Nhà hát Opera Sydney – niềm tự hào của đất nước Australia – tọa lạc trên cảng Sydney, kế bên chiếc cầu Cảng nổi tiếng, thuộc bang New South Wales. Đây là một trong những công trình đặc biệt nhất của thế kỷ 20, là một trong những khu biểu diễn nghệ thuật ấn tượng nhất thế giới.

Nhà hát Opera Sydney đặt trên mũi đảo Benelon Point của thành phố Sydney. Miền đất này là trung tâm văn hoá đẹp nhất và gây nhiều cảm xúc nhất của châu Úc. Từ tháp Sydney cao 325m, bạn phóng tầm mắt về phía các toà nhà chọc trời, vô số công viên, hải cảng, biển và những dãy núi xanh chạy dọc theo đường chân trời. Do có kiến trúc độc đáo, nhà hát Sydney là một trong những biểu tượng không thể nhầm lẫn của trung tâm văn hoá Úc.

SO5

Sydney Opera House – niềm kiêu hãnh của người Australia.

Tòa nhà, cùng với cảnh vật xung quanh đã tạo nên một hình ảnh tượng trưng cho đất nước Australia. Đây cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Với một số người, hình ảnh những chiếc vỏ sò (mái của nhà hát) còn là sự tượng trưng cho những chiếc thuyền buồm qua lại tấp nập nơi đây.

SO4

Nhà hát Opera Sydney kiêu hãnh bên chiếc cầu Cảng nổi tiếng.

Kế hoạch xây dựng nhà hát được khởi đầu từ những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước khi nhu cầu về một địa điểm thật rộng để dành cho các buổi biểu diễn âm nhạc trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Và cuối cùng, đến năm 1954 thì kế hoạch được thông qua và chiến dịch tìm kiếm thiết kế được bắt đầu.

Một cuộc thi được phát động ngày 13/9/1955 với 233 thiết kế từ 32 quốc gia gửi đến cuộc thi. Tiêu chí được đưa ra rất cụ thể, đó phải có một hội trường lớn với 3.000 chỗ và một hội trường nhỏ hơn 1.200 chỗ. Mỗi không gian phải được thiết kế đáp ứng những mục đích sử dụng khác nhau như opera, hòa nhạc, hợp xướng, các cuộc hội họp lớn, các bài giảng, biểu diễn ballet và các buổi gặp mặt khác. Và cuối cùng, công trình của kiến trúc sư người Đan Mạch, Jorn Utzon, đã được chọn. Năm 1957, ông Utzon đã đến Sydney để bắt tay triển khai dự án.

SO4 %28concert hall%29

Phòng hòa nhạc có sức chứa 3.000 người.

Và công trình thế kỷ – Nhà hát Opera Sydney – đã chính thức khởi công tháng 3 năm 1959. Dự án được thiết kế theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 1959 đến 1963) gồm có phần bục của nhà hát. Giai đoạn 2 (từ 1963 đến 1967) dành cho việc xây dựng hệ thống mái hình vỏ sò bên ngoài. Giai đoạn 3 (từ 1967 đến 1973) bao gồm những phần xây dựng cơ bản khác và trang trí nội thất. Nhưng ở nhiều thời điểm, công trình đã không thể diễn ra đúng tiến độ, thậm chí chậm tới 47 tuần (vào đầu năm 1961) vì những khó khăn bất khả kháng liên quan đến thời tiết.

Nhà hát Opera Sydney mang thiết kế hiện đại, với hàng loạt những tấm bê tông đúc sẵn rất lớn hình vỏ sò tạo thành hệ mái rất đặc biệt của nhà hát. Opera House tọa lạc trên diện tích 1,8 ha, có chiều dài tổng 183 m, rộng 120 m. Theo kết cấu, công trình được cố định bởi chân móng gồm 580 tấn bê tông đào sâu 25 m dưới mực nước biển. Hệ thống điện cung cấp riêng cho nơi đây tương đương cho một thị trấn có 25.000 người. Hệ thống cáp truyền tải điện dài tới 645 km.

SO7

Phần mái lát gạch rất ấn tượng của nhà hát Opera Sydney.

Phần mái của nhà hát sử dụng tới 1.056 triệu viên gạch trắng bóng và những viên gạch màu kem được sản xuất tại Thụy Điển, mặc dù nhìn từ xa, những viên gạch này đều chỉ có màu trắng. Cho dù sản phẩm có khả năng tự làm sạch, nhưng vẫn có một hệ thống bảo dưỡng và thay thế thường xuyên. Nội thất của nhà hát hầu hết đều sử dụng đá granite màu hồng lấy từ vùng Tarana (bang New South Wales), ngoài ra còn có rất nhiều gỗ tự nhiên và gỗ dán.

Giai đoạn làm nội thất gặp nhiều vấn đề nhất, đặc biệt từ sau khi ông Utzon đột ngột rời bỏ công trình, tháng 2/1963, vì có một vài bất đồng với Chính phủ mới của Australia. Ông ra đi một cách cương quyết, thậm chí ngay sau đó còn đóng cửa văn phòng để đi du lịch và không liên hệ với bất kỳ ai. Trước khi làm Nhà hát Opera tại Sydney, Utzon đã thắng 7 trong số 18 các dự án mà ông tham gia đấu thầu, nhưng như đã trở thành một thói quen, chưa một lần, ông được nhìn thấy công trình của mình hoàn thiện. Và lần này cũng vậy.

Nhiều thay đổi về thiết kế đã được thực hiện, nhất là phần nội thất. Ban đầu chỉ có 2 khán phòng lớn, nhưng cuối cùng thiết kế đã bổ sung thêm 2. Các thiết kế cho sân khấu, chỗ ngồi, hành lang… cũng được yêu cầu làm lại. Rất nhiều các hạng mục mới cũng được bổ sung, và tất nhiên, chi phí bị “đội” lên tới mức không thể tin nổi, tổng cộng khoảng 102 triệu USD, trong khi tính toán ban đầu (năm 1957) chỉ là 7 triệu USD. Cũng vì sự cố Utzon mà công trình hoàn thiện chậm 10 năm – 1973 – thay vì đúng vào ngày quốc khánh 26/1/1963. Buổi lễ khánh thành được tổ chức rất “hoành tráng” với sự có mặt của Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, hàng triệu người tham dự, được truyền hình trực tiếp, pháo hoa tưng bừng trên nền nhạc bản giao hưởng số 9 của Beethoven.