Ngày 20/8, Sở VHTT Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo về “Một số vấn đề liên quan tới việc bảo tồn, phát huy tác dụng di tích đền Cẩu Nhi”. Tại buổi hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc đã kết luận: Việc dựng ngôi đền trên vị trí này nên có quy mô vừa phải. Bởi vì, dù sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, thì cũng nên tiết kiệm trong xây dựng, và nhất là ngôi đền đó phải phù hợp với cảnh quan khu vực. Mặt khác, cần phải thận trọng hơn trong việc định danh ngôi đền này, không nhất thiết là phải mang tên “Đền Cẩu Nhi”…
Dự án xây đền Cẩu Nhi (trên hòn đảo nhỏ ở hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) chưa thực sự được phê duyệt nhưng đã gây ra khá nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau, đặc biệt là từ các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 20/8, Sở VH-TT Hà Nội, UBND quận Ba Đình cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học với sự tham dự của hơn 40 nhà khoa học đến từ Viện Sử học, Trường ĐH KHXH-VN, Viện Mỹ thuật, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Hán – Nôm…
Tại cuộc tọa đàm này, không khí tranh luận đã diễn ra khá căng thẳng về 2 vấn đề: Người Việt Nam có tục thờ chó hay không và đã từng có đền Cẩu Nhi hay không? Đây là 2 vấn đề được xem là xuất phát điểm quan trọng cho việc thực hiện dự án nói trên.
Luồng ý kiến phủ nhận 2 vấn đề trên (như PGS.TS Đỗ Văn Ninh và nhà nghiên cứu Dân tộc học Bùi Xuân Đính…) đã không đưa thêm được chứng cớ mới nào so với trước đây, ngoài việc cho rằng: tác phẩm Tây Hồ Chí là ngụy thư, nội dung trong đó là không đáng tin cậy.
Trong khi đó luồng ý kiến ngược lại (như GS Kiều Thu Hoạch, GS Trần Lâm Biền…) lại đưa ra những bằng chứng mới, khẳng định người Việt Nam có tục thờ chó và nó mang những dấu tích của tín ngưỡng Phật giáo xa xưa. Về tác phẩm Tây Hồ Chí, GS Phan Huy Lê cho rằng, dù có khuyết danh và có nhiều chỗ không đúng với chính sử, nhưng không thể phủ nhận được giá trị của tác phẩm này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (người chủ trì cuộc tọa đàm) cho rằng, với 2 vấn đề trên, khó có thể “ngã ngũ” ai sai, ai đúng ở thời điểm này, vì vậy các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, với cương vị chủ tọa, ông Dương Trung Quốc đã kết luận: Việc dựng ngôi đền trên vị trí này nên có quy mô vừa phải. Bởi vì, dù sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, thì cũng nên tiết kiệm trong xây dựng, và nhất là ngôi đền đó phải phù hợp với cảnh quan khu vực. Mặt khác, cần phải thận trọng hơn trong việc định danh ngôi đền này, không nhất thiết là phải mang tên “Đền Cẩu Nhi”…