Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến đề án qui hoạch thành phố hai bên sông Hồng (Hà Nội). Ông đã gửi thư đến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, gặp Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị để góp ý.

Trao đổi với báo giới sáng 19-9, nguyên thủ tướng nói:

– Dự khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây tại Hà Nội, tôi có gặp đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi về hướng phát triển Hà Nội ra phía bên kia sông Hồng mà gần đây các thông tin công khai đã đưa. Đồng chí Nghị có trao đổi sơ bộ về vấn đề này nhưng cho rằng hướng phát triển chủ yếu vẫn là Hà Tây.

Nếu như hướng phát triển Hà Nội về phía Hà Tây đã được xác định thì có nên đặt ra hướng phát triển về phía bên kia sông Hồng nữa không? Đương nhiên hướng mở rộng Hà Nội có liên quan đến vùng cảng biển và vùng tam giác động lực là đúng. Tuy nhiên, đặt mức phát triển với qui mô coi sông Hồng là trung tâm, chảy qua giữa thủ đô thì tôi rất ngại bởi nhiều lẽ. Trong đó có lý do là sông Hồng rất khác so với một số sông chảy qua thủ đô ở các nước, xét về điều kiện tự nhiên.

* Với thời gian nghiên cứu như vừa qua liệu phương án đủ “chín” để trình Chính phủ thông qua chưa, thưa ông?

– Về vấn đề này, lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm phát triển của cả nước nên chuyện của Hà Nội cũng là vấn đề mà cả nước quan tâm. Nếu là dự án nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng đây là vấn đề mới, có tính chất đặc biệt nên càng phải nghe ý kiến của cả nước, của các nhà khoa học chuyên ngành về qui hoạch, môi trường, địa chất, thủy văn… để cùng góp tiếng nói cho dự án. Tôi lấy làm tiếc khi có nhiều người dân tại các quận Gia Lâm, Tây Hồ… quan tâm đến đề án qui hoạch, muốn góp ý nhưng lại hết phiếu.

Để xây dựng TP.HCM và Hà Nội hiện đại phải có tư duy rất lớn, “đi” đường dài. Nếu không suy nghĩ đúng tầm sẽ dẫn đến lúng túng, công tác quản lý, xây dựng không hiệu quả. Trong khi đó, phương án xây dựng thành phố dọc sông Hồng đưa ra mốc năm 2020 hoàn thành. Như vậy từ nay đến đó chỉ còn 13 năm. Thời gian này chưa đủ để hoàn thành một đô thị tầm cỡ như vậy. Muốn hoàn tất phải chạy đua với thời gian?

Việc phá bỏ đô thị cũ để xây dựng mới là cách làm của những nước giàu. Với nước nghèo, người ta thường “cấy” thêm vào hoặc chỉnh trang đô thị.

Qui hoạch Hà Nội còn rất nhiều vấn đề và không thể tách ra từng mảng mà phải nhìn trên tổng thể. Hướng phát triển thành phố dọc sông Hồng dù là một mảng nhưng có tính chất chi phối cả thủ đô, liên quan đến nhiều khu vực khác. Chưa kể ở góc độ xã hội, việc di dời 170.000 dân là vấn đề đại sự, không đơn giản chút nào. Không khéo lại gây ra sự xáo trộn lớn. Về chuyện này tôi không tán thành.

* Thưa ông, dự án lần này cũng đề cập việc chỉnh trị sông Hồng nhưng biện pháp ra sao chưa rõ, trong khi đây là vấn đề liên quan thiết thực đến người dân?

– Tôi hiểu biết về con sông này khi có thời gian dài ở Hà Nội. Khi mùa nước dâng cao con sông rất dữ, ngược lại nhiều lúc cạn đến đáy sông. Do vậy chỉnh trị dòng sông là khâu đầu tiên phải làm, phải tìm cách đào thoát cho dòng sông. Khi con sông thông thoáng, đảm bảo đến mức an toàn nhất cho người dân, cho thủ đô thì lúc đó mới tính đến chuyện xây dựng thành phố dọc con sông.

Tôi chưa biết nguyên thủy của sông Hàn (Hàn Quốc) ra sao nhưng nếu dòng chảy con sông Hàn hiền lành thì giải pháp chỉnh trị khó có thể áp dụng cho sông Hồng. Còn nếu với điều kiện tương tự thì đây quả là kinh nghiệm rất quí đối với ta trong việc chỉnh trị sông Hồng.

Chuyên gia nghiên cứu về qui hoạch đô thị Nguyễn Trọng Huấn

Thông tin về dự án còn quá ít. Đây là dự án với chi phí đầu tư lên đến 7 tỉ USD nhưng thông tin về dự án còn quá ít. Với dự án này, cần có nhiều ngành tham gia để có cái nhìn đa dạng hơn và giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Nhưng nhiều thông tin về dự án chưa rõ nên những người quan tâm đến dự án khó có thể góp ý. Mặt khác để góp ý có hiệu quả, cần công khai rộng rãi, thời gian kéo dài hơn.