Các thiết bị vệ sinh ngày nay đã có một bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật và tính nghệ thuật. Việc tạo một “chỗ ngồi” trong phòng tắm ngày càng được nhiều chủ nhà quan tâm, và cái “chỗ ngồi” cũng có những đòi hỏi khá đặc biệt khi thiết kế.
Khi các khuyết điểm được khắc phục, phòng tắm trong ngôi nhà không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu vệ sinh thân thể, mà đó còn là một không gian thư giãn với nhiều chức năng kết hợp như trang điểm, đọc sách, xem phim, nghe nhạc…
Diện tích
Nhiều người thường nghĩ rằng phải có diện tích thật lớn mới bố trí được chỗ ngồi trong phòng tắm, điều này chỉ đúng một nửa. Với diện tích chật, chỗ ngồi có thể là sự kết hợp với các chức năng khác như lavabo, phòng tắm đứng, với các bậc cấp dẫn lên bồn tắm nằm, hoặc đôi khi chỉ đơn giản trên một mặt sàn (với việc sử dụng chất liệu).
Phân khu chức năng khô – ướt
Chắc chắn điều này phải được thực hiện nếu bạn muốn bố trí vị trí “ngồi” trong phòng tắm. Thông thường thì khu vực khô gồm chậu rửa, bồn cầu, bồn tiểu… Khu ướt là bồn tắm hoặc chậu tắm. Ta có thể kết hợp độ cao – thấp các vách ngăn… để thực hiện công việc này.
Ánh sáng tự nhiên
Thật khó thoải mái nếu chỗ ngồi thiếu nguồn sáng. Khai thác nguồn sáng tự nhiên là một đặc điểm mà các không gian khác khó thực hiện được. Nguồn sáng này (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp) không chỉ đem lại sự khô ráo mà còn là một điểm nhấn trang trí cho không gian phòng tắm. Đó có thể là một khe sáng, luồng sáng hoặc màn ánh sáng đi qua các vật liệu, kết hợp với các hoa văn tạo nên sự sống động.
Xóa nhòa khoảng cách sử dụng vật liệu và thiết kế
Các vật liệu tưởng chừng không bao giờ dùng cho phòng tắm, thì nay được sử dụng khá nhiều như giấy dán tường, thảm, gỗ… Việc trang trí phòng tắm ngày nay có thể không khác nhiều so với các không gian khác, giúp bạn có thể ngồi tại phòng tắm với sofa, tranh, đèn trang trí… Tất cả làm cho chốn riêng tư của bạn trở nên thật thú vị.