Với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, mảng xanh luôn tạo cảm giác thoải mái và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, bổ sung thêm sức sống và là “lá phổi” của ngôi nhà.
Đưa không gian xanh vào nhà phố
Nhà phố có đặc trưng là hơi hẹp nên việc tạo vườn cây cảnh là điều khá quan trọng, đặc biệt là với hệ thống nhà liền kề hoàn toàn khép kín, không thể thiết kế cửa sổ nên việc tạo không gian thoáng cho ngôi nhà rất quan trọng. Giữa bộn bề của cuộc sống, mỗi khi trở về nhà, được nhìn những mảng cây xanh mát ở góc nhà thật dễ chịu. Ngôi nhà không rộng lớn nhưng cũng có đủ không gian cho một khoảng vườn nhỏ với nước, cây, hoa cỏ… như một khu vườn ngoài trời vậy. Góc vườn này cũng là một điểm nhấn đẹp, giúp tô điểm cho ngôi nhà nhỏ của mình.
Với những người yêu thiên nhiên, yêu cây cảnh thì việc tạo cho mình một khu vườn nhỏ ngay trong chính những ngôi nhà phố còn là một thú vui giải trí. Theo nhiều người, mỗi khi đi làm về, dù mệt mỏi nhưng khi cầm bình nước để tưới cây, cầm kéo tỉa lá, rồi chờ đợi cây ra hoa, tỏa hương giúp họ cảm thấy thật sự bình yên.
Xu hướng tạo không gian xanh trong nhà đang khá được ưa chuộng; một phần vì tạo môi trường sống thoáng mát, phần vì tạo nét thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trong cách thiết kế nhà hiện nay, không gian xanh trong nhà được xem là một trong những phần cơ bản. Có khá nhiều cách để tạo ra khoảng không gian này. Trong kiến trúc nhà hiện đại, người ta thường mở giếng trời trong nhà. Đây cũng chính là không gian lý tưởng để trồng cây xanh. Tùy thuộc vào chủ nhân của ngôi nhà yêu thích loại cây, hoa nào để trồng trong nhà. Những giếng trời này hoàn toàn có thể cung cấp đủ ánh sáng để cây sinh trưởng và phát triển. Tạo giếng trời trong nhà sẽ làm cho ngôi nhà có không khí mát mẻ do gió có thể lùa vào nhà từ đây.
Nhiều ngôi nhà không gian trồng cây xanh còn có thể được tận dụng từ ban công bằng những chậu cây cảnh hay trồng dây leo bám theo lan can. Đối với dây leo, người ta thường chọn cây chịu nắng tốt như kim ngân, huỳnh anh, hoa giấy… Nhiều người còn tận dụng khoảng sân thượng để dựng giàn trồng lan hay nhiều loại cây cảnh khác. Đây được xem như khoảng không gian mở của ngôi nhà. Tuy nhiên, nói đến không gian xanh hiện nay không chỉ nói về cây xanh hay hoa cỏ bình thường mà thú chơi thủy sinh cũng được khá nhiều người ưa chuộng. Đây cũng là cách khá phổ biến vì dù diện tích nhà hẹp đều có thể thực hiện được.
Hướng đến kiến trúc xanh chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển môi trường bền vững, đặc biệt là không gian xanh trong nhà đang được nhiều người quan tâm và áp dụng. Điều đó làm tăng thêm vai trò của cây xanh trong đời sống hàng ngày của con người. Tận dụng khoảng không gian ít ỏi của ngôi nhà nhỏ giữa phố phường tấp nập để xây dựng không gian xanh sẽ góp phần giữ gìn sức khỏe cũng như tinh thần thoải mái cho chính chủ nhân của ngôi nhà.
Lá phổi của ngôi nhà
Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, sau khi xây dựng và sử dụng được một thời gian, có trường hợp chủ nhà phải thuê thợ đến “thủ tiêu” sân vườn đi vì không chịu nổi nước mưa vào nhà cùng với những vị khách côn trùng không mời mà đến.
Ai quan tâm đến góc xanh?
Trong xu hướng đô thị ngày càng sống theo chiều đứng, cây xanh càng thể hiện rõ vai trò của mình. Song không phải chủ nhà nào cũng ý thức được vấn đề và dám hy sinh một phần cho mục tiêu có vẻ như xa xỉ này. Lý do hết sức đơn giản là tại các đô thị, từng mét vuông đất được tận dụng là hái ra tiền.
Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, gió rất khôn, không có lối ra thì sẽ không vào, nên không phải ngôi nhà nào tổ chức giếng trời, sân vườn cũng đạt hiệu quả như mong đợi. Còn có lý do khác khiến chủ nhà e ngại khi tổ chức sân vườn, là với đặc thù nắng lắm mưa nhiều như khí hậu Việt Nam, việc mang ánh sáng vào nhà và tiêu thoát nước mưa là vấn đề không hề đơn giản. Không đủ ánh sáng tự nhiên, không đủ nước cho cây sống thì hiệu quả của sân vườn sẽ bằng không. Do vậy, việc tổ chức giếng trời và sân vườn hoàn toàn không phải là chuyện …ngẫu hứng! Tuỳ diện tích ngôi nhà mà giếng trời, sân vườn có một không gian nhất định. Và cũng tuỳ mức độ yêu thiên nhiên hay sự hào phóng của chủ nhà mà diện tích ấy có thể lớn hay nhỏ. Có nhiều ngôi nhà được thiết kế có vẻ như khá hợp lý với việc tổ chức giếng trời và sân vườn, nhưng sau khi xây dựng và sử dụng một thời gian, chủ nhà phải thuê thợ đến thủ tiêu sân vườn đi vì không chịu nổi những bất lợi mà nó mang lại: nước mưa và côn trùng. Lại có những ngôi nhà, người thiết kế không thuyết phục được chủ nhà bớt một phần diện tích làm giếng trời, sân vườn rồi sau đó lại phải thuê thợ đến cắt một ít diện tích sàn hay đục tường, trổ thêm vài cửa sổ. Tất nhiên, những giải pháp đó vô cùng khiên cưỡng…
Gợi ý làm giếng trời
Có thể tạm chia là 2 loại giếng trời:
– Giếng trời chỉ có tác dụng điều hoà khí hậu:thông gió là chính, lấy sáng là phụ, hay áp dụng cho nhà phố có nhiều tầng. Ở những ngôi nhà này, việc lấy sáng, thông gió trực tiếp là hết sức khó khăn. Loại giếng trời, sân vườn này hay được bố trí kết hợp ở những vị trí thuộc loại góc khó, góc khuất, góc chết. Do diện tích giếng trời của những nhà loại này thường không lớn nên việc kết hợp trang trí sân vườn phải hết sức cân nhắc. Không nên ốp quá nhiều loại vật liệu cũng như không nên sử dụng màu sẫm tối trong diện tích nhỏ này, vì như thế sẽ làm giảm hiệu quả chiếu sáng. Có thể kết hợp trang trí bằng cây xanh nhưng không nên trồng cây có rễ cọc lớn hay những loại dây leo có khả năng phát triển nhanh, rậm. Tốt nhất là dùng chậu trồng những loại cây có thể sống lâu ngày trong điều kiện ít được chăm sóc trực tiếp bằng ánh sáng và nước mưa.
– Giếng trời kết hợp sân vườn: Ngoài chức năng điều hoà cải tạo vi khí hậu còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trường hợp này thường được áp dụng cho nhà phố có diện tích lớn hoặc biệt thự. Loại này giếng trời có diện tích đủ lớn và thường được bố trí tại các vị trí mặt tiền của ngôi nhà như phòng khách, phòng sinh hoạt chung, nơi hội tụ của các phòng, không gian kết hợp cầu thang…Tóm lại, đó là những vị trí sao cho mọi người có thể quan sát và thụ hưởng được. Có thể sử dụng vật liệu một cách ngẫu hứng, miễn sao việc bố trí mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Hoàn toàn có thể trồng cây xanh trực tiếp trong khu vực này nếu diện tích bề mặt đủ lớn (không láng xi măng hay lát gạch), đảm bảo thoát nước một cách tự nhiên, và cần có giải pháp ngăn không cho nước mưa chảy vào những khu vực cấm khi chưa được phép. Việc trồng cây xanh trong khu vực này cũng khá đơn giản, có thể sử dụng cả những loại cây có hoa hoặc có mùi thơm nhẹ nhàng nhằm mang lại sự hứng khởi cho không gian sống hoặc làm việc trong nhà.
Cafe Gió và Nước
Khoảng 1 năm trở lại đây, công trình cafe Gió và Nước (wNw) tại số 6/28T khu 3 Phú Thọ, Thủ Dầu Một, Bình Dương đã trở nên nổi tiếng khắp giới kiến trúc, bởi thiết kế độc đáo. Chủ nhân của công trình này là KTS Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự.
Ý tưởng đặc biệt nhất của công trình là ứng dụng nguyên tắc khí động học. Công trình sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành máy điều hòa tự nhiên, tiết kiệm được chi phí mua máy điều hòa, chi phí vận hành máy điều hòa và năng lượng điện sử dụng.
Toàn bộ nguyên liệu xây dựng quán là từ 7.000 cây tầm vông – vật liệu truyền thống, thân thiện với con người Việt Nam. Không sử dụng nhiều năng lượng khi xây dựng nhờ những vật liệu tự nhiên nên năng lượng được giảm tối đa. Cây tầm vông sinh trưởng nhanh, nhiều, 5 năm là thu hoạch do đó dẫn đến giá thành công trình rẻ (10.000 đồng/cây).
Cây tầm vông được xử lý theo phương pháp truyền thống, ngâm sình, hun khói, đảm bảo thẩm mỹ và không gây độc hại, chi phí thấp, độ bền cao… nên không gian được mở rộng. Cả kiến trúc đều không có cột bê tông, hay trụ chống mà chỉ đỡ nhau bằng những dây giằng vững chắc nhưng không kém phần mềm mại, nhờ những đường cong kỹ thuật. Mái hình chữ V được liên kết bởi hàng nghìn cây nên tạo được không gian thoáng và có khẩu độ lớn (lớn nhất là 12 m).
Giữa không gian sàn uống cà phê là một hồ nước nhân tạo. Thoạt nhìn đáy hồ sâu thăm thẳm, nhưng thực ra hồ chỉ cạn chưa đến gối, chính cách tận dụng màu sắc đá đen tạc dưới đáy hồ mang đến cảm giác rất sâu. Nơi khách ngồi uống cà phê thấp hơn mặt hồ. Theo lý giải của kiến trúc sư thì cách bố trí mặt bằng như vậy giúp khách tận hưởng được luồng gió nước mát đưa từ mặt hồ sang.
Thời gian từ khi thiết kế đến thi công mất 1 năm, với tổng chi phí là 1,5 tỷ đồng cho khuôn viên quán rộng 1.403 m2 (1.070.000 đồng/m2).
Du Miên – quán cà phê không cửa sổ
Ở Du Miên không có những ô cửa sổ, nên tôi thích nhìn những bức tường bằng nhiều chất liệu khác nhau và thích nhìn cả những tia nắng màu ngọc bích nhảy múa trên những cánh hoa bên hồ.
Quán Du Miên rộng lắm, nhưng điều lạ là cả khối kiến trúc đồ sộ và hiện đại ấy lại tạo cho người ta cảm giác thư giãn. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn đến Du Miên vào lúc xế chiều, khi ánh hoàng hôn sắp tắt, chỉ đủ hắt những tia nắng vàng rọi khắp không gian và chọn một chỗ ngồi trên lầu, dưới những tán cây to, lá xoè rộng. Khi đó, Du Miên như nằm ở ranh giới giữa cái cũ và cái mới, giữa mộng và thực, trong ánh sáng đó, bạn có thể ngắm những cánh hoa mềm mại trên cỏ xanh, nghe bên tai tiếng thì thầm của gió và có những cảm nhận riêng của mình.
Nếu trong kiến trúc, các nhà thiết kế thường hay dùng thủ pháp “đóng mở” để tạo cảm giác cho người thưởng ngoạn thì Du Miên quán lại khá thành công trong việc tạo ấn tượng bằng những lối đi nhỏ lòng vòng. Nhờ đó, ai dừng lại cũng phải bất ngờ trước một không gian rộng mở và khá tĩnh lặng khiến những ồn ào, ngột ngạt của phố phường xe cộ như được giũ bỏ.
Thật khó xác định phong cách kiến trúc của quán, nhưng bù lại, “ba chàng ngự lâm”, một họa sĩ, một kiến trúc sư và một chủ quán đã tạo cho quán nhiều góc trang trí khá đẹp với những phong cách khác nhau như những vòm đá mạnh mẽ gợi nhớ châu Âu trung cổ, những mảng tường ốp gỗ với vài dây leo như lạc từ những thảo nguyên, những khối nhà vuông vức đơn giản với những mảng kính lớn ôm lấy những không gian lung linh ánh sáng từ những chùm đèn pha lê.
Nhưng điều thú vị nhất ở quán này là cách tổ chức độ cao thấp. Những mảng xanh chạy bao bọc một góc vườn và một hồ nước lớn xanh thẳm, tất cả đều đảm bảo tiêu chí “mở”. Điều này làm cho quán dù đông khách nhưng mọi người không cảm thấy ngột ngạt và cảm nhận được sự phong phú của những góc nhìn.
Còn mảng xanh ở đây thì rất dày và len lỏi mọi nơi. Những đốm nắng len lỏi giữa những chậu cỏ thằn lằn dày, xanh mướt. Những buổi chiều gần tối, khi quán chưa quá đông, những ánh đèn chia đủ rực sáng để khoe những chi tiết trang trí thì các màu “trầm” của quán như nối tất cả các không gian thành một.
Đến Du Miên, sẽ gặp hình ảnh người chủ quán chế vài chậu hoa, tất bật chăm sóc quán với tất cả sự say mê. Anh đã chọn cho Du Miên một con đường phù hợp với hơi thở cuộc sống, khi mà mọi người thôi không còn đổ xô đi cà phê compact disc nghe nhạc hoặc vào cà phê máy lạnh. Giờ đây mọi người đi cà phê không chỉ để uống mà còn để ngắm nhìn, để tìm một cảm giác và “Du Miên” đã đáp ứng được nhu cầu đó. Tới đây giữa một khung cảnh lãng mạn cảm xúc của bạn sẽ được lãng du như ước mong của người chủ quán.
Địa chỉ: 48/9A Hồ Biểu Chánh, Phường 11, quận Phú Nhuận |