Skip to Content

News & Blog

“Cơn sốt” thứ 3 của bất động sản?

Còn nhớ, giá bất động sản từ 1993 trở lại đây đã qua hai cơn sốt, lần thứ nhất vào năm 1993-1994 và lần thứ hai vào năm 2001-2002. Sau một thời gian dài “đóng băng”, năm 2007 thị trường bất động sản có dấu hiệu một “cơn sốt” mới.

Trong tháng 3/2007, lượng giao dịch tăng mạnh nhưng về giá cả chỉ sốt cục bộ đối với một số loại, ở một số nơi và “hạ nhiệt” cũng rất nhanh. Và từ vài tháng nay, đặc biệt trong những ngày gần đây, một mặt do yếu tố đầu cơ, mặt khác cũng báo hiệu một “cơn sốt” thứ ba có thể bắt đầu vào cuối năm 2007, hoặc đầu năm 2008, lặp lại chu kỳ của hai “cơn sốt” trước.

“Sốt” nhà để ở, “nóng” văn phòng

Thực tế hiện nay cho thấy, đất và nhà để ở tại các khu đô thị như The Manor, Gardon (Hà Nội), hay Vista, PMH (Tp.HCM),… đang lên cơn “sốt” và “cháy hàng”. Nhà ở đây đều đã có chủ từ lâu, hoặc đang trong quá trình giao nhà, nhưng nhu cầu mua thì vẫn rất lớn.

Bà Quỳnh Như, cư dân ở The Manor cho biết, loại căn hộ có diện tích từ 106-216 m2, rất ăn khách. Giá bán loại căn hộ này đã tăng khoảng 50-60% (từ 1.000 USD/m2 lên 1.600- 1.650 USD/m2). Mới đây, bà Như đã bán cho khách căn hộ rộng 106 m2 (tầng 2, khu B) với giá 165.000USD. Cũng tại khu B, tuần trước một người khác đã bán căn hộ 106 m2 (tầng 6) với giá 180.000 USD.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, giá cho các căn hộ tại khu vực Trung Hòa – Nhân Chính, Mỹ Đình, Kim Liên,… đã tăng từ 3-5 triệu/m2. Toà nhà đa năng tại Làng quốc tế Thăng Long (phố Trần Đăng Ninh) dự kiến sẽ tăng giá bán lên khoảng 17 triệu đồng/m2 cho khách đã đặt cọc từ 2 năm trước (thay mức giá chỉ 11 triệu đồng/m2 đã đặt).

Theo Công ty bất động sản Trường Thành, hàng ngày, nhân viên của công ty liên tục nhận được điện thoại của khách hàng hỏi căn hộ cao cấp, song không có nhiều hàng để bán. Tại sàn giao dịch địa ốc ACB Hà Nội, lượng giao dịch tăng mạnh. Đáng chú ý là hầu hết giao dịch tập trung vào đối tượng nhà tư nhân, có giá trị 1-2 tỷ đồng. Hiện tại, các khu chung cư của Vinaconex, Licogi, HUD,… được nhiều người tìm mua lại với giá chênh lệch đến 400-500 triệu đồng/căn.

Theo Trung tâm bất động sản Thăng Long, giá căn hộ chung cư giao dịch thành công ở khu vực Mỹ Đình dao động từ 14-18 triệu đồng/m2. Đối với các khu chung cư cao cấp giá khoảng 1.200-1.800 USD/m2. “Việc một đơn vị đấu giá thành công hơn 1.500 m2 đất với giá trúng thầu lên tới 65,9 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm chỉ khoảng 17 triệu đồng/m2- PV), đầu tháng 6 vừa qua ít nhiều đã tác động đến thị trường nhà đất của khu vực này. Giá căn hộ chung cư đã tăng từ 10-20 % mà hầu như không còn để bán”, một nhân viên của trung tâm này cho biết.

Thống kê của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam cho thấy, thị trường văn phòng ở Hà Nội kể từ đầu quý 3/2007 đến nay luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Hệ số sử dụng các văn phòng hạng A và B vẫn ở mức cao, đạt 99,7%. Riêng các cao ốc hạng A mới, gồm: Pacific Place và Opera Business Centre đã cho thuê 100%. Trong khi đó, cầu về văn phòng hạng A vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu thành lập văn phòng mới của các công ty đa quốc gia, sự mở rộng văn phòng của các công ty Việt Nam.

Theo kế hoạch, quý 4/2007, Hà Nội sẽ có 2 dự án văn phòng hạng B đi vào hoạt động, gồm dự án toà nhà Kinh Đô (phố Lò Đúc) và toà nhà số 9 Đào Duy Anh (11.000m2 văn phòng tại mỗi dự án). Ở phân khúc văn phòng hạng B sẽ có thêm 2 dự án mới là Viet Tower (số 1 phố Thái Hà với 13.000m2văn phòng) và Sun City (phố Hai Bà Trưng với khoảng 6.000m2 văn phòng). Tuy nhiên, với tổng diện tích mới dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 4/2007 chưa đầy 30.000 m2 thì cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Theo dự báo của một số chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục ở trong tình trạng “cháy hàng” do mức tăng của cầu vượt mức tăng cung. Trong khi đó, cùng với việc Chính phủ chưa quyết định đánh thuế đầu cơ bất động sản thì việc “cháy hàng” hay thừa hàng nhiều khi cũng chỉ là trên lý thuyết.

gia-bat-dong-san-2

Nguyên nhân gây “sốt”

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện thị trường bất động sản Việt Nam thiếu hụt nguồn cung ở hầu hết các hạng A, B, C. Có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên.

Thứ nhất, do tác động của thị trường chứng khoán. Chỉ số giá chứng khoán sau khi từ mức đáy 883,9 điểm vào ngày 6/8/2007 đã “phi mã” lên trên 1.100 điểm vào ngày 3/10/2007, sau đó diễn biến theo hình “răng cưa”, để xuống dưới 1.100 điểm từ ngày 18/10/2007; các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ra, giảm lượng mua vào, nhiều quỹ đầu tư đã đạt lợi nhuận cao trong hơn một tháng qua, trong khi đó đối với một số mã chứng khoán hoặc là đã hết “room”, hoặc không còn khả năng tăng giá, nhiều quỹ “nằm phục” dành vốn để chờ các đợt IPO của các “đại gia”, đồng thời đang có ý định chuyển dòng vốn đầu tư sang thị trường bất động sản.

Thứ hai, do nhu cầu về bất động sản, nhất là nhu cầu về nhà ở của dân cư tăng cao. Một năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 1,1 triệu người; tạm tính mỗi người bình quân khoảng 9-10 m2, thì nhu cầu diện tích đất ở cũng lên đến hàng chục triệu mét vuông, trong khi mỗi năm mới tạo ra được trên một nửa. Nhu cầu còn tăng “kép”, bởi thu nhập của một bộ phận dân cư cao lên nhanh chóng.

Thứ ba, do chính sách về mua nhà cho Việt kiều, cho người nước ngoài đang có triển vọng thông thoáng hơn, cũng tạo ra cho các nhà đầu tư, đầu cơ “ôm lõng” cơ hội này.

Vì thế thị trường bất động sản đang dần trở thành mục tiêu hàng đầu của các tổ chức tài chính thế giới khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nền kinh tế đi lên mạnh mẽ đang thúc đẩy một nhu cầu tất yếu trong việc phát triển và mở rộng các khu đô thị, công nghiệp, các cao ốc chung cư, văn phòng,… Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp xây dựng và bất động sản. Các tổ chức tài chính thế giới đang có những động thái đầu tư rõ rệt vào thị trường tiềm năng này.

Động thái góp phần “hạ nhiệt

Mới đây, ngày 4/11/2007, ngân hàng Credit Suisse đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) lên gần 13%. Credit Suisse, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đã có mặt trên 50 quốc gia và hiện đang quản lý một khối lượng tài sản khổng lồ lên tới 1.390 tỉ USD, hiện diện tại Việt Nam từ 2001 và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong các hoạt động đầu tư và tư vấn tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sau chuyến thăm của Tổng giám đốc Tập đoàn Brady W.Dougan (tập đoàn mẹ) cuối tháng 3/2007, Credit Suisse (Hong Kong) đã liên tục nâng số cổ phần nắm giữ tại Hodeco từ 4,53% lên 7,61% và lên gần 13% vào 4/11/2007.

Còn tại Hà Nội, Công ty Địa ốc Gamuda Land, thuộc Tập đoàn Gamuda (Malaysia) vừa quyết định đầu tư 1 tỷ USD cho dự án công viên Yên Sở (Yen So Park). Công viên này được xây dựng trên diện tích 324 ha, với những hạng mục chính, gồm: khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị căn hộ cao cấp,… Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2007.

Thị trường bất động sản tại Tp.HCM cũng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Lần đầu tiên, ngân hàng HSBC tại Việt Nam tài trợ cho một dự án kinh doanh bất động sản, ký kết với Công ty Phú Mỹ Hưng.

Theo đó, HSBC sẽ cung cấp khoản vay cho Phú Mỹ Hưng giá trị lên đến 21 triệu USD, kỳ hạn lên tới 10 năm. Dự án này bao gồm 2 tòa nhà văn phòng tại quận 7. Tòa nhà văn phòng thứ nhất với 4 tầng, đã được một công ty tiêu dùng quốc tế ký thuê toàn bộ, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay. Tòa nhà thứ hai, 20 tầng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2009, nhằm đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng và cửa hàng bán lẻ.

READ MORE

Thị trường bất động sản Việt Nam mở cửa nhất châu Á

Một làn sóng đầu tư từ châu Á đang đổ vào thị trường bất động sản Hà Nội. Các nhà đầu tư hiện nay quan tâm đến việc mua các dự án đã được cấp phép và xây dựng thay vì thuê đất và xây dựng từ đầu.

Hiện nay có rất nhiều yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Lý do, là do hai thị trường này rất phát triển, đa dạng hóa danh muc đầu tư, dân số đông với thu nhập ngày càng tăng và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao. Tuy nhiên, bên cạnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các nhà tư vấn,quản lý bất động sản còn nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ các thị trường khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Phan Thiết và Mũi Né.

Nhìn chung, thị trường bất động sản hiện đang nóng dần do Luật đất đai có hiệu lực từ tháng 7/2006 và Luật giao dịch bất động sản từ tháng 1/2007. Hơn nữa, nghị định 84 có hiệu lực từ tháng 5 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất 70 năm thay vì 50 năm như trước đây. “Nghị định này giúp Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản mở cửa nhất ở châu Á,” ông Marc Townsend – Giám đốc điều hành Công ty tư vấn và quản lý bất động sản CBRE nhận định.

Theo Công ty CBRE, những yếu tố làm tăng nhu cầu về bất động sản gồm có sự tăng trưởng kinh tế, FDI tăng, các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập thị trường Việt Nam khi Việt Nam đã là thành viên WTO. Hơn nữa, hiện nay rất nhiều công ty Việt Nam mở rộng hoạt động, đòi hỏi phải có văn phòng chất lượng cao và đảm bảo an toàn.

Mặt khác, theo ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và Nhà đất Việt Nam: Việt Nam hiện có 729 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 3 đô thị loại 1, 14 đô thị loại 2… Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam được đánh giá sẽ ở mức rất cao trong thời gian tới. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam bình quân khoảng 30% vào năm 2010, khoảng 50% vào năm 2020.

bat-dong-san-2

Vì thế, nhu cầu về các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Việt Nam rất lớn. Dự báo giai đoạn 2007 -2010, Việt Nam cần xây dựng 366 triệu m2 nhà ở, trong đó ở đô thị là 176 triệu m2, nông thôn là 190 triệu m2. Ngoài ra, nhu cầu về văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, phòng lưu trú khách sạn… cũng đang rất cao.

Ông Brett Ashton, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Savills Việt Nam cho biết, dự báo giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng do sự mất cân đối giữa cung và cầu. “Lượng phòng trống rất ít, do đó chủ đất có thể tiếp tục tăng giá cho thuê cho đến khi có một lượng cung mới vào năm 2008. Chúng tôi dự báo giá cho thuê văn phòng hạng A tính đến cuối năm 2008 sẽ vào khoảng 45USD-46USD/m2 bao gồm cả phí dịch vụ,” ông Aston nói.

Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng kèm theo những rủi ro. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam phân tích: Thị trường bất động sản ở nước ta vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý theo nguyên tắc thị trường định hướng XHCN. Tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường bất động sản từ khâu tạo lập đến hoạt động giao dịch mua bán của thị trường còn nhiều hạn chế, nhà đầu tư còn khó khăn trong việc tìm và triển khai dự án đầu tư, người dân còn khó khăn trong việc tìm mua trực tiếp nhà ở.

Giá cả bất động sản còn quá cao so với thu nhập của người dân và mức độ phát triển của nền kinh tế. Tình trạng đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá bất động sản, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, mua bán trao tay và xây dựng tự phát.. vẫn tồn tại gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư cũng như quản lý, phát triển theo quy hoạch, giảm nguồn thu cho ngân sách, gây tác động xấu tới tâm lý và đời sống xã hội và làm thị trường phát triển thiếu bền vững.

Còn các nhà đầu tư cho rằng: khó khăn chính của nhà đầu tư mới, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là làm sao tìm được vị trí tốt với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc thực hiện thủ tục đầu tư, xin cấp phép xây dựng dự án, di dân, giải phóng mặt bằng…

Trên đây là những thông tin đã được ghi lại từ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2007, diễn ra từ ngày 4-6/12, tại Hà Nội, do Hiệp hội Bất động sản và Nhà đất Việt Nam, Công ty cổ phần M&C, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Trung tâm triển lãm và xúc tiến thương mại Quân đội (thuộc Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng) phối hợp tổ chức.

READ MORE

Phải sớm giải quyết xong quy hoạch Hà Nội

Qui hoạch vùng thủ đô, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là những vấn đề quan trọng nhất được đặt ra trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hà Nội, ngày 1/12. Rất nhiều vấn đề đã được Thủ tướng trực tiếp có ý kiến chỉ đạo.

5 Phó Thủ tướng cùng 18/22 Bộ trưởng cùng đi với Thủ tướng trong buổi làm việc kéo dài liên tục từ 8h đến 14h này.

Một Phó Thủ tướng phụ trách qui hoạch vùng của Hà Nội

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sớm có Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và Đề án mở rộng địa giới hành chính có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội mà cả với các tỉnh lân cận. Ông Phạm Quang Nghị đưa ra một dẫn chứng cho vấn đề này: Tỉnh ủy Hà Tây mấy chục năm không dám sửa trụ sở vì lo rằng, xây xong lại “tặng” cho… Hà Nội.

Cũng theo ông Nghị, trụ sở của Thành ủy, UBND, quận, phường của Hà Nội hiện tại đều chật chội, các bộ ngành xin đất cũng không thể đáp ứng được. Diện tích hiện thời của Hà Nội đang chứa rất nhiều vấn đề cấp bách.

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải sớm giải quyết xong quy hoạch Hà Nội và có thể sẽ phải mời tư vấn quốc tế. Cũng theo ông Hùng, phải có chương trình kiến thiết thành phố cũng như đầu tư hoàn thành các đường vành đai để giãn được mật độ dân cư và giao thông.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, tháng 12 năm nay cố gắng để có thể duyệt được quy hoạch vùng Thủ đô và địa giới.

Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng,điều quan trọng nhất với Hà Nội là sớm hoàn thiện quy hoạch. Trên cơ sở đó, có những cơ chế đặc thù đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, đặc biệt là giao thông và đô thị. Thủ tướng bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nếu thấy cần sẽ thuê tư vấn hàng đầu của nước ngoài.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để có thể sớm trình ra Quốc hội. Ông cũng yêu cầu các Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng Hà Nội xây dựng cơ chế vốn đặc thù để có thể triển khai ngay việc mở rộng Thủ đô.

Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phụ trách quy hoạch vùng của Hà Nội và yêu cầu đề xuất phương án ngay trong quý I/2008.

quy-hoach-ha-noi-1

Dứt khoát phải có lối thoát cho vấn đề ùn tắc giao thông

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, theo thống kê chính thức, hiện dân số thủ đô đã hơn 3,2 triệu người, trong đó nửa triệu người là dân nhập cư tự do. Hà Nội đang phải chịu một sức ép rất lớn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội… Để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, theo ông Thảo, việc xây dựng cơ chế riêng về quản lý phát triển dân số là hết sức cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với đề nghị này và cho biết, đã giao cho Bộ Công an chuẩn bị trình Chính phủ duyệt cơ chế riêng cho Hà Nội và TPHCM về quản lý tăng dân số, nhằm hạn chế sự quá tải.

Với phương án quy hoạch giao thông của Hà Nội, Thủ tướng chưa hài lòng vì phương án mới đặt mục tiêu tăng diện tích dành cho đường từ trên 6% lên 15% quỹ đất, trong khi quốc tế là 20%.

Ông cũng nhấn mạnh, nạn ùn tắc giao thông “dứt khoát”phải có lối thoát và giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Bộ Giao thông cùng Hà Nội nghiên cứu tổ chức hội thảo khoa học, khẩn trương lập đề án giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội cùng các bộ ngành tìm ra cơ chế đặc thù về tài chính, giải phóng mặt bằng để đầu tư vào 5 đường vành đai, 6 trục xuyên tâm và hệ thống giao thông ngầm.

Với đề nghị nâng Pháp lệnh Thủ đô thành Luật Thủ đô nhằm khắc phục tình trạng những cơ chế đặc thù lại trái với quy định của nhiều luật, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Tư pháp trao đổi với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhất trí sẽ thực hiện giao ban với Hà Nội định kỳ 3 tháng/ lần.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã giao cho các bộ trưởng những nhiệm vụ cụ thể:

Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp di chuyển khỏi nội thành.

Bộ trưởng Xây dựng ban hành các quy chuẩn cho phép Hà Nội áp dụng những tiêu chuẩn, định mức xây dựng, suất đầu tư cao hơn quy định hiện hành.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường sớm hướng dẫn Hà Nội xử lý những vấn đề liên quan đến đền bù đất nông nghiệp giáp ranh đô thị.

READ MORE

Nội thất đẹp cho phòng bé

Trong thiết kế phòng cho trẻ, nội thất thường được chú trọng. Giường là trung tâm trong không gian này.

Thị trường có rất nhiều kiểu giường có kiểu dáng và hình ảnh phù hợp với từng lứa tuổi. Nhưng khi chọn không nên quá cầu kỳ về kiểu dáng, nên chọn kiểu có đường thẳng và không nhiều góc cạnh để an toàn cho trẻ. Điểm tốn nhiều công sức cũng như chi phí nhất là trang trí các chi tiết về màu sắc của các đồ vật trong phòng. Các bé gái hiện nay thường thích màu hồng, tuy nhiên màu này nên phối với các màu khác để tạo cảm giác hài hoà. Nhà có hai con nên phòng dành cho hai bé thường được làm giường tầng, phải chú ý đến tính hay vận động của trẻ để thiết kế sao cho đảm bảo an toàn. Cầu thang lên giường trên phải dễ lên xuống, cũng có thể hạ độ cao như làm giường dưới nằm sát sàn nhà.

Trang trí cho phòng trẻ cũng quan trọng để bé thích thú hơn khi ở trong phòng mình và phát triển trí tưởng tượng. Thường hay dùng là các hình ảnh, hay nhân vật phim truyện mà bé yêu thích. Cũng có thể biến trần nhà thành hình ảnh của bầu trời với trăng, sao để bé nhìn ngắm trước khi ngủ.

Trong phòng trẻ nên dành những phần trống rộng hơn các phòng khác, để bé có chỗ chơi với đồ chơi của mình. Khoảng trống này quan trọng vì bé cần vận động nhiều để phát triển về thể chất cũng như tâm lý.

noi-that-phong-tre-1

Góc học tập trong phòng của trẻ nên đơn giản, dành chỗ cho trẻ để đồ chơi

noi-that-phong-tre-2

Phòng dành cho hai bé trai sinh đôi nên màu và kiểu dáng hầu như giống nhau. Màu xanh hay được bé trai lựa chọn.

noi-that-phong-tre-3

Phòng dành cho bé gái với màu sắc nhẹ nhàng. Giường có thể chọn loại có bán sẵn.

noi-that-phong-tre-4

Đây là kiểu giường đôi được hạ độ cao, dành cho các bé còn nhỏ tuổi

READ MORE

Hàng hiên trong nhà phố

Từ xưa, trong các ngôi nhà lá, hàng hiên đã là một thành phần không thể thiếu. Nhìn lại các đình làng xưa cũng đều có hàng hiên. Các biệt thự Pháp cũng tương tự, với các hàng hiên rộng.

Do khí hậu nước ta nóng ẩm, nên hàng hiên tham gia như một nhân tố bảo vệ và điều hòa nhiệt độ trong nhà. Khi không khí nóng vào nhà qua hàng hiên, nhiệt độ sẽ được giảm xuống làm mát nhà, mái hiên cũng sẽ che nắng không cho ánh sáng đi trực tiếp vào nhà. Vào mùa mưa, sự che chắn còn giúp bảo quản căn nhà, không cho nước văng vào trong. Hàng hiên tồn tại tới ngày nay còn do nó phù hợp với tính hòa đồng của người Việt Nam bởi các thành viên trong gia đình thường quây quần ngoài khoảng không gian mở này. Khi hàng xóm đi qua thì đây cũng là nơi giao lưu trong nhà với bên ngoài.

hang-hien-nha-pho-dep-2

Trong nhà ở hiện nay, hàng hiên vẫn được ưa chuộng. Với nhà phố, do hạn chế diện tích nên nhiều khi hàng hiên giống như sảnh đón. Ở dạng nhà biệt thự, không gian này luôn được ưu tiên. Thông thường, hàng hiên nối giữa khoảng vườn và trong nhà, nên nó mang tính chất mở. Hiện nay, trong các chung cư, người ta cũng đưa hàng hiên vào căn hộ trên cao tạo ra các góc nhìn thú vị và làm mất đi cảm giác của nhà hộp.

Chính vì mang tính chất trung gian nên vật liệu của hàng hiên cần được khéo léo pha trộn giữa trong nhà – ngoài trời. Vừa có chất thiên nhiên bên ngoài như gỗ, đá, vừa có vẻ bên trong như các bộ bàn ghế và gạch nền nhà…

Hàng hiên cũng mang tính đa năng vì chủ nhà có thể dùng nó để nới rộng phòng khách khi cần thiết, bằng cách mở hết các cánh cửa giữa hai không gian này. Nó còn được dùng như phòng ăn gia đình khi muốn có phút giây gần với không khí bên ngoài. Hàng hiên cũng là nơi vui chơi của trẻ.

READ MORE

Những năng lượng vô hình trong ngôi nhà của bạn

Trước khi có quyết định cuối cùng về một địa điểm cư trú, điều khôn ngoan là bạn nên kiểm tra xem bên dưới khu vực này có mạch nước ngầm, có khiếm khuyết về địa chất hay những nhiễu loạn địa cầu nào khác không, vì chúng tạo nên những năng lượng vô hình có thể tác động lên cuộc sống an lành của bạn.

Hội chứng stress địa bệnh

Từ “geopathic” là một từ ghép của tiếng Hy Lạp, trong đó “geo” có nghĩa là “trái đất” và “pathos” là “bệnh tật”. Từ này dùng để chỉ các hiện tượng thiên nhiên gây nên các trục trặc xảy ra cho chúng ta và nhà cửa của chúng ta. Trái đất và các sinh vật của nó dao động ở các tần số bổ sung cho nhau, nhưng không may là các tần số này lại bị các khiếm khuyết địa chất làm cho xấu đi. Những người dò mạch nước có thể tìm ra những vấn đề đó trong khi những người khảo sát nhà cửa lại không thể phát hiện được.

Các dòng nước ngầm

Nước xói mòn các tảng đá bên bờ biển như thế nào thì dòng nước ngầm cũng xói mòn như thế đối với lớp đất nằm bên dưới mặt đất. Tiến trình đó làm thay đổi tần số điện từ của trái đất khiến cho tần số ấy nằm ngoài vùng tần số của chúng ta. Mạch nước ngầm chảy xiết hoặc bị ô nhiễm cũng gây hiệu ứng tương tự.

Các dòng nước ngầm sản sinh ra các năng lượng hình xoắn ốc nên những người sống trong các tòa nhà xây ở ngay phía trên các dòng nước ngầm này sẽ cảm nhận được hiệu ứng của chúng. Những người đang sống ở phía trên nơi giao nhau của hai nguồn năng lượng xoắn ốc ngược chiều nhau có thể sức khỏe của họ sẽ bị suy nhược. Nếu đó là nơi các năng lượng hình xoắn ốc gặp các loại năng lượng khác, như ley (đường thẳng nối liền các di chỉ của người xưa và các nơi thờ phụng, được tin là tuân theo lộ trình của một tuyến đường trước đó và thường kèm theo một hiện tượng huyền bí nổi tiếng nào đó), thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.

biet-thu-vuon-1

Ley

Đường Ley theo truyền thuyết ở Anh là một mạng lưới các tuyến năng lượng chạy trên bề mặt trái đất, dọc ngang khắp các vùng nông thôn. Tổ tiên xa xưa của con người có thể đã xây các đền thờ hay các đài đá trên các tuyến này, tạo nên một hiệu ứng “châm huyệt quả đất” khi họ chạm vào năng lượng của nó. Người ta tin rằng Ley cũng đã cung cấp những lộ trình cho các khách du hành.

Phóng xạ Radon

Chúng ta tiếp xúc với các tia bức xạ trong suốt cuộc đời, chủ yếu là bức xạ mặt trời. Phơi người dưới ánh nắng mặt trời trong nhiều giờ hay nhiều hơn mức bình thường có thể làm chúng ta bị ốm. Bệnh bạch cầu và dị tật bẩm sinh được cho là liên quan đến việc bị nhiễm phóng xạ radon, do chất uranium tự nhiên có trong lòng đất sinh ra. Khi uranium bị phân rã, nó tạo ra các ion phóng xạ bám vào phân tử không khí rồi bị mắc kẹt bên trong các ngôi nhà. Ở một vài vùng trên thế giới các nhà khoa học đã đo được mức phóng xạ còn cao hơn mức phóng xạ ghi nhận được sau thảm họa hạt nhân từ nhà máy Chernobyl. Nhiều khu vực phóng xạ tự nhiên đã được tìm thấy ở Thụy Điển, Hoa Kỳ, cũng như ở vùng Derbyshire và Cornwall bên Anh. Các nhà chức trách ở những nơi này đã nhận thức được mối nguy hiểm nên luôn luôn sẵn sàng có mặt để tẩy khử phóng xạ xuất hiện trong các công trình xây dựng.

Lưới lực của trái đất

Hai tiến sĩ người Đức, Hartmann và Curry, đã phát triển một lý thuyết cho rằng trái đất bị bao phủ bởi một loại những tuyến lực sinh ra bởi sự tương tác giữa từ trường trái đất và lực hấp dẫn của mặt trời và mặt trăng. Sự dịch chuyển của các tuyến lực này được cho là phát xuất từ việc chúng tương tác với sự chuyển động của các hạt tích điện bị kẹt lại trong bầu khí quyển khí bức xạ mặt trời thổi đến trái đất. Tại vị trí mà các tuyến lực này giao nhau nơi ấy cơ thể chúng ta có thể bị tác động xấu.

Các hoạt động của con người

Con người cũng có thể gây nhiễu năng lượng của trái đất. Các hoạt động như khai thác đá, xây dựng đường hầm, khai thác mỏ, nguồn nước bị ô nhiễm và đường ray xe lửa đều được xác nhận là đã góp phần tạo ra những tác động tiêu cực. Trước khi cất nhà hay mua nhà, bạn hãy kiểm tra xem trong khu vực đó người ta có đang đào đường hầm hay khai thác mỏ không.

tai-loc-2

Tẩy trừ năng lượng

Nếu không có nguyên nhân rõ ràng về cảm giác mệt mỏi trong suốt một thời gian dài thì lúc đó có thể cho rằng stress địa bệnh là tác nhân gây ra chứng mệt mỏi này. Các người đó tìm mạch nước (dowser) giàu kinh nghiệm có khả năng phát hiện các loại năng lượng trái đất, trong một vài trường hợp, chuyển hướng dòng năng lượng tiêu cực, dù thường chỉ được một thời gian ngắn. Nhiều người có thể dò tìm mạch nước bằng các que dò hay con lắc, nhưng với năng lượng trái đất cần phải có kinh nghiệm và phải có các biện pháp bảo hộ để giảm các tác hại tới mức thấp nhất. Tốt nhất, nếu có thể được, là di chuyển khỏi các nguồn năng lượng như thế, hoặc đơn giản là dời giướng ngủ ra xa một khoảng 0,6 – 1m. Hiệu quả của việc tẩy trừ năng lượng rất bất ngờ và thậm chí có thể gây sốc. Cho nên đối với người có bệnh về tim mạch việc này cần phải được tiến hành từ từ.

Các dấu hiệu địa bệnh

Cây nghiêng

Thân cây có chỗ thối mục

Cây già cỗi

Ngã bệnh chẳng bao lâu sau khi chuyển nhà

Bầu không khí ngột ngạt

Việc đào đường hầm

Những căn phòng ẩm ướt, lạnh lẽo

¨Que dò mạch nước là một trong những dụng cụ của các thầy phong thủy. Các móc treo quần áo bằng kim loại cũng có thể làm được việc dò tìm này.

¨Hai que dò bắt chéo nhau là dấu hiệu cho thấy đã phát hiện ra mạch nước ngầm. Chúng cũng được dùng để dò mìn và các loại ống dẫn.

READ MORE

5 quy chuẩn xây dựng cơ bản trong quy hoạch nhà ở bạn cần biết

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – quy hoạch xây dựng đề cập cụ thể đến diện tích thửa đất, chiều cao xây dựng công trình, mật độ xây dựng, khoảng lùi trong xây dựng, độ vươn của ban công, vật kiến trúc, không gian ranh giới…

Chúng tôi xin trích lược giới thiệu đến bạn đọc quy chuẩn – quy hoạch xây dựng này.

Quy chuẩn xây dựng: Khoảng cách giữa hai dãy nhà ít nhất là 7m

Theo quy chuẩn xậy dựng Việt Nam, khoảng cách tối thiểu giữa các công trình xây dựng riêng lẻ hoặc dãy nhà liên kế (gọi chung là dãy nhà) trong khu vực quy hoạch mới được qui định như sau:

  • Khoảng cách giữa hai mặt tiền đối diện của hai dãy nhà có chiều cao dưới 46m phải bằng hoặc lớn hơn 1/2 chiều cao công trình nhưng không được nhỏ hơn 7m. Chẳng hạn nhà xây cao 40m thì chừa khoảng cách với mặt tiền nhà đối diện ít nhất 20m. Trong trường hợp nhà xây thấp hơn thì khoảng cách giữa hai nhà có thể ngắn hơn nhưng tối thiểu phải là 7m. Với công trình có chiều cao từ 46m trở lên thì khoảng cách giữa hai mặt tiền đối diện của hai dãy nhà phải từ 25m trở lên.
  • Riêng khoảng cách hai đầu hồi (mặt hông) của hai dãy nhà có chiều cao dưới 46m phải bằng hoặc lớn hơn 1/3 chiều cao công trình và không được nhỏ hơn 4m. Nếu công trình có chiều cao bằng hoặc lớn hơn 46m thì khoảng cách giữa hai mặt hông của hai dãy nhà phải đảm bảo bằng hoặc lớn hơn 15m.

Bạn hãy lưu ý quy chuẩn xây dựng nhà ở này để triển khai xây dựng công trình của mình cho phù hợp nhé!

Theo Quy chuẩn xây dựng: Xây nhà cao, phải lùi vào bao nhiêu mét?

Khoảng lùi của các công trình so với lộ giới của đường qui hoạch tùy thuộc việc tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc, chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới nhưng tối thiểu phải theo các quy định sau của quy chuẩn xây dựng:

  • Nếu công trình có chiều cao từ 19m trở xuống, xây ở tuyến đường có lộ giới nhỏ hơn 19m thì không cần chừa khoảng lùi, tức được xây dựng sát vỉa hè. Cũng với lộ giới trên nhưng xây dựng công trình cao 22m phải lùi vào 3m, tính từ vỉa hè. Trường hợp công trình có chiều cao đến 25m khi xây dựng phải lùi vào 4m. Nếu xây dựng công trình có chiều cao từ 28m trở lên thì theo quy chuẩn xây dựng phải lùi vào 6m. Điều này có nghĩa nhà xây càng cao thì công trình phải lùi vào càng sâu và diện tích đất xây dựng càng bị thu hẹp lại.
  • Trong trường hợp lộ giới tuyến đường từ 19m đến dưới 22m và công trình xây dựng cao 22m trở xuống thì không phải chừa khoảng lùi. Nếu xây cao đến 25m phải lùi vào 3m, tính từ vỉa hè. Còn khi xây dựng cao từ 28m trở lên phải lùi sâu vào 6m. Với lộ giới tuyến đường từ 22m trở lên, xây dựng công trình cao đến 25m không phải chừa khoảng lùi. Nhưng nếu xây từ 28m trở lên công trình phải lùi vào bên trong 6m.
Quy chuẩn xây dựng: KHOẢNG LÙI TỐI THIỂU (m) của các công trình theo bề rộng lộ giới đường và chiều cao xây dựng công trình.
Chiều cao xây dựng công trình (m) ≤16 19 22 25 ≥ 28
Lộ giới đường tiếp giáp với lô đất xây dựng công trình (m)
< 19 0 0 3 4 6
19 ÷ < 22 0 0 0 3 6
22 ÷ < 25 0 0 0 0 6
≥ 25 0 0 0 0 6

quy-chuan-xay-dung-nha-o

Theo Bộ Xây dựng, quy chuẩn xây dựng trên chỉ là cái khung. Trong thực tế sẽ có những trường hợp lộ giới tuyến đường hoặc chiều cao công trình lệch so với quy chuẩn trên. Khi đó tùy từng trường hợp mà cơ quan chức năng sẽ xem xét.

Ngoài ra cũng theo Bộ Xây dựng, việc cấp phép cho xây cao bao nhiêu tầng, khoảng lùi ra sao còn phụ thuộc diện tích của từng khu đất cụ thể.

Tham khảo thêm các mẫu kiến trúc nhà đẹp tại đây: 100+ Mẫu Thiết Kế Nhà Đẹp nhất, Mới nhất hiện nay

Mật độ xây dựng nhà ở riêng lẻ và chung cư, công trình cao tầng theo quy chuẩn xây dựng là thế nào?

Mật độ xây dựng tối đa đối với nhà ở liên kế, nhà vườn, biệt thự… theo quy chuẩn xây dựng được quy định theo nguyên tắc diện tích lô đất càng rộng thì mật độ xây dựng càng giảm. Cụ thể như sau:

– Nếu diện tích lô đất từ 50m2 trở xuống thì mật độ xây dựng là 100%, tức được xây dựng hết diện tích lô đất. Lô đất có diện tích 75m2 thì xây 90%, trường hợp lô đất là 100m2 thì xây dựng 80%. Tương tự với lô đất 200m2 mật độ xây dựng là 70%, 300m2 xây dựng 60%, 500m2 được xây dựng 50% và từ 1.000m2 trở lên chỉ được xây dựng 40%. Chẳng hạn lô đất 100m2 được xây dựng 80m2 nhưng nếu lô đất 1.000m2 thì chủ nhà chỉ được xây dựng 400m2. Như vậy theo quy chuẩn xây dựng trên, diện tích lô đất càng lớn mật độ xây dựng càng bị thu hẹp.

Bảng tra cứu nhanh mật độ xây dựng tối đa cho nhà ở riêng lẻ, nhà vườn, biệt thự theo quy chuẩn xây dựng
Diện tích lô đất (m2/căn nhà) ≤50 75 100 200 300 500 ≥1000
Mật độ xây dựng tối đa (%) 100 90 80 70 60 50 40
Với các mảnh đất có Diện tích không chính xác với các số trên thì mật độ xây dựng tối đa được tính nội suy từ mật độ xây dựng của 2 diện tích gần sát trên và dưới (theo quy chuẩn xây dựng nhà ở Việt Nam).

Đối với chung cư, mật độ xây dựng tùy theo diện tích của lô đất và chiều cao công trình: Cụ thể nếu chiều cao của công trình xây dựng từ 16m trở xuống và diện tích khu đất xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 3.000m2 thì mật độ xây dựng tối đa là 75%. Nhưng cũng với chiều cao trên mà xây dựng trên khu đất 10.000m2 chỉ xây dựng được tối đa 65%, diện tích 18.000m2 được xây 63%, diện tích từ 35.000m2 trở lên được xây 60%.

– Với công trình có chiều cao 31m xây dựng trên đất có diện tích 3.000m2 trở xuống mật độ xây dựng là 75%, nếu xây trên đất 10.000m2 mật độ chỉ còn 48%, còn xây trên đất 18.000m2 là 46% và đất từ 35.000m2 trở lên thì 43%. Với công trình cao 46m xây trên diện tích đất tương ứng như trên thì mật độ xây dựng là 75%, 41%, 39% và 36%. Trường hợp công trình cao trên 46m xây ở đất có diện tích từ 3.000m2 trở xuống mật độ xây dựng là 75%, xây trên đất 10.000m2 mật độ là 40%, trên đất 18.000m2 mật độ 38%, đất từ 35.000m2 trở lên mật độ 35%…

Mật độ xây dựng thuần (net-tô) tối đa của nhóm nhà chung cư theo diện tích lô đất và chiều cao công trình
Chiều cao xây dựng công trình trên mặt đất (m) Mật độ xây dựng tối đa (%) theo diện tích lô đất
≤3.000m2 10.000m2 18.000m2 ≥35.000m2
≤16 75 65 63 60
19 75 60 58 55
22 75 57 55 52
25 75 53 51 48
28 75 50 48 45
31 75 48 46 43
34 75 46 44 41
37 75 44 42 39
40 75 43 41 38
43 75 42 40 37
46 75 41 39 36
>46 75 40 38 35
Với các mảnh đất có Diện tích không chính xác với các số trên thì mật độ xây dựng tối đa được tính nội suy từ mật độ xây dựng của 2 diện tích gần sát trên và dưới.

Đối với các công trình công cộng như giáo dục, y tế, văn hóa, TDTT, chợ được xây dựng trong các khu vực xây dựng mới, mật độ xây dựng tối đa là 40%.

Riêng phần diện tích trồng cây xanh tại các khu đất xây dựng công trình được qui định như sau: đối với nhà biệt thự, nhà vườn, nhà chung cư thì diện tích đất tối thiểu dành trồng cây xanh là 20%. Nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa phải dành tối thiểu 30% đất để trồng cây xanh. Còn với nhà máy xây dựng phân tán hoặc xây trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đều phải dành diện tích cho cây xanh ít nhất 20%.

Quy chuẩn xây dựng: Độ vươn tối đa của ban công, mái đua, ô văng và các phần nhà được phép nhô ra

Trường hợp 1: Chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ:

1) Các bộ phận cố định của nhà:

  • Theo quy chuẩn xây dựng, trong khoảng không từ mặt vỉa hè lên tới độ cao 3,5m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô quá chỉ giới đường đỏ, trừ các trường hợp dưới đây:
    • Đường ống đứng thoát nước mưa ở mặt ngoài nhà: được phép vượt qua đường đỏ không quá 0,2m và phải đảm bảo mỹ quan;
    • Từ độ cao 1m (tính từ mặt vỉa hè) trở lên, các bậu cửa, gờ chỉ, bộ phận trang trí được phép vượt đường đỏ không quá 0,2m.
  • Theo quy chuẩn xây dựng, trong khoảng không từ độ cao 3,5m (so với mặt vỉa hè) trở lên, các bộ phận cố định của nhà (ô-văng, sê-nô, ban công, mái đua…, nhưng không áp dụng đối với mái đón, mái hè) được vượt quá chỉ giới đường đỏ theo những điều kiện sau:
    • Độ vươn ra (đo từ chỉ giới đường đỏ tới mép ngoài cùng của phần nhô ra), tùy thuộc chiều rộng lộ giới, không được lớn hơn giới hạn được quy định ở bảng tra độ vươn của ban công, ô văng dưới đây:
QUY CHUẨN XÂY DỰNG: BẢNG TRA ĐỘ VƯƠN TỐI ĐA CỦA BAN CÔNG, Ô VĂNG, MÁI ĐUA
Chiều rộng lộ giới (m) Độ vươn ra tối đa của ban công (m) Yêu cầu khác
Dưới 7m 0 – Nhỏ hơn chiều rộng vỉa hè ít nhất 1,0m;
– Đảm bảo các quy định về an toàn lưới điện;
– Tuân thủ quy định về quản lý xây dựng áp dụng cụ thể cho khu vực;
– Vị trí độ cao và độ vươn phải thống nhất hoặc tạo được nhịp điệu, không gian kiến trúc tổng thể toàn khu vực;
– Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng;
7÷12 0,9
>12÷15 1,2
>15 1,4
  • Phần ngầm dưới mặt đất: mọi bộ phận ngầm dưới mặt đất của ngôi nhà đều không được vượt quá chỉ giới đường đỏ.
  • Mái đón, mái hè phố (**): khuyến khích việc xây dựng mái hè phục vụ công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ. Mái đón, mái hè phố phải:
    • Được thiết kế cho cả dãy phố hoặc cụm nhà, đảm bảo tạo cảnh quan;
    • Đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy;
    • Ở độ cao cách mặt vỉa hè 3,5m trở lên và đảm bảo mỹ quan đô thị;
    • Không vượt quá chỉ giới đường đỏ;
    • Bên trên mái đón, mái hè phố không được sử dụng vào bất cứ việc gì khác (như làm ban công, sân thượng, sân bày chậu cảnh…).

2) Phần nhô ra không cố định:

  • Cánh cửa: ở độ cao từ mặt hè lên 2,5m các cánh cửa (trừ cửa thoát nạn nhà công cộng) khi mở ra không được vượt quá chỉ giới đường đỏ.
  • Các quy định theo quy chuẩn xây dựng về các bộ phận nhà được phép nhô ra được nêu trong bảng độ vươn của các bộ phận của công trình:
QUY CHUẨN XÂY DỰNG: BẢNG TRA ĐỘ VƯƠN PHẦN KHÔNG CỐ ĐỊNH ĐƯỢC PHÉP
Độ cao so với mặt hè (m) Bộ phận được nhô ra Độ vươn tối
đa (m)
Cách mép vỉa hè tối thiểu (m)
≥ 2,5 Gờ chỉ, trang trí 0,2
≥ 2,5 Kết cấu di động:
Mái dù, cánh cửa
1,0m
≥ 3,5 Kết cấu cố định (phải nghiên cứu quy
định trong tổng thể kiến trúc khu vực):
– Ban công mái đua
– Mái đón, mái hè phố
1,0m
0,6m

Trường hợp 2: Chỉ giới xây dựng lùi vào sâu so với chỉ giới đường đỏ:

  • Theo quy chuẩn xây dựng, không có bộ phận nào của nhà vượt quá chỉ giới đường đỏ.
  • Các bộ phận của công trình sau đây được phép vượt quá chỉ giới xây dựng trong các trường hợp sau:
    • Bậc thềm, vệt dắt xe, bậu cửa, gờ chỉ, cách cửa, ô-văng, mái đua, mái đón, móng nhà;
    • Riêng ban công được nhô quá chỉ giới xây dựng không quá 1,4m và không được che chắn tạo thành buồng hay lô-gia.

Các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình xây dựng:

Theo quy trình xây dựng, bạn cần lưu ý thêm một số yêu cầu kỹ thuật khác:

  • Miệng xả ống khói, ống thông hơi không được hướng ra đường phố.
  • Máy điều hòa nhiệt độ không khí nếu đặt ở mặt tiền, sát chỉ giới đường đỏ phải ở độ cao trên 2,7m và không được xả nước ngưng trực tiếp lên mặt hè, đường phố.
  • Biển quảng cáo đặt ở mặt tiền ngôi nhà, không được sử dụng các vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70%.
  • Ở mặt tiền các ngôi nhà dọc các đường phố không được bố trí sân phơi quần áo.
  • Hàng rào phải có hình thức kiến trúc thoáng, mỹ quan và thống nhất theo quy định của từng khu vực, trừ những trường hợp có nhu cầu bảo vệ, ngăn cách với đường phố (cơ quan cần bảo vệ, trường học, trạm biến thế điện…).

Không được lấn ranh giới nhà bên cạnh:

  • Quy chuẩn yêu cầu: không bộ phận nào của ngôi nhà, kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất của công trình như móng, đường ống…, được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh.
  • Ngoài ra cũng không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh), khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.

Ghi chú:

(*) chỉ giới đường đỏ: là ranh giữa lô đất xây công trình và đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật.
(**) Mái đón: là mái che của cổng, gắn vào tường ngoài nhà và đua ra tới cổng vào nhà  và hoặc che một phần đường đi từ hè, đường vào nhà;
(**)Mái hè phố: là mái che gần vào tường ngoài nhà và che phủ một đoạn vỉa hè.

Tải toàn bộ Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng (.pdf 715kb)

READ MORE

Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD do Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3 tháng 4 năm 2008. Quy chuẩn này được soát xét và thay thế phần II, tập I, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 

QUY CHUẨN XÂY DỰNG VIỆT NAM

QUY HOẠCH XÂY DỰNG

VietnamBuilding Code.

Regional and Urban Planning and Rural Residental Planning

Tải toàn bộ Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng (.pdf 715kb)

MỤC LỤC

CHƯƠNGI. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1.1Phạm vi áp dụng

1.2Giải thích từ ngữ

1.3Khu vực bảo vệ công trình và khoảng cách ly vệ sinh, an toàn

1.4Yêu cầu đối với công tác quy hoạch xây dựng

CHƯƠNG II. QUY HOẠCH KHÔNG GIAN

2.1Quy hoạch không gian vùng

2.2Tổ chức không gian trong quy hoạch chung xây dựng đô thị

2.3Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị

2.4Quy hoạch các đơn vị ở

2.5Quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị

2.6Quy hoạch cây xanh đô thị

2.7Quy hoạch khu công nghiệp và kho tàng

2.8Thiết kế đô thị

2.9Quy hoạch không gian ngầm

2.10Quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị

2.11Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn

CHƯƠNG III. QUY HOẠCH CHUẨN BỊ KỸ THUẬT

3.1Các quy định chung đối với quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

3.2Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật vùng

3.3Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đô thị

3.4Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật điểm dân cư nông thôn

CHƯƠNG IV. QUY HOẠCH GIAO THÔNG

4.1Các quy định chung về quy hoạch giao thông

4.2Quy hoạch giao thông vùng

4.3Quy hoạch giao thông đô thị

4.4Quy hoạch giao thông điểm dân cư nông thôn

CHƯƠNG V. QUY HOẠCH CẤP NƯỚC

5.1Khu vực bảo vệ công trình cấp nước

5.2Quy hoạch cấp nước vùng

5.3Quy hoạch cấp nước đô thị

5.4Quy hoạch cấp nước điểm dân cư nông thôn

CHƯƠNG VI. QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC THẢI, QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ NGHĨA TRANG

6.1Các quy định chung

6.2Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang vùng

6.3Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang đô thị

6.4Quy hoạch thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang điểm dân cư nông thôn

CHƯƠNG VII. QUY HOẠCH CẤP ĐIỆN

7.1Các yêu cầu đối với qui hoạch cấp điện

7.2Quy hoạch cấp điện vùng

7.3Quy hoạch cấp điện đô thị

7.4Quy hoạch cấp điện điểm dân cư nông thôn

PHỤ LỤC

READ MORE

Tư vấn thiết kế mặt tiền nhà phố 3m – 5m

Nhà phố, nhà mặt phố, nhà ống… là kết quả của quá trình đô thị hoá trong lịch sử. Mặt tiền nhà phố làm nên diện mạo của những con phố, đô thị Việt Nam. Một vấn đề trăn trở và làm hao tổn rất nhiều giấy mực là làm sao các mặt tiền này không phá vỡ cảnh quan đô thị.

Đứng dưới góc nhìn của một người dân, đang chuẩn bị xây dựng nhà, bạn sẽ hình dung ngôi nhà của mình sẽ như thế nào? Đứng dưới góc độ là kiến trúc sư, chúng tôi mong rằng có những mặt tiền nhà phố đẹp, làm phong phú cũng như làm đẹp cho chính ngôi nhà, khu phố của các bạn.

Trích trong thư viện sưu tập của WEDO, chúng tôi xin gửi tới các bạn một số mẫu mặt đứng nhà phố có kích thước từ 3m đến 5m, một mặt tiền và mong muốn rằng sẽ giúp các bạn có được hình dung về ngôi nhà tương lai của mình.

mat-tien-nha-pho-1

Mặt tiền nhà 3,5 tầng

mat-tien-nha-pho-2

Mặt tiền nhà 3 tầng – mái ngói

mat-tien-nha-pho-3

Mặt tiền nhà theo phong cách hiện đại

mat-tien-nha-pho-4

Mặt tiền nhà 3 tầng

mat-tien-nha-pho-5

Mặt tiền nhà 4,5 tầng

mat-tien-nha-pho-6

Mặt tiền nhà 3 ,5 tầng.

READ MORE

Tư vấn thiết kế nhà phố diện tích 5mx15m

Xin chào Wedo, tôi có mảnh đất kích thước: 5m x 15m. Tôi cần kiểu kiến trúc hiện đại, bố trí được các không gian thoáng, có gara để xe, 01 bếp+phòng ăn, 01phòng khách, 02 phòng ngủ nhỏ, 01 phòng ngủ lớn, 01 phòng thờ. 01 khu giặt và phơi, 01 khu tập thể dục. Khu vệ sinh cho phòng ngủ lớn phải rộng, nội thất sang trọng. Xin Wedo tư vấn giúp!

Wedo trả lời,

Phương án Wedo đưa ra giúp anh như  sau:

thiet-ke-nha-pho-dep-5mx15m-1

Tầng 1, theo yêu cầu của anh, có một gara để xe. Phòng bếp được nâng cao cốt sàn. Tiểu cảnh nhỏ dưới chân cầu thang và dải cây xanh trải dọc từ khoang cầu thang tới hết phòng bếp. Những khoảng xanh này lấy ánh sáng từ giếng trời và khoang cầu thang phía trên, tạo sự gần gũi với thiên nhiên cho ngôi nhà.

thiet-ke-nha-pho-dep-5mx15m-2

Tầng 2: Phòng khách có kích thước vừa phải tạo cảm giác ấm cúng được đưa ra phía ngoài. Tầng 2 đua ra ngoài 50cm, mở rộng khoảng sân trên mái tầng 1, đây là nơi tiếp khách ngoài trời, uống trà, đọc sách… chủ nhà có thể trồng cây cảnh hoặc tạo một khoảng vườn xinh xắn, từ phòng khách nhìn ra ta sẽ có cảm giác như đang ở sát mặt đất chứ không phải tầng 2. Khoảng giếng tròi lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên cho phòng ngủ và hành lang trong nhà.

thiet-ke-nha-pho-dep-5mx15m-3

Tầng 3: Tầng 3 có hai phòng ngủ đều có vệ sinh riêng. Các phòng thông thoáng, thông gió và chiếu sáng tốt. Ở khoang giếng trời, ta có thể treo các giỏ cây từ tầng 1 lên tới tầng 4.

thiet-ke-nha-pho-dep-5mx15m-4

Tầng 4: Tầng 4 có một sân phơi ở phía trong, một phòng thờ và phòng tập thể dục rộng rãi, thoáng mát với ban công phía ngoài.

Nói chung trong cả công trình, các phòng đều có được ánh sáng và độ thông gió tự nhiên tương đối tốt. Từ bất kỳ không gian nào: hành lang cầu thang, phòng ngủ trong, ngoài… ta cũng có thể nhìn thấy những mảng xanh của cây cối ( cây xanh ở giếng trời, ở ban công). Ngôi nhà vì thế mà yên tĩnh, bớt khô khan hơn!

READ MORE

Mẫu mặt tiền nhà ống đẹp

Trích trong thư viện sưu tập của WEDO, chúng tôi xin gửi tới các bạn một số mẫu mặt đứng nhà phố có kích thước từ 3m đến 6m, và mong muốn rằng sẽ giúp các bạn có được hình dung về ngôi nhà tương lai của mình.

READ MORE

Mang thiên nhiên vào trong bếp nhà bạn

Ở thành thị, đất đai ngày càng chật hẹp đi con người ta muốn có chút không gian xanh trong nhà cũng đều phải tận dụng và biến tấu cho thoả cơn khát thiên nhiên, cây cỏ.

Để thoả mãn chút nhu cầu này, Gia chủ đã tận dụng toàn bộ căn bếp thành một khu vực xanh tươi, mát mắt bởi màu xanh của tủ bếp và các vật dụng trang trí cho thêm phần sinh động.

bep-mau-xanh-1

Chất liệu tủ bếp gỗ công nghiệp sơn bóng 7 lớp theo công nghệ sơn ô tô được KitchenID sử dụng làm cánh tủ bếp phát huy được tối đa các ưu điểm của gỗ sơn: không bay màu theo thời gian, dễ lau chùi, đem lại cảm giác sáng hơn và rộng rãi hơn cho căn bếp. Gia chủ đã chọn cách phối giữa màu trắng và màu xanh lá cây tạo sự tương phản nhẹ nhàng vừa mang đem lại sự thư giãn trong quá trình nấu nướng bởi theo nghiên cứu thì màu xanh là màu hoà bình và yên tĩnh.

Hơn nữa bếp là khu vực Hoả nhiều nên gia chủ thích chọn những tone màu nhẹ nhàng làm trung tâm cho ngôi nhà. Dù chất liệu và màu sắc tủ bếp sáng cho cảm giác không gian rộng hơn nhưng với chiếc cửa sổ rộng và nan ngang như chào đón những tia nắng ùa vào trong căn bếp mỗi buổi sáng nấu bữa sáng cho cả gia đình.

bep-mau-xanh-2

Hệ thống giá kệ rỗng phối toàn bộ là màu xanh vừa để trang trí các vật dụng nho nhỏ như: gấu sứ, giỏ rượu…vừa là khu vực để lò vi sóng ngang tầm mắt tiện cho việc vừa nấu nướng vừa quan sát các món đang nấu trong lò mà không cần cúi hay nghiêng người. Gía rượu thiết kế nhỏ gọn phía trên tủ lạnh dành cho rượu ít dùng nên vị trí đó mang tính chất trang trí nhiều hơn là tiện dụng. Còn đồ uống thường dùng là chiếc tủ rượu xinh xắn ở bàn bar nhằm làm giảm độ hẫng khi kết thúc bar và cũng tiện khi lấy rượu ở đây.

Căn bếp này nằm trong không gian mở, với dạng nhà hình ống, thoáng 3 mặt, gia chủ đã quyết định bếp là trung tâm của tầng 2, với các vị trí xếp đặt là phòng khách và phòng ăn ở 2 đầu nhà và bếp nằm ở giữa và chủ ý là khách đến chơi nhà thì đi ngang qua khu vực bếp.

bep-mau-xanh-3

Bar của bếp chạy dài gần như song song với toàn bộ tủ bếp ở khu vực bồn rửa với mặt kính ốp ngoài và đèn rọi trang trí, mặt trên bar là kính với chân inox, sử dụng 2 chất liệu đối lập: mỏng manh và vững chắc.

Bếp – khác hẳn với những khu vực khác trong nhà như phòng khách, phòng ngủ…bởi tự thân các vật dụng dùng trong bếp có thể trang trí và làm đẹp thêm căn bếp mà không cần thêm quá nhiều vật trang trí khác như những chiếc bình thuỷ tinh, xoong, ấm đun nước, các lọ để gia vị…

bep-mau-xanh-4

Để các vật dụng khác trong bếp cùng hoà hợp màu sắc với tủ bếp, gia chủ đã rất kỹ lưỡng chọn màu sắc và chất liệu của các vật dụng ở khu vực này như: ghế ngồi (2 chiếc trắng và 1 chiếc xanh lá non) cùng tone, hay bình đựng nước trang trí (1 xanh va 1 trắng), gạch mosaic kính ốp trên tường cũng chỉ sử dụng 2 tone màu này. Những chùm hoa trong đĩa, những loại quả trong ly thuỷ tinh lớn, các loại rau củ trong thố thuỷ tinh…tất cả đều mang lại ấn tượng về thiên nhiên mà không cần một cây cỏ tự nhiên nào trong căn bếp này.

READ MORE