Đó là điều GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã phải đau xót thừa nhận. Ông cho biết: Sau bốn năm kể từ khi phát lộ, di tích Hoàng thành đã được làm mái che để bảo vệ, nhưng đấy chỉ là giải pháp bảo vệ tạm thời, không phải là cách bảo tồn lâu dài. Cho nên, di tích bị tác động bởi môi trường là không thể tránh khỏi, và chúng ta có thể quan sát thấy sự xuống cấp diễn ra qua năm tháng… Mùa mưa di tích vẫn bị tác động bởi độ ẩm, mùa khô đất vẫn bị khô và nứt ra… chất lượng của di tích bị xuống cấp dần là tất nhiên.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, nếu không áp dụng ngay các giải pháp bảo tồn lâu dài thì di tích này sẽ xuống cấp tới mức trầm trọng.

* Vậy tại sao các nhà khảo cổ lại không nhanh chóng có biện pháp bảo tồn hữu hiệu?

– Như tôi đã nói, để di tích không bị xuống cấp, cần phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long – Thành Hà Nội. Trên các cơ sở đó mới có thể lựa chọn giải pháp bảo tồn lâu dài.

Về công nghệ mà nói, tìm giải pháp bảo tồn lâu dài không phải là quá khó, các nước trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm, và tổ chức UNESCO, cũng như các chuyên gia quốc tế sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ chúng ta… Nhưng, mấu chốt là phải có các cơ sở nêu trên trước đã.

Tôi xin lưu ý là các nhà khảo cổ học đến giờ phút này đã hết sức cố gắng trong trách nhiệm của mình, còn bảo tồn di tích là thuộc chuyên môn của ngành bảo tồn học và phải có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học liên quan.

* Trở lại với kết quả bốn năm phát hiện và nghiên cứu Hoàng thành. Cho tới thời điểm này đã có thêm những phát hiện gì mới khiến ông lưu ý?

– Trong quá trình chỉnh lý hiện vật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm sứ quý giá, trong đó có nhiều đồ ngự dụng.

Trước đây, chúng ta đã tìm được một số viên gạch có chữ “Trường Lạc” hay “Trường Lạc khố” (kho Trường Lạc), khiến cho các nhà khoa học phán đoán về khả năng tồn tại của cung Trường Lạc – là cung của bà Nguyễn Thị Hằng, quý phi của vua Lê Thánh Tông, Hoàng thái hậu (mẹ) của vua Lê Hiến Tông và Thái hoàng Thái hậu (bà) của vua Lê Túc Tông, trong khu vực này. Và tới nay đã tìm được viên gạch có đầy đủ chữ “Trường Lạc cung”.

Phát hiện này tiếp tục khẳng định phán đoán trên là chính xác, nhưng dĩ nhiên chưa thể kết luận cung Trường Lạc là di tích cụ thể nào.

Đồng thời các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các viên gạch có các chữ như “Hoàng Môn thự” (chứng tỏ là gạch xây điện Hoàng Môn thời Trần), Kim Quang điện (gạch xây điện Kim Quang thời Lê Sơ)…

Như vậy, rõ ràng là tên một số cung điện trong Cấm thành được ghi chép qua sử sách đã được tìm thấy dấu tích ở đây.

* Xin cảm ơn ông!