Skip to Content

Blog Archives

Khắc phục sự cố nứt dầm, cột

Hiện tượng:

Trên thân cột, dầm, trên thân tường xuất hiện nhiều vết nứt, nứt sâu, thậm chí xuyên qua cả tường xây

su-co-nut-dam-cot-1

Nguyên nhân:

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột thì do kỹ thuật thi công, đã không đặt hay đặt không đủ thép râu neo vào tường.

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà: cũng do lỗi thi công đã không xử lý hồ dầu và ẩm đúng, đồng thời xây không đúng quy định (xây xiên, xây bằng gạch đinh, gạch thẻ, các góc trống phải miết kỹ hồ). Hệ quả là trong quá trình đông cứng, tường và cả hồ xây, trát đều co ngót một phần làm xuất hiện vết nứt ngang.

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà thường thấy ở các tầng: cũng do lỗi kỹ thuật thi công. Sau khi đúc đà, sàn các tầng, trước khi xây tường, ở mặt bê tông sẽ xây phải làm thật sạch, đủ ẩm; phải có một lớp hồ dầu, miết kỹ. Nên xây trước tối thiểu là 3 hàng gạch đinh (gạch đặc). Ðộ cứng được chuyển dần từ đà sàn bê tông sang gạch đặc, gạch ống, sẽ hạn chế xuất hiện khe nứt. Nếu không thực hiện chuẩn, có thể có vết nứt.

Khắc phục:

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-cột: dùng máy cắt tạo rãnh sâu, làm sạch, ẩm và phụt vữa sửa chữa loại đông cứng nhanh bán sẵn và trát lại bằng vữa trát thông thường.

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-dạ đà:Có thể dùng biện pháp sửa chữa vết nứt như trên. Hoặc đục hàng gạch trên cùng ra để xây lại theo đúng quy định.

– Nứt ở mép tiếp giáp tường-mặt trên đà: Cách sửa có thể bằng vữa cao cấp như đã nêu, tuy nhiên giá thành khá đắt.

Những vết nứt này chủ yếu do đà sàn bị võng. Do đó tiết diện các cấu kiện (đà) phải đủ độ cứng cần thiết và cốt thép đủ sao cho độ võng này không đáng kể. Chính những vết nứt này, ở tường ngăn khu vệ sinh, ở tường đầu hồi là chỗ dễ thấm nước, gây loang lổ.

READ MORE

Kinh nghiệm chọn gạch ốp lát

Khi chọn lựa vật liệu ốp lát cho công trình, cần  căn cứ vào một số nguyên tắc nhất định,như vậy  bạn sẽ không bị “hoa mắt” giữa các chủng loại vật liệu trên thị trường.

Tính năng sử dụng là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được quan tâm, cho dù là hình thức, màu sắc thế nào. Tuỳ theo yêu cầu công năng đặc thù của không gian, khu vực đó mà chọn vật liệu phù hợp. Chẳng hạn, ốp tường vệ sinh phải đảm bảo yêu cầu chống thấm, dễ cọ rửa; sàn vệ sinh phải chống thấm, chống trơn – trượt, sân phải có khả năng chịu lực tốt, chống trơn…

chon-gach-op-lat-1

Tương đồng với không gian kiến trúc cũng là yếu tố cần nhắc đến. Kiến trúc sư là người nắm rõ nhất điều này để đề xuất những loại vật liệu phù hợp, đưa ra giải pháp ốp lát tốt về hướng nhìn, nội dung, ý tưởng thể hiện trên bề mặt. Một loại gạch đẹp nhưng đưa vào bề mặt, vào không gian cụ thể chưa chắc đã đẹp.

Gạch đắt tiền cũng không làm nên cái đẹp. Chẳng hạn, các không gian, các khu vực cần sáng sủa, hoặc thiếu sáng không nên dùng gạch tối màu, không gian trang nghiêm như phòng thờ nên lát với màu trầm, không gian phòng trẻ em có thể lát tự do, màu sắc trẻ trung… Các không gian ngoại thất như sân vườn nên sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, màu trung tính như đá, gạch gốm…

Khi ốp lát cũng cần lưu ý đến tỷ lệ, phải hài hòa với không gian và diện tích. Với những không gian nhỏ như phòng vệ sinh, không nên chọn những loại gạch có kích thước quá lớn. Gạch có kích thước lớn gây cảm giác không thuận về thị giác mà còn khiến phải cắt nhiều gạch, gây mất thẩm mỹ. Với những diện lớn thì không nên dùng gạch – đá có kích thước nhỏ, gây nát bề mặt và khó làm phẳng do có quá nhiều mạch.

Mỗi loại vật liệu có những đặc tính, cấu trúc khác nhau. Hiểu và khai thác đúng những đặc tính đó sẽ làm những khu vực ốp lát có chất lượng và thẩm mỹ. Vì vậy, cần khai thác những ưu điểm, tránh được nhược điểm của mỗi loại vật liệu.

chon-gach-op-lat-2

Ví dụ, đá granite có tính đồng chất cao, kết cấu chắc, không có thớ nên ưu tiên sử dụng chỗ nền, sàn, mặt thao tác dễ va đập, chịu lực như bệ cửa, mặt bếp… Các loại đá có vân thớ, dễ nứt vỡ chỉ nên ốp tường, không nên lát sàn. Gỗ không nên lát ở sàn tầng trệt và các khu vực có nguy cơ ngấm nước… Các khu vực ngoài trời phải sử dụng những loại vật liệu bền trước tác động môi trường hơn là ở trong nhà…

Phù hợp phong thuỷ và tâm lý của chủ nhà là nguyên tắc khá linh hoạt và đòi hỏi kiến trúc sư phải có kiến thức tổng hợp, ngoài các kiến thức mang tính kỹ thuật. Mỗi loại vật liệu có một ảnh hưởng nhất định tới không gian và tâm lý con người. Chọn vật liệu phù hợp dẫu theo nguyên tắc nào cũng vẫn phải hướng tới sự thoải mái cho người sử dụng.

Không phải ngẫu nhiên mà gỗ luôn là ưu tiên số một cho vật liệu sàn nhà ở, bởi gỗ (thuộc hành mộc) có tính dương so với các loại vật liệu gạch đá (thuộc hành thổ) khác. Gỗ cho cảm giác ôn hoà, ấm áp, rất phù hợp với nhà ở. Cũng tương tự, trong nội thất không nên sử dụng quá nhiều đá, vì đá cho cảm giác lạnh lẽo.

READ MORE

KINH NGHIỆM CHỌN GẠCH LÁT SÀN

Công đoạn chọn gạch lát sàn là công đoạn hoàn thiện vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tiện nghi sử dụng cho cả căn nhà.

READ MORE

Sử dụng vật liệu, từ bản vẽ ra công trường

Nghề kiến trúc – xây dựng luôn phải đụng chạm, chung sống, phải “chơi” với đủ loại vật liệu xây dựng. “Chọn bạn mà chơi” thế nào thì chọn vật liệu xây dựng cũng gần như thế. Nhưng khác biệt ở chỗ, không thích bạn thì có thể lánh xa, nhưng vật liệu xây dựng thì dù thích hay không vẫn phải tiếp xúc.

Có nhiều gia chủ hay nói đùa (mà thật) với kiến trúc sư rằng: sao cái gì mấy anh chọn lựa cũng toàn đắt tiền không vậy? Và các nhà chuyên môn cũng hay giải thích theo kiểu nửa đùa nửa thật “thì tiền nào của nấy mà”! Bài viết này không đi sâu phân tích tính năng hay hiệu quả đẹp xấu của vật liệu xây dựng, mà thử làm chút tổng kết về các kiểu ứng xử giữa nhà chuyên môn và gia chủ khi chọn lựa vật liệu để từ đó giúp các bên xác định phương thức nào là phù hợp, là hiệu quả. Về cơ bản thực tế có ba tình huống ứng xử như sau:

Hồn ai nấy giữ: Kiến trúc sư có thể là người trẻ tuổi chưa nhiều kinh nghiệm, có thể là người đứng tuổi bận bịu quá nhiều công trình, có thể không thường xuyên giám sát thực tế… nên chọn cách làm việc chủ yếu chỉ định vật liệu trên bản vẽ, sao cho thiết kế đúng quy chuẩn, đạt yêu cầu bền chắc, nhà thoáng mát, an toàn… là có thể thở phào. Đồng thời gia chủ cũng quen nếp tự biên tự diễn, chỉ cần bản vẽ ổn thì khi xây thích tự mình mày mò mua sắm chứ không cần nhờ nhà chuyên môn. Lúc đó gia chủ ưa gạch A, sơn B, kính C, ngói D gì gì thì tuỳ, nhà họ ở mà, chọn không vừa ý họ sau này nhức đầu lắm. Một số kiến trúc sư nghĩ vậy và kết quả là nhiều ngôi nhà có thiết kế khá tốt nhưng phần hoàn thiện không đạt bởi vật liệu và vật dụng chỉ thuộc dạng chung chung, trăm hoa đua nở, góp nhặt nhiều thứ theo ý thích riêng gia chủ.

chon-vat-lieu-xay-dung-1

Đôi khi vật liệu dùng cho “mặt tiền” chỉ là những mảng xanh đặt để khéo léo.

Đi chợ cùng nhau: Một số “cặp đôi hoàn hảo” gia chủ – kiến trúc sư hay hẹn nhau đi chợ theo kiểu “dung dăng dung dẻ” khá thú vị và cũng khá mất thời gian, nên phải tuỳ vào quan hệ giữa hai bên. Thông thường với kinh nghiệm và hiểu biết đã có khi làm công trình khác giúp kiến trúc sư định vị được nên chọn lựa vật liệu ở đâu, loại gì là phù hợp, trên tinh thần “Em thấy cái này được, cái kia hay, nhưng quyết định sau cùng là anh chị đấy nhé!”. Cách làm này tuy có sự tôn trọng đôi bên nhưng cũng có biên độ dao động khá lớn giữa cái kiến trúc sư chỉ và cái gia chủ mua sắm, bởi giá cả, bởi người nhà góp ý ra vào, bởi đội thi công chê bai vài tính năng kỹ thuật nào đó… Thậm chí có gia chủ kêu kiến trúc sư đi chọn lựa để biết được thêm ý đồ thiết kế, để có được quá trình giám sát tác giả, để khảo giá so sánh thêm, chứ không hẳn là vì tin tưởng hoàn toàn vào ý kiến chuyên môn.

Cá tính và thoả hiệp: Một số kiến trúc sư dày kinh nghiệm hay gợi ý vật liệu ngay từ các bản vẽ sơ khởi, hoặc khống chế ý tưởng dùng vật liệu gì một cách rất cá tính, kiểu như những công trình bằng tre, bằng đá, hay bêtông trần xuất hiện thời gian gần đây. Trên thế giới cũng vậy, cách dùng vật liệu thường đi theo giải pháp kiến trúc, làm nên cá tính riêng cho công trình, kiểu như Tadao Ando hay dùng bêtông trần, hoặc F. O’Ghery hay bọc tấm titannium bên ngoài công trình của mình. Nhưng đa phần các kiến trúc sư Việt Nam thường than rằng: đâu dễ gặp được gia chủ chịu cho mình làm nhà với loại vật liệu mà mình ưng ý theo đuổi! Do đó vẫn phải có tỷ lệ “thoả hiệp” nhất định trong phần sử dụng vật liệu (nhất là phần hoàn thiện) đối với nhà ở tư nhân. Một số ngôi nhà thậm chí kiến trúc sư phải… chụp ảnh luôn khi mới hoàn thiện sơ bộ, bởi để thêm một thời gian nữa thì sẽ không còn nhận ra “đứa con tinh thần” của mình sẽ biến đổi theo kiểu gì khi gia chủ với sự trợ giúp của nhà thầu lao vào cuộc “chạy đua” ốp lát, tô vẽ, son phấn, sắm đồ đạc… khác với quan niệm hoàn thiện ban đầu của kiến trúc sư.

Vấn đề nổi cộm hay gây bức xúc cho gia chủ và kiến trúc sư đó là thi công sao cho ít lãng phí, đạt chuẩn mực và có hiệu quả. Nhiều gia chủ xót xa khi thấy gạch đắt tiền của mình bị cưa cắt vụn ra, hoặc PU cửa gỗ sau khi thổi dính đầy vào kính vào tường rất khó chùi sạch.

Những hàng rào bằng vật liệu đơn giản bền chắc nhưng vẫn không quá ngăn cách xa lạ.

Những hàng rào bằng vật liệu đơn giản bền chắc nhưng vẫn không quá ngăn cách xa lạ.

Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được nghe các thầy thế hệ kiến trúc đi trước kể rằng: chỉ có mấy nghề đươc gọi là sư (thầy) như luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bởi vai trò chỉ dẫn, định hướng, bao quát của nghề nghiệp. Khi một kiến trúc sư chủ trì xuống kiểm tra công trình nào đó thì tất cả thợ thuyền đều dừng tay, ông cai đi theo, đứng bên cạnh, nín thở theo dõi, lắng nghe kiến trúc sư nhận xét, chỉ dẫn. Chỗ này đá cắt không đẹp, đoạn kia màu sơn chưa đúng ý, mảng nọ lát gạch xấu… là cứ thế đục ra làm lại, khỏi nói nhiều! Đám sinh viên kiến trúc nghe thầy kể khoái lắm, vì thấy tương lai mình chắc đầy vẻ oai phong lẫm liệt, “hét ra lửa” bao người răm rắp! Nào ngờ thầy kết luận cái rụp: bởi vậy từ lúc đi học đến khi đi làm nếu không biết tìm tòi từng loại vật liệu được sản xuất, thi công thế nào, sử dụng ra sao, thì xuống công trường biết gì mà coi mà nói, hoặc nói trật ai nghe, thợ sẽ cười chê, không làm theo thì có mà húp cháo, từ bản vẽ đến thực tế còn nhiều bước nữa đấy!

Thế nên mỗi khi đứng trước “rừng” vật liệu xây dựng đa dạng hiện nay, bài học năm xưa lại vọng về như lời nhắc đến một trách nhiệm của các kiến trúc sư: sử dụng vật liệu cho công trình sao cho vừa cho khéo cho đúng cho đẹp là điều không đơn giản và hầu như luôn phải cập nhật liên tục. Nhưng dĩ nhiên không phải cập nhật theo kiểu… lên mạng suốt ngày, mà nói như đại sư Tadao Ando trong lần gặp gỡ giới làm kiến trúc Việt Nam hồi năm 2008: hãy rời máy tính để đi thực tế công trình! Quả là đáng để suy ngẫm vậy.

(Theo SGTT)

 

READ MORE

Xây nhà mức giá nào là phù hợp?

Nhiều chủ đầu tư thắc mắc: thông thường các nhà thầu nhận xây dựng nhà xây nhà khung chỉ vào khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/m 2 bao gồm cả vật liệu và thi công hoàn thiện. Nhưng trong thực tế, nhiều nhà phải “chịu” giá xây dựng đến 2,5 triệu đồng/m2 hay hơn nữa. Sự biến thiên đó do đâu?.

Các kiến trúc sư và kỹ sư cho biết những lý do về sự chênh lệch này và cách khắc phục.

Những yếu tố gây “biến động” giá

Trong xây dựng, có hai khoản chính để tính ra giá thành: phần xây thô và phần hoàn thiện. Xây thô là tạo được hình thù căn nhà nhưng chưa lát nền, cửa nẻo, điện nước, sơn… Phần hoàn thiện, để có thể vào ở và lúc đó nhà đã hoàn chỉnh 100%. Thực tế, cứ nhà lầu đúc thì phần xây thô chiếm từ 1,1-1,4 triệu đồng/m² xây dựng; dù nhà xây với kiều cách nào, nhà lệch tầng, nhà thông tầng… vẫn không biến động giá (có chăng, do nền đất yếu phải gia cố móng nhiều). Nếu xây nhà cấp 4 thì chỉ ở khoảng 700.000đ/m² xây thô. Tuy nhiên, sự chênh và trượt giá nhiều là do phần hoàn thiện.

Vậy theo thắc mắc nêu trên chẳng hạn, thì phần hoàn thiện nhà chỉ còn từ 500 – 600.000đ/m². Trong đó, thường 1/3 số tiền này dành cho nền, còn lại 2/3 sử dụng cho sơn nước, điện+nước, cầu thang, cửa. Khoản 2/3 “ít ỏi” đó lại phải dành cho nhiều hạng mục vừa nêu để hoàn thiện. Mặt khác, khi tính giá xây dựng thường lại tính trên mét vuông nền trong khi thể tích nhà là những khoảng không gian chiếm nhiều nguyên vật liệu và công để hoàn chỉnh căn nhà.

Ví dụ, tính 1,6 triệu đồng/m² thì vật liệu để hoàn thiện nhà là những loại thường như sơn nước chỉ 60.000đ/m² tường. Nếu chọn sơn nước cao cấp hay ốp đá, gỗ… giá thành có thể sẽ tăng gấp đôi cho một mét vuông tường. Và tường là diện tích rộng phải hoàn thiện (4 bức vách), chưa kể nếu làm vách ngăn trong hay chia nhiều phòng thì độ phát sinh thêm nhiều hơn cho công đoạn này. Ngoài ra, nhà ở hiện nay thường tạo nhiều công năng hoặc trang trí như trổ thêm cửa kính, tủ, kệ âm tường, sơn sần… do đó mà giá thành phải tăng. Hoặc mảng trần nhà và phòng cũng tiêu tốn nhiều công và nguyên liệu. Ví dụ như làm trần nổi, trần chìm; bắt nhiều tầng chỉ trang trí; hoặc tạo dàn đèn sáng tản kết hợp với đèn chùm… tất cả đều nâng giá thành xây dựng lên.

Ðể hoàn thiện nhà có rất nhiều chi tiết và giá thành tăng chủ yếu do hạng mục này. Ðó là chưa kể đến chủng loại vật liệu chọn sử dụng – hàng cao cấp. Chẳng hạn nhà vệ sinh, nhà tắm, thay vì dùng các thiết bị nội địa, lại chọn hàng nhập của Ý, Tây Ban Nha…thì giá sẽ tăng cao. Cũng vậy, để trang trí nhà bếp, có loại đến 20-30 triệu đồng hoặc hơn nữa.

nha-dep-8

Trù liệu kinh phí và chọn vật liệu hoàn thiện theo ý

Ðó là những lý do để nhà tăng giá tính trên m², nhà càng “cầu kỳ” càng có giá cao. “Tôi đã từng thực hiện những căn nhà, giá lên đến hơn 5 triệu đồng/m²”, một kiến kiến trúc sư đã nói vậy. Do vậy, thuận tiện nhất cứ lấy mức chuẩn xây phần thô là 1,1-1,4 triệu đồng/m² để dự trù kinh phí cho ngôi nhà của mình. Ðây là phần phải hội đủ để hoàn thành công đoạn đầu trong xây dựng. Sau đó, minh bạch hơn, để khỏi bận tâm hoài nghi vật liệu này, nguyên liệu kia giá cao/thấp, gia chủ nên trực tiếp đi chợ vật liệu xây dựng, trực tiếp chọn hàng trang bị nhà mình hoặc có thể cùng “đi chợ” với kiến trúc sư để tham khảo.

Bất cứ loại hàng gì đều có nhiều thang giá khác nhau, tùy vào chất lượng, mẫu mã và kiểu dáng. Do đó, chủ đầu tư có thể chủ động toan tính được kinh phí bỏ ra cho phần hoàn thiện ngôi nhà mình. Và như vậy, gia chủ nhận cung cấp nguyên vật liệu cho phần hoàn thiện nhà. Còn phần xây thô, có thể giao cho nhà thầu, công ty xây dựng… đảm trách luôn nguyên liệu như xi măng, sắt, gạch… (không nhiều chủng loại nhưng cũng cần quy định trước).

READ MORE

Hướng dẫn cách sửa chữa mái ngói hiệu quả

Nhà tôi là nhà cấp 4, diện tích 3,8x14m, tôi dự định sẽ sửa lại mái ngói thành mái tole, lát gạch toàn bộ nhà, làm lại nhà vệ sinh, và nhà bếp, sơn lại nhà. Hiện tôi đang có khoảng 50 triệu, xin hỏi có đủ chi phí sửa chữa hay không? Nhà tôi chỉ có 3 mẹ con mà thôi, nhà tôi ở lầu 1, khi sửa chữa tôi không muốn đụng chạm đến nhà dưới. Xin cho tôi lời khuyên và tư vấn giúp. Cám ơn Wedo.

Wedo trả lời :

Chào bạn Phương Uyên,

Việc sửa chữ nhà rất khó có thể xác định chính xác chi phí vì thường có rất nhiều công việc phát sinh trong quá trình sửa chữa, đặc biệt là các căn nhà cũ. Chúng tôi xin cung cấp cho bạn một số thông tin như sau :

Với 50 triệu đồng, có thể đủ để cho bạn sửa chữa các hạng mục như : đảo mái (khoảng 12triệu đồng), lát gạch toàn bộ nhà (57m2) (khoảng 12 triệu đồng), làm lại nhà vệ sinh (thiết bị và ốp lát khoảng 5 triệu đồng), nhà bếp (thiết bị, tủ bếp, ốp lát khoảng 8 triệu đồng) và sơn lại nhà (khoảng 3 triệu đồng). Phần chi phí phát sinh 20%.

Trong quá trình sửa chữa nhà, sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh và đặc biệt là hộ gia đình sống dưới tầng trệt, chỉ có thể hạn chế bớt những ảnh hưởng này mà thôi. Trước khi sửa chữa, tốt nhất bạn nên gặp hộ gia đình ở tầng 1, và các hộ gia đình xung quanh cùng bàn bạc, thống nhất các biện pháp che chắn bụi, vật liệu xây dựng rơi vãi, hạn chế tiếng ồn…

Khi thi công nên bắt đầu từ trong ra ngoài (thi công gia cố tường, sửa nhà vệ sinh, nhà bếp trước – làm phần thô, ôp lát, sau đó thi công đảo mái, lát nền nhà, và cuối cùng là sơn lại nhà.), đặc biệt, để kết hợp công việc khi hoàn thiện được tốt, việc lắp đặt các thiết bị vệ sinh và tủ bếp, thiết bị bếp nên tiến hành sau khi đã quét được ít nhất sơn lót, lắp đặt xong, sửa những chỗ lỗi, quét sơn hoàn thiện.

Khi chuyển thành mái tôn, bạn nhớ phải làm thêm tầng cách nhiệt cho trần nhà. Ngoài ra phải chú ý che chắn kỹ không để sơn rơi vãi ra sàn nhà, thiết bị.

Cám ơn bạn đã tham khảo ý kiến của Wedo – Chúc bạn thành công.

READ MORE

Chuẩn bị xây nhà

Để có một ngôi nhà hoàn hảo, trước khi làm nhà các gia chủ cần phải có một quá trình chuẩn bị chu đáo, từ việc cân nhắc các nhu cầu trong gia đình, tính toán thiết kế cũng như việc lựa chọn nhà thầu… Nhu cầu và thiết kế Việc tính toán các nhu cầu ăn ở cũng như sinh hoạt trong gia đình cần được tính toán hợp lý với diện tích sử dụng. Muốn cân đối tất cả các tiêu chí này, trước tiên phải tùy thuộc vào diện tích (đất) cũng như số tiền dự kiến để xây nhà. Tùy theo chức năng từng phòng mà bạn có thể tính toán số tầng cũng như số phòng cần thiết. Việc tính toán một cách cẩn thận mặt bằng bố trí các tầng, sự liên kết giao thông giữa các phòng sẽ là yếu tố quan trọng để có một tổng thể kiến trúc đẹp. Từ đó, bạn cũng sẽ xác định được kích thước từng căn phòng để thuận tiện bố trí các hệ thống kỹ thuật kèm theo. Để tốt nhất cho việc chuẩn bị, lời khuyên thường được đưa ra vẫn là nên tìm đến kiến trúc sư (KTS) hoặc người thiết kế chuyên nghiệp. Tại VN, công việc này xưa nay thường bị xem nhẹ, chủ nhà theo đó thường giao hết cho chủ thầu hoặc tự tính toán làm theo ý thích của riêng mình.

nha-dep-1

 

Tuy nhiên, những tính toán của nhà tư vấn và thiết kế chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có thể tổng hợp được những phương pháp tối ưu cho từng chi tiết trong bản thiết kế. Bạn có thể tham khảo ý tưởng cho ngôi nhà mình mơ ước từ các sách báo chuyên ngành để có một phác thảo sơ lược về các phòng chức năng cũng như các nhu cầu… sau đó trình bày với người thiết kế để tìm sự đồng cảm cũng như nhận được những lời khuyên có ích nhất. Hơn ai hết, bạn sẽ là người tự biết mình cần gì ở ngôi nhà của chính mình, tuy nhiên bạn cũng cần tỉnh táo và không nên quá tham lam khi đòi hỏi người thiết kế phải “lôi” rất nhiều thứ bạn thích vào trong một ngôi nhà. Bản lĩnh nghề nghiệp của KTS sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng kiến trúc của ngôi nhà. Theo nhiều KTS có nghề, rất nhiều KTS, nhất là các KTS trẻ hoặc các nhà thiết kế “tay ngang” đôi khi chỉ vì mục đích kinh tế nên thường sẵn sàng chiều theo ý chủ nhà mà không phân tích thiệt hơn… Chọn nhà thầu Tìm được một nhà thầu tốt là thứ mà ai cũng mong muốn vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. Nếu có điều kiện, bạn nên tham khảo trong bạn bè, bà con những người đã từng có sự tiếp xúc, làm việc với các nhà thầu để chọn mặt gửi nhà. Nếu không tìm được người đáng tin cậy, hãy chọn các công ty thi công có đầy đủ tư cách pháp lý và chức năng hành nghề. Tốt hơn hết, bạn nên nhờ KTS thiết kế dành thời gian giám sát công trình, vì hơn ai hết họ sẽ hiểu từng ngóc ngách công việc mà nhà thầu phải làm để đạt yêu cầu mà thiết kế đề ra hoặc tìm người quen hiểu biết công việc giám sát hộ. Để tránh những rắc rối về sau, bạn nên có trước những thỏa thuận về việc khoán toàn bộ, khoán từng phần hay tính toán riêng tiền vật liệu, nhân công… Về vật liệu xây dựng, trước khi làm nhà, bạn cũng tham khảo giá cả ở một số đại lý để chọn ra một nơi mua vật liệu thô đáng tin cậy, càng gần địa điểm xây nhà càng tốt. Từ đó, bạn có thể thỏa thuận việc cung ứng vật liệu đúng tiến độ, chủng loại cũng như chất lượng. Hiện tại, rất nhiều đại lý nhận cung ứng đầy đủ vật liệu cần thiết cho ngôi nhà theo yêu cầu hằng ngày của chủ thầu.

Hoàn thiện nhà Để ngôi nhà đẹp và hoàn chỉnh, khi đến khâu hoàn thiện nhà, nếu không nhờ bàn tay KTS thì bạn cũng nên có sự tham khảo ý kiến của một chuyên gia thiết kế nội thất hoặc một bàn tay tương đối “chuyên nghiệp”. Việc chọn màu sơn, gạch – gỗ lát sàn, chọn các trang thiết bị cần thiết cho các phòng ốc như phòng tắm, nhà bếp… cần có sự chuẩn bị chu đáo để mọi thứ trở nên hòa hợp là yếu tố tiên quyết cho thẩm mỹ của công trình. Ít nhất bạn cũng phải xác định được phong cách cho ngôi nhà của mình là cổ điển, hiện đại hay pha trộn những thứ ấy để làm ra sự độc đáo riêng… Một bộ sofa hay bộ bàn ăn cho phòng khách hay nhà bếp cũng cần chọn lựa sao cho thật vừa vặn hài hòa với màu sắc của căn phòng; thậm chí chỉ một bức tranh cũng phải chọn chỗ để treo sao cho thật cân đối, vừa vặn ở một góc tường… Tuy nhiên, không chỉ nhờ đến sự tư vấn của nhà chuyên môn, người chủ nhà cần phải biết mình đã và mong muốn những gì từ ngôi nhà của mình. Nếu bản thân bạn cũng không biết mình muốn tìm điều gì từ kiểu thiết kế nội thất trong căn nhà mà mình sẽ sống thì nhà tư vấn, dù giỏi thế nào, cũng khó lòng giúp bạn đạt được ý nguyện. Một căn nhà không cần chỉ đẹp mà còn cần phải tiện ích và thích hợp cho những người sử dụng hoặc thường xuyên sử dụng. Bạn hãy bàn bạc và tìm hiểu về sở thích của từng thành viên trong gia đình để tìm ra những giải pháp trung hòa cho không gian chung. Sau đó, có thể từng người sẽ tự có ý kiến về việc thiết kế và sắp xếp cho không gian sống – căn phòng riêng theo sở thích của mình…

READ MORE

Ưu và nhược của nhà lệch tầng

Bản chất nhà lệch tầng là sự khác biệt về cao độ giữa các tấm sàn hoặc các không gian. Vì vậy, làm nhà cao tầng cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tính chất sử dụng không gian, sở thích cá nhân, nhân khẩu trong gia đình, diện tích…

Có thể xuất phát từ sự cảm thấy đơn điệu trong những không gian nhà ống vốn đều và thẳng, nên người ta muốn thay đổi, nhất là khi điều kiện mặt bằng chật hẹp hoặc bị gò bó vào một khuôn khổ nhất định thì việc thay đổi các cao độ sẽ mang lại dáng vẻ lạ lẫm, mới mẻ cho không gian, đồng thời kèm theo nhiều ưu điểm khác.

Ưu điểm đầu tiên của nhà lệch tầng là giải quyết được vấn đề thông thoáng (khi kết hợp với cầu thang, giếng trời) vì các tấm sàn không kéo dài suốt mà thay đổi và tạo những ống hút gió xiên giữa tầng này với tầng kia (tất nhiên phải có lối cho gió vào). Thứ hai, tầm nhìn giữa các tầng đa dạng, phong phú, khả năng quan sát và đi lại thoải mái, không nhàm chán. Cầu thang sau khoảng chục bậc lại có thể đi vào được một tầng. Do đó, đa số các ngôi nhà lệch tầng đều có chung cảm giác “là lạ”, tạo cảm giác căn nhà như có nhiều không gian, nhiều tầng và nhiều sự hấp dẫn. Ưu điểm tiếp theo là sử dụng không gian hữu dụng hơn, chẳng hạn những khu phụ để xe, kho, phòng cho người giúp việc… đặt nơi tầng trệt không cần cao, bên trên là phòng khách hoặc bếp. Lệch tầng, có thể làm cao độ trần tùy thích, không giống như nhà thẳng tầng có chiều cao “cứng”.

Thế nhưng, nhà lệch tầng cũng có không ít nhược điểm. Thứ nhất là tổng thể ngôi nhà về mặt giao thông bị chia ra bởi các cao độ khác nhau nối với nhau bằng cầu thang nên gây một số bất tiện, chẳng hạn như cứ ra khỏi cửa phòng là phải lên xuống cầu thang, nhất là với nhà nhỏ. Điều này không phù hợp với người cao tuổi, trẻ em hoặc người tàn tật. Nếu không làm toilet riêng theo từng tầng thì xảy ra tình trạng từ tầng này phải lên tầng kia dùng toilet. Về cao độ, nhà lệch tầng có thể sẽ không phù hợp với một số quy hoạch có bắt buộc khống chế chiều cao từng tầng. Nhược điểm nữa là ở nhà lệch tầng, tỷ lệ chiếm chỗ của ô cầu thang và các chiếu nghỉ thang luôn lớn. Về mặt cơ động và đa năng hóa không gian, nhà lệch tầng cũng không linh hoạt bằng nhà thẳng tầng vì không gian bị giới hạn khi đi lại, chỉ phong phú trong điểm nhìn. Ngoài ra, khi thiết kế và thi công nhà lệch tầng đòi hỏi tính toán kỹ cốt cao độ và bậc thang. Một số nhà thầu thường tận dụng lý do này để tính giá thi công lệch tầng cao hơn.

Trong trường hợp nhà hẹp và dài, lệch tầng có thể kết hợp với không gian cầu thang để thông thoáng chiếu sáng cho phần giữa nhà. Nhưng với dạng mặt bằng ngắn hoặc gần vuông, làm thẳng tầng hoặc áp dụng kiểu cầu thang thay đổi vị trí sẽ có tiện lợi về diện tích.

lech1

Một vài điểm cần lưu ý:

Về giá thành, diện tích xây dựng không tăng nhiều so với kiến trúc bình thường. Tuy nhiên, diện tích các bức tường sẽ tăng, vật tư sử dụng cũng tăng lên.

Các khu vực vệ sinh và hệ thống ống kỹ thuật (điện, cấp/thoát nước) cần thiết kế tốt để tạo thẩm mỹ và lưu thông mạch lạc vì nhà vệ sinh có thể không nằm đồng trục theo các tầng.

Hệ thống kết cấu cũng không đồng trục, nên lưu ý về kỹ thuật và thiết kế để có hiệu quả tốt nhất cũng như yếu tố thẩm mỹ.

Độ cao của mỗi tầng chỉ nên tối đa 3,2 m. Nếu không muốn làm giếng trời bằng kính thì có thể làm giếng lộ thiên. Khi đó, mưa gió và nắng sẽ đến được từng khu vực. Cần lắp đặt và xử lý tốt hệ thống thoát nước và chống thấm cho khu vực lộ thiên.

READ MORE

Lá phổi của ngôi nhà

Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, sau khi xây dựng và sử dụng được một thời gian, có trường hợp chủ nhà phải thuê thợ đến “thủ tiêu” sân vườn đi vì không chịu nổi nước mưa vào nhà cùng với những vị khách côn trùng không mời mà đến.

Ai quan tâm đến góc xanh?

Trong xu hướng đô thị ngày càng sống theo chiều đứng, cây xanh càng thể hiện rõ vai trò của mình. Song không phải chủ nhà nào cũng ý thức được vấn đề và dám hy sinh một phần cho mục tiêu có vẻ như xa xỉ này. Lý do hết sức đơn giản là tại các đô thị, từng mét vuông đất được tận dụng là hái ra tiền.

Giếng trời, sân vườn được xem là “lá phổi”, là “huyệt đạo” trong cơ thể kiến trúc ngôi nhà. Tuy nhiên, gió rất khôn, không có lối ra thì sẽ không vào, nên không phải ngôi nhà nào tổ chức giếng trời, sân vườn cũng đạt hiệu quả như mong đợi. Còn có lý do khác khiến chủ nhà e ngại khi tổ chức sân vườn, là với đặc thù nắng lắm mưa nhiều như khí hậu Việt Nam, việc mang ánh sáng vào nhà và tiêu thoát nước mưa là vấn đề không hề đơn giản. Không đủ ánh sáng tự nhiên, không đủ nước cho cây sống thì hiệu quả của sân vườn sẽ bằng không. Do vậy, việc tổ chức giếng trời và sân vườn hoàn toàn không phải là chuyện …ngẫu hứng! Tuỳ diện tích ngôi nhà mà giếng trời, sân vườn có một không gian nhất định. Và cũng tuỳ mức độ yêu thiên nhiên hay sự hào phóng của chủ nhà mà diện tích ấy có thể lớn hay nhỏ. Có nhiều ngôi nhà được thiết kế có vẻ như khá hợp lý với việc tổ chức giếng trời và sân vườn, nhưng sau khi xây dựng và sử dụng một thời gian, chủ nhà phải thuê thợ đến thủ tiêu sân vườn đi vì không chịu nổi những bất lợi mà nó mang lại: nước mưa và côn trùng. Lại có những ngôi nhà, người thiết kế không thuyết phục được chủ nhà bớt một phần diện tích làm giếng trời, sân vườn rồi sau đó lại phải thuê thợ đến cắt một ít diện tích sàn hay đục tường, trổ thêm vài cửa sổ. Tất nhiên, những giải pháp đó vô cùng khiên cưỡng…

Gợi ý làm giếng trời

Có thể tạm chia là 2 loại giếng trời:

– Giếng trời chỉ có tác dụng điều hoà khí hậu:thông gió là chính, lấy sáng là phụ, hay áp dụng cho nhà phố có nhiều tầng. Ở những ngôi nhà này, việc lấy sáng, thông gió trực tiếp là hết sức khó khăn. Loại giếng trời, sân vườn này hay được bố trí kết hợp ở những vị trí thuộc loại góc khó, góc khuất, góc chết. Do diện tích giếng trời của những nhà loại này thường không lớn nên việc kết hợp trang trí sân vườn phải hết sức cân nhắc. Không nên ốp quá nhiều loại vật liệu cũng như không nên sử dụng màu sẫm tối trong diện tích nhỏ này, vì như thế sẽ làm giảm hiệu quả chiếu sáng. Có thể kết hợp trang trí bằng cây xanh nhưng không nên trồng cây có rễ cọc lớn hay những loại dây leo có khả năng phát triển nhanh, rậm. Tốt nhất là dùng chậu trồng những loại cây có thể sống lâu ngày trong điều kiện ít được chăm sóc trực tiếp bằng ánh sáng và nước mưa.

– Giếng trời kết hợp sân vườn: Ngoài chức năng điều hoà cải tạo vi khí hậu còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho ngôi nhà. Trường hợp này thường được áp dụng cho nhà phố có diện tích lớn hoặc biệt thự. Loại này giếng trời có diện tích đủ lớn và thường được bố trí tại các vị trí mặt tiền của ngôi nhà như phòng khách, phòng sinh hoạt chung, nơi hội tụ của các phòng, không gian kết hợp cầu thang…Tóm lại, đó là những vị trí sao cho mọi người có thể quan sát và thụ hưởng được. Có thể sử dụng vật liệu một cách ngẫu hứng, miễn sao việc bố trí mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Hoàn toàn có thể trồng cây xanh trực tiếp trong khu vực này nếu diện tích bề mặt đủ lớn (không láng xi măng hay lát gạch), đảm bảo thoát nước một cách tự nhiên, và cần có giải pháp ngăn không cho nước mưa chảy vào những khu vực cấm khi chưa được phép. Việc trồng cây xanh trong khu vực này cũng khá đơn giản, có thể sử dụng cả những loại cây có hoa hoặc có mùi thơm nhẹ nhàng nhằm mang lại sự hứng khởi cho không gian sống hoặc làm việc trong nhà.

READ MORE

Những bí quyết chống thấm nhà ở (2)

Chuyện chống thấm cơ bản phải dựa trên sự phối hợp đồng bộ và căn cơ ngay từ đầu giữa các phần thiết kế, lựa chọn chủng loại vật liệu, kỹ thuật thi công, quá trình sử dụng và bảo trì, bảo dưỡng công trình.

Một số không gian tiếp xúc nước thường xuyên như hồ (bể) chứa nước, hồ bơi, sàn vệ sinh, máy giặt, hồn hoa, sân thượng không có mái che, ban công… chắc chắn khả năng bị thấm sẽ cao hơn những khu vực khác trong nhà. Thấm từ trên xuống là chuyện ai cũng biết, nhưng lại còn có cả thấm ngược từ dưới nền nhà lên do tính toán chống thấm chân tường không tốt. Rồi thấm vách tầng hầm, thấm ngang bên hông do giữa hai nhà có khe hở, thấm do lỗ giàn giáo xây xong rút đi…

Thấm đôi khi cũng rất oái ăm khi ta thấy dưới trần loang lổ, nhưng lên sàn trên chẳng tìm ra đầu mối. Thấm chỗ này nhưng phải chống chỗ kia, hoặc thấm chỉ một chỗ mà phải chống toàn bộ là chuyện thường hay gặp. Và quan trọng hơn, chống thấm phải tính từ lúc thiết kế, từ lúc làm phần thô chứ không phải chờ đến lúc bị thấm mới lo đi chống.

nha-vuon-dep=4

Một công đôi ba lợi

Hiệu quả của giải pháp chống thấm – nếu cân nhắc từ đầu – sẽ đồng thời đem lại tác dụng nhiều mặt: chống thấm dột, chống nóng, chống ồn và cả chống lún nứt. Việc đúc sàn mái hai lớp, kê tấm đan có khoảng đệm khí ở giữa, lợp mái dốc để “đậy” mái bằng, dùng sàn thép hoặc gỗ làm mặt kê bên trên… đều giảm thiểu được tác dụng của mưa nắng trực tiếp, tức là kiêm luôn chống nóng và chống nứt kết cấu mái. Đối với tường ngoài, nếu có thể, nên xây tường dày hai lớp, có lớp cách nhiệt ở giữa cũng là kết hợp giảm nóng. Nên dùng gạch xây đúng tiêu chuẩn. Chất lượng, chủng loại, xuất xứ của gạch xây cũng rất quan trọng để tránh tường bị xuống cấp nhanh. Tại các mối nối hoặc liên kết giữa tường và cửa phải đảm bảo cấu tạo có gờ hoặc chỉ viền bảo vệ.

Đối với phần công trình ngầm thì giải pháp “ăn chắc mặc bền” luôn tỏ ra hiệu quả hơn cả. Hiện nay đang phổ biến cách xây một hồ chứa ngầm bằng gạch thẻ, ngâm nước xi măng và tô trát kỹ, sau đó đặt bồn chứa nước vào bên trong, trên mặt đậy nắp đan bê tông có chốt mở và bơm hút để bảo dưỡng súc rửa định kỳ. Cách làm này là để tránh thấm đúng hơn là chống thấm. Tất nhiên, cách này tốn kém nhưng bù lại, an toàn và vệ sinh hơn nhiều, lại không choán diện tích. Trường hợp nhà xây trên nền đất yếu thì nền tầng một nên đổ bê tông chất lượng cao để vừa chống thấm ngược hoặc thấm xung quanh do nước ngầm, vừa chống được việc lún sụp nên khi nhà bên cạnh thi công hoặc xe chạy bên ngoài gây chấn động.

READ MORE

Lưu ý trước khi làm “thượng đế” của kiến trúc sư

Từ xa xưa, các cụ đã khái quát ba việc lớn của đời người: “Xây nhà, lấy vợ, tậu trâu”…Ngày nay, tạo dựng một căn nhà tuy có đặc điểm khác nhưng nó vẫn là việc trọng đại. Quá trình tạo dựng một ngôi nhà khó có thể gọi là mỹ mãn nếu không có sự tham dự của người kiến trúc sư (KTS). Mối quan hệ giữa chủ nhà (người sẽ ở trong căn nhà không phải do mình sáng tạo nên) và KTS (người sáng tạo nên ngôi nhà không phải cho mình) đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành của ngôi nhà.

Người có tiền có thể ra cửa hàng để mua một món đồ một cách đơn giản, không phải tốn quá nhiều công sức và trí tưởng tượng để hình dung cái mình muốn. Một chiếc xe hơi có thể tìm thấy chủ nhân của nó nếu nó đủ đẹp, đủ sức hấp dẫn trước mặt người mua với tiện nghi và hình ảnh của chính mình.

Nhưng ngôi nhà không đơn giản như thế. Cho dù phải thuyết phục đến khản cả cổ thì người KTS cũng không thể truyền cái sự rung động của mình trong thiết kế nếu như ông ta không gặp may khi phải đối diện một vị khách hàng không quen tưởng tượng. Và ông KTS cũng lại càng không gặp may nếu như vị khách đi đến văn phòng với “một phái đoàn” gồm vợ, con để cùng bàn luận chuyện xây nhà. Có khi họ tranh nhau nói, giành nhau trình bày cái mình thích ngay trước mặt nhà thiết kế. Và chuyện cãi nhau và giận hờn nhau ngay tại văn phòng KTS cũng là chuyện có thể xảy ra và chính người KTS lại trở thành nhà hòa giải với hậu quả “quá mất thời gian”.

Trong chuyện xây nhà, cái khó nhất của người chủ nhà là làm sao có thể “chốt” được cái ý muốn của mình, đồng thời ngay lập tức phải hiểu được rằng mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc xây cất này.

Ai cũng hiểu vậy nhưng mấy ai biết “lần” ra từ chỗ nào trước?

Đối với người KTS, cái khó nhất ở giai đoạn này là làm sao có thể hiểu được khách hàng của mình thực sự cần cái gì là chính. Cũng như một người bệnh đến với bác sĩ, đối với họ, chỉ có căn bệnh của mình là quan trọng. Còn đối với người KTS thì cũng giống như bác sĩ, ngày nào cũng thấy bệnh, mọi bệnh đều có thuốc trị, đâu có gì mà phải lo. Đây chính là điều không tốt. Người đặt hàng thì quá lo lắng, còn người thiết kế thì thấy bình thường.

Trên thực tế mọi chuyện đều bình thường nhưng cũng đáng để lo lắng

Sự thành công sẽ nằm ở chỗ hai bên sẽ có cùng một cái hiểu về những điểm chính của ngôi nhà để cùng quan tâm cái đáng quan tâm. Ở các dự án lớn, người ta không cần phải bàn nhiều vì đã có những quy định, và tất cả mọi người tham gia đều biết cách làm. Nhưng ở một ngôi nhà, chủ nhân là một nhà “đầu tư không chuyên nghiệp” (tạm gọi là như thế) thì có bao nhiêu câu hỏi sẽ được đặt ra trước khi đi gặp người KTS thiết kế cho ta?

Có thật sự cần một Kiến trúc sư?

Đối với những người chưa từng xây nhà, có lẽ KTS sẽ là cứu cánh. Tuy nhiên thực tế chưa chắc, bởi vì “cứu” tới lúc nào đó bỗng nhiên sao thấy ông KTS nhiều “cánh” quá, thôi mình tự… cứu cho nhanh: giải quyết thẳng với ông thầu hoặc ông cai tại chỗ, nhanh hơn nhiều. Đó là điều sai và như thế thì chả khác nào KTS là cái bánh… thứ 5 của chiếc xe hơi.

Nhưng đối với người đã từng xây nhiều nhà rồi, thì KTS sẽ dễ trở thành “thợ vẽ” dùm cho ý đồ của chủ nhà. Đôi khi KTS bị… tước cả quyền chọn lựa vật liệu cho ngôi nhà. Điều này không quá khó hiểu vì đôi khi chủ nhà lại sợ KTS bày vẽ tốn kém, nhưng thật ra cũng sai nốt. Bởi vì KTS được đào tạo để bỏ bớt những sự dư thừa trong thẩm mỹ nhằm đi tìm sự hài hoà trong những vật liệu khác nhau.

Đồng tiền có ý nghĩa

Ngôi nhà nói lên sự khôn ngoan trong việc sử dụng đồng tiền của chủ nhân. Cả người KTS lẫn chủ nhà đều nên cùng hiểu cấp độ đầu tư phù hợp cho ngôi nhà. Mỗi phòng ngủ đều có một nhà vệ sinh riêng chưa chắc đã là ý tưởng khôn ngoan cho một căn hộ với chủ nhân có nhiều “công chúa và hoàng tử nhí”: làm sao chăm sóc vệ sinh? Trang trí ngôi nhà như một khách sạn 5 sao với quá nhiều đá marble đắt tiền từ trong ra ngoài sẽ làm ngôi nhà trở nên không thân thiện.

Cái mình cần và cái mình thích phải có sự phân biệt rõ ràng

Một phòng sauna trong nhà? Ôi, thật là thích, nhưng có thực mọi người cần? Một phòng sinh hoạt có bàn bida trong căn hộ thật là mời mọc, nhưng ông chủ thường xuyên không có cơ hội sử dụng nó. Một cái bếp lớn và tuyệt đẹp… chỉ dành cho những bữa cơm trưa ăn vội.

Nêu nhu cầu, đừng đưa giải pháp

Thường trong lúc trao đổi, đặt hàng với KTS, chủ nhà thường đưa luôn giải pháp của mình cho người thiết kế, khiến cho đối tượng lúng túng không biết phải ứng xử ra sao. Một cái mặt bằng đã được soạn sẵn, chìa ra cho KTS đã vô hình trung biến người thiết kế trở thành… “con tin” của đơn đặt hàng. Nhưng thực ra KTS cũng cần một số gợi ý mang tính cởi mở để cả hai cùng hình dung một xu hướng. KTS cũng rất cần sự nung sáng cảm hứng nghề nghiệp thể hiện bằng sự tin tưởng của chủ nhà vào mình.

Bao nhiêu tiền một mét vuông?

Theo tôi, hãy quên đi cái cách định giá kiểu này. Đây là cách để làm an lòng nhau theo kiểu thầy bói. Nhà có đóng cọc, ba tấm, mái ngói khác nhà mái ngói, ba tấm, không đóng cọc. Bao nhiêu tiền một mét vuông? Cửa nhôm, cửa gỗ, gạch ceramic hay gạch thạch anh, hai phòng vệ sinh, ba phòng vệ sinh? Bao nhiêu tiền một mét vuông? Và cứ thế hàng chục thông số khác nhau làm sao đi đến kết luận?

Một cái dự toán sau khi có thiết kế sẽ giải quyết hết mọi vấn đề nêu trên. Vì vậy, hãy quan tâm đến việc cùng KTS xây dựng một dự toán chi tiết sau khi thiết kế xong. Sau đó sẽ cân đối lại mức đầu tư trong vật liệu và thiết bị.

Hãy tỉnh táo với cái “sướng” của KTS

Nhàm chán với những giải pháp lặp đi lặp lại, thường các KTS có xu hướng sáng tạo (hay nói cách khác là “vặn vẹo”) thêm trong thiết kế của mình, đôi khi không thực tế lắm. Đó là cái đáng yêu của nghề nghiệp nhưng cũng là cái đáng cảnh giác. Thật khó khăn để đánh giá nên hay không nên nghe theo KTS. Chỉ có một điều, theo tôi, là hãy tuân thủ nguyên tắc: “công” rồi mới đến “dung”. Nghĩa là phải sử dụng tốt đã mới đến thẩm mỹ.

Phải tuân thủ nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong nội bộ gia đình

Ở một số trường hợp ông chồng là người “quan trọng” nhưng bà vợ lại “quyết định” và những đứa con là “những nhân tố chính”. Đó là những bi kịch cho cái gọi là “chủ đầu tư không chuyên nghiệp”. Không thể có quá nhiều người có ý kiến thay đổi chỉnh sửa trong bàn bạc về việc thông qua thiết kế ngôi nhà. Chỉ nên có một người đại diện duy nhất để nói chuyện với KTS. Đó là cách tiết kiệm thời gian và công sức cả hai bên nhất.

Nên chọn người thiết kế hơn là chọn giải pháp thiết kế mình thích

Có nhiều người thường đi tham khảo “mẫu này mẫu kia” ở nhiều văn phòng KTS khác nhau để đi đến quyết định chọn ai làm cho mình. Thực tế là gặp một KTS phù hợp ta sẽ có nhiều giải pháp phù hợp để chọn lựa. Còn mẫu phù hợp chưa chắc đã được xử lý chi tiết bằng chính bàn tay của người thiết kế phù hợp.

Phải biết sản phẩm mua về gồm có cái gì?

Không hẳn là người thiết kế thiếu lương tâm, nhưng xu hướng giản lược các đòi hỏi của một hồ sơ có thể giúp rút ngắn thời gian, nhất là đối với công trình là nhà dân. Hãy yêu cầu người thiết kế nêu kế hoạch hồ sơ trước khi ký kết hợp đồng là điều nên làm. Điều này sẽ có lợi cho cả hai bên. Hồ sơ làm kỹ, nhiều chi tiết sẽ giảm được thời gian xử lý tại hiện trường của KTS và chủ nhân.

Trên đây là 10 việc cần quan tâm trước khi đặt hàng thiết kế một ngôi nhà. Viết ra những yêu cầu, những điều mình kỳ vọng là một cách làm khôn ngoan. Khoan vội tìm giải pháp, và dành thời gian tìm hiểu xem ai là người có thể giúp ta đi hết quá trình xây cất ngôi nhà. Khi tìm được người tư vấn rồi thì hãy nghĩ đến vai trò “thượng đế” của mình.

Làm “thượng đế” xem ra không dễ chút nào!

READ MORE

Tính toán chiều cao tầng nhà

Chiều cao nhà, chiều cao tầng và số tầng xây dựng thường phụ thuộc vào quy hoạch chung của khu vực. Đối với nhà ở tư nhân, vấn đề chiều cao tầng hoặc chiều cao phòng là đáng quan tâm và tính toán nhất.

Chiều cao nhà là khoảng cách từ nền tầng 1 (hoặc nền đất xung quanh) đến đỉnh cao nhất của mái nhà. Chiều cao tầng là khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ sàn tầng dưới đến sàn tầng kế tiếp.

h khach

Với một số gia chủ, chiều cao phòng thấp sẽ tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng như vậy sẽ bị cảm giác nặng nề, đè nén. Ngược lại, chiều cao phòng lớn có thể tạo cảm giác thoáng đãng, sang trọng, tôn nghiêm, nhưng trong nhiều trường hợp tạo ra cảm giác trống trải, lạnh lẽo… Điều này còn phụ thuộc vào cách trang trí và công năng của phòng. Trong một căn nhà có nhiều không gian sử dụng với mục đích khác nhau, sẽ có cảm giác khác nhau đối với từng không gian sử dụng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của tầng hay từng phòng:

– Chức năng của phòng: Phòng sinh hoạt chung, phòng khách là nơi tiếp khách, tập trung sinh hoạt gia đình nên cần tạo cảm giác rộng rãi và trang trọng. Chiều cao nên cao hơn các phòng khác, đôi khi có thể gấp đôi, nhất là đối với khoảng thông giữa hai tầng có diện tích rộng làm phòng khách, sinh hoạt chung, sảnh… Chiều cao gợi ý từ 3,6 m đến 5 m. Phòng thờ nếu cần cảm giác trang nghiêm, chiều cao không nên thấp hơn các phòng thông dụng. Phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp, phòng làm việc nên tạo cảm giác ấm cúng và tránh sự trống trải. Chiều cao phòng nên ở mức trung bình, khoảng 3 đến 3,3 m. Phòng để xe, phòng tắm, phòng kho là những khu vực có tần suất sử dụng thấp, chỉ nên thiết kế chiều cao vừa đủ để tiết kiệm không gian và tiết kiệm kinh phí xây dựng, khoảng 2,4 đến 2,7 m.

h bep

– Đặc điểm diện tích xây nhà: Nếu xây nhà từ 2 tầng trở lên, chiều cao tầng nhà sẽ tỷ lệ thuận với diện tích xây dựng cầu thang bộ. Đối với nhà có diện tích xây dựng lớn thì rất đơn giản khi quyết định chiều cao phòng. Đối với nhà có diện tích dành cho thang nhỏ thì không nên thiết kế tầng cao quá, sẽ gây nên tình trạng độ dốc thang lớn, gây khó khăn và nguy hiểm cho việc đi lại giữa các tầng. Trong trường hợp nhà nhỏ, mà điển hình là nhà lô nhỏ và hẹp chiều ngang, chiều cao phòng cũng không nên thay đổi nhiều, chỉ nên thống nhất cùng một độ cao, khoảng 3 m là thích hợp.

h bath

– Đặc điểm khí hậu: đối với những nhà ở khu vực khí hậu khắc nghiệt, hướng nhà chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết và cần sử dụng điều hoà nhiệt độ nhiều thì chiều cao nhà chỉ nên vừa phải để tiết kiệm năng lượng làm mát hoặc sưởi ấm nhà. Chiều cao thích hợp là 3 m đến 3,3 m. Đối với những nhà ở khu vực khí hậu dễ chịu, cần sự thông thoáng tự nhiên, thì nên thiết kế chiều cao nhà lớn hơn, khoảng 3,6 m đến 4,5 m.

– Điều kiện kinh tế: đương nhiên thiết kế tầng nhà càng cao thì kinh phí xây dựng càng cao, kèm theo chi phí hoạt động, bảo dưỡng nhà cũng lớn hơn.

pk thongtang1

Tóm lại, đối với nhà ở tư nhân, chiều cao tầng (phòng) thông dụng nên phân làm 3 mức cơ bản: phòng thấp (từ 2,4 đến 2,7 m), phòng tiêu chuẩn (từ 3 m đến 3,3 m), phòng cao (3,6 đến 5 m). Căn cứ quy hoạch chung của khu vực, điều kiện khí hậu, đặc điểm của mảnh đất, chức năng sử dụng của từng không gian mà chúng ta sẽ chọn ra được chiều cao cho từng phòng và tầng một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

READ MORE