Vào mùa hè, những ngôi nhà hướng Tây hấp thụ nhiệt rất cao. Vì vậy, không gian sống thường trở nên nóng bức, gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Làm thế nào để ngôi nhà hướng Tây trở nên dịu mát hơn? Có các cách chống nóng cho nhà xây hướng Tây nào?
Cần tìm giải pháp xử lý chống nóng một cách tổng thể và đồng bộ bằng cách phối hợp sử dụng một hoặc nhiều các phương pháp sau đây:
– Phương pháp 1: Xây tường 2 lớp (tường nhìn chung có độ dầy 330 với hai lớp gạch lỗ 110 xây song song nhau đảm bảo duy trì ở giữa một khe tường khoảng 10cm). Lớp không khí trong khe tường này giúp cách nhiệt khá tốt – khi lớp tường ngoài bị nung nóng thì lớp tường trong sờ vào vẫn mát tay) hoặc nếu có điều kiện các bạn đổ tất cả các bức tường hướng tây đều là tường bê tông dày khoảng 25~30cm, đảm bảo với các bạn là nhiệt sẽ không thể xuyên qua được lớp bê tông dày này. Tôi đã thi công nhiều và cũng kiểm nghiệm nhiều, với bức tường bê tông dày 25cm thì mặt ngoài dưới trời nắng có thể lên đến 50 độ nhưng mặt trong vẫn mát như thường bằng nhiệt độ không khí ở trong bóng râm.
– Phương pháp 2: Làm cửa gỗ loại 2 lớp (khuôn 360) (trong kính – ngoài chớp). Cửa sổ cần hạn chế dùng cửa nhôm kính (vì nhôm và kính gây bức xạ nhiệt rất cao). Nếu phải dùng, bạn nên tham khảo dùng các loại kính cách nhiệt. Xử lý tốt phần tường và cửa ngôi nhà, bạn sẽ có mẫu nhà đẹp dịu mát và dùng điều hòa đỡ tốn kém hơn.
– Phương pháp 3: Giảm tối đa lượng nhiệt truyền qua tường bằng cách sơn mặt ngoài nhà màu trắng bằng sơn bọt công nghệ Mỹ.
Phương pháp 4: Phần tường cửa vào chính thụt vào trong 1-2m, để tận dụng phần lầu trên kết hợp với ban công che nắng cho tầng trệt, phần diện tích thụt vào đó tận dụng bố trí mặt nước và trồng cây, gắn thêm cho mặt tiền phía trên 1 hệ giàn bằng thép hay gỗ rồi trồng dây leo, phần tường mặt tiền nếu xây dày thêm tốn kém quá thì có thể làm cách nhiệt bằng cách sử dụng loại vách ván ép kết hợp khung gỗ hay thép gắn trực tiếp vào bên trong tường mặt tiền (không khí cách nhiệt rất tốt), xử lí trát thạch cao hoặc dán giấy trang trí cho ván ép, mái nhà đổ mê gắn ngói gạch vào (giả mái ngói).
– Phương pháp 5: Cải tạo mặt trong của các bức tường ở hướng tây bằng các vật liệu cách nhiệt (sơn chống nóng, xốp PU, ốp gỗ tạo khe cách nhiệt…) vừa cải tạo được nội thất của nhà vừa là các vật liệu dễ xử lý mà không sợ ảnh hưởng nhiều tới kết cấu chung.
– Phương pháp 6: Tăng diện tích che bóng mát bởi cây xanh bằng nhiều phương pháp như làm dàn hoa, trồng cây leo bám tường, trồng cây lớn tán rộng hướng có nắng để che chắn bớt lượng ánh nắng chiếu vào nhà.
Với tùy từng đặc thù công trình và tùy từng hiện trạng kiến trúc, kết cấu (đối với công trình cải tạo) thì lại có những giải pháp chủ chốt riêng, ví dụ như nếu hiện trạng kiến trúc đẹp, kết cấu khó tác động thì chúng ta chỉ nên sử dụng các phương pháp ít ảnh hưởng đến kiến trúc như sơn lại tông màu sáng hơn và sử dụng sơn bọt chống nóng cộng với cải tạo mặt trong nội thất của các bức tường hướng tây như dán xốp PU, ốp gỗ tạo khe cách nhiệt…
Còn đối với các công trình mà hiện trạng kiến trúc đã cũ cộng với kết cấu cho phép thì chúng ta có thể có những giải pháp mạnh tay hơn. Khi xây dựng, sửa chữa nhà nên hỏi ý kiến tư vấn của kiến trúc sư để có những giải pháp phù hợp và đúng đắn cho căn nhà của bạn.
Có những nhà mặt tiền không phải hướng Tây, nhưng bên hông lại là hướng Tây khiến không gian các phòng cũng tăng nhiệt vào mùa hè. Với mặt bên hông không cần phải có những yêu cầu cao về trang trí kiến trúc như mặt tiền các bạn có thể có những giải pháp đơn giản và “xanh” hơn như sau:
– Phương pháp 1: Ốp thêm vật liệu bên ngoài tường,vừa có tác dụng trang trí,vừa có tác dụng cách nhiệt.
– Phương pháp 2: Phủ một lớp lưới nilon, trồng một dàn hoa lên trên lưới nilon kể trên.
– Phương pháp 3: Lắp một sensor đo nhiệt và phun nước lên tất cả các chi tiết trên.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vật liệu cách nhiệt hiệu quả, giá thành hợp lý, tôi xin giới thiệu một số loại như sau:
1. Sơn cách nhiệt chống nóng, trong sơn có chứa các cầu rỗng thủy tinh nên sẽ ngăn ngừa việc truyền nhiệt.
2. Tấm xốp PU dùng để lót hay ốp tường có công dụng cách âm cách nhiệt tốt.
3. Bê tông bọt siêu nhẹ công nghệ Mỹ, tỷ trọng thấp 0,35-0,9 (350-900kg/m3, nhẹ và nổi trong nước). Cấu tạo bởi vữa XM liên kết – bao bọc các bọt khí kín bền vững, nhỏ li ti và không bị nối với nhau làm cho bê tông nhẹ, cách nhiệt, bền vững và không thấm nước. Loại bê tông này dùng để xây tường hoặc lát mái chống nóng rất tốt và hiệu quả.
4. Bông thủy tinh cách nhiệt được làm từ sợi thủy tinh tổng hợp chế xuất từ đá, xỉ, đất sét… Chúng có tính năng cách nhiệt, cách âm, cách điện cao, không cháy, mềm mại và có tính đàn hồi tốt.
5. Nhựa UPVC hiện nay cũng là vật liệu được sử dụng nhiều nhằm giảm thiểu bức xạ nhiệt bên ngoài. Với ưu điểm nổi trội về cách âm, cách nhiệt vật liệu này được sử dụng thay thế cửa sổ, cửa đi, vách ngăn bằng gỗ, nhôm tại các khu vực trực tiếp hứng chịu ánh sáng trong ngôi nhà. Giá vật liệu này hiện đang giao động từ 1.200.000 – 2.000.000 /m2.
6. Nhiều gia đình băn khoăn với việc giảm sức nóng của ánh nắng mặt trời chiếu vào vách tường, đặc biệt là tường hướng Tây. Cách xây thêm một mảng tường dày để cách nhiệt trở nên không hiệu quả thậm chí đó còn là nguyên nhân làm căn nhà trở nên nóng hơn bởi một nguyên tắc đơn giản “Cấu kiện nào càng đặc chắc thì dẫn nhiệt càng nhiều”. Giải pháp khắc phục cho vấn đề này chính là sử dụng sản phẩm gạch Tuynel 3 lỗ chống nóng (kích thước 200x105x200, có cấu tạo độ rỗng 58%, cường độ chịu nén: ≥ 75 kg/cm2, độ hút nước: 8 ÷ 14%, trọng lượng: 3,40 kg/viên), lưu ý khi tăng thêm độ dày cho tường nhà nên để một khe hở giữa bức tường cũ và mới khoảng 5 – 10cm để có hiệu quả cách nhiệt cao hơn.
7. Túi khí Ap: Mặt ngoài là lớp màng nhôm phủ trên tấm nhựa tổng hợp Polyethylene chứa túi khí, tiếp đến là một lớp màng nhôm mạ. Ngăn được 95-97% nhiệt bức xạ bên ngoài, ngăn chặn quá trình hấp thụ nhiệt vào mùa hè và thoát nhiệt vào mùa đông.
Ngoài ra còn rất nhiều những loại vật liệu cách nhiệt khác nữa, các bạn có thể tham khảo thêm tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng hoặc nhờ kiến trúc sư tư vấn.