Mua nhà mới, chuyển khỏi căn phòng vỏn vẹn 35 m2 với 4 người ở phố cổ, chị Hương, hiện sống tại Lạc Trung, Hà Nội vẫn chưa thể quên 10 năm khốn khổ đã qua. Thế nhưng, với một số người, phố cổ vẫn là nơi “không thể rời xa”.
Phố cổ Hà Nội còn gọi là “36 phố phường”. Mỗi tên phố gợi lên một ngành nghề truyền thống. Theo quyết định của Bộ Xây dựng năm 1995, phố cổ Hà Nội nằm trong khu vực Hàng Đậu (phía bắc), Phùng Hưng (phía tây), Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng (phía nam) và Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật (phía đông), hiện có hơn 70 tuyến phố.
Kiến trúc cổ của khu phố cổ là các ngôi nhà nhỏ với mái tranh hay ngói, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ phố này đến phố khác. Khu phố cổ cũng là nơi buôn bán sầm uất nhất Hà Nội và có nhiều khách du lịch. Nhưng hiện nay, vẻ cổ kính trên đường nét kiến trúc đang dần mất đi dù có nhiều dự án trùng tu, nâng cấp. Ngoại trừ một số ngôi nhà thuộc diện “sách đỏ” ở Hàng Đào, Mã Mây…, cuộc sống nơi phố cổ Hà Nội đang trở nên thực sự cổ kính và lạc hậu ngay trong lòng thành phố dần hiện đại. Những căn nhà chỉ vài chục mét vuông mà phải “chứa chấp” cả chục hộ dân là chuyện thường tình. Và để vào được trong nhà, phải chui qua ngõ tối om, sâu thẳm, bề ngang có khi chưa tới 80 cm, tránh nhau cũng khó.
Hầu hết những ngôi nhà này hàng chục năm rồi chưa qua tu sửa. Nhiều khu nhà, cầu thang gỗ đã hỏng nặng. Nhà liền nhau cũng cứ “thông thống”, nhà bên này chỉ nói to một chút là bên kia nghe rõ mồn một. Trước đây, số nhà nào cũng có sân tương đối rộng, nhưng khi mà nhu cầu ở tăng lên gấp đôi, gấp ba, cũng không thể tránh nổi việc cơi nới, bổ sung diện tích. Khoảnh sân ngày càng bị thu hẹp, trở thành một lối đi chỉ vừa đủ một người và một xe.
Khu nhà số 71 Lò Sũ gồm 5 hộ dân, tất cả đi chung một ngõ dài hơn 20 m, rộng không đến 1 m, nên dắt xe máy qua cũng là một vấn đề. “Hôm nào ông xã không có nhà thì chỉ có nước thuê xe ôm đi làm, vì ngõ quá nhỏ, lại ngoằn ngoèo”, chị Hương kể. Cả gia đình chị sống trong một căn hộ hẹp với một khu bếp khoảng 2 m2, khu vệ sinh phải dùng chung với cả xóm. “Mỗi sáng xếp một hàng dài trước nhà vệ sinh thật là bi kịch. Mấy chục con người chỉ biết trông cậy vào cái hố vệ sinh ẩm thấp, tưởng như chỉ còn trên phim ảnh về cuộc sống mấy chục năm trước”. Cả khu nhà kín mít, chỉ những ngày đẹp trời mới có chút nắng lọt qua một giếng trời chừng 4 m2. Các nhà trong ngõ luôn phải thắp đèn mới nhìn rõ vì không bao giờ thấy ánh nắng mặt trời. “Thằng bé con mình ai cũng khen trắng trẻo, nhưng thật ra nó rất ít khi tiếp xúc với ánh mặt trời”, chị Hương nói.
Không kinh doanh, cả gia đình 3 thế hệ với 5 người của bà Lanh đã sống trong một căn nhà diện tích hơn 40 m2 tại phố Hàng Bạc cũng hơn 30 năm. “Con trai tôi có gia đình, muốn tách ra ở riêng nhưng chưa mua được nhà, nên vẫn phải chui rúc trong khu chật hẹp này”, bà Lanh cho hay.
Khu phố 4, đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM, gồm gần chục hộ dân sống chen chúc nhau dọc theo phía tay trái con hẻm. Trung bình mỗi hộ 3-5 người trú trong căn nhà chỉ 1,5 hoặc 2 m2. Những “căn nhà” này đều không có số. Sau đồn làm việc của tổ dân phòng khu phố 4 là dãy nhà tạm với tủ, bàn, ghế biến tấu cho hợp với không gian hẹp. Diện tích 1,5 m2, dựng xe thì người không còn chỗ ngủ nên phương tiện đi lại đều để ở ngoài. Hộ nào cũng vậy, cả nhà vợ chồng con cái đều cùng ăn, cùng ngủ trong diện tích chật hẹp. Vài người còn mang bếp ra nấu ngoài hẻm. Chừng ấy con người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng xập xệ.
“Lịch sử” những căn nhà này có từ nhiều năm nay, từ nhà tạm làm bằng ván ép, vách tôn, đến tường gạch, tôn và gỗ như hiện nay. Sống ở đây đa số là người làm các nghề buôn gánh bán bưng. Đàn ông thì chạy xe ôm, bốc vác tại các chợ, phụ nữ bán nước, trái cây, hoặc các xe đẩy, hàng quán lề đường. Hầu như không một người nào có nghề nghiệp ổn định, mà sống ăn theo các dịch vụ quanh khu trung tâm.
Chị Hải, một hộ dân sống tạm tại đây gần chục năm nay tâm sự: “Những năm 1990, chúng tôi đi đến vùng kinh tế mới lập nghiệp. Được ít lâu lại trở về vì không làm ăn gì được. Bây giờ chỉ biết sống tạm như vậy, chứ nhà bạc tỷ làm sao mua nổi”.
Đại diện tổ dân phòng khu phố 4 cho hay, các hộ dân sống tạm ở đây đều bất hợp pháp và nằm trong diện chờ giải tỏa. “Mùa nắng thì họ ở chật chội, mùa mưa thì ướt nước, trong khi giá nhà đất thì cao ngất trời. Thế nên chúng tôi chỉ biết cảm thông và chờ chỉ đạo của thành phố”, vị đại diện này cho biết thêm. Trong khi đó, bà Phụng, một cư dân trong khu phố 4 tỏ ra ái ngại cho các hộ dân này. “Lúc đầu mọi người ở đây rất khó chịu vì các gian nhà tạm chiếm hết một phần con hẻm, đi lại rất chật chội. Sau này phần vì thông cảm, phần vì quen rồi nên lắng dịu dần”, bà Phụng cho hay.
Quyết tâm bám trụ
Nhiều bất cập, chật chội và ẩm thấp, nhưng hầu như chẳng mấy ai rời những căn nhà nhỏ trên phố cổ Hà Nội. Với những hộ dân có một chút mặt tiền thì lý do chính đáng nhất là họ còn phải bám trụ để kinh doanh. Nhưng, còn những người ở tận sâu tít phía trong ngõ, họ cũng vẫn trung thành với cuộc sống nơi đây bởi nhiều lý do.
Bà Thảo, chủ cửa hàng phụ trang sân khấu tại số 52 Hàng Ngang, nói: “Cửa hàng này là nguồn sống của cả gia đình, mà nhiều người muốn mua hàng chỉ tìm đến phố cổ, nên tôi không muốn di chuyển”. Cũng với suy nghĩ này, chủ hàng bún riêu có tiếng trên phố Lò Sũ cho hay, mỗi ngày chị bán hơn 100 tô, đảm bảo thu nhập cho cả gia đình và 4 người giúp việc: “Bán hàng tại đây tôi mới có nguồn thu như vậy, nên ở chật cũng chấp nhận được”. Còn chị Minh ở Hàng Cót thì cho biết: “Cần gì, ra khỏi nhà là có, rất tiện lợi, chẳng phải xách xe cộ đi đâu. Đồ ăn thức uống thì ngon lành còn những nhu cầu thiết yếu khác đều sẵn mà lại rẻ”.
Riêng với ông Dần tại phố Mã Mây, sự gắn bó lâu dài với phố cổ là lý do níu kéo ông ở lại. Đã sống tại đây gần 70 năm, ông rõ từng góc phố. Hàng ngày ông lão này viết chữ Nôm, đồng thời giới thiệu phố cổ cho khách du lịch tại căn nhà cổ 87 Mã Mây. Ông Dần cho hay, nhiều người cao tuổi khác như ông cũng muốn ở lại phố cổ vì đã quen với nếp sống nơi đây.