BubbleDeck là công nghệ sàn nhẹ có xuất xứ từ Đan Mạch, sử dụng những quả bóng nhựa tái chế để giảm trọng lượng kết cấu sàn. Công nghệ này có thể ứng dụng cho khu văn phòng, bệnh viện, trường học, nhà ở, nhà để xe và các công trình công cộng khác.
Những quả bóng bằng nhựa tái chế là bước đột phá của BubbleDeck. Chúng giúp thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở giữa của bản sàn, giúp giảm trọng lượng kết cấu, giảm kích thước hệ cột, vách, móng, tường, vách chịu lực và tăng khoảng cách lưới cột. Bản sàn BubbleDeck là loại kết cấu rỗng, phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực nên có nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật và kinh tế. Chịu lực theo hai phương, giảm nhẹ trọng lượng bản thân, khi kết hợp với hệ cột và vách chịu lực, BubbleDeck sẽ có khả năng chống động đất tốt.
Chẳng hạn, một tấm sàn đặc sẽ gặp vấn đề khi phải vượt nhịp lớn do ảnh hưởng của trọng lượng bản thân. BubbleDeck giải quyết vấn đề này bằng cách giảm được 35% lượng bê tông trong tấm sàn nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực tương ứng. Vì vậy, khi có cùng khả năng chịu lực, một tấm sàn BubbleDeck chỉ cần sử dụng 50% lượng bê tông so với một tấm sàn đặc. Với cùng độ dày, tấm BubbleDeck có khả năng chịu tải gấp đôi sàn đặc nhưng chỉ tiêu thụ 65% lượng bê tông. BubbleDeck có thể được tính toán tương tự như tấm sàn đặc.
Tính linh hoạt trong thiết kế của BubbleDeck khá cao nên có thể áp dụng cho nhiều loại mặt bằng công trình. Thời gian thi công và các chi phí dịch vụ kèm theo cũng thấp hơn vì khối lượng bê tông thi công giảm, chỉ 2,3 kg nhựa tái chế thay thế cho 230 kg bê tông/m3. BubbleDeck khá thân thiện với môi trường do giảm được lượng thải năng lượng và khí carbonic.
Sàn BubbleDeck được cấu tạo theo 3 lớp gồm lưới thép gia cường ở trên, tiếp theo là bóng rỗng từ nhựa tái chế và cuối cùng là lưới thép và đổ bê tông (khoảng 60 mm tùy chọn). Lưới thép gia cường có nhiệm vụ phân bổ và cố định các trái bóng tại những vị trí chính xác, còn các trái bóng định hình thể tích lỗ rỗng, giúp giữ vững định dạng của lưới thép gia cường đồng thời ổn định vị trí của lưới bóng. Khi tiến hành đổ bê tông phủ kín lưới thép, sẽ có được tấm sàn rỗng toàn khối.
Quá trình thi công được thực hiện theo nhiều bước. Trước tiên, cần phải lắp hệ thống chống tạm thời. Các dầm đỡ được đặt song song, cách nhau từ 1,8 đến 2,4 m. Tiếp theo, các cấu kiện tấm sàn bán đúc sẵn sẽ được gép vào vị trí đã xác định trên bản vẽ. Sau đó là công đoạn ghép cốt thép liên kết (trên và dưới), cốt thép chịu cắt, cốt thép biên và ván khuôn. Trước khi đổ bê tông, cần kiểm tra mối nối giữa các cấu kiện, làm sạch và làm ẩm lớp bê tông đúc sẵn dưới. Một đến hai tuần sau khi đổ bê tông, có thể tháo hệ chống tạm thời.
Giá thành thi công sẽ được tính toán dựa trên quy mô từng công trình. Sản phẩm được phân phối trực tiếp từ xưởng tới công trường.