Được biết, TP Hà Nội dự kiến xây dựng 1.000 căn hộ (bằng 20% quỹ đất trong dự án khu đô thị mới Việt Hưng) và dự kiến động thổ vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, tại thời điểm này lãnh đạo TP đã tạm lùi thời gian khởi công đến cuối năm và rút xuống 600 căn hộ vì thiếu kinh phí.

TP HCM cũng vào cuộc rất rốt ráo, dự kiến xây 2.000 căn hộ. Bình Dương dự kiến xây dựng 80.000 phòng ở cho trên 200.000 công nhân. Tuy vậy tất cả tới nay chưa có dấu hiệu khả quan. Trong khi việc triển khai các dự án giậm chân tại chỗ thì lượng công nhân và người có khó khăn về nhà ở ngày càng tăng. Theo dự báo, lượng lao động đến làm việc tập trung tại các KCN sẽ còn tăng và chi phí cho nhà ở của công nhân sẽ tiếp tục gia tăng cùng với hàng loạt chi phí khác khiến cho công nhân và người lao động khó bề trụ được.

Giá hợp lý?

Trong buổi đối thoại với dân gần đây, lãnh đạo TP HCM cũng thừa nhận, đã có chính sách nhưng chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Tình trạng trên cũng giống với Hà Nội. Các DN xây dựng đều cho rằng không có lãi. Sau khi xuống thang tới 2 lần bằng nhiều cơ chế ưu đãi kêu gọi đầu tư, để giải quyết tình trạng lãi lỗ trên, TP Hà Nội đã quyết định chi ra 100 tỷ đồng từ ngân sách TP để xây dựng 600 căn hộ. Theo Phó Chủ tịch TP Hà NộiĐỗ Hoàng Ân, các căn hộ sẽ có diện tích 30 – 60 m2, chất lượng và giá thành đều vừa phải, đầu tư thông qua Quỹ đầu tư phát triển của TP. Qua quỹ, người dân có thể vay tiền để mua nhà hoặc DN vay tiền để đầu tư xây dựng.

Mặc dù vấn đề xem ra có vẻ được tháo gỡ bước đầu để có thể bắt đầu thí điểm song một số DN trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều ý kiến e dè và chưa thực sự mặn mà. Một giám đốc DN xây dựng đề nghị không nêu tên cho biết, thực ra vẫn có thể có lãi nhưng là lãi thấp do đó không hấp dẫn. Hơn nữa, chính tên gọi “nhà ở xã hội” và lại là thí điểm nên không ít người ngại vì chắc chắn sẽ bị “soi”. Ông giám đốc này cũng rất đồng tình với quyết định bỏ tiền tự làm của TP Hà Nội nói trên và còn quả quyết: đã thí điểm thì Nhà nước nên làm, sau này nhân rộng lúc ấy hãy kêu DN. Ông cũng thừa nhận chính vì cái gọi là “thí điểm” nên các tỉnh, TP được thí điểm đều “rón rén” .

Cho tới nay, vấn đề quan trọng nhất là vốn có vẻ bước đầu khai thông. Đối tượng được mua nhà cũng đã được xác định và giá cũng được lãnh đạo TP quyết là sẽ hợp lý mặc dù chưa thể cụ thể. Tuy vậy tất cả các nội dung trên đều là thí điểm và hàng trăm nghìn người đang có khó khăn về nhà ở sẽ còn phải tiếp tục phấp phỏng đợi.

Muốn nhưng chưa được làm

Trong khi các tỉnh, TP được Thủ tướng cho phép thí điểm đang rất bí trong việc tìm kinh phí và tìm nhà đầu tư xây dựng thì không ít các DN đang có nhiều công nhân thiếu nhà ở muốn làm cũng lại bí.

Ông Bùi Ngọc Huyên – Giám đốc DN tư nhân Xuân Kiên cho biết, hiện 70% cán bộ công nhân nhà máy không có nhà ở. Mới đây khi nhà máy sản xuất ôtô do Cty đầu tư tại Vĩnh Phúc đi vào hoạt động thì hàng trăm người đã phải thuê nhà dân ở xung quanh. Đây là nhà máy được đánh giá là đầu tư bài bản nhất về sản xuất ôtô hiện nay và có công suất mỗi năm khoảng trên 30.000 xe các loại. Ông Huyên cũng cho biết, bên cạnh việc chi khoảng trên 1 tỷ đồng để đào tạo công nhân, DN sẵn sàng chi 10 tỷ đồng mỗi năm để xây dựng nhà ở cho công nhân và sẽ thực hiện theo phương pháp bán trả góp trong vòng 15 – 20 năm. Phương án này vừa giúp công nhân ổn định chỗ ở đồng thời cũng tạo sự gắn bó của công nhân với DN. Đây cũng là một yếu tố giúp DN cạnh tranh trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng gay gắt trong thời gian tới.

DN tư nhân Xuân Kiên chỉ là một trong nhiều DN sẵn sàng đầu tư tiền xây nhà ở cho công nhân. Các DN này không mong lợi nhuận từ việc xây nhà bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh chính đã mang lại lợi nhuận. Điều cơ bản mà họ cần là sự ổn định về nhân lực và hoạt động sản xuất. Nhưng cái khó lớn nhất là các TP chưa có dự kiến về quỹ đất để các DN tự đầu tư theo kiểu này và điều đó dẫn đến: người muốn vẫn chưa thể làm.

Xem ra chưa bắt tay thí điểm đã bất cập. Tại sao không để các DN đang có nhu cầu xây nhà cho chính công nhân của họ cùng làm?