UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định mới về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhằm siết chặt trật tự xây dựng đô thị tại Thủ đô.

Điều kiện đầu tiên để được cấp phép là lô đất xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt. Ngoài ra, lô đất phải có khoảng cách ly vệ sinh và an toàn cho người sử dụng, không bị úng ngập, ô nhiễm, bảo đảm các quy định về chỉ giới, an toàn công trình lân cận, hành lang bảo vệ đê…

Đặc biệt, để giảm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m hoặc những lô đất có kích thước hình học không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy hoạch (nhiều góc cạnh, tỷ lệ chiều dài, rộng không hợp lý…) thì không được phép xây dựng.

Đối với công trình nhà ở còn lại sau giải phóng mặt bằng, nếu phù hợp quy hoạch cũng được phép sửa chữa, nâng cấp, cải tạo… Đồng thời, nhà ở, công trình đã có sẵn từ vị trí cách chân đê hiện tại 5m, không ảnh hưởng tới thoát lũ, có giấy tờ hợp pháp cũng được xem xét cấp phép xây dựng.

Theo quy định mới, khi xin cấp phép người dân cần phải có 12 loại giấy tờ về quyền sở hữu công trình và quyền sử dụng đất, bao gồm: Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất; GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Quyết định giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở; Giấy tờ thừa kế nhà đất được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận không có tranh chấp; Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; Giấy tờ chuyển nhượng đất đai hoặc mua bán nhà ở có xác nhận của UBND phường…

Trường hợp không có các loại giấy tờ nêu trên nhưng được UBND quận, huyện xác nhận là không có tranh chấp cũng được xem xét cấp phép. Tuy nhiên, các trường hợp có một trong các loại giấy tờ trên chỉ được xem xét cấp phép xây dựng đến hết 31.12.2007. Từ 1.1.2008, theo các quy định pháp luật về đất đai, người sử dụng đất phải có GCN quyền sử dụng đất mới được xét cấp phép xây dựng.

Cũng theo quy định mới, có 9 nhóm công trình khi xây dựng không phải xin phép. Đó là công trình thuộc danh mục bí mật Nhà nước; công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; công trình xây dựng tạm, phục vụ trong thời gian thi công xây dựng công trình chính, bao gồm công trình tạm của chủ đầu tư và của nhà thầu nằm trong sơ đồ tổng mặt bằng công trường đã được phê duyệt; công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500; các công trình sửa chữa, cải tạo bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực; công trình hạ tầng kỹ thuật có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng thuộc vùng sâu, vùng xa; nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa, không thuộc đô thị, điểm dân cư tập trung.

Ngoài 9 nhóm công trình trên, các loại công trình còn lại đều phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả công trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở.

Về xử lý các sai phạm, nếu các công trình đã được cấp phép nhưng xây dựng lấn chiếm không gian, xây dựng thêm tầng, xây kín ban công, lô ra thành buồng, phòng, vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng… đều bị coi là hành vi xây dựng trái phép và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi khởi công, trong thời hạn 7 ngày, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản, nộp bản sao giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác cho thanh tra xây dựng cấp phường. Kể cả trường hợp được miễn giấy phép, chủ đầu tư cũng phải thông báo và nộp các giấy tờ liên quan.

Khi phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, không phép, sai phép, UBND xã phường phải kịp thời đình chỉ ngay hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt. Trường hợp người được cấp phép xây dựng không chấp hành quyết định xử lý hành chính, vẫn tiếp tục vi phạm, UBND xã, phường phải thông báo ngay cho cơ quan cấp phép để thu hồi giấy phép. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền sẽ không cung cấp các dịch vụ điện, nước… đối với công trình xây dựng sai giấy phép đã được cấp.

UBND Thành phố cũng đã đưa ra danh mục 24 tuyến đường, phố cần đặc biệt lưu ý khi cấp phép xây dựng cho các công trình tiếp giáp mặt đường, phố. Đó là các tuyến phố thuộc khu trung tâm và một số đường mới mở như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi; Hàng Bài, Phố Huế, Bạch Mai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Bà Triệu. Việc cấp phép cho nhà mặt đường, phố nói trên sẽ do Sở Xây dựng xem xét.