Skip to Content

Category Archives: Xin phép & Hoàn công

Hậu cấp phép xây dựng: Ngăn chặn và xử lý sai phạm đều khó

Ðể quản lý trật tự xây dựng sau khi GPMB tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa, chính quyền địa phương đã phải nỗ lực trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện để người dân hiểu và chịu đi xin phép trước khi xây dựng. Ấy thế nhưng, khi chuyện đi xin phép và cấp phép vừa mới ổn thỏa thì câu chuyện về “hậu” cấp phép lại trở nên nóng bỏng… Tại tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa có rất ít trường hợp xây dựng không phép nhưng những vi phạm, xây dựng sai phép lại không ít và khó bề kiểm soát.

Ðầu tiên phải kể đến những hộ nằm trong phạm vi quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng sau GPMB. Theo quy định, quận Ðống Ða chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho những công trình này với quy mô 2 tầng, 1 tum và chiều cao không quá 8m. Một số hộ dân sau khi có được giấy phép xây dựng liền “nhanh tay” xây thành 4, 5 tầng. Ở vài hộ dân có diện tích mặt bằng dưới 40m2 cũng xảy ra tình trạng tương tự (theo quy định chỉ được xây không quá 3 tầng). Với các trường hợp này, cả hai phường Phương Liên và Nam Ðồng đều than… khó quản (!). Nói cho cùng những hộ thuộc diện cắt xén, không được bố trí nhà tái định cư, cũng có những khó khăn nhất định khi diện tích đất ở nhỏ đi mà tầng cao còn bị hạn chế.

Trên tuyến, nhiều trường hợp chỉ được cấp phép tạm tại những đường nhánh. Có rất nhiều đường nhánh đâm ra tuyến đường vành đai mới mở như: đường nối sang đê La Thành đến ngõ chợ Khâm thiên, đường nối sang hồ Ðấu, sang khu Trung Tự, sang ngõ Thổ Quan. Nếu chính quyền địa phương không kịp thời quản lý thì sẽ rất khó khăn khi thực hiện các dự án xây dựng đường nhánh. Hiện nay, nhiều đường nhánh chỉ bị ngăn bởi một lớp nhà nhưng do chưa có dự án nên chính quyền vẫn phải cấp phép xây dựng công trình dù chỉ là tạm. Cái khó là quy hoạch thì thể hiện những đường nhánh này nhưng chưa hề có văn bản nào đề cập đến việc đầu tư xây dựng, cải tạo. Ở đường nhánh sang hồ Ðấu, có trường hợp được cấp phép 2 tầng đã xây thành 5 tầng. Tại cuộc họp ngày 10/5, UBND quận Ðống Ða đã yêu cầu phường và lực lượng chức năng phải kiên quyết xử lý trường hợp này, tránh tình trạng xây dựng tràn lan tại trên các trục nhánh của tuyến đường.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, phó chánh thanh tra xây dựng quận Ðống Ða, không chỉ khó khăn trong việc ngăn chặn sai phạm, mà việc xử lý sai phạm cũng rất khó. Quy định hiện hành chỉ yêu cầu làm theo giấy phép xây dựng đã được cấp mà không nói đến việc tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Sự khó khăn của lực lượng thanh tra chuyên ngành khi xử lý công trình xây dựng sai phép do thiếu chế tài là tình trạng chung chứ không chỉ riêng trên tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Theo quy định, những hộ dân đã được cấp giấy phép xây dựng phải báo với phòng Xây dựng – Ðô thị (nơi cấp phép) khi khởi công, giác móng để kiểm tra. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng Xây dựng – Ðô thị quận, chưa bao giờ dân thông báo lại về việc khởi công công trình nên khó bề kiểm soát được tiến độ cũng như sai phạm (nếu có) của các công trình đã được cấp phép.

Trước những vấn đề phát sinh “hậu” cấp phép, UBND quận Ðống Ða đã giao nhiệm vụ cho cán bộ của phòng Xây dựng – Ðô thị giải quyết hồ sơ xin phép công trình nào thì phải chịu trách nhiệm quản lý sau khi cấp phép công trình đó, kịp thời phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thẩm quyền lập biên bản, kiến nghị đình chỉ, xử lý chứ không có trách nhiệm xử lý vi phạm. Vì vậy, để quản lý cho nghiêm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, giữa cán bộ phòng Xây dựng – Ðô thị và UBND phường, các cán bộ quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn. Chịu trách nhiệm chính vẫn là UBND phường sở tại. UBND quận Ðống Ða chỉ đạo các phường và phòng chức năng, đối với các trường hợp sai phép đã nhắc nhở mà vẫn cố tình vi phạm thì báo cáo để quận ra quyết định thu hồi giấy phép.

Một vấn đề khiến chính quyền đau đầu khác là tình trạng nhà dân xây dựng lô xô, cốt nền không đồng nhất mặt tiền như răng bà lão. Mặc dù khi cấp phép, cán bộ đô thị đã hướng dẫn về cao độ nền song do chưa có cao độ chuẩn cắm tại hiện trường nên nhiều nhà dân vẫn xác định bằng cách… dóng sang nhà hàng xóm. Sự tuỳ tiện trong xác định cốt nền đã dẫn đến trường hợp hai công trình cạnh nhau chênh lệch cốt cao độ tới nửa tầng. Ngay lúc này, tuyến đường được đánh giá “đắt nhất hành tinh” này đã bộc lộ nhiều bất cập về diện mạo đô thị. Vừa qua, chủ đầu tư dự án đã thông báo để chính quyền có biện pháp xử lý đối với một số trường hợp vi phạm chỉ giới tuyến đường. Ðiều đáng nói, đã hơn nửa năm kể từ khi khởi công xây dựng tuyến đường nhưng việc xác định cao độ nền đường trên thực địa và bổ sung mốc giới bị mất do phá dỡ công trình vẫn chưa được thực hiện. Ðược biết, thành phố đã giao cho chính chủ đầu tư dự án thực hiện việc cắm mốc cao độ nền và bổ sung mốc giới.

READ MORE

TP.HCM: Cấp giấy hồng mới như thế nào?

TP.HCM vừa triển khai NĐ 90/CP của Chính phủ và Thông tư 05 (TT 05) của Bộ Xây dựng cho các sở-ngành, quận-huyện. Tuy đã có thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 90/CP nhưng việc cấp 2 loại giấy hồng mới vẫn còn một số lấn cấn. Trao đổi với Báo SGGP về những vướng mắc này, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết:

Qua tổng hợp ý kiến của các quận, huyện và phản hồi của người dân thông qua buổi giao lưu trực tuyến của SGGP về chủ đề này vào ngày 9/11/2006, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh một số nội dung tại TT 05 cho phù hợp.

Cụ thể: Theo quy định mới, nhà ở riêng lẻ trên khuôn viên đất có diện tích lớn hơn hạn mức đất ở và nhiều mục đích sử dụng khác nhau, nếu không phân chia riêng được diện tích đất ở kèm theo nhà thì cấp riêng giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu đối với nhà ở theo NĐ 90/CP và GCN quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Nội dung này chưa rõ chi tiết.

Trong khi đó, trường hợp đất ở cá nhân nếu có vườn, ao đan xen trong cùng một thửa đất có nhà ở (nhiều mục đích khác nhau) được sử dụng trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực) và chưa xác định ranh của từng loại đất thì Luật Đất đai và NĐ 181/CP của Chính phủ đã quy định rất rõ. Đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể để cơ quan cấp GCN thuận lợi hơn khi cấp giấy hồng 2 quyền cho chủ sở hữu.

Như vậy, các văn bản pháp luật sẽ có sự liên thông giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng bãi bỏ quy định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phải ban hành Quyết định cấp GCN quyền sở hữu nhà ở trước khi thực hiện cấp mới GCN. Việc ban hành quyết định trên chỉ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho cơ quan cấp GCN và người xin cấp GCN.

°Thưa ông, theo TT 05, chủ sở hữu nhà ở đã có GCN quyền sử dụng đất ở, nếu có nhu cầu cấp thêm GCN quyền sở hữu nhà ở và không phải nộp lại GCN quyền sử dụng đất ở. Như vậy là một chủ nhưng được cấp tới hai GCN?

-Theo Luật Nhà ở và NĐ 90/CP, nếu chủ sở hữu nhà đồng thời là người có quyền sử dụng đất thì được cấp GCN quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng 2 quyền), nếu chủ sở hữu nhà không phải là người có quyền sử dụng đất thì sẽ cấp GCN quyền sở hữu nhà (giấy hồng 1 quyền) cho nhà. Chính vì thế, để tránh phát sinh rắc rối khi thực hiện các giao dịch dân sự, Sở Xây dựng đã đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh nội dung này cho phù hợp với Luật Nhà ở và NĐ 90/CP: chủ nhà đồng thời là chủ đất thì chỉ cấp một giấy hồng 2 quyền.

°Trường hợp chủ sở hữu chung đã chết trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN thì phải giải quyết thừa kế theo quy định của pháp luật, sau đó mới nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN. Vậy các trường hợp chưa có giấy chủ quyền hợp pháp thì giải quyết thế nào?

-Những trường hợp chưa có giấy chủ quyền hợp pháp thì không thể lập thủ tục khai di sản thừa kế theo quy định. Do đó, Sở Xây dựng cũng kiến nghị được ghi tên người đại diện thuộc hàng thừa kế theo quy định (được các đồng thừa kế khác đồng ý nếu có nhiều người cùng thừa kế), hoặc ghi đủ tên các đồng sở hữu đối với các trường hợp đã thực hiện thủ tục giải quyết thừa kế theo Luật Dân sự.

°Các đối tượng là Việt kiều về nước cư trú 6 tháng trở lên sẽ được phép mua một nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư; trường hợp Việt kiều giao dịch nhà thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1/7/1991 có được cấp giấy hồng mới?

-Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn về việc mua nhà của Việt kiều cư trú trên 6 tháng tại Việt Nam cũng như trường hợp Việt kiều được xác lập quyền sở hữu nhà trước ngày 1/7/1991 theo NQ 1037 của UB Thường vụ Quốc hội. Do đó TPHCM chỉ giải quyết cấp giấy hồng mới cho các đối tượng theo quy định lâu nay. Các trường hợp trên cần phải chờ hướng dẫn.

READ MORE

Mua nhà Nhà nước: cấp “sổ đỏ” trong 7 ngày

Sở TN-MT&NĐ Hà Nội vừa có công văn đề nghị UBND các quận, huyện thống nhất giải quyết khi nhận hồ sơ đã hoàn tất thủ tục mua bán được công ty ký, duyệt.

Theo đó, đối với hồ sơ mua nhà được nộp từ ngày 1-8-2006 trở đi phải làm theo mẫu mới được UBND phường xác nhận. Riêng đối với nhà căn hộ thuộc nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở hoặc diện tích mua trong hợp đồng thuê nhà thì Xí nghiệp Quản lý nhà (Công ty Quân đội và đường sắt) chịu trách nhiệm xác nhận theo qui định.

Sở đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng TN-MT&NĐ khẩn trương trình lãnh đạo các quận, huyện ký GCN cho các hộ mua nhà theo nghị định 61/CP, đảm bảo thời gian bảy ngày theo qui trình thành phố đã qui định. Đồng thời yêu cầu các quận, huyện chủ động cử cán bộ phối hợp với Công ty Quản lý và phát triển nhà để tổ chức tiếp nhận quĩ nhà cấp 4, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8-2006.

Chỉ còn năm tháng nữa là kết thúc thời gian bán nhà theo nghị định 61/CP. Theo kế hoạch, đến cuối năm, Công ty Quản lý và phát triển nhà thành phố phải bán 40.000 căn hộ.

READ MORE

Nhà sai phép: Lỗi do buông lỏng quản lý

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, việc để xảy ra các công trình xây dựng sai phép, không phép tại Hà Nội, bên cạnh sai phạm cố tình của chủ đầu tư thì lỗi cũng là do cán bộ đã buông lỏng quản lý.

 

Chiều nay (26/2/2007), sau cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với cơ quan chức năng, và các quận để xảy ra các công trình xây dựng sai phép, không phép, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội cho biết, thành phố đang khẩn trương tìm biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc này. Tuy nhiên, ông Ân cũng cho biết, cho tới nay chưa có chủ đầu tư nào trình các phương án xử lý cụ thể.

 

Cuộc họp của thành phố cùng cơ quan chức năng nhằm đốc thúc việc xử lý nhanh chóng, nghiêm túc hơn. “Hiện tại, thành phố vẫn chưa có quyết định xử lý chính thức đối với các công trình sai phạm”- Ông Ân nói.

 

Liên quan tới kết luận thanh tra công vụ tại những công trình sai phạm, ông Ân cho biết: Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố đã gửi báo cáo tới lãnh đạo thành phố. Trên cơ sở báo cáo này, lãnh đạo thành phố sẽ quyết định biện pháp, mức độ xử lý đối với những cán bộ để xảy ra sai phạm.

 

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, lỗi chính để xảy ra các công trình xây dựng sai phép, không phép trước hết là do chủ đầu tư cố tình vi phạm các quy định về xây dựng.

 

Tuy nhiên, tại những công trình này, cán bộ cấp phường (chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách xây dựng), cán bộ thanh tra xây dựng, lãnh đạo các quận, cán bộ thanh tra xây dựng thành phố, cán bộ quản lý sau cấp phép đã không làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý; khi phát hiện đã không kịp thời xử lý kiên quyết, nhiều trường hợp cấp dưới không báo cáo lên cấp trên để có biện pháp ngăn chặn; các biện pháp xử lý chưa kiên quyết, triệt để. Do vậy, các công trình sai phạm đều ở mức độ nghiêm trọng:

 

Công trình số 9 Đào Duy Anh xây dựng không phép (không có hồ sơ thiết kế, thi công theo quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt); riêng công trình số 221-223 Bạch Mai sau khi thanh tra xây dựng phát hiện đã báo cáo lãnh đạo quận Hai Bà Trưng nhưng lãnh đạo quận không có biện pháp xử lý kịp thời. Về phía sở Xây dựng, sau khi phát hiện sai phạm tại công trình này đã không tiến hành xử lý theo đúng quy định, khi công trình xây dựng đến tầng 12 mới cho thu hồi giấy phép;

 

Công trình số 2/31 Nguyễn Chí Thanh xây dựng vượt phép từ tầng 1 đến tầng 5 nhưng thanh tra xây dựng quận không phát hiện; chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh không kịp thời xử lý sai phạm, sau đó để cho chủ đầu tư xin giấy phép bổ sung là không đúng; thanh tra xây dựng không báo cáo lãnh đạo quận, lãnh đạo quận thiếu sâu sát;

 

Công trình số 7 Đường Thanh Niên, 14 Phó Đức Chính: Chủ tịch phường Trúc Bạch đã không có biện pháp ngăn chặn, không cương quyết cưỡng chế, thanh tra xây dựng quận, lãnh đạo quận không sâu sát chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

 

Đặc biệt, tại công trình số 4 Đặng Dung (Ba Đình), trong 8 tháng liên tiếp (từ 4/2004 đến 12/2004), công trình không những không bị đình chỉ thi công phần xây dựng sai phép (đã bị xử phạt vi phạm hành chính), mà còn tiếp tục để xây dựng vi phạm sai phép từ tầng 1 đến tầng 15 không hề được lập biên bản vi phạm…

 

Vi phạm này của công trình có sự làm ngơ, buông lỏng quản lý từ cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng phường Trúc Bạch, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, cán bộ Thanh tra xây dựng quận Ba Đình theo dõi địa bàn, UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng TP.

 

Về biện pháp xử lý cán bộ, các cơ quan chức năng kiến nghị UBND TP Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của cán bộ có trách nhiệm từ cán bộ phụ trách quản lý xây dựng phường đến cán bộ Sở Xây dựng; xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo phường Phương Liên, Cầu Dền, Ngọc Khánh, Trúc Bạch, cũng như trách nhiệm cán bộ lãnh đạo các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Tại cuộc họp chiều nay, lãnh đạo sở Xây dựng cho biết, mặc dù Sở đã có công văn đề nghị các chủ đầu tư báo cáo giải pháp xử lý, song đến nay vẫn không có chủ công trình nào thực hiện (trừ công trình số 2/31 Nguyễn Chí Thanh).

 

Các giải pháp mà chủ đầu tư phải đưa ra để thành phố xem xét, quyết định là: xin phạt hành chính (mức nặng); hoặc phá dỡ phần công trình vi phạm. Tuy nhiên các biện pháp này phải phù hợp các quy định của pháp luật.

 

Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân cho biết, thành phố chưa có quyết định cuối cùng về việc xử lý các công trình sai phạm, cũng như xử lý các cán bộ liên quan để xảy ra sai phạm. “Tuy nhiên, thành phố sẽ xử lý nghiêm công trình sai phạm và những cán bộ này”- Ông Ân khẳng định.

(27/02/2007)

Các bạn có thể tham khảo

Dịch vụ xin phép xây dựng tại: http://xinphepxaydung.org hoặc http://giayphepxaydung.com

Phòng Tư vấn thiết kế Kiến trúc & Thi công Xây dựng Wedo

READ MORE

Sắp có qui định mới về cấp sổ đỏ

Dự thảo nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (về một số trường hợp cấp sổ đỏ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) đang được Bộ TN-MT rà soát, hoàn thiện. Được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia hôm qua, bản dự thảo mới nhất hiện có nhiều quy định đáng lưu ý.

Đất không giấy tờ được xét cấp “sổ đỏ”

Theo dự thảo nghị định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai nhưng đã sử dụng ổn định trước 15/10/1993, không có vi phạm, được xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã có thì được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Nếu tại thời điểm xét duyệt chưa có quy hoạch, thì người sử dụng vẫn được cấp GCN.

Trường hợp sử dụng đất trái với quy hoạch (tại thời điểm xét cấp GCN) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có chủ trương thu hồi đất thì người sử dụng đất không được cấp GCN nhưng được sử dụng theo hiện trạng cho tới khi có quyết định thu hồi đất.

Về các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, nếu cơ quan nhà nước chậm làm thủ tục hoặc hướng dẫn kê khai đăng ký không đúng quy định… thì thời điểm tính nghĩa vụ tài chính được xác định tại thời điểm nộp hồ sơ lần đầu.

Đất giao trái thẩm quyền được hợp thức hóa

Theo dự thảo nghị định, đất được sử dụng theo văn bản giao đất (có ký tên, đóng dấu) của cơ quan, tổ chức giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/72004 (ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực) nhưng có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền sử dụng đất cho cơ quan, tổ chức trước ngày này, nếu được UBND cấp xã trở lên xác nhận là đất không có tranh chấp thì người đang sử dụng đất được cấp GCN. Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng.

Không được cấp “sổ đỏ” trong trường hợp nào?

Cũng theo dự thảo, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 không được cấp GCN nếu tại thời điểm bắt đầu sử dụng có một số hành vi vi phạm như: vi phạm quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và công bố; lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng; lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

Ngoài ra, sẽ xử lý tương tự đối với các hành vi vi phạm quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết mặt bằng xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai đối với diện tích đất đã giao cho tổ chức, cộng đồng dân cư quản lý…

Bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất sử dụng sau 15/10/1993

Về xử lý thu hồi, bồi thường đối với đất không giấy tờ sử dụng từ sau 15/10/1993 tới trước 1/7/2004, nếu được UBND cấp xã xác nhận không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì hộ gia đình, cá nhân được xét cấp GCN. Tuy vậy, hộ gia đình, cá nhân sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích sử dụng không vượt quá hạn mức đất ở. Phần vượt hạn mức (nếu có) sẽ phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Đối với diện tích đất thuộc dạng trên nhưng chưa được cấp GCN, dự thảo giải quyết theo hướng nếu đất đang sử dụng thuộc nhóm đất nông nghiệp thì người đang sử dụng được bồi thường theo đúng diện tích đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

Trường hợp là đất có nhà ở, công trình và không có các vi phạm trong quá trình sử dụng thì được bồi thường 50% giá trị về đất đối với diện tích thực tế đang sử dụng nhưng phần được bồi thường cũng không được vượt quá hạn mức giao đất ở.

READ MORE

Việt kiều được xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991

Tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đều được phép xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991 (thời điểm trước khi có Pháp lệnh Nhà ở). Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 (ngày 27/7/2006) về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

Cũng theo nghị quyết trên, Việt kiều có thể tiếp tục cho thuê, cho mượn nhà tại Việt Nam với điều kiện phải có hợp đồng rõ ràng; trường hợp muốn lấy lại nhà phải thông báo cho bên thuê, mượn trước 6-12 tháng. Cơ quan tổ chức phải trả lại nhà cho Việt kiều có thể thực hiện theo các phương thức: trả nhà ở đang quản lý sử dụng, trả bằng nhà ở khác, trả bằng tiền hoặc Nhà nước giao đất và người nhận (Việt kiều) không phải trả tiền sử dụng đất…Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn xác lập quyền sở hữu nhà ở cần có các giấy tờ:- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
– Giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Các hợp đồng cho thuê, mượn, giấy tờ thừa kế, sơ đồ nhà ở đất ở;
– Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài (trường hợp sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký kinh doanh…).

Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2006.

READ MORE