Một ngôi nhà dù mới xây đều có những lúc trở nên cũ kỹ, khi đó những bất ổn về nội khí bắt đầu xuất hiện, mà để khắc phục thì có rất nhiều giải pháp “làm mới” lại những không gian đó, bắt nguồn từ những chi tiết tưởng chừng rất khó.
Làm mới từ… tâm lý
Nhiều người khi đi thăm một ngôi nhà mới xây hoặc xem hình ảnh nội thất đẹp trên báo thì thường nghĩ: “Giá mà nhà mình cũng đẹp như thế này, hoặc nhà mình rộng hơn một chút thì sẽ làm được cái góc này…”. Nhưng nhà không thể rộng hơn được, ngoại trừ hai cách, bố trí lại hoặc mua nhà mới. Cách thứ hai không quá khó nếu khéo làm.
Lối nghĩ “hướng ngoại” khiến chúng ta không nhận ra những ưu điểm vốn có của ngôi nhà mình đang sống. Tóm lại, có thể nói rằng không có ngôi nhà nào là xấu hoàn toàn hay tốt hoàn toàn về mặt thẩm mỹ và phong thủy, chỉ có những ngôi nhà không được quan tâm đúng mức, nhất là sau một thời gian sử dụng thì sự xuống cấp luôn đi kèm theo sự quen mắt, nhàm chán của chủ nhà, cộng thêm các biến động về nhân khẩu, tập quán sử dụng, khiến chất lượng nơi cư trú bị giảm sút. Hãy bắt đầu sự biến đổi từ chính cái nhìn của mỗi gia chủ về ngôi nhà họ đang ở, bạn sẽ thấy mọi người đều có thể tự cải tạo tích cực ngôi nhà của mình không đến nỗi quá khó khăn.
Giải quyết từng bước
Cần rà soát tổng thể ngôi nhà xem đang bị “cũ” ở đâu và mức độ như thế nào. Các bước kiểm tra nên đi từ đại thể đến chi tiết, từ nội đến ngoại thất, từ những nhu cầu mang tính thiết thân đến chỗ chỉ thuần túy trang trí. Nhà sạch thì mát, kinh nghiệm cha ông truyền lại luôn đúng khi muốn ngôi nhà thoáng gọn. “Sạch” ở đây là không có chi tiết thừa và luôn hữu ích trong quá trình sử dụng, luôn được gia chủ quan tâm tu bổ hằng ngày (dọn dẹp, lau rửa), hằng tháng (sắp xếp, sửa chữa), hằng năm (tổng vệ sinh, thay đổi nội thất hư cũ).
Có nhiều chi tiết lúc mới làm có vẻ hấp dẫn, nhưng sau một thời gian sử dụng lại bộc lộ nhược điểm, kém hiệu quả, hoặc ít được dùng đến. Ví dụ như bể cá hay hòn non bộ dưới gầm cầu thang từng có thời kỳ là mốt trong nhà ống đô thị. Thế nhưng, việc tụ ẩm thường xuyên, thiếu thời gian chăm sóc khiến chi tiết trang trí này trở thành “của nợ” của nhiều gia đình. Hầu hết các nhà hiện nay không làm dạng hồ cá – non bộ này nữa mà thay vào đó là các chi tiết tiểu cảnh cơ động và khô hơn. Ví dụ như hồ cá rải sỏi, hộp kính đặt cây khô. Một số chuyên gia phong thủy hiện đại ưa dùng các giải pháp xếp đặt, tránh ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà mà đem đến hiệu quả thẩm mỹ cũng như chủ động hơn khi cần thay đổi. Ví dụ như bạn có thể dùng các dạng đèn trang trí phong linh, chuông gió treo trước cửa, các tấm gương phản chiếu, chậu cây cảnh, bình phong…
Ít gia chủ có thời gian tận hưởng ban công trên mặt tiền nhà phố. Lại có người biến nơi đây thành chỗ đặt chậu cây choán hết diện tích, gây ngấm nước và ảnh hưởng tới thẩm mỹ mặt đứng. Xu hướng hiện nay là tạo nên những ban công lồi thụt theo công năng và nhu cầu của phòng bên trong. Rộng thì bố trí kiểu rộng, hẹp thì… bỏ hẳn để tránh lãng phí. Ví dụ nếu là phòng sinh hoạt thì phần ban công tiếp giáp nên làm rộng để có thể kết nối không gian trong ngoài. Còn nếu là phòng ngủ thì ban công này thường chỉ vừa đủ để đáp ứng nhu cầu như bước ra quan sát, đặt máy điều hòa không khí, một vài chậu cảnh theo ý thích. Còn trong trường hợp nhà bạn có một hay nhiều ban công theo kiểu cũ, thì việc làm mới lại cũng không phải khó khăn. Có thể biến ban công thành một vườn treo nhờ đặt tấm đan chống ẩm, đổ đất trồng cây một cách có chọn lọc. Nếu muốn có một không gian thư giãn hiệu quả, cần tạo khoảng rộng vừa đủ, mở rộng tầm nhìn của cửa sổ và xếp đặt một chút tiểu cảnh trang trí… Tất nhiên là gia chủ phải thường xuyên sử dụng thì mới nên bố trí sắp đặt để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.