Dự án TP sông Hồng được đánh giá cao về mặt ý tưởng. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn trước bài toán khó là làm sao có thể chỉnh trị con sông Hồng vốn nổi tiếng “bất trị”, làm sao di dời được hàng chục vạn dân.

Chỉnh trị sông tức là phải làm được ba việc, chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ và chống xói mòn đất trong khu vực sông. Việc này quyết định bởi các phương án xác định dòng chảy chính của sông và đắp đê mới.

song hong11

Sơ đồ vị trí đường chỉnh trị và vị trí tương đối giữa đê mới và đê cũ

Theo đề án mới công bố của Tổ dự án TP sông Hồng, đoạn sông qua Hà Nội sẽ có một tuyến đê mới, thay thế tuyến đê hiện nay. Tuyến đê này về cơ bản sẽ thu hẹp lại so với đê cũ. Lòng dẫn của sông sẽ được thu hẹp tại bốn điểm là khu vực thượng lưu cầu Thăng Long, khu vực ngã ba sông Đuống, khu vực cầu Vĩnh Tuy và khu vực Bát Tràng. Riêng khu vực chân cầu Chương Dương lòng dẫn được mở rộng hơn so với trước đây (chi tiết trong sơ đồ trên).

Theo GS, TS Ngô Đình Tuấn, ĐH Thủy Lợi Hà Nội, cần một dự án tổng thể và có quy mô như dự án sông Hồng, nhưng để làm một tuyến đê mới thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Dự án chưa đưa ra được cơ sở khoa học vững chắc cho những điều chỉnh của mình.

Dự án đề xuất một tuyến đê mới, với một phương án nắn dòng chảy dựa trên các kết quả đã nghiên cứu trước đây của Viện Khoa học Thủy Lợi. Nhưng theo ông Tuấn, bản thân kết quả này vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Để xác định được dòng chảy chính của sông làm cơ sở cho việc xây dựng tuyến đê mới cần phải có sự nghiên cứu các nhà khoa học, cần phải được thử nghiệm trên các mô hình toán học và vật lý cụ thể. Những thử nghiệm này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng hết sức cần thiết.

Để thông thoáng dòng chảy, dự án đưa ra kế hoạch nạo vét sông hằng năm. Ông Tuấn cho rằng việc nạo vét hàng triệu m3 bùn cát ở đây cũng phải có kế hoạch cụ thể. Giáo sư cũng đề xuất phương án tạo dòng chảy có tốc độ lớn ở một số điểm làm xói mòn, tạo độ sâu cần thiết. “Chỉnh trị sông Hồng là việc hết sức quan trọng, cần phải có một hội đồng khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản. Việc này có thể mất nhiều thời gian chứ không thể là chuyện một sớm, một chiều”, ông Tuấn nói.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, việc chỉnh trị sông Hồng không hề đơn giản. Nó vẫn được mệnh danh là con sông “bất trị”. Trong thời gian đô hộ nước ta thực dân Pháp đã cử những kỹ sư giỏi nhất sang để nghiên cứu chỉnh trị con sông tuy nhiên vẫn không thành công. Khoa học thời đó và ngày nay đã khác nhiều, nhưng việc chỉnh trị sông vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ và làm thật cẩn trọng.

Bài toán di dân

Theo dự tính sẽ có khoảng 39.100 hộ, tương đương với khoảng 180.000 dân phải di dời cho dự án. Tức là gần như toàn bộ dân đang sống ở khu vực ven sông và bãi sông trên địa bàn huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng phía hữu ngạn và huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên phía tả ngạn sẽ phải di dời.

XomThuyenChai11

Khu vực này chiếm đa phần là dân làm nông nghiệp. Cự Khối, Long Biên là khu trồng rau sạch của Hà Nội, còn Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên thì vẫn nổi tiếng xưa nay với nghề trồng hoa, trồng quất…

Ở Nhật Tân có khoảng 40% hộ thuần nông, 65% hộ bán nông nghiệp. Còn ở phường Tứ Liên số dân nông nghiệp chiếm đến khoảng 50%. Ông Chu Văn Sinh, đảng viên 40 năm tuổi đảng ở Nhật Tân, nói: “Gia đình tôi cũng như đa số những người ở đây, mảnh đất nếp nhà là cả sản nghiệp, lấy nghề trồng rau, trồng hoa là kế sinh nhai. Giờ phải di dời, không biết việc đền bù ra sao, gia đình ông sẽ phải chuyển đi đâu? Sẽ sống bằng nghề gì?”. Những băn khoăn, lo lắng của ông Sinh cũng là của hầu hết những hộ dân nằm trong diện phải di dời.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng việc di dời một số lượng lớn người dân như vậy sẽ tạo nên một sự biến động xã hội lớn. Nếp sống của người dân từ bao đời qua sẽ bị thay đổi. Cần phải tính được những vấn đề nảy sinh khi những người xưa nay chỉ biết đến vườn tược, sông nước chuyển lên ở chung cư cao tầng sẽ như thế nào. Cần phải có thời gian nghiên cứu đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng, tránh “dục tốc, bất đạt”.