Ngày 19/12, Sở QH-KT đã ra văn bản hướng dẫn số 556/QHKT-TH về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông phục vụ cho công tác phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch trên địa bàn thành phố, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ phân cấp quy hoạch.

Theo hướng dẫn này, các yêu cầu về đồ án quy hoạch không chỉ phục vụ cho công tác xác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch của địa phương mà còn nhằm mục đích đưa quy hoạch đến gần dân hơn, dễ đọc và dễ hiểu hơn.

Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, việc điều tra hiện trạng phải được thực hiện đầy đủ trên các mặt dân số, lao động việc làm, đất đai, giao thông, nhà ở, hạ tầng xã hội, HTKT, văn hóa lịch sử, đặc trng kiến trúc, các dự án liên quan, quỹ đất trống… Trong đó xác định rõ các vùng cấm xây dựng và cập nhật các dự án liên quan và tập hợp các quy hoạch liên quan đã có. Mức độ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 – 1/500 phải cụ thể đến đường nhánh, tỷ lệ 1/500 cụ thế đến đường rẽ (lối vào nhà). Bản đồ nền để lập quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu đúng quy định về tỷ lệ, thời gian đo đạc không quá 2 năm.

Khác với trước đây, ngay từ khâu quy hoạch, việc tổ chức thực hiện và căn cứ quy hoạch chi tiết sử dụng đất sẽ được làm rõ, xác định cụ thể theo 3 khu vực: Khu vực nhà nước là các dự án đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các khu công cộng phục vụ chung cộng đồng (không kinh doanh). Khu vực chủ đầu tư là các dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Khu vực nhà nước và dân cùng làm là các khu dân cư, làng xóm cải tạo chỉnh trang trên nguyên tắc nhà nước hỗ trợ về kính phí làm hạ tầng kỹ thuật, người dân bỏ vốn tham gia và cải tạo nhà ở của mình.

Các quy định kiểm soát phát triển cũng là điểm đổi mới phục vụ cho công tác quản lý theo quy hoạch và người dân cũng dễ dàng nắm bắt để thực hiện cho đúng. Theo đó các đồ án quy hoạch phải xác định rõ khu vực cần kiểm soát (quá trình cải tạo, xây dựng các công trình trong đô thị theo phân cấp). Nội dung kiểm soát là tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, phù hợp quy hoạch, hình khối kiến trúc, màu sắc, vật liệu, mái, ban công, lô gia, độ cao tầng 1, vị trí điều hóa, vệt dắt xe, máng nớc… phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Quy định cụ thể kiến trúc – quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật thể hiện trong bản Điều lệ – Quy chế quản lý quy hoạch tập trung làm rõ các hành động: cấm, khuyến khích, miễn cấp phép (theo Quyết định 28/2006/QĐ-UB ngày 17/3/2006 của Uỷ ban nhân dân Thành phố).

Tại hội thảo về phân cấp quy hoạch do Hội Kiến trúc sư HN tổ chức ngày 21/12, ông Đỗ Viết Chiến, phó giám đốc Sở QH-KT cho biết, sau khi phân cấp cho các quận, huyện, việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc cấp nào phê duyệt đồ án thì cấp đó cho phép điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch điều chỉnh. Để bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư đối với khu làng xóm đô thị hóa (hoặc điểm dân cư nông thôn) khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần làm rõ về: các không gian trống phục vụ cộng đồng, đất chuyển đổi lao động việc làm, đất dành cho nhu cầu mất cân đối về HTXH và HTKT. Sở QH-KT cũng yêu cầu hết sức hạn chế việc san lấp ao hồ có diện tích lớn hơn 1.000m2 trong khu dân cư làng xóm. Khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch, người có thẩm quyền phê duyệt phải lấy ý kiến nhân dân thông qua phiếu hoặc họp đại diện tổ dân phố và UBND phường, xã có liên quan.