Một tấm gương kỳ lạ. Cùng chịu hơi nước nhưng phía bên trái thì bị mờ đi, trong khi phía bên phải người dùng vẫn soi rõ mặt. Sở dĩ có điều kỳ diệu đó là nhờ phía bên phải gương đã được phủ 1 lớp sơn quang xúc tác Titan dioxide, còn gọi là sơn Nano. Vậy các bạn nghĩ sao khi loại sơn Nano vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa có khả năng tự làm sạch, khả năng chống mờ do hạt nước và khả năng chống mọc rêu, mốc trên bề mặt vật được sơn do chính các nhà khoa học Việt Nam chế tạo?

Loại sơn này là 1 dạng dung dịch chứa vô số các tinh thể dioxide có kích cỡ cực nhỏ, chừng vài chục nanomét. Dưới tác động của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, những tinh thể Titan dioxide nhỏ chỉ bằng 1 phần 2000 lần sợi tóc này sẽ hoạt động như 1 chất xúc tác để phân huỷ bụi, rêu, mốc và chống đọng nước trên bề mặt vật liệu. Tiến sỹ Trần Thị Đức – trưởng nhóm chế tạo sơn Nano thuộc Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị khoa học, cho biết: “Khi hạt TiO2 đưa xuống kích cỡ Nano thì nó có những đặc tính đặc biệt, cụ thể như tính chất quang xúc tác phân huỷ các chất hữu cơ hoặc có những đặc tính không tạo những giọt nước trên bề mặt – đó là những đặc tính quý để tạo ra những vật liệu làm sạch. Vì vậy nếu chúng ta tạo ra được sơn Nano phủ lên các bề mặt thì dưới tác dụng của ánh sáng sẽ có khả năng diệt khuẩn, chống rêu mốc, tự làm sạch…”.

Trong vòng 1-2 năm trở lại đây, chúng ta đã được nghe khá nhiều về các loại sơn xe ô tô cực bóng, các loại cửa kính tự làm sạch, nhữngvà các loại pin dùng cho điện thoại di động (ĐTDĐ) có thời gian hoạt động thật lâu… Hầu hết chúng đều được chế tạo trên cơ sở công nghệ Nano và bản quyền sản xuất đều thuộc về những phòng thí nghiệm của các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến.

Vào thời điểm nghiên cứu đề tài này những năm 2000 – 2001, trên thị trường lúc đó đã có bán bột Titan dioxide Nano ngoại nhập. Song đó chỉ là Titan dioxide thương mại, nhiệm vụ của các nhà khoa học VN là phải tìm cho ra bí quyết phân tách các cục bột này xuống kích cỡ Nano và làm sao để có thể tự chế chất kết dính vô cơ thích hợp để tạo thành dung dịch sơn. Nhóm đã phải mất hàng năm trời với vô số những cuộc thí nghiệm thất bại. Rồi thành công cũng đến. Ban đầu, kích cỡ tinh thể mà nhóm tạo ra là vài trăm Nanomet. Sau đó, họ hoàn thiện dần công nghệ và thu nhỏ kích thước tinh thể xuống chỉ còn khoảng vài Nanomet.

Cũng cần nói thêm rằng: việc sử dụng bột Titan dioxide thương mại chỉ cho phép tạo ra các loại màng trắng đục, có tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm mốc và khử mùi. Do vậy, nhóm nghiên cứu phải tìm một con đường khác: đi từ các phân tử chứa titan, chất ổn định và chất kết dính vô cơ để khi phản ứng với nhau chúng tạo ra tinh thể Titan dioxide cỡ nano dạng huyền phù. Đó chính là loại sơn quang xúc tác PSA-01. Khi được xịt lên bề mặt vật liệu ở nhiệt độ phòng, sơn tạo ra màng mỏng TiO2 trong suốt, bám dính tốt lên bề mặt vật liệu.

Với những đặc tính riêng, sơn quang xúc tác Titan dioxide đang được xem là cuộc cách mạng về công nghệ. Quan trọng là thế, nhưng có đến phòng thí nghiệm nơi làm ra sản phẩm sơn Nano của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học mới thấy hết sự khó khăn về điều kiện làm việc của các nhà khoa học. Các mẫu vật liệu thì được bảo quản trong hộp đựng bánh, dung dịch TiO2 được giữ trong vỏ các chai nước suối Lavie, kết quả thí nghiệm được cất trong vỏ hộp chè Lipton, thiết bị phun xịt sơn thì được tận dụng từ 1 chiếc máy dùng để rửa xe máy… Bồn rửa xuống cấp đến mức không thể sử dụng. Thiết bị đắt tiền nhất trong phòng thí nghiệm chỉ là 1 cái cân điện tử có giá trị khoảng hai chục triệu đồng. Các nhà khoa học của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học vẫn đang phải tiếp tục phát huy nội lực để đưa sơn Nano thành 1 sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.