Thị trường bất động sản đóng băng khá lâu, tính từ cơn sốt đỉnh cao thứ hai dễ đã đến 3-4 năm, bằng trên hai phần ba thời gian đóng băng sau cơn sốt đỉnh cao thứ nhất. Mặc dù mức giá hiện vẫn rất cao so với khả năng của đại đa số người dân có nhu cầu về nhà ở cũng như so với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, của người sản xuất kinh doanh, nhưng theo các chuyên gia, thế nào cũng sẽ có những cơn sốt nóng sau những cơn sốt lạnh kéo dài.
Dân số gia tăng mỗi năm trên 1 triệu người, tương đương với một tỉnh có dân số trung bình; sức mua và khả năng thanh toán của dân cư ngày một tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế; nhu cầu đầu tư xây dựng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp giảm, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng; mức độ đô thị hóa ngày một mạnh; đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với những làn sóng mới; Việt kiều về nước đầu tư, sinh sống, mua nhà ngày một nhiều… sẽ tạo ra nhu cầu bất động sản tăng cao. Tuy nhiên, theo dự đoán phải sau một vài năm nữa khả năng mới xảy ra sốt.
Dự đoán xu hướng và thời gian như trên, các nhà ĐTNN bắt đầu đưa vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án với số vốn khá lớn. Công ty Pumyang liên doanh với Công ty cổ phẩn công nghiệp (Descon) vừa nhận giấy phép xây dựng một khu căn hộ, văn phòng và trung tâm thương mại tại quận 2, TP.HCM, với vốn đầu tư 14 triệu USD, trên diện tích 11.650m2, dự kiến sẽ xây dựng một tòa tháp đôi cao 30 tầng, với tổng diện tích sàn 75.000m2 vào năm 2008.
Công ty Keppel Land (Singapore) đang xây dựng Dự án Saigon Riviera với 101 biệt thự và chuẩn bị khởi công xây dựng Khu đô thị thể thao Saigon Sports City, với tổng vốn đầu tư 130 triệu USD. Công ty CapitaLand cũng vừa nhận giấy phép thành lập liên doanh với 2 công ty Việt Nam để xây dựng một khu căn hộ tại quận 2 với vốn pháp định là 14 triệu USD, để xây dựng 1.100 căn hộ trên diện tích 23.000m2, trong đó có 300 căn hộ ngay ở giai đoạn 1. CapitaLand cũng đang triển khai một số dự án khác tại TP.HCM. Mới đây, CapitaLand đã ký tiếp biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn về việc đầu tư một khu dân cư mới giáp với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Công ty Daewon (Hàn Quốc) tiếp tục giành được những dự án mới sau khi đã có giấy phép đầu tư vào 3 dự án là Daewon Cantavil An Phú (20,5 triệu USD), Daewon Bình Thạch (29,5 triệu USD) và Daewon Cantavil Đà Nẵng (30 triệu USD). Daewon còn ký thỏa thuận với Công ty giống cây trồng miền Nam để xây dựng một dự án căn hộ, văn phòng, thương mại với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD.
Công ty phát triển nhà Đại An cũng đang muốn thành lập liên doanh với Công ty Shida Global Holding để xây dựng đầu tư một khu dân cư ở huyện Bình Chánh với tổng vốn 30 triệu USD; Công ty Tradco (Thụy Sĩ) sẽ đầu tư 28,5 triệu USD xây dựng Tòa tháp Phương Nam. Công ty GuocoLand (Singapore) cũng đã nhận giấy phép đầu tư một khu nhà ở, trung tâm mua sắm trên diện tích 17,5 ha ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là 58 triệu USD.
Hàng loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản như Boo Young (170 triệu USD), Lee & Co (70 triệu USD), Posco-Vinaconex (2 tỉ USD) cũng đang chờ cấp phép, trong khi nhiều nhà ĐTNN khác như GuocoLand hay CapitaLand vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những dự án mới.
Những động thái trong thời gian gần đây cho thấy, các nhà ĐTNN đang chú trọng đến TP.HCM, coi đây là thị trường số một để đầu tư. Số lượng dự án mới được cấp phép ở Hà Nội tuy ít, nhưng lượng vốn lại khá lớn, như 2 dự án Tây Hồ Tây (314 triệu USD), Hanoi City Complex (114 triệu USD).
Làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực bất động sản hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể nguồn cung về văn phòng, nhà ở, khách sạn, trung tâm mua sắm chất lượng cao mà các công ty trong nước không đủ tiềm lực để đáp ứng. Các nhà ĐTNN đang “chiếm lĩnh” những dự án lớn, đẩy các công ty trong nước và phân khúc thị trường là những dự án vừa và nhỏ. Giá đất cũng vì thế mà có khả năng tăng dần.