào Cai, mới hay rằng UBND huyện Bắc Hà trực tiếp thực hiện cải tạo dinh thự này. Như thế, khi cải tạo xong (có lẽ không thể dụng cụm từ bảo tồn, tôn tạo…) thì nơi đây sẽ là nhà khách là chính. Và lại có vài phòng VIP như kiểu nhà công tử Bạc Liêu ở xa xôi miền Tây Nam của đất nước.

Nếu như chỉ làm nhà khách, di tích lịch sử văn hoá hiếm có này sẽ ra sao? Bắc Hà là huyện miền núi cao, ngoài dinh thự này, không còn di tích nào khác, nếu du khách đến đây chỉ để nghỉ tại khu nhà đã biến dạng và mục đích sử dụng hoàn toàn khác thì thật tiếc…