Ở Hà Nội có nhiều nghĩa trang nằm sát hoặc lọt giữa khu dân cư. Người dân ráng chịu đựng, chính quyền quận, phường kiến nghị thành phố giải quyết nhưng đã nhiều năm qua vẫn chưa có hồi âm.

Nước có mùi tanh

Thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) có một người vừa qua đời. Gia chủ cùng bà con trong thôn đưa người chết ra khu nghĩa trang cạnh đó để mai táng. Nghĩa trang nằm bên đường Lê Đức Thọ, dẫn đến sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Ông Lê Văn Tiến, chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, cho biết mỗi năm nghĩa trang này vẫn nhận chôn 40-50 mộ. Đây là nghĩa trang đã có từ mấy trăm năm. Một phần nghĩa trang thuộc thôn Đình Thôn, đã xây dựng thành công viên nghĩa trang, là nơi qui tập mộ đã cải táng của ba thôn Phú Mỹ, Nhân Mỹ và Đình Thôn.

Nghĩa trang Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên) chỉ cách khu nhà tập thể 319 Bộ Quốc phòng một bức tường bao và một con đường rộng chưa đầy 2m. Người dân ở đây nói họ đã chung sống với nghĩa trang từ mấy chục năm nay, hằng ngày hít thở đủ các mùi khó chịu từ nghĩa trang đưa sang, ảnh hưởng từ hàng chục nghìn xác người dưới mộ phân hủy, thẩm thấu vào lòng đất.

Chị Hương, tổ 1 phường Bồ Đề, nói hằng ngày chị phải mua nước máy về ăn. Nước giếng khoan ở đây rất trong nhưng chỉ để 5 phút là chuyển màu vàng khè, nổi váng. Những lớp cặn lắng lại rất khó đánh rửa. Nước có mùi tanh kỳ lạ, áo quần giặt xong, ngâm hàng giờ bằng nước xả thơm, phơi nắng to mà vẫn còn mùi tanh.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, cán bộ tư pháp phường Ngọc Lâm, nghĩa trang Bồ Đề là chung của hai phường Bồ Đề và Ngọc Lâm (thị trấn Gia Lâm cũ). Tổng diện tích khoảng trên 8.000m2 với gần 5.000 ngôi mộ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 14 phường của quận Long Biên đều có nghĩa trang xen lẫn khu dân cư. Nhiều khu do quá trình giãn dân, đô thị hóa, nhà dân ngày càng tiến sát đến nghĩa trang (tổ 25 phường Ngọc Thụy). Có những khu nghĩa trang nằm lọt trong khu dân cư (tổ 7, tổ 8 phường Đức Giang).

Tương tự như quận Long Biên, các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ vẫn đang tồn tại những quần cư người chết lẫn người sống. Ngay giữa làng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ vẫn có những ngôi mộ nằm rải rác giữa những khu biệt thự nguy nga. Thậm chí quận Đống Đa, một trong bốn quận nội thành cũ vẫn tồn tại nghĩa trang Chùa Láng.

Không qui hoạch đất nghĩa trang

Ông Đàm Văn Huân, trưởng Phòng Xây dựng đô thị quận Long Biên, nói trong bản đồ qui hoạch quận đến năm 2020 không có đất cho nghĩa trang. Trước mắt, các phường vẫn phải tự giải quyết bằng cách chôn cất tại chỗ.

Theo ông Lê Văn Tiến, phần đất nghĩa trang xã đang sử dụng nằm trong dự án khu liên hợp thể thao quốc gia. Hiện nay, một số hạng mục của dự án này chưa thể hoàn thành, phần đất nghĩa trang vì thế chưa được đền bù và cũng chưa có định hướng di dời đi nơi khác. Vì vậy, xã vẫn tạo điều kiện cho người qua đời được chôn cất tại đây. Từ năm 2000 đến nay, xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên tìm một giải pháp cho nghĩa trang Mỹ Đình nhưng tình hình chưa có gì mới.

Ông Nguyễn Cao Chí, chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, khẳng định huyện chưa nhận được một văn bản nào của thành phố hướng dẫn về việc chôn cất cũng như qui hoạch lại các nghĩa trang. Do đó, việc chôn cất của những người dân ở đây vẫn tiến hành một cách tự nhiên như cha ông họ vẫn làm.

UBND huyện Từ Liêm cũng đã gửi kiến nghị đến UBND thành phố nhưng hơn một năm vẫn chưa có hồi âm. Giải pháp tình thế của huyện là nếu gặp nghĩa trang dù rơi vào bất kỳ dự án nào, sẽ cho khoanh vùng xây tường rào, mọi thủ tục chôn cất vẫn chịu sự quản lý của chính quyền xã sở tại.