Cùng với quy hoạch vùng Thủ đô do Bộ Xây dựng chủ trì, Ðiều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội sẽ có tác động lớn đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố sắp nghìn năm tuổi cũng như các tỉnh, thành phố lân cận ở trong vùng.

Ðiều chỉnh quy hoạch – “thiên thời, địa lợi”

Do nhiều nguyên nhân, Ðiều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 (thường được gọi là quy hoạch 108) đã bước sang năm thứ 8 chưa điều chỉnh. Ðến thời điểm này Quy hoạch chung Thủ đô được điều chỉnh trong bối cảnh hết sức thuận lợi. Thứ nhất là, quy hoạch vùng Thủ đô đã được Chính phủ chính thức giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong đó có Hà Nội. Theo đánh giá của ông Ðỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở QH-KT, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển đô thị của ta, quy hoạch vùng Thủ đô được Nhà nước chính thức giao để nghiên cứu một cách bài bản, có căn cứ khoa học, có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Và khi quy hoạch vùng Thủ đô sẽ xác định được Thủ đô là đô thị hạt nhân với đầy đủ các yếu tố để tạo nên “hạt nhân” đó.

Thuận lợi thứ hai là quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô trùng với thời điểm Nhà nướcgiao nhiệm vụ rà soát để điều chỉnh chính thành phố trung tâm, chính đô thị hạt nhân của vùng. Hai quy hoạch cùng triển khai một lúc, điều này từ trước đến nay cũng chưa bao giờ có. Các lần điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô từ trước đến nay đều xem xét đến mối quan hệ vùng nhưng mới chỉ ở dưới dạng sơ đồ, quan hệ vùng chứ chưa thành một đồ án vùng Thủ đô.

Thuận lợi thứ ba là việc hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với phía Nhật Bản thông qua dự án HAIDEP của JAICA phối hợp với Hà Nội để làm chương trình phát triển tổng thể Thủ đô. Trong đó bao gồm 4 nội dung chính: Nội dung thứ nhất chính là xem xét, rà soát lại quy hoạch tổng thể Thủ đô. Nội dung thứ hai là phát triểngiao thông đô thị, thứ ba là các vấn đề về nước và vệ sinh môi trường, thứ tư là nâng cao chất lượng sống trong khu đô thị, nhà ở. Ðến nay, phía Nhật Bản đã kết thúc, đang hoàn chỉnh báo cáo cuối cùng để trình cấp có thẩm quyền. Báo cáo cuối cùng của HAIDEP đã có sự phối hợp chặt chẽ với quy hoạch vùng Thủ đô, với các quy hoạch chuyên ngành, và các chương trình phát triển lớn kinh tế – xã hội liên quan đến Thủ đô. Lồng ghép được những kế hoạch đầu tư đa ngành. Cộng với phương pháp nghiên cứu mới là phương pháp lập quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng.

Bên cạnh phương pháp nghiên cứu lập quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng, sự đổi mới trong cách làm quy hoạch sẽ được thể hiện rõ nét trong quy hoạch điều chỉnh Thủ đô. Ông Chiến khẳng định, với phương châm lấy đô thị, nuôi đô thị và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây đô thị thì quan trọng nhất của quy hoạch phải tạo ra mặt bằng, vị trí, lợi thế để có thể đầu tư và sẽ có người bỏ vốn. Khi bỏ vốn ra quan trọng nhất là khả năng thu hồi vốn, sinh lời, những đòi hỏi này buộc các nhà quy hoạch phải tư duy khác chứ không như trước đây cứ “vẽ”ä rồi Nhà nước sẽ bỏ vốn thực hiện, tạo ra những quy hoạch không có khả năng thực hiện, hay còn được gọi là quy hoạch “treo”. Quy hoạch bây giờ phải đưa vào thực tế, phải chỉ ra được khu vực nào Nhà nước đầu tư, khu vực nào xã hội hóa. khu vực nào Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tầm nhìn xa hơn

Về định hướng điều chỉnh quy hoạch Thủ đô lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải rộng hơn về mặt không gian, xa hơn về mặt thời gian, phải khẳng định cho được vị trí, vai trò của Thủ đô trong những thập kỷ sắp tới. Tầm nhìn có thể tới 2020, 2030, thậm chí 2050, làm sao khẳng định được vai trò, vị trí của Thủ đô như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Hà Nội phải là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để khẳng định những chức năng đó trong quy hoạch sẽ phải xác định rõ những khu vực chức năng quan trọng. Ðơn cử như trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, ngoài trung tâm Ba Ðình thì trung tâm hành chính mới sẽ đặt ở đâu (?). Linh hồn tổ chức tổng thể không gian của Hà Nội trong quy hoạch tổng thể Hà Nội được thống nhất cao là gắn bóba yếu tố cây xanh – mặt nước – văn hóa, vậy quy hoạch phải xác định các khu chức năng cần thiết.

Theo ông Chiến, trong lần điều chỉnh này cần phải xác định vai trò kinh tế của Thủ đô trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, lợi thế cạnh tranh của Hà Nội cần phải được xác định rõ. Tầm vóc của Hà Nội phải tương xứng với một Thủ đô của một nước 100 triệu dân nên quy mô của thành phố là vấn đề lớn cần được xem xét. Quy mô dân số của Thủ đô là 2,5 triệu dân như đã từng dự báo cũng không còn phùhợp, mà phải gấp rưỡi, gấp đôi. Do vậy, một số đô thị của các tỉnh sát với Hà Nội sẽ được xem xét đến trong lần điều chỉnh quy hoạch này. Chọn hướng phát triển của thành phố cũng có những điểm mới. Trước đây Hà Nội xác định hướng phát triển về phía Tây, Tây Nam (Xuân Mai, Ba Vì) là chính thì trong những năm sắp tới sẽ là phía Bắc, Ðông và Ðông Bắc của Hà Nội, hướng về phía cảng biển để phát triển kinh tế. Trên hành lang quốc lộ 5 và quốc lộ 18 là hai trục hành lang kinh tế rất quan trọng, hướng cảng biển và cảng hàng không quốc tế phía Bắc. Trong đó đặc biệt là hành lang 18 nối Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long vừa là trục phát triển kinh tế, vừa là trục không gian phát triển đô thị trong tương lai của vùng.

Một số ngành quan trọng công nghiệp của Hà Nội sẽ phải đi theo hướng đầu tư có chọn lọc, không thể tiếp tục phát triển các loại công nghiệp phổ thông, sử dụng nhiều lao động như hiện nay. Hà Nội sẽ tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp sử dụng chất xám cao, mang tính cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Các ngành công nghiệp sử dụng lao động phổ thông sẽ về các tỉnh, xung quanh vùng Thủ đô. Vừa tạo điều kiện tăng trưởng cho các địa phương, giảm sức ép cho thành phố trung tâm, vừa tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương cho người lao động. Ðây cũng chính là tinh thần của đồ án quy hoạch vùng Thủ đô.

Về giao thông, việc hình thành nên vành đai đối ngoại – vành đai 4 – đầu mối giao thông, giảm ách tắc từ xa cho Hà Nội, điều hòa giao thông theo các hướng là vấn đề lớn. Hình thành vành đai này sẽ dựa vào quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch của HAIDEP, để xác định hướng tuyến. Chính vì vậy, đồng thời với quy hoạch vùng, quy hoạch điều chỉnh Thủ đô cũng phải xác định ngay việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội.

Trong quy hoạch tổng thể lầnnày, con sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ được khai thác. Ðây là dự án đặc biệt quan trọng, từ xưa đến nay các nhà quy hoạch rất mong muốn thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện. Ðược sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã kết hợp thành phố Seoul để tiến hành đồ án Quy hoạch cơ bản phát triển hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, Hà Nội cũng như các tỉnh muốn phát triển đồng bộ và bền vững phải có những chương trình lớn về hạ tầng kỹ thuật, không chỉ có giao thông mà còn là cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, vấn đề nghĩa trang. Ðây là những vấn đề quy hoạch tổng thể Hà Nội không thể giải quyết được mà phải phụ thuộc vào quy hoạch vùng Thủ đô. Tương tự như vậy, các vấn đề khói bụi, ô nhiễm, tiếng ồn phải được xem xét, giải quyết trong mối quan hệ vùng, nếu không sẽ làm triệt tiêu các lợi thế phát triển chung của toàn vùng.