Ngày 21/3/2005, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 50/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) đã phát hiện di tích khảo cổ học; đây là vấn đề quan trọng, cần nghiên cứu kỹ để điều chỉnh quy hoạch này.

Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, trong đó:

a) Về trụ sở làm việc của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội: Đồng thời với báo cáo của Viện KHXH VN và của Bộ VH -TT về giá trị khảo cổ học và phương án bảo tồn, bảo tàng, khai thác các di tích đã được phát lộ tại Lô D, cần kiến nghị cụ thể về việc xây dựng Nhà Quốc hội và văn phòng Quốc hội tại Khu Trung tâm chính trị Ba Đình theo 3 phương án sau:

– Phương án 1: Nhà Quốc hội xây dựng tại một phần của Lô D; trong đó xây dựng trụ sở Quốc hội, còn khu vực làm việc của Văn phòng Quốc hội xây dựng tại địa điểm khác. Cần báo cáo cụ thể giải pháp xây dựng Nhà Quốc hội phía trên, dưới mặt đất vấn có thể bảo tồn di tích.

– Phương án 2: Xây dựng Nhà Quốc hội tại Lô H6; di chuyển Bộ Tư pháp, Nhà khách Chính phủ, Nhà khách TƯ Đảng hiện nay trên Lô đất này. Cần báo cáo cụ thể giải pháp xây dựng Nhà khách trên Lô H7 để di chuyển trước khi xây dựng Nhà Quốc hội.

– Phương án 3: Xây dựng Nhà Quốc hội tại Lô A7 và H7. Trung tâm giao dịch và điều hành Viễn thông Quốc gia và Cục Bưu điện TƯ xây dựng tại địa điểm khác.

Thủ tướng nêu rằng cần phân tích các ưu nhước điểm của từng phương án, lưu ý nghiêng theo phương án 2 có nhiều ưu điểm hơn.

Trong các phương án không xây dựng Nhà Quốc hội tại Lô D phải báo cáo giải trình cụ thể đề án bảo tồn phát huy di tích cũng như quy hoạch sử dụng đất Lô D, bảo đảm cảnh quan khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

b) Không xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội lựa chọn địa điểm xứng đáng với tầm vóc các Bảo tàng này. Có thể nghiên cứu bố trí các Bảo tàng nêu trên và một số Bảo tàng khác tại khu vực hai bên đường Láng – Hòa Lạc, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

2. Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần bố trí khu vựcxây dựng trụ sở cácBộ, ngành TƯ (trước mắt là Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành khác) và khu vực dành để xây dựng trụ sở cơ quan TP. Hà Nội.

3. Xây dựng mở rộng trụ sở Văn phòng Chủ tịch nước tại khu đất phía sau Phủ chủ tịch hiện đang là khu nhà ở của cán bộ, nhân viên thuộc Bảo tàng HCM và Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội lập phương án di dời các hộ gia đình hiện nay đang ở tại khu vực này; chủ trì, phối hợp với Bộ VH -TT khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của TTg CP tại CV 3072/VPCP-KTN ngày 11/8/1998 của VPCP.

4 Uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc Bộ Quốc phòng sớm bàn giao phần còn lại của Khu vực phía Tây đường Nguyễn Tri Phương tới đường Hoàng Diệu trước năm 2010 để UBND TP. Hà Nội quản lý, xây dựng thành Khu di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.

Giao UBND TP. Hà Nội lập Quy hoạch chi tiết Khu vực thành cổ Hà Nội để làm cơ sở cho việc đầu tư các dự án bảo tồn, bảo tàng và khai thác giá trị của các di tích trong khu vực.

5. Đồng ý quy hoạch khu vực trụ sở Chính phủ và VPCP do Bộ Xây dựng đề xuất. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội lập quy hoạch chi tiết khu vực này theo hướng mở không gian về phía Hồ Tây, trình Thủ tướng CP xem xét, phê duyệt. Giao UBND TP. Hà Nội lập phương án di dời các hộ dân và cơ quan trong khu vực để thực hiện quy hoạch công viên và tượng đài.