Để có được một bản vẽ nhà đất, người dân phải mất hàng trăm ngàn đồng. Nhưng chưa hẳn tốn tiền đã là yên chuyện. Hầu hết các bản vẽ đều phải chỉnh sửa nhiều lần vì các công ty đo vẽ không làm đúng qui định…

Sau khi kê khai nhà xây dựng không phép theo quyết định 207 của UBND TP.HCM, tháng 8-2006 anh T (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) bắt đầu làm thủ tục hợp thức hóa nhà. Khâu đầu tiên là phải đo vẽ căn nhà. Theo giới thiệu của một cán bộ UBND phường, anh đến Công ty đo vẽ A trên đường Bà Hom để được giảm 10% giá đo vẽ. Chưa kịp nộp hồ sơ làm thủ tục xin cấp giấy chủ quyền thì UBND TP lại ban hành quyết định 54 hướng dẫn cấp chủ quyền theo nghị định 90 (hướng dẫn thi hành Luật nhà ở), đồng nghĩa với việc bản vẽ của anh T không còn sử dụng được nữa. Mất gần 700.000 đồng.

Mỗi nơi mỗi giá

Để khảo sát giá đo vẽ tại các công ty, chúng tôi mang bản vẽ của anh T trở lại Công ty đo vẽ A yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ. Một nhân viên xem lướt qua rồi lắc đầu: “Không được, phải vẽ lại mới”. Một cán bộ đo vẽ cho biết nếu bản vẽ còn lưu tại công ty đo vẽ thì chỉ cần 15 phút là có thể điều chỉnh theo qui định mới. Nhưng rất ít công ty làm như vậy, họ luôn nói rằng phải đo vẽ lại nhằm thu tiền của người dân cao hơn.

TP qui định người dân đã nộp bản vẽ 207 cho quận huyện thì khi chuyển sang cấp chủ quyền theo qui định mới, cán bộ phải tự chỉnh sửa bản vẽ cho phù hợp. Thực tế có quận chuyển bản vẽ cho các công ty điều chỉnh, có quận lại đẩy trách nhiệm này về phía người dân. Và khi mang bản vẽ đi chỉnh sửa các công ty không thu tiền, nhưng người dân phải bồi dưỡng cho nhân viên tiền “trà nước”.

Cũng bộ hồ sơ của anh T nhưng Công ty đo vẽ A ra giá 485.000 đồng tiền vẽ đất, tiền nhà mỗi mét vuông là 4.000 đồng. Sau khi vẽ xong, phải mất thêm 30 ngày kiểm tra nội nghiệp tại quận. Tại Công ty T. trên đường Mã Lò, quận Bình Tân thì trả lời: diện tích đất dưới 100m2 giá 500.000 đồng/căn, cộng với chi phí đo vẽ nhà 5.000 đồng/m2. Trong khi đó Công ty M (trụ sở gần UBND quận Bình Tân) chào giá 648.000 đồng cho diện tích đất dưới 100m2, còn diện tích nhà mỗi mét vuông 5.000 đồng. Thời gian kiểm tra nội nghiệp là ba tuần.

Công ty đo vẽ bán tư cách pháp nhân

So với các qui định trước đây thì Luật nhà ở thoáng hơn về điều kiện cấp giấy chủ quyền, kéo theo lượng hồ sơ tăng cao “ngoài mức dự đoán”, dẫn đến quá tải. Nhiều quận huyện đang ứ đọng hàng ngàn hồ sơ, chưa giải quyết kịp.

Nhu cầu cấp giấy chủ quyền tăng, kéo theo dịch vụ đo vẽ nở rộ mà vẫn không đáp ứng kịp. Một cán bộ tổ nghiệp vụ hành chính công UBND quận 3 nói muốn đo vẽ tại các công ty trên địa bàn quận đều được hẹn 2-3 tháng sau mới có bản vẽ. Có công ty không còn nhận đo vẽ vì hồ sơ quá nhiều, không làm xuể.

Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 11 cho biết tình trạng công ty đo vẽ bán tư cách pháp nhân cho những người khác diễn ra khá phổ biến. Những người này làm dịch vụ đo vẽ nhưng không có con dấu nên phải thông qua các công ty để hợp pháp hóa bản vẽ. Trong số này không phải ai cũng am hiểu, vẽ đúng. Có trường hợp khi quận yêu cầu các công ty chỉnh sửa, bổ sung thì các công ty phải tìm những người làm dịch vụ để chỉnh sửa lại, rất mất thời gian. Nhưng dù sao cũng còn may mắn hơn một số công ty không thể tìm ra người đo vẽ vì họ đã “lặn” mất, đành tự vẽ lại hoặc phó mặc cho người dân ra sao thì ra.

tu-van-thiet-ke-nha-anh-nho-1

Hầu hết bản vẽ đều… sai

Tổ kiểm tra bản vẽ thuộc Phòng Quản lý đô thị quận 3 cho rằng việc yêu cầu các công ty phải đo vẽ lại 2-3 lần “là chuyện thường ngày”, cá biệt có trường hợp phải chỉnh sửa đến lần thứ năm mới đạt yêu cầu. Đó chỉ là khâu kiểm tra phần nhà, chưa kể phần đất do Phòng Tài nguyên – môi trường kiểm tra. “Trung bình mỗi lần chỉnh sửa mất từ hai tuần đến một tháng sau mới nộp lại, nếu người dân phàn nàn thì họ lại đẩy cho quận, nói quận kiểm tra mất nhiều thời gian” – cán bộ phụ trách bộ phận kiểm tra bản vẽ lắc đầu.

Còn tại quận 6, hầu hết các đơn vị đo vẽ sai với thực tế nên phải chỉnh sửa, bổ sung liên tục. Thậm chí có đơn vị không đi thực tế, không biết căn nhà ra sao mà vẫn ra được bản vẽ. Cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận tiết lộ: họ copy số liệu của bản vẽ cũ trước đó và thể hiện lại theo qui định mới. Trong trường hợp này, bản vẽ cũ sai thì bản vẽ mới cũng sai theo. Có đơn vị lại căn cứ vào bản đồ địa chính, hỏi khách hàng thông tin về căn nhà và tự “sáng tác” ra bản vẽ. Một lý do khác là nhân viên đo vẽ không am hiểu nên vẽ sai. Cũng có nhiều trường hợp vẽ sai do không biết cách vẽ theo qui định mới, không nắm thông tin qui hoạch…

Theo Phòng Quản lý đô thị quận 6, tỉ lệ bản vẽ sai tại quận khoảng 80%, còn ở quận 11 là hơn 90%. Trong khi đó ở quận 3 con số này gần như tuyệt đối: gần 100% trường hợp phải bổ sung bản vẽ lần hai.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 6, sắp tới quận sẽ kiến nghị TP xem xét các biện pháp chế tài đối với những đơn vị đo vẽ sai nhiều lần bằng các hình thức: cấm đo vẽ trong một thời gian nhất định, nếu tái phạm sẽ rút giấy phép. Còn Sở Xây dựng cho rằng nên “cảnh cáo” những đơn vị vẽ sai nhiều lần. Nếu tiếp tục vi phạm, cần thống kê danh sách những đơn vị này báo cáo về các đơn vị cấp phép hành nghề để có biện pháp chế tài.