Hơn 200 triệu đồng là số tiền mà một giám đốc công ty xây dựng bỏ ra để bù lỗ cho công trình 30 tỉ mà công ty của ông đã ký trước thời điểm giá thép tăng. Trong vòng nửa tháng qua, giá thép đã tăng đến 2 lần. Trung bình tăng 200.000 đồng/tấn

Nửa tháng tăng hai lần

Thép cây trên thị trường đã tăng lên đến 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn

Hầu hết giá thép các loại của những công ty đều đang ở mức cao từ đầu năm đến nay. Công ty thép Vinakyoe, cho biết từ 18.6 giá thép cây và cuộn của công ty đã tăng thêm 200.000 đồng/tấn. Trong đó, thép cây đạt 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn. Cũng tăng giá trong đợt này còn có Pomina với mức giá tương ứng.

01110

Thép cây trên thị trường đã tăng lên đến 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn

Hai công ty sản xuất thép chiếm thị phần lớn tại phía Nam là Công ty thép Miền Nam và Công ty thép Việt – Nhật cùng công bố tăng giá 200 đồng/kg cho cả thép cuộn và thép cây. Cụ thể giá thép cuộn của Công ty thép Miền Nam là 9,2 triệu đồng/tấn và giá thép cây là 9,6 triệu đồng/tấn; giá thép cuộn của Công ty thép Việt – Nhật từ 9,24 triệu đồng/tấn – 9,43 triệu đồng/tấn; giá thép cây từ 9,67 triệu đồng – 9,87 triệu đồng/tấn (các giá trên đều chưa có thuế VAT).

Đây là lần tăng giá thứ hai của các công ty này kể từ đầu tháng 6 đến nay. Theo các công ty, nguyên nhân tăng giá là do giá phôi thép nhập khẩu tăng mạnh. So với tháng trước, giá phôi thép nhập vào Việt Nam ở mức từ 505 USD đến 510 USD/tấn. Hiện giá nhập phôi đã lên đến 540 đến 550 USD/tấn.

Ông Đào Đình Đông – trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Công ty thép Miền Nam (SSC) nói: “Chưa bao giờ giá phôi lại tăng cao đến như vậy”. Thực tế, thép cuộn “giá rẻ” Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam. Vì sao giá thép trong nước vẫn tăng?

Trả lời câu hỏi này của SGTT, ông Đông cho rằng, đa phần các công ty trong nước đều sản xuất thép cây. Do vậy, những sản phẩm thép cuộn không nhãn mác xuất xứ giá rẻ không ảnh hưởng đến việc tăng giá thép của các công ty.

Không còn thép Trung Quốc giá rẻ

Giá thép tăng là do Trung Quốc điều chỉnh những chính sách về việc xuất khẩu thép của quốc gia này. Theo đó, Trung Quốc sẽ không khuyến khích xuất khẩu phôi thép nữa mà tập trung vào xuất khẩu thành phẩm thép, thuế xuất khẩu phôi thép được đẩy lên cao. Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng việc tái thoái thuế để cho những doanh nghiệp nước ngoài nhập thép thành phẩm, với tỷ lệ 8% trên tổng giá trị của lô hàng.

Tuy nhiên với sức ép của các quốc gia nhập khẩu thép từ Trung Quốc, hiện Trung Quốc đang điều chỉnh lại chính sách xuất khẩu thép. Theo đó, kể từ 1.6.2007, Trung Quốc sẽ đánh thuế 10% các doanh nghiệp xuất khẩu thép, mức thuế này trước đây là 0%. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, “Ngoài mức thuế xuất khẩu trên, khi thép Trung Quốc vào Việt Nam, sẽ bị đánh thuế thêm 10% nữa là 20% thuế”. Cộng với chi phí vận chuyển, nên thép Trung Quốc sẽ không rẻ hơn thép của các doanh nghiệp trong nước. “Do vậy không có chuyện giá thép Trung Quốc bán trong nước rẻ hơn các DN sản xuất trong nước”.

Liệu có làm giá?

Trên thực tế, sản lượng thép tồn kho cao nhưng giá thép trên thị trường vẫn tăng. Liệu có chuyện làm giá?

Ông Cường cho rằng, lượng thép tồn kho của toàn ngành vào thời điểm này dao động vào khoảng 160.000 – 170.000 tấn/tháng, dưới mức tiêu thụ của cả nước là 260.000 – 270.000 tấn thép/tháng. Hiện các doanh nghiệp trong ngành thép không để tồn kho nhiều, vì ứ đọng vốn lưu động thép là khá lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo nhu cầu của thị trường, chứ không để tồn kho.

Tồn kho của thép không phải là tồn kho ứ đọng mà là tồn kho luân chuyển, từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông Cường giải thích, nhà máy sản xuất thép ra không bán ngay được. Nó phải đi qua các hệ thống phân phối, cửa hàng trung gian các cấp 1, cấp 2, cấp 3 nên mới đến bán lẻ. Các doanh nghiệp luôn luôn phải có một lượng dự trữ nhất định trong kho. Với mức tồn kho dưới 200.000 tấn là có thể chấp nhận được.