Kiến trúc sư Santiago Calatrava sinh năm 1951 tại Valencia, Tây Ban Nha. Ông học nghệ thuật và kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Valencia (1968-1973), sau đó làm tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học ETH Zurich, Thuỵ Sỹ năm 1981. Calatrava mở văn phòng riêng vào cùng năm 1981. Thời gian đầu, ông chủ yếu hành nghề ở Thuỵ Sỹ và Tây Ban Nha, giờ đây, ông có công trình trên hầu hết các nước châu Âu và Mỹ La tinh.
Phong cách kiến trúc Calatrava nằm ở sự kết hợp uyển chuyển và chưa từng có ở nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kết cấu công trình. Calatrava dùng các đường nét kết cấu để biểu hiện một hình ảnh kiến trúc mà hình ảnh kiến trúc đó luôn mang một ý nghĩa. Kiến trúc của ông được ví như “bài thơ của kiến trúc đương đại”, kết hợp nhuần nhuyễn ba lĩnh vực quan trọng của nghệ thuật kiến trúc, không gian kiến trúc và kết cấu công trình. Mỗi tác phẩm kiến trúc của ông được tạo hình như một tác phẩm điêu khắc hiện đại. Chất thơ cảu tạo hình kiến trúc cô đọng trong biểu hiện và ngôn ngữ điêu khắc. Những biểu hiện kiến trúc của ông đều dựa trên tính hợp lý của kết cấu, sự tận dụng ánh sáng hay sử dụng vật liệu. Điều dễ nhận thấy là trong kiến trúc của ông xuất hiện nhiều loại đường nét và mặt cong bậc hai. Các nét vận động theo một quỹ đạo nhất định làm nên hiệu ứng động ảo. Bạn có thể nhận thấy hiệu ứng này khi quan sát lồng chắn của quạt máy đang quay.
Không gian kiến trúc của Calatrava thường là phi hình học. Khó có thể nhận thấy rõ ràng giới hạn của các phần tường, trần, sàn, mái…Sự đan quyện của các không gian chức năng, sự xâm nhập của ánh sáng bên ngoài làm cho không gian nội thất bên trong biến hoá, tạo thành một mảng không gian liên tục, liên thông thị giác trong và ngoài. Vật liệu xây dựng được ông sử dụng dù là bêtông, kim loại hay kính đều vượt khỏi các giới hạn vật lý vốn có. Các trụ, các dầm bêtông, các mặt cong bêtông đều nhẹ và có cảm giác như thể có thể bay lên khỏi mặt đất. Các thanh thép trong cấu trúc mái dù to hay nhỏ đều chuyển động khi hiện diện trước mắt ta.
Trên thế giới, không có nhiều kiến trúc sư sáng tạo được nhiều hình thức kết cấu mới. Trước đây, các kỹ sư – kiến trúc sư như Edourdo Torroja, Pier Luigi Nervi, Feliz Candela hay kiến trúc sư Eero Saarinen đã tạo ra các hình thức kiến trúc bêtông nhẹ và biểu hiện tự do. Từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay, các kiến trúc sư lớn như Kenzo Tange, Renzo Piano, Richard Rogers, Norman Foster cũng đã ứng dụng các thành tựu kết cấu công trình để sáng tạo các hình thức kiến trúc mới. Nhưng nhuần nhuyễn và đầy ma thuật như Santiago Calatrava thì chỉ có ông là người duy nhất. Không có kiến trúc sư nào thiết kế nhiều cây cầu nổi tiếng như ông. Với hơn chục cây cầu có hình dạng động và khẩu độ lớn ở hầu hết các nước châu Âu và Nam Mỹ, ông thực sự là kiện tướng trong việc thiết kế cầu. Calatrava cho ta thấy tạo hình công trình là không có giới hạn, dù đó là công trình kiến trúc hay cây cầu, đập chứa nước, bờ kè hay con mương và cả những con tàu vượt đại dương. Các công trình dưới bàn tay ma thuật của Calatrava đều đầy cảm xúc và ấn tượng. Trung thành với ngôn ngữ tạo hình kiến trúc động ảo, kết hợp logic giữa tạo hình kiến trúc và tuyển hình kết cấu, Calatrava đã xoá nhoà ranh giới giữa điêu khắc động và kiến trúc động ảo, được mệnh danh là “Chủ nghĩa Biểu hiện duy lý”.
Các công trình tiêu biểu:
1. Nhà ga đường sắt Lyon – Satolas (1989-1994)
Nhà ga đường sắt Lyon – Satolas nằm ở phía Bắc, cách thành phố Lyon 30km. Đó là điểm nối giữa hai tuyến giao thông: đường sắt cao tốc nối mạng toàn châu Âu và sân bay Lyon. Công trình này KTS Calatrava giành được quyền thiết kế trong một cuộc thi thiết kế mô hình kiến trúc nhà ga này năm 1990. Nhà ga hành khách rộng 5.600m2, gồm hai phần chính: phòng đợi và mái che 6 tuyến đường sắt dài 500m.
Ý tưởng tạo hình của Calatrava là hình ảnh một cánh chim khổng lồ, sải cánh 120m, rộng 100m, cao 40m. Hình ảnh này giống hình tượng nhà ga hành khách sân bay Kennedy (TVA) của KTS Eero Saarinen. Tuy nhiên, với hình thức kết cấu và vật liệu thép kính hiện đại, chất sinh học kiến trúc hiển thị rõ hơn, ngôn ngữ hình tượng lung linh hơn và công trình kỳ vĩ hơn. Ở đây ông dùng hai thuật trình diễn hiện đại, bộ khung xương kết cấu cho phần lưng và cánh chim trùng với những nét mang ý nghĩa của hình tượng; và thuật biến đều của hình ảnh thị giác tạo nên hiệu quả động ảo. Calatrava từng nói về các tác phẩm của mình là: “Các sáng tác của tôi thiên về tạo hình hơn là hữu cơ. Chủ ý mà tôi muốn đạt được là sự giao hoà của điêu khắc, giải phẫu học…Sáng tạo hình tượng thường không thể thoát khỏi các sơ đồ mà thiên nhiên đã có”.
2. Nhà hoà nhạc Tenerife (đảo Canary, Tây Ban Nha) (1991-2003)
Quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha là một quần đảo ở Bắc Phi, gần Maroc. Thành phố lớn nhất của Canary là Santa Cruz, vốn là một đô thị công nghiệp phát triển. Đây cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng châu Âu. Người ta đến đây để tắm nắng và tiêu tiền trong các vũ trường. Chính quyền thành phố đã bỏ ra 75 triệu USD để thuê tư vấn thiết kế quy hoạch và kiến trúc nhằm biến Canary thành một đô thị văn hoá trong thế kỷ XXI. Calatrava nhận được hợp đồng thiết kế nhà hát Tenerife năm 1992.
Nhà hát gồm 2 thính phòng: thính phòng giao hưởng với 1600 chỗ và thính phòng nhạc nhẹ gồm 428 chỗ. Phòng đợi chính có diện tích 1.170m2 với ba lối tiếp cận chính từ thành phố, trên núi và ngoài biển. Ngoại cảnh nhà hát còn có một quảng trường rộng 15.570m2, một công viên hải dương. Gần đó là bến cảng và khu phố Cabo Llanos cũ kỹ.
Điều đáng nói ở công trình này là ma lực tạo hình của Calatrava. Người ta ví nhà hát này là con mắt khổng lồ đang chớp mi trước đại dương, là những cánh buồm đang chuẩn bị ra khơi, là chiếc lá huyền thoại trong cổ tích xa xưa…mỗi cảm nhận đều nói lên sự tinh tế và mê hoặc trong sáng tác của ông. Calatrava mê những biến ảo động sinh ra từ các khối cong, tròn, lồi lõm, được ánh sáng mặt trời vẩy nhuộm sáng tối, tạo nên nhịp động ảo đầy ma lực. Ông tạo cho nhà hát các khối cong bêtông uốn quyện nhau, tiếp nối nhau trong các quỹ đạo phát triển, để lại trong cảnh quan những biến điệu tạo hình mới lạ. Calatrava giải phóng các mặt cong nội thất bằng một hệ thống phản âm dạng gấp nếp. Phần trên các gấp nếp là hệ các mặt tam giác trổ đều các băng ánh sáng. Tất cả chụm lại trên đỉnh và ánh sáng ùa vào nội thất, bùng ra như pháo hoa. Đây là một kiệt tác nghệ thuật dành cho Canary.
3. Nhà ga hàng không Oriente, Lisbon, Bồ Đào Nha (1993-1998)
Là một phần trong dự án phát triển cho hội trợ thương mại Expo năm 1998 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, nhà ga hàng không Oriente nằm cách thủ đô cổ kính của Bồ Đào Nha khoảng 5km, bên bờ sông Tagus. Điểm nổi bật của công trình này chính là tạo hình của kết cấu sắt thép. Diện tích mà “các cây sắt thép trên đồi” che phủ là 78x238m. Nhà ga là điểm hội tụ của các tuyến giao thông toả đi trong thành phố.
4. Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, Wiscosin, Mỹ (1996-2002)
Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee là tác phẩm đỉnh cao của kiến trúc độgn ảo, phong cách kiến trúc hiện đại được kiến trúc sư Santiago Calatrava khởi xướng trong những năm cuối thế kỷ XX. Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee là công trình đầu tiên được xây dựng ở Mỹ của KTS Santiago Calatrava, cũng là công trình bảo tàng đầu tiên mà ông thiết kế. Đúng ra, đây là côgn trình mở rộng bảo tàng Milwaukee, trước đây đã được KTS Eero Saarinen thiết kế và KTS David Kahler bổ sung đồ án. Tuy nhiên, Calatrava đã khiến thành phố Milwaukee có được một biểu tượng, nước Mỹ có thêm một tượng đài kiến trúc, người dân Michigan có thêm một niềm tự hào ngoài bia Brewing và xe máy Harley Davison.
Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee có ba yếu tố chính: nhà trưng bày, cầu đi bộ nối vào bảo tàng với trung tâm Milwaukee và tấm mành che nắng di động. Cái làm cho công trình trở nên bất hủ chính là tấm mành che nắng di động. Nếu như ở các công trình trước, cái động chỉ là độgn ảo thì ở đây, cánh buồm hay mành che nắng với 72 thanh chắn dài từ 8-31m chuyển động thật nhờ hệ thống 22 xilanh thuỷ lực đẩy lên hay khép xuống. Bộ vây này nặng 110 tấn. Trước khi khánh thành, không ít KTS, nhà phê bình kiến trúc cho rằng “cỗ máy kỳ cục này” không khả thi và tốn kém vô lối. Cái mành nhiệt đới kia không thích hợp với khí hậu lạnh lẽo của Milwaukee. Nhưng sau đó, vẻ tạo hình của cái mành động này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng vốn từ 35 triệu USD lên thành 75 triệu USD. Công trình đã lôi kéo 32.000 người vào bảo tàng nhân ngày khai trương 14/10/2002.
Santiago Calatrava đã vượt qua hai KTS Nhật Bản là Arata Isozaki và Fumihiko Maki trong cuộc thi chung kết để có được hợp đồng thiết kế công trình này. Với bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, ông đã trả được “món nợ kiến trúc” cho người Tây Ban Nha bởi mấy năm trước, KTS người Mỹ Frank Gehry đã tặng cho thành phố Bilbao, Bắc Tây Ban Nha, một món quà kiến trúc độc đáo là Bảo tàng nghệ thuật Guggeheim, Bilbao.
5. Kiến trúc cầu
Cầu Alamillo trên đường cao tốc La Cartuja, Sevilla, Tây Ban Nha (1987-1992)
Chiếc cầu như cây đàn hạc bắc qua sông Guadalquivir dài 250m, khẩu độ lớn nhất 200m. Trụ đỡ dây treo nghiêng 580 với mặt phẳng ngang. Cả đoạn cầu dẫn dài 526m. Trụ đỡ một bên làm cho bản cầu như bay, vươn xa. Tiếng gió luồn qua các dây treo thẳng căng đều, đôi lúc nghe như tiếng hạc cầm tấu trong thinh không.
Cầu đi bộ Campo Volantin, Bilbao, Tây Ban Nha (1994-1997)
Cầu dài 75m, độ cao của cung 15m, nối hai bờ sông Bilbao. Dạng cầu hình parabol, kết cấu treo bằng bêtông cốt thép và dây căng. Sông Bilbao chảy trong thành phố nên khoảng cầu dẫn hầu như không có. Calatrava đã đẩy nghiêng cung treo và uốn cong bản cầu để tăng độ thông thuỷ cho cầu. Các đường cong của cung treo và bản cầu xoắn theo hai chiều ngược nhau tạo nên các chuyển động ảo khi nối các thanh treo. Vẻ mảnh mai của kết cấu treo và kết cấu khung xương của bản cầu tạo hiệu quả thẩm mỹ tinh và lạ. Bêtông cốt thép làm cho cầu vươn dài hơn, thép làm cho cầu nhẹ hơn và hình thức biểu hiện cầu của Calatrava làm cho cầu có dáng vẻ lạ và bắt mắt hơn.
Cầu Alameda và ga tầu điện ngầm, Valencia, Tây Ban Nha (1991-1995)
Nối hai bờ sông Turia là cầu Alameda và ga tàu điện ngầm. Cầu Alameda có khung hình kết cấu treo điển hình của Calatrava: cung treo nghiêng và dây treo. Tuy nhiên, phần treo của Alameda là các bản thép nên cầu đơn giản và gọn như các gân trong một chiếc lá. Cầu có khẩu độ 130m, dài 584m. Cầu của Calatrava nhẹ và thanh thoát như tấm lụa vắt qua sông. Ga ngầm dài 63m, đoạn xuyên sông dài 26m. Hai bản cánh rộng 4m và bản giữa rộng 7,5m. Toàn bộ cầu và ga ngầm là một kết cấu liền khối, người đi bộ cũng có thể đi trên mái ga. Kết cấu khung xương của mái ga ngầm nhắc lại các nhịp thường gặp trong kiến trúc của ông.