Skip to Content

Category Archives: Phong thuỷ Nhà ở

Trắc nghiệm về phong thủy

Bạn có nhiều hiểu biết về phong thủy không? Hãy kiểm tra bài trắc nghiệm dưới đây để xem không gian sống hiện tại của mình như thế nào.

1. Khi nằm trên giường, bạn có thấy cửa phòng ngủ không?

a. Có thể nhìn thấy

b. Dĩ nhiên, cửa nằm ngay trước mặt tôi mà

c. Tôi không thấy, trừ khi tôi quay người lại hoặc rời khỏi giường.

2. Bạn có trồng cây quanh nhà không?

a. Không, tôi rất lười chăm sóc cây cối

b. Có trồng nhưng chỉ một vài cây thôi

c. Tôi trồng khá nhiều cây xung quanh nhà

3. Hãy cho biết vị trí giường ngủ của bạn?

a. Giường được đặt trong góc phòng

b. Vị trí giường không bị đụng các bức tường trong phòng, được đặt ngoài góc tam giác của căn phòng.

c. Đầu giường kê sát tường.

4. Miêu tả lối vào nhà bạn

a. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cửa trước và chiếc chuông gió nhà tôi khi bạn đến gần nhà

b. Tôi tận dụng một ít không gian lối vào để chứa đồ đạc

c. Tôi để mọi thứ tự nhiên nhưng quả thật lối vào cũng có hơi lộn xộn một chút

5. Bạn có phải là người ưa tích lũy hàng đống đồ cũ trong nhà?

a. Phải. Vì có quá nhiều đồ cũ rất thú vị mà mỗi món đều dính đến một câu chuyện kỷ niệm.

b. Hầu như không. Tôi chỉ giữ những thứ cần thiết và có ý nghĩa thực sự với tôi.

c. Cũng có thể đúng. Vì tôi cũng thích tích trữ vài thứ và thường cho từ thiện những thứ tôi không cần dùng nữa.

6. Bạn mất bao nhiêu lâu mới thanh toán tất cả các hóa đơn sau khi nhận được chúng?

a. Ồ, có phải đó là đống giầy cao ngất trên bàn của tôi không?

b. Tôi đợi chờ tất cả hóa đơn và thanh toán một lần

c. Tại sao lại phải chờ đợi trong việc thanh toán hóa đơn của mình chứ

7. Tấm gương trong phòng ngủ của bạn được treo ở đâu?

a. Nó được treo bên trên bàn trang điểm của tôi

b. Tôi treo gương trên cửa, dọc theo lối đi cạnh giường ngủ

c. Tôi không treo gương trong phòng ngủ

8. Ánh sáng của nhà bạn như thế nào?

a. Nhà tôi có rất ít ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp nhưng tôi thường xuyên để đèn sáng trong nhà.

b. Tôi thường để cho ánh sáng hắt bóng lên tường và sử dụng ánh sáng yếu.

c. Nhà tôi thì tràn ngập ánh sáng tự nhiên.

9. Loại màn cửa nào được sử dụng nhiều nhất cho cửa sổ nhà bạn?

a. Tôi thích loại màn mỏng để ánh sáng có thể xuyên qua.

b. Loại vải nhung dày như chiếc váy của nhân vật chính phim Cuốn theo chiều gió

c. Tôi hầu như không dùng rèm cửa, chỉ là loại mành sợi nhỏ hoặc không có gì.

10. Bạn thường dễ thiếp ngủ nhất trong trường hợp nào?

a. Khi TV đang mở và quanh giường đầy những mẩu vụn bánh.

b. Tôi thường trôi vào giấc ngủ khi nằm đọc sách dưới ánh nến, dĩ nhiên sẽ thổi nến trước khi ngủ.

c. Tôi thường ngủ thiếp trên ghế trường kỷ với chiếc laptop còn mở và sách vương vãi xung quanh

Hầu hết là a: Luồng khí trong nhà bạn đang bị ngăn chặn một phần

Nhà bạn khá tiện nghi, ấm cúng. Bạn có vẻ hơi lộn xộn nhưng không quá bừa bãi. Theo phong thủy, bạn nên dành thêm công sức để chăm sóc quanh nhà mình. Thái độ thoải mái đối với môi trường sống quanh bạn là một bước khởi đầu tốt, nhưng bạn cần quan tâm hơn nữa để đạt được sự cân bằng, nguồn năng lượng và luồng khí tốt cho ngôi nhà của bạn. Năm mới hãy khởi đầu với việc trồng thêm cây xanh quanh nhà đi nhé!

Hầu hết là b: Luồng khí trong nhà bạn đang bị ứ đọng, trì trệ

Dù bạn có tin hay không, việc bạn vô tình cản trở lối vào nhà sẽ làm cản trở những vận may đến với bạn. Có lẽ bạn không thật sự cân nhắc khi trang trí và sắp xếp đồ đạc trong nhà. Dịp cuối năm nghỉ ngơi, bạn nên dành chút ít thời gian trang trí và sắp xếp lại toàn bộ căn nhà theo phong thủy. Chỉ cần thay đổi một vài thứ nhỏ cũng sẽ làm thay đổi tâm trạng và thời vận của bạn.

Hầu hết là c: Luồng khí lưu thông thật uyển chuyển

Bạn thực sự đã tạo được một không gian sống hài hòa theo phong thủy. Lối vào nhà có thể thông thoáng khi cần thiết. Nhà bạn luôn có nguồn ánh sáng thiên nhiên hài hòa và sự phong phú của các loài cây cũng như hồ cá. Sẽ tốt hơn nếu bạn treo thêm chuông gió hay đồ trang trí bằng pha lê. Và có lẽ trong những câu chuyện đầu năm mới, bạn cũng nên chia sẻ hiểu biết về cách xếp đặt nhà cửa với người thân và bạn bè.

READ MORE

Chơi cá theo phong thủy

Không chỉ là thú vui, nhiều người còn tin rằng nuôi cá cảnh trong nhà sẽ đem lại nhiều điều may mắn và sự an lành, thịnh vượng cho gia chủ nếu thuận theo phong thủy.

READ MORE

Thuỷ khí trong môi trường sống

Theo mô hình không gian Ngũ hành, hành Thủy được quy định về phương Bắc, màu chủ đạo là đen và xanh dương, thời tiết thuộc về mùa đông. Hình dáng đặc trưng hành Thủy là những đường uốn khúc, lượn sóng và đa diện cong. Hành Thủy phát huy khá hiệu quả trong các công trình du lịch – nghỉ ngơi – giải trí. Ngôi nhà ở mà thiếu hành Thủy thì xem như khiếm khuyết yếu tố nuôi dưỡng cho hành Mộc và hạn chế tính Hỏa vượng.

Hành Thủy được hành Kim sinh ra, gặp hành Thổ thì bị khắc chế bớt. Tuy nhiên người xưa cũng nói “nhất Thủy nhì Hỏa” – hành Thủy luôn đóng vai trò kích hoạt nguồn khí trong môi trường sống nhưng cũng đứng đầu trong các hiểm họa thiên nhiên mà con người luôn phải biết chung sống một cách cẩn trọng.

Hành Thủy trong chọn lựa nơi cư trú và tổ chức cảnh quan

Trong tự nhiên vốn ít có đường thẳng tắp hay bàn cờ như kiểu nhân tạo. Ở Hà Nội, ông cha ta khi xây đền Ngọc Sơn giữa hồ Gươm, hoặc chùa Một Cột với tượng hình tiêu biểu cho bông sen nở trên mặt nước cũng chính là tạo thế Thủy Bao, đều là những ví dụ sống động về sử dụng Thủy khí trong kiến trúc truyền thống. Nét uốn lượn của hành Thủy gắn liền với dòng chảy sông suối cũng chính là nguồn nước – trục giao thông – trục cảnh quan nên thực tế các điểm dân cư luôn gắn với một dòng nước. Khí của cuộc đất về cơ bản chính là do Thủy khí tạo nên. Thủy thế có uốn lượn nhu hòa thì mới gia tăng lợi ích cho cư dân. Ngược lại, nhà xây sát bên những con sông lớn mà nước chảy xiết, thẳng tuột hoặc có những khúc cua quẹo gấp thì lại bất lợi vì không phù hợp với nhịp sinh học của con người và sinh vật trong vùng. Tính chất “bên lở bên bồi” cũng khiến cho tuy chung một dòng nhưng hai bên bờ sông sẽ có tính chất thổ nhưỡng và trường khí khác nhau, cần tìm hiểu kỹ khi lựa chọn thổ trạch. Nếu biết khai thác Thủy khí đúng mức trong quy hoạch tổng thể, kết hợp giữa đường cong và đường thẳng thì sẽ vừa tránh được Trực Xung thẳng hàng vừa tạo tuyến giao thông – cảnh quan hài hòa tốt với môi trường thiên nhiên hơn, nhất là đối với những đô thị có đặc trưng cảnh quan sông nuớc như Sài Gòn – TP HCM.

Do châu Á, phương Đông vốn thuộc Mộc, kiến trúc luôn nương nhờ thiên nhiên nên hành Thủy (sinh Mộc) được ưa chuộng khi bố cục cảnh quan, từ lối đi quanh co đến bờ ao giếng nước, từ non bộ hồ cảnh đến tranh sơn thủy nội gia, làm nên đặc trưng văn hóa cư trú của dân vùng nông nghiệp lúa nước. Thời hiện đại, trong nhà ở và công trình phục vụ du lịch (nghỉ ngơi, giải trí…), Thủy khí được phát huy như một yếu tố làm dịu đi các góc cạnh, tăng tính Mộc (che chở nuôi dưỡng, Thủy sinh Mộc) như các khu resort rất chuộng cách bố trí xoay quanh hồ bơi trung tâm. Ở phương Tây, sân vận động Allianz Arena tại Munich (Đức) cho kỳ World Cup vừa qua là một tổ hợp hình khối dạng Kim – Thủy khá giản đơn mà lại độc đáo. Nhà hát Opera ở Sydney (Úc) cũng là một ví dụ về công trình đặc trưng hành Thủy với những mái cong gợn sóng tương thích với thể loại công trình biểu diễn và rất hài hòa với cảnh quan biển trời xung quanh.

Thủy khí – bao nhiêu cho vừa?

Có quan niệm cho rằng hễ nhà ở càng nhiều gió và nước thì càng tốt về Phong Thủy – phong là gió, thủy là nước mà (?!). Cách lý giải này khiến nhiều người khi chọn đất xây cất thường hay thích gần vùng sông nước, hoặc cố gắng đưa nước vào nhà mà quên rằng nước cũng có nhiều dạng, cần phải khéo chọn lọc khu vực và kỹ thuật xây dựng phù hợp, nhất là trong điều kiện khí hậu nước ta vốn là nóng ẩm, lại thường xuyên có mùa mưa và nhiều vùng lũ lụt, độ ẩm cao dễ gây hư hại công trình và ảnh hưởng đến sức khoẻ người cư ngụ. Những khu vực có bố trí mặt nước mà để tù đọng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm, bất lợi cho môi trường sống. Thủy khí chỉ tốt khi dòng nước được luân chuyển và trong lành, sinh vật, hoa lá tươi tốt chung quanh.

Đối với nhà nhìn ra mặt trước có sông – hồ – ao tức là đã được một Thủy Minh Đường tốt (khoảng rộng thoáng đãng đón nhận ánh sáng và sinh khí). Nhưng vì dòng nước luôn chuyển động nên cần có một Thổ Minh Đường để đảm bảo khoảng cách nhất định (Giới Thủy – căn cứ theo dòng chảy mạnh hay nhẹ, sông rộng hay hẹp). Trên khoảng Thổ Minh Đường này cần trồng thêm cây xanh vừa có tác dụng bám rễ giữ đất vừa tạo cảnh quan. Gió và Nước là hai yếu tố quan trọng và cần điều tiết vừa phải, chọn lọc lấy phần trong lành nhất để hữu dụng bền lâu.

Vận dụng Thủy khí trong bài trí nhà ở

Để tạo Thủy khí tốt, nhà ở thường sử dụng các dạng vật chất cụ thể hoặc ẩn dụ đặc trưng của hành Thủy. Ví dụ cuộc đất xây dựng thường hay có hình vuông hoặc hình ống, khi tạo lối đi từ ngoài vào nhà nên tuân theo quy luật Thủy Đáo Cục – thế nước chảy đến uốn khúc mềm mại – tức là cách tiếp cận không trực tiếp mà thông qua đường uốn lượn. Tại điểm nút giao thông như sân, tiền sảnh và cửa chính, có thể bố trí các tiểu đảo trồng cây, non bộ hoặc hồ bán nguyệt (dạng Kim Thủy liên hoàn) để vừa giảm Trực Xung Đối Môn, vừa tạo một khoảng đệm cần thiết trước khi khách bước chân vào nhà. Đối với nội thất, Thủy khí biểu hiện qua cách dùng vật liệu thủy tinh (gương, kính) nhằm giúp ngăn cách, tạo sự kết nối không gian các phòng. Có thể sử dụng vách ngăn bẳng kính trong hoặc mờ, kính kết hợp thác nước nhân tạo, hoặc dùng gương phản chiếu để nới rộng không gian và tăng tầm quan sát tại các vị trí khuất như đầu cầu thang, cuối hành lang hoặc góc phòng.

Thủy khí còn khá phù hợp khi đưa vào không gian phòng ngủ, phòng trẻ em hoặc nơi thư giãn (những không gian tĩnh, thuộc Mộc) để Thủy dưỡng Mộc, bằng cách tạo các vật dụng dạng uốn lượn mềm mại như bàn ghế dạng Thủy trang trí hoa văn trên tường, đóng trần uốn khúc, lát gạch họa tiết mềm mại hoặc bông sắt dạng gợn sóng. Đôi khi trong một không gian sinh hoạt chung chỉ cần một chậu thủy tinh nhỏ đổ nước thả hoa tươi cũng đủ để tăng thêm sự mềm mại và tính thiên nhiên vào nội thất, bổ sung Thủy khí hữu hiệu. Tất nhiên xét về Ngũ hành, khoa học Phong Thủy luôn đòi hỏi sự hài hòa và bổ sung lẫn nhau, không quá thiên về một hành nào để trường khí nơi cư ngụ được cân bằng và phát triển bền vững.

READ MORE

Khái niệm về phong thuỷ

Khi nói về sự thành đạt của một đời người, người Trung Quốc xưa thường quan niệm: “Nhất phúc, nhì phận, tam phong thủy, tứ đức, ngũ giáo” (thứ nhất là vận may, thứ hai là phận số, thứ ba là phong thủy, thứ tư là đức hạnh, thứ năm là học vấn).

 Điều đó có nghĩa rằng, dù phong thủy có năng lực siêu phàm đến mấy trong việc hình thành nên cuộc đời chúng ta, đó cũng không phải là thần dược, chữa trị được mọi tai ương, vận rủi. Hiểu theo quan niệm trên thì vận may có vai trò chủ chốt, rồi mới đến thân phận, tức nghiệp, những gì đã làm ở kiếp trước.

Những điều chúng ta thực hiện cho cuộc đời mình và cách chúng ta cư xử với người khác trong thế giới hiện tại sẽ đóng góp một phần, và cuối cùng là nền học vấn mà chúng ta tiếp thu được, những kiến thức giúp chúng ta hiểu biết về thế giới xung quanh. Như đã thấy, phong thủy chỉ là một phần trong toàn bộ các yếu tố cấu thành nên sự thịnh suy của một người.

Điều duy nhất làm cho phong thủy khác với các hệ thống triết học khác là sự linh hoạt, tự biến hóa của nó. Phần lớn các hệ thống triết học tiến hóa dựa trên cùng một nguyên tắc: biết rằng thiên nhiên giữ một vai trò quan trọng và tin rằng mỗi hiện tượng tự nhiên đều chịu sự chi phối của một linh thần; sự thừa nhận những điều như vậy sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống của con người. Nơi nào mà các triết lý đó được xác lập như một tôn giáo thì nơi đó thần linh được tôn thờ. Nhưng phong thủy thì không. Trải qua bao biến động của thời gian phong thủy vẫn còn nguyên là một triết thuyết và có thể được áp dụng trong mọi nền văn hóa và tồn tại song hành với mọi tín ngưỡng của dân gian.

Khoa phong thủy sử dụng các công thức xác định mức năng lượng trồi sụt của một cá nhân hay một ngôi nhà trong một khoảng thời gian nhất định. Những công thức khác lại cho thấy nơi tốt nhất của một người khi sinh sống trong nhà hay khi làm việc ở văn phòng, và thậm chí có thể chỉ ra vị trí kê giường hoặc bàn phù hợp nhất. Nhiều người Trung Quốc mỗi năm mỗi thỉnh vấn các thầy chiêm tinh để xem xét lại vấn đề này để mỗi hoạt động của họ trong năm có thể được minh định một cách chính xác và tiến hành vào đúng giờ lành của họ. Điều này được thực hiện kỹ đến từng chi tiết, ví dụ như thời gian tốt nhất để thụ thai hoặc thậm chí để gội đầu.

Triết lý phong thủy thường được đón nhận bởi những ai nhận ra rằng khung cảnh sống xung quanh tác động đến họ và thấy rằng cần phải làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống của họ. Đây là một suy nghĩ tích cực nhưng việc áp dụng đúng thuật phong thủy vào thực tế đời sống đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng và để thích hợp với hoàn cảnh của một địa điểm hay cá nhân nào thì các nguyên lý của nó không thể vận dụng một cách qua loa, đại khái.

Hiểu biết về phong thủy có thể giúp chúng ta tự đặt mình vào những vị trí có lợi nhất trong môi trường sống của mình. Việc chọn nơi làm nhà và văn phòng cũng như cách thiết kế nội thất sẽ ảnh hưởng đối với mỗi chúng ta theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Thuật phong thủy không những giúp ta biết vị trí thuận lợi nhất đối với ta mà còn chỉ cho ta cách bài trí, chọn màu sắc và kiểu dáng để hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống. Trong một khu vườn, ta có thể dễ dàng phân chia ra những khu vực thích hợp nhất cho từng loại hoạt động mà chúng ta dự định cho nơi đó, nhưng cũng cần phải lưu tâm đến loại cây được trồng trong vườn và cả nhu cầu của chúng nữa, vì những điều này cũng không kém phần quan trọng nếu như chúng ta muốn môi trường phát triển tốt.

Những chương sau của cuốn sách này sẽ bàn đến các khía cạnh vừa hấp dẫn vừa phức tạp của đề tài nói trên để mọi người có thể mang ra áp dụng vào không gian của riêng mình. Việc thể hiện những lý thuyết của thuật phong thủy vào cuộc sống chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích cụ thể cho chúng ta, cho dù chúng ta chỉ mới biết sơ qua về chúng. Khi chúng ta hiểu nhiều hơn về môi trường sống của mình và bắt đầu tích cực thay đổi những nhân tố gây khó chịu cho chúng ta thì chúng ta đã bắt đầu hiểu rõ bản thân và vai trò của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn.

READ MORE