Trong khi nhiều gia đình chen chúc vài ba thế hệ trong căn phòng tập thể chật chội, nhiều chung cư dành cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội đã hoàn thiện từ cuối năm 2002 nay vẫn khóa cửa bỏ không.
Doanh nghiệp mắc nợ
Hiện Hà Nội có các khu chung cư B3, B4, B5 ở Mai Dịch, Cầu Diễn; CT1B Xuân La năm tầng; tòa nhà chín tầng Xuân Đỉnh đã hoàn thiện song phần lớn đều trong tình trạng phơi nắng phơi sương.
Ông Nguyễn Chí Sỹ, giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng số 2 – chủ đầu tư chung cư B3, B5, cho biết để bán được những căn hộ này, thành phố sẽ đưa xuống một danh sách người được mua nhà, xét duyệt giá bán các căn hộ, căn cứ theo đó công ty mới được bán chứ không phải ai đủ tiêu chuẩn mua thì trực tiếp đăng ký với công ty.
Tổng vốn đầu tư hai khu chung cư trên hơn 10 tỉ đồng, trong đó công ty sử dụng cả vốn vay thương mại. Ông Sỹ cho hay khó khăn ở chỗ nhà không bán được thì vốn bị đọng lại phải chịu lãi suất cao, chưa kể công ty tốn không ít chi phí bảo dưỡng tân trang các thiết bị xuống cấp.
“Hồi nhận dự án chúng tôi chỉ vay một năm vì nghĩ sẽ bán được nhà ngay sau khi hoàn thành, ai ngờ gần ba năm rồi mà vẫn để không. Ngân hàng đã chuyển toàn bộ phần vốn vay sang nợ quá hạn chịu lãi phạt”, ông nói.
Tình cảnh của Công ty xây dựng Hồng Hà cũng không khác gì. Gần trăm căn hộ hoàn thiện cách đây hai năm vẫn trong tình trạng nhà không vườn trống, kéo theo cả chục tỉ đồng nợ đọng. Đại diện công ty cho hay đã gửi hàng chục công văn đề nghị UBND TP nhanh chóng ban hành cơ chế bán nhà nhằm giải quyết khó khăn cho họ, nhiều cuộc họp đã được triệu tập song mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.
Nộp đơn rồi chờ
Trong khi đó, rất nhiều hộ dân bức xúc về vấn đề nhà ở. Bà Nguyễn Thị Vân trú tại số 8, ngách 49, ngõ Thịnh Hào 3 nói gia đình bà có bảy người thuộc ba thế hệ đang sống trong căn hộ 25m2, thu nhập chỉ dựa vào lương nên không có khả năng tài chính. Bà đã làm đơn đề nghị được mua nhà dành cho người có thu nhập thấp từ mấy năm rồi mà vẫn chưa được.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội, đã có 25 căn hộ tại 228 đường Láng được bán thí điểm cho người có thu nhập thấp. Đối tượng được mua là công nhân viên chức có hộ khẩu tại Hà Nội, mức lương tối thiểu dưới 400.000 đồng/tháng và chưa được cơ quan phân nhà đất. Các căn hộ có giá thấp hơn giá thị trường 30%, người mua sẽ trả lần đầu 70% giá trị xây dựng, còn lại sẽ trả góp trong 10 năm.
Thu nhập thấp: chưa định nghĩa
Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ đến nay thành phố vẫn chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là thu nhập thấp bởi ngoài lương, người dân có nhiều khoản thu nhập khác mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Ngay qui chế bán nhà trả góp cho cán bộ công nhân viên chức, họp nhiều lần vẫn nằm ở dạng dự thảo.
Một điểm khác khiến các công ty xây dựng lo lắng là cơ chế chi trả. Số đông người có thu nhập thấp hiện không đủ sức chi trả liên tục và khả năng chây ỳ cao, nếu kéo dài thời gian tới 10 năm thì theo họ cũng đủ mệt, mà họ đã ở rồi thì dù có nợ tiền cũng không thể kéo họ ra khỏi nhà.
Trong khi đó, hơn 200 tỉ đồng của Quĩ Phát triển nhà ở Hà Nội mới chỉ giải ngân 50%. Thành phố từng đề nghị quĩ cho người có nhu cầu mua nhà và dùng chính ngôi nhà đó làm vật thế chấp nhưng Bộ Tài chính không chấp nhận phương án này do khả năng trả nợ thiếu khả thi.