65,9 triệu đồng/m2 là mức giá của lô đất TT3 (đất xây dựng nhà vườn, biệt thự) tại khu đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì (huyện Từ Liêm, Hà Nội) trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất mới đây.

Sau 37 vòng bỏ giá, Công ty TNHH Hợp Nhất đã khiến các nhà đầu tư có mặt trong phiên đấu giá này phải “ngả mũ chào” bởi cái giá mà công ty này đưa ra cho khu đất có tổng diện tích 1.586,9 m2, mật độ xây dựng từ 40% – 70%, cao 3 – 4 tầng. Đây là mức giá khiến không ít nhà đầu tư hoang mang đặt câu hỏi, doanh nghiệp này sẽ đầu tư gì trên mảnh đất đắt đỏ đó.

 

Theo bảng giá đất năm 2007 của UBND TP Hà Nội, vị trí đất số một của Hà Nội là các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm), cũng chỉ có giá 50- 54 triệu đồng/m2.

 

Năm 2006, nơi có mức giá đất được coi là “kỷ lục” là Khu đô thị mới Cầu Giấy với mức giá 59 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đây là giá của lô đất có diện tích hơn 100 m2 mà một cá nhân có ý định xây nhà để ở, còn lô đất này có diện tích đến 1.586,9m2 với mục đích xây nhà để bán.

 

Theo nhiều nhà đầu tư, mức giá 65,9 triệu đồng/m2 rất không bình thường, bởi giá đất tại các khu đô thị quanh khu vực Mỹ Đình – Mễ Trì chỉ từ 25 – 35 triệu đồng/m2. Ngay tại những vị trí được coi là đẹp nhất, sổ đỏ chính chủ, giá rao bán (chưa thỏa thuận) cũng chỉ dừng ở mức xấp xỉ 40 triệu đồng/m2.

 

Về mặt quản lý nhà nước, kỷ lục 65,9 triệu đồng/m2đất là tiền đề hoàn toàn bất lợi cho việc quản lý đất đai sau này. Theo các nhà phân tích, tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới dừng ở mức trên dưới 30%, thu nhập bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới thì giá bất động sản đang ở mức cao nhất thế giới là điều hoàn toàn vô lý. Dường như đang có những bàn tay vô hình cố tình bóp nguồn cung, đẩy giá bất động sản lên thật cao để trục lợi.

 

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, bà Nguyễn Hồng Thục,Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cho rằng: giá bất động sản bị đẩy lên quá cao khiến chi phí sản xuất và chi phí gia nhập thị trường trở nên đắt đỏ, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Giá đất cao cũng đưa các cơ quan quản lý nhà nước vào một vòng luẩn quẩn: đấu giá đắt – chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao.

 

Thực tế, số tiền hơn 2.100 tỷ đồng mà UBND TP Hà Nội thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố năm 2006 không đủ chi cho nhu cầu xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời.

 

Điều này khiến những người lao động bình thường mất đi cơ hội tiếp cận về nhà ở, chi phí giải phóng mặt bằng trở thành gánh nặng tại các dự án cơ sở hạ tầng (sử dụng vốn ngân sách), còn bất động sản đang trở thành một cỗ máy in tiền khổng lồ chảy vào túi một số cá nhân! Khiếu kiện và các vấn đề xã hội khác cũng phát sinh từ đây.

 

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, thị trường bất động sản hiện đang nóng lên do nguồn vốn chảy sang từ thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư sau khi kiếm lợi từ thị trường chứng khoán đã rút bớt vốn đưa sang bất động sản để bảo toàn vốn. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế quản lý thị trường chặt chẽ, nạn đầu cơ bất động sản có thể sẽ lại tái phát và gây những hậu quả khó lường như những năm trước đây.

 

Những cảnh báo của các chuyên gia về hiện tượng đầu cơ bất động sản đang manh nha tái phát, tỏ ra có cơ sở khi thông tin mà chúng tôi có được từ Sở Kế hoạch- Đầu tư TP Hà Nội cho thấy, vốn điều lệ của Công ty TNHH Hợp Nhất chỉ là 5 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao và làm thế nào để Hợp Nhất có được số tiền khổng lồ đầu tư vào mảnh đất này?