Skip to Content

Category Archives: Sử dụng vật liệu

Xây nhà với gạch nhẹ

Xu hướng mới trong xây dựng hiện nay là ứng dụng những vật liệu nhẹ, vật liệu nhân tạo vào các công trình nhà ở cao tầng, xưởng, văn phòng… Vật liệu gạch nhẹ vừa mang lại hiệu quả kinh tế như giảm được chi phí nền móng, thi công nhanh, vừa bảo vệ môi trường mà vẫn đẹp và bền vững.

Các loại vật liệu truyền thống có các hạn chế về nhiều mặt như gạch nung phải vắt lên từ đất sét, khi nung tác động đến môi trường và sản phẩm nặng, thi công chậm bởi mang tính thủ công nhiều hơn. Gạch ceramic, granite nhân tạo hay đá, gỗ… cũng vậy, đều phải khai thác trong tự nhiên. Nhưng hiện nay, đã có những vật liệu mới hoàn toàn có thể thay thế, khắc phục được các nhược điểm trước đây của vật liệu cũ nhưng vẫn thẩm mỹ, bền và có những tính năng mới trong xây dựng.

gạch nhẹ

Gạch nhẹ là gì?

Gạch nhẹ là loại gạch block chế tác từ xi măng, cát và chất tạo bọt để làm cho kết cấu viên gạch bên trong có những khoảng rỗng như hình thức tổ o­ng. Do đó sản phẩm nhẹ, cách âm, chịu nhiệt (hệ số dẫn nhiệt thấp hơn gạch nung 2 lần) và dễ khoan, cắt hay đóng đinh trực tiếp. Gạch nhẹ có kích thước cơ bản: 75 x 200 x 600 mm. Với kích thước này, một viên gạch nhẹ chỉ nặng 7,2 kg và trong xây dựng, nó có thể thay thế cho 6 viên gạch ống xây dính lại nặng khoảng 14 kg. Như vậy, cùng một kích thước xây dựng, xây bằng gạch nung sẽ nặng khoảng gấp đôi so với xây bằng gạch nhẹ. Gạch thích hợp xây nhà cao tầng, cơi nới tầng, vách ngăn, căn hộ trên nền đất yếu.

Một m2 tường xây bằng gạch nhẹ chỉ có 8 viên, xây gạch nung phải tốn 65 viên cộng thêm chi phí cho xi măng, cát (làm mạch hồ). Ngoài ra, còn chi phí nhân công, thời gian thi công cũng chậm hơn so với xây bằng gạch nhẹ. Tính chung, nếu xây 100 triệu đồng gạch nung thì xây gạch nhẹ chỉ mất khoảng 80 triệu đồng.

gạch nhẹ

Gạch, đá bê tông xốp

Với những nguyên liệu thông thường như xi măng, cát, thạch cao, sợi thủy tinh… nhà sản xuất đã chế tác ra đa dạng sản phẩm ứng dụng trong trang trí nội, ngoại thất. Người ta dựa vào màu sắc, hình thù, sớ vân bề mặt của sỏi, đá vàng tím, sa thạch, đá o­ng… trong tự nhiên để sản xuất các loại gạch đá bằng nguyên liệu nêu trên. Đó là một dạng sản phẩm “giả” đá ghép, đá ốp tường, gạch giả cổ, sỏi đá từ suối… để thay thế sản phẩm có thật trong tự nhiên.

Ngoài ra, cũng từ những nguyên liệu trên còn có thể chế tác được các vật liệu giả gỗ, cây, tre, đá cubic, đá lát sân vườn, trụ cổng vuông – tròn. Nhờ sản xuất vật liệu tự nhiên bằng giải pháp nhân tạo – bê tông nhẹ nên nó không thấm nước và tạo được nhiều hoa văn, họa tiết, sắc màu, kích cỡ với nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc tính chủ yếu là nhẹ, giảm được sự đòi hỏi khắt khe về kết cấu chịu lực của công trình. Ông Đỗ Văn Tâm, Công ty Vĩnh Cửu cho biết, dòng sản phẩm bê tông nhẹ thì “nhẹ hơn đá thật có cùng khối lượng khoảng 40%”. Những sản phẩm này có ứng dụng đa dạng và thích hợp trong việc hoàn thiện công trình như ốp tường trang trí, lát nền sân, ban công, vườn, lối đi; làm tường rào, cột…

Gạch nhựa vinyl

Bạn khó có thể “phát hiện” đó là đá, gỗ hay thảm “giả”. Nhưng nó lại được làm bằng nhựa cao cấp vinyl, sản xuất giống như thật, như vật liệu có trong tự nhiên. Dù là nhựa nhưng vẫn tạo được hoa văn, màu sắc và đặc biệt không có độ bóng của nhựa – màu bóng vốn bị giới kiến trúc “chê” là thiếu thân thiện với công trình. Không những không bóng mà độ gồ ghề, lồi lõm, dợn sóng của đá, gỗ, hay thảm len đều được thể hiện rõ nét trên bề mặt “gạch nhựa” này.

Đặc điểm sản phẩm là rất nhẹ vì dày chỉ 3 mm và bằng một loại nhựa mềm riêng biệt “nên trọng lượng nhỏ, không đáng kể so với các loại gạch đá khác lát trên các công trình”, ông Bùi Huy Chương, phòng kinh doanh công ty phân phối Đạt Phú Thịnh nói. Ứng dụng vật liệu này có ưu điểm là thi công nhanh, sạch bằng keo dán chuyên dụng trên các loại mặt sàn, kể cả sàn đã lát gạch ceramic, đá… Sau một thời gian sử dụng, nếu muốn, người sử dụng dễ dàng thay đổi chất liệu, màu sắc… Loại gạch nhựa này thích hợp để làm mới nền nhà. Gạch có những đặc tính như không cong vênh, không co nhót, dán không cần ron (joint), vệ sinh dễ dàng; chống được trầy xước, mài mòn hay va đập, chống cháy. Sản phẩm của Hàn Quốc, đa dạng về kiểu dáng, được bảo hành 5 năm với màu sắc và sự biến dạng.

Đá ép trên nhôm, kính, ceramic

Bản thân đá tự nhiên đẹp, gần gũi, sang trọng và thích hợp trong trang trí, xây dựng các loại công trình nhưng nó có “tội” là nặng. Khắc phục khuyết điểm đó, các nhà sản xuất đã có thiết bị hiện đại “thái” mỏng đá tự nhiên ra thành những tấm dày chỉ 3-5 mm. Sau đó, dán nó lên trên các bề mặt vật liệu khác để ứng dụng trang trí thiết kế các công trình. Từ đó, công trình vừa giảm được tải trọng, vừa mang lại các hiệu ứng khác nhau, vừa tạo được bề mặt là đá thật.

Chẳng hạn, đá ép trên tấm nhôm, “sức nặng chỉ bằng 1/7 so với nguyên phiến đá; vào khoảng 8 -14kg/m2”, ông Victor Nguyen, Giám đốc công ty Resource o­ne cho biết. Nhờ tấm đá mỏng ép trên nhôm nên ứng dụng đa cách và linh động trên các hạng mục công trình. Ví dụ, có thể đưa lên cao, ốp các bề mặt cong, vách ngăn, cửa… thậm chí làm trần phòng. Do đá ép trên nhôm nên có khả năng chịu được môi trường nước, sử dụng được trong phòng tắm, làm mặt quầy bếp, sàn nhà…

Đá xẻ mỏng nhưng được ép trên kính hay nền gạch ceramic thì cũng nhẹ hơn là tấm đá “nguyên chất”. Đá ép kính cho hiệu ứng phản quang, chiếu sáng làm nổi vân và sắc của đá tự nhiên. Đá ép trên ceramic lại có tác dụng chống ẩm và cách âm tốt, thích hợp làm sàn nhà…

READ MORE

Lợp nhà bằng ngói màu

Ngói màu là loại ngói xi măng cát được sản xuất theo công nghệ ép mới, đã loại bỏ những khoảng rỗng, hạn chế độ xốp nên nhẹ và đẹp hơn. Ngói được phủ một lớp màu bằng cách trộn trực tiếp bột màu vào nguyên liệu hoặc phun sơn lên bề mặt viên ngói.

Công nghệ sản xuất ngói màu mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chừng 5-6 năm trở lại đây. Sản phẩm chủ yếu sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản, Đức, Italy… Một viên ngói có kích thước trung bình 330 x 400 x 15 (mm), tương đương 10 viên/m2, mỗi viên nặng từ 4 đến 4,2 kg và trọng lượng mái từ 40 đến 42 kg/m2, nhẹ hơn ngói truyền thống khoảng 20%. Ngoài ra, ngói màu có cường độ uốn cao hơn, có khả năng hút ẩm, chống nóng, chống thấm và hạn chế rêu mốc rất tốt. Các gờ chắn nước theo chiều dọc và chiều ngang của viên ngói có thể để ngăn hiện tượng nước tràn qua khe ngói khi trời mưa to và gió lớn. Ngoài ra, do kích thước viên ngói lớn, chi phí cho hệ thống giàn đỡ trên mái có thể giảm được một nửa.

ngoi-mau-trang-tri-nha-1

Ngói màu Nhật Bản

Bề mặt ngói có hai loại, loại trơn, tạo bề mặt ngói bóng đẹp và loại có “vẩy sần” có tác dụng khúc xạ ánh sáng nhằm tránh hấp thụ nhiệt qua ngói để chống nóng và chống trơn trượt khi thi công. Màu sắc phổ biến nhất là đỏ và xanh tím. Ngoài ra, sản phẩm còn được biết đến với các gam màu như đỏ nâu, nâu, xanh thẫm, xanh lá cây, xanh rêu, ghi, đen… Người sử dụng có thể sơn lại màu mới khi cần thay đổi.

Khi lắp đặt ngói màu trên mái có kết cấu bằng gỗ hoặc sắt, độ dốc nên lớn hơn 30%, chiều dài mái ngói cũng không nên quá 10 m (tính từ đỉnh xuống). Nếu mái có kết cấu bằng bê tông thì độ dốc có thể nhỏ hơn 30%, nhưng phải có lớp chống thấm. Nếu mái có độ dốc lớn hơn 60% thì phải bắt vít hoặc đóng đinh toàn bộ phần ngói lợp. Trường hợp các mái lõm phải có máng xối dẫn nước bên dưới để thoát nước hợp lý.

ngoi-mau-trang-tri-nha-2

Công trình lợp mái bằng ngói màu.

Khi lợp, lợp một hàng dưới trước rồi lợp từ dưới lên và từ trái qua phải. Viên ngói đầu tiên bên trái mái lợp cách riềm 30 mm, lấy vuông góc hai chiều của riềm hông và hàng ngói đầu tiên. Mỗi viên ngói được liên kết chắc chắn với thanh chắn bằng vít thép. Gắn ngói nóc bằng vữa dẻo khô, trải đều vào vị trí chân viên ngói, khi vữa đã đủ độ cứng, cắt bỏ phần vữa thừa để làm nhẵn. Đối với ngói cạnh, khi lắp phải áp sát vào riềm trang trí bên hông. Để vệ sinh và hoàn thiện cho quá trình thi công, khi thấy vữa dính lên mặt ngói khô trắng, dùng xốp lau sạch. Bạn cũng có thể dùng sơn acrylic chuyên dụng để sơn lớp vữa đồng màu với ngói.

Độ bền màu của ngói màu là một vấn đề lâu nay vẫn được bàn tới, nhất là trong điều kiện khí hậu ở nước ta. Nếu phủ màu bằng cách cho bột màu trực tiếp vào nguyên liệu thì màu sắc của viên ngói không bóng đẹp và nhanh bị rêu mốc. Nếu dùng sơn màu để phun lên mặt ngoài của viên ngói thì màu sắc bóng đẹp hơn nhưng độ bền màu của viên ngói lại kém vì chất tạo màng hữu cơ dù chất lượng cao đến mấy cũng khó bền trong điều kiện nóng ẩm như ở nước ta. Ngoài ra, sản phẩm này có giá thành khá cao, trong đó, chi phí sơn màu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành. Vì vậy, hiện nay, vẫn có cả hai loại ngói để người dùng dễ dàng lựa chọn.

READ MORE

Dùng kính trong thiết kế và xây dựng nhà ở

Trong cuộc sống hiện đại, kính ngày càng được sử dụng nhiều. Vẻ đẹp và công dụng của sản phẩm này cũng phản ánh một căn nhà hiện đại. Việc hiểu rõ công dụng của kính và biết áp dụng đúng sẽ tăng giá trị và nét thẩm mỹ của căn nhà. Ưu điểm lớn nhất của kính là vật liệu ngăn che nhưng vẫn cho ánh sáng truyền qua.

cac-loai-kinh-1

Trên thị trường có nhiều loại kính. Người dùng có thể lựa chọn theo mục đích sử dụng của mình. Nhưng trước hết là phân loại kính:

* Phân loại kính theo mức độ truyền ánh sáng: kính trong suốt, kính trong mờ, kính mờ đục, kính phản quang, gương.

* Phân loại kính theo cấu tạo: kính thường, kính dán an toàn (2 hoặc 3 lớp kính dán với nhau), kính cường lực (kính tempered hay còn gọi là kính tôi để gia cường chịu lực cho kính).

* Phân loại theo mục đích sử dụng: kính lấy ánh sáng, kính vừa lấy ánh sáng vừa cách âm và cách nhiệt (kính hộp có 2-3 lớp kính, giữa các lớp kính là khí trơ cách âm và cách nhiệt), kính trang trí (kính màu, kính có hoa văn), kính làm vật dụng trong nhà…

Cách dùng

* Dùng kính làm cửa đi, cửa sổ, vách ngăn giữa trong và ngoài nhà: Chọn hướng nhà có tầm nhìn đẹp (vườn, núi, hồ, danh lam…) và nên mở rộng tối đa để đưa ánh sáng vào nhà và tạo điểm nhìn đẹp từ trong cho căn nhà. Khi đó, cửa hay vách ngăn kính đóng vai trò như một bức tranh thiên nhiên hấp dẫn và sống động.

Nếu điều kiện an ninh tốt, nên dùng kính khổ lớn và loại bỏ bớt hoa sắt bảo vệ, có thể dùng kính dán an toàn hoặc kính cường lực. Tuy nhiên do điều kiện khí hậu VN, nếu mặt nhà hướng tây hoặc đông thì không nên mở rộng cửa, vách kính quá lớn để giảm ánh nắng nóng chiếu vào nhà, hoặc phải có biện pháp che nắng thích hợp.

cua-kinh-1

* Dùng trên mái nhà: Áp dụng cho những trường hợp nhà có ít mặt thoáng, hoặc mặt thoáng đứng không đáp ứng đủ nhu cầu chiếu sáng tự nhiên. Mái kính sẽ lấy thêm được ánh sáng cho căn nhà, ví dụ như mái kính trên khu vực thang, trên khu vực thông tầng, trên giếng trời, trên tiểu cảnh trang trí…

Mái nhà ở VN là mặt chịu nhiều ánh sáng và nung nóng nhất trong tất cả mặt của khối nhà, do đó khi sử dụng kính trên mái để lấy sáng cần lưu ý tính toán kích thước của mái kính cho phù hợp, tránh bị chói sáng hoặc bị hấp thụ nhiều nhiệt quá.

* Dùng làm sàn nhà: Một phần của sàn nhà như tầng lửng, hành lang, chiếu nghỉ, bậc thang… có thể dùng kính cường lực làm sàn nhà.

Trường hợp này nên áp dụng đối với nhà mặt thoáng lấy sáng tự nhiên ít, không có giếng trời. Khi đó ánh sáng sẽ xuyên suốt từ mái nhà, qua các sàn tầng dưới để chiếu sáng cho nhà. Hoặc trường hợp này áp dụng với những căn nhà chật hoặc chiều cao tầng thấp, hoặc chủ nhà muốn có cảm giác khác lạ khi “chơi” sàn kính.

Sàn kính có thể đặt trên bể cá ngầm dưới nền nhà, đặt trên một nền trang trí (tranh cát, sỏi…). Kính sử dụng làm sàn phải là kính cường lực, có thể dùng kính trong suốt hoặc kính mờ, tùy vào từng vị trí sử dụng.

cau-thang-kinh-dieu-da-1

* Dùng làm vách ngăn: là kết cấu ngăn chia nhẹ và linh hoạt, dùng để ngăn chia các phòng không có tính riêng tư để tạo cảm giác thoáng đãng, thân thiện hơn, hoặc để lấy sáng từ cửa sổ phòng này qua vách kính sang phòng khác thiếu ánh sáng.

Kính còn được dùng rất nhiều làm vách cabin tắm đứng để ngăn nước giữa khu khô và khu ướt của phòng tắm, làm lan can cầu thang trong nhà chật hoặc làm lan can cho những bancông có hướng nhìn đẹp (lan can kính sẽ không làm cản tầm nhìn đẹp).

* Đồ dùng sinh hoạt trong gia đình: dùng làm bàn kính, giá kính… với ưu điểm là dễ lau chùi, cho ánh sáng truyền qua, không cản tầm nhìn, tạo cảm giác rộng rãi cho nhà. Nên sử dụng những đồ dùng kính này trong những căn nhà hoặc phòng có diện tích nhỏ.

 

READ MORE

Tranh kính – nghệ thuật trang trí nội thất mới

Việc sử dụng tranh kính trong trang trí nội thất đã trở nên khá phổ biến ở các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ. Còn tại Việt Nam, loại hình nghệ thuật trang trí này mới chỉ thực sự phát triển khoảng hơn 10 năm gần đây.

Tranh kính ngày xưa thường được dùng trang trí cho các cung điện, lâu đài, nhà thờ, được ghép bởi những mảng kính màu với nhau bằng vật liệu đặc biệt để tạo thành những bức tranh đầy màu sắc. Ánh sáng chiếu qua tranh kính sẽ đem lại hiệu quả cao, giúp không gian trở nên lung linh. Do xuất xứ của tranh kính từ những nơi cổ kính, sang trọng nên chúng thường có nét cổ điển, sang trọng cho không gian kiến trúc. Với nghệ thuật kiến trúc hiện đại, tranh kính được áp dụng như một thủ pháp trang trí pha nét nghệ thuật thủ công.

Từ chỗ chỉ trang trí cho các nhà hàng, khách sạn… nay tranh kính đã lan rộng ra các công trình nhà ở, văn hóa và đặc biệt là tôn giáo. Tranh kính được trang trí nhiều vị trí trên công trình kiến trúc như vòm phẳng, cong, cửa đi, cửa sổ, bức hoành phi, mặt tiền, vách ngăn, các loại đèn trang trí ốp tường, treo trần, để bàn…

tranh-kinh-trang-tri-1

Sản phẩm kính màu ghép được sản xuất hoàn toàn trên nguyên vật liệu nhập ngoại, với 24 gam màu chuẩn và hơn 360 gam màu phụ có sẵn trong kính, kết cấu bởi những hoa văn, họa tiết được ghép lại với nhau tạo thành mặt phẳng hoặc mặt cong kính. Sản phẩm được làm ra bằng thủ công do các nghệ nhân và thợ lành nghề Việt Nam. Trải qua các công đoạn như thiết kế tạo mẫu, cắt kính và mài dũa, gia công vật liệu và tạo đường nét, vẽ, qua nhiệt độ nung cao để tạo kết dính chất liệu, thi công lắp ráp cho các công trình.

tranh-kinh-trang-tri-2

Tuy nhiên hiện nay, do phương pháp chế tác tranh kính bằng phương pháp ghép kính màu khá cầu kỳ, giá thành cao nên người ta nghĩ ra phương pháp vẽ trực tiếp lên kính bằng hóa chất đặc biệt rất khó phai màu. Phương pháp này làm cho giá thành tranh kính giảm xuống nhiều. Hiện nay giá tranh kính dao động từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/m2 theo từng chủng loại.

Tranh kính là sản phẩm của sự sáng tạo và sắp đặt. Khi dùng tranh kính, bạn nên nhờ sự tư vấn của nghệ nhân hoặc kiến trúc sư. Tranh kính khi trang trí đúng cách sẽ đem lại hiệu quả rất cao, nhưng nếu tranh kính sử dụng ẩu sẽ có tác dụng ngược lại, làm cho căn phòng bị cảm giác quá diêm dúa và màu mè. Tranh kính chỉ có tác dụng thực sự khi được ánh sáng chiếu xuyên qua và thường được trang trí tại vị trí ranh giới giữa sáng và tối.

READ MORE

Khung thay thế tường chịu lực

Với sự phát triển kỹ thuật xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép, tường không còn là phần chịu lực chính của công trình. Toàn bộ tải trọng của mái và sàn nhà được truyền vào hệ thống đà, cột và chuyển xuống móng. Khi đó, tường chỉ còn công dụng ngăn chia và bao bọc.

Khi đó, tường không còn bị giới hạn bởi các yếu tố bề dày, vật liệu, cách bố trí và các khoảng trống bị hạn chế như với tường chịu lực. Nhiều người gọi là khung chịu lực và tường xây chèn. Cửa đi, cửa sổ và các khoảng trống khác trên tường được mở rộng tối đa theo cả hai phương đứng và ngang. Mặt bằng bố trí tường hoàn toàn tự do và không bị ràng buộc bởi vật liệu.

Việc ra đời của cấu trúc nhà khung chịu lực đã giải phóng hệ thống tường theo phương thức cổ điển, tạo nên một cuộc cách mạng trong kiến trúc. Trường phái kiến trúc hiện đại (modernism) ra đời với cấu trúc điển hình này, đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo kiến trúc công trình trong suốt thế kỷ 19 và kéo dài đến nay. Tuy nhiên ở Việt Nam, trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng, việc áp dụng hệ khung chịu lực một cách phổ biến mới chỉ gần đây, rất chậm so với thế giới.

melbourne 111

Trường trung học Victorian ở Melbourne

Cấu trúc khung chịu lực thay thế tường chịu lực đã tạo nên các không gian nội thất vô cùng linh hoạt. Tường ngăn chia được bố trí rất tự do và hoàn toàn có thể thay đổi vị trí theo yêu cầu. Tại các nước tiên tiến, tường ngăn chia thường không được xây bằng gạch như ở Việt Nam, vì các nhược điểm: tốc độ xây dựng chậm, tải trọng bản thân lớn, khó thay đổi theo yêu cầu và rất phiền phức khi thực hiện (gạch, cát, xi măng…) nhất là trong các tòa nhà công cộng đang được sử dụng. Tường ngăn chia có thể cố định hoặc di động theo các thanh ray, vật liệu rất đa dạng tùy theo ý đồ của người thiết kế.

Tường bao che tuy hiện nay không phải là tường chịu lực, nhưng vẫn phải được cấu tạo bằng loại vật liệu “chịu lực” lớn do yếu tố an toàn. Tường bao che còn phải có được tính cách nhiệt, cách âm tốt.

Tường bao che bằng gạch thường phải dày, nhiều trường hợp phải có lớp cách nhiệt ở giữa. Vật liệu hoàn thiện cho tường gạch phải có tính chống thấm nước, chịu được tác động của nắng, gió và phải có độ co giãn cao để tránh rạn nứt.

London city hall

London City Hall

Kính dùng cho tường bao che phải là kính cường lực có khả năng chịu va đập cao gấp nhiều lần kính bình thường, có hệ số phản xạ nhiệt lớn. Nhiều lúc người ta phải sử dụng kính hai lớp, có khoảng trống ở giữa làm tăng tính cách âm và cách nhiệt cho công trình. Để tăng hiệu quả trong suốt, người ta có thể thực hiện những mảng tường rất lớn bằng kính và có cảm giác không có khung chịu lực. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều người thiết kế áp dụng kiểu mặt đứng “curtain wall” cho công trình và quả thật là “đại nạn” cho người sử dụng nếu không dùng kính và khung chịu lực đúng tiêu chuẩn.

Tường ngăn chia ở Việt Nam thường được xây bằng gạch, hoàn thiện bằng sơn nước hoặc các loại vật liệu trang trí. Ở các nước tiên tiến, tường ngăn chia thường bằng thạch cao, gỗ, kính hoặc cả đá tự nhiên… và được lắp ráp trên khung chịu lực bằng kim loại nhẹ. Trong một số trường hợp, tường ngăn chia còn là các tấm di động trên đường ray để tăng khả năng linh hoạt của không gian nội thất.

Do có một vị trí áp đảo trong mỗi công trình nên tường thường được trang điểm bằng nhiều loại vật liệu. Thông thường, người ta hay sử dụng sơn nước. Tuy nhiên, cũng có những vật liệu trang điểm thông dụng khác như gạch ceramic, đá tự nhiên, gỗ, nhôm, thép, kính…

READ MORE

Mành rèm tự động

Hệ thống mành rèm tự động thích hợp với những căn phòng diện tích lớn, có hệ thống khung cửa sổ rộng như các khu văn phòng, các căn hộ penthouse… Thay vì phải dùng sức và phải ra tận nơi để kéo từng chiếc rèm, người sử dụng chỉ cần một chiếc điều khiển từ xa.

Sản phẩm được nhập hoàn toàn từ Trung Quốc hoặc cao cấp hơn là Pháp, bao gồm cả vật liệu làm rèm (vải hoặc polyme), động cơ cho tới các loại phụ kiện khác.

rem 4

Rèm điện sử dụng hai loại động cơ. Với rèm kéo ngang, động cơ hình trụ, được lắp ở một bên của đường ray treo rèm. Công suất từ 30 đến 45 W. Còn với rèm cuốn, động cơ hình ống, nằm gọn ở phía trong ống cuộn rèm. Bộ điều khiển rèm gồm hai phần. Thứ nhất là một bộ nguồn điện kiêm thu nhận tín hiệu được gắn với động cơ. Bộ phận này giúp người dùng có thể trực tiếp điều khiển rèm bằng tay giống như cửa cuốn. Ngoài ra, nó còn là bộ thu tín hiệu điều khiển từ xa. Thứ hai là chiếc điều khiển cầm tay, có thể điều khiển trong phạm vi hàng trăm mét và xuyên tường.

rem 2

Nếu nhà bạn trang trí theo kiểu cổ điển, hệ rèm mở ngang sẽ rất hợp vì sử dụng vải rèm thông thường, cho phép bạn thay đổi tuỳ thích. Còn nếu nhà bạn thiết kế theo kiểu hiện đại, các loại rèm cuốn điện sẽ là l‎ý tưởng. Khi muốn che khung cửa, chỉ cần bấm nút, rèm sẽ từ từ buông xuống. Nếu bạn muốn ánh sáng vào, chỉ cần bấm nút cuộn rèm, tấm rèm sẽ được cuốn gọn lên phía trên bậu cửa. Không chỉ giới hạn ở các khung cửa sổ và mặt tiền, rèm điện còn có thể được ứng dụng để che các giếng trời, mái vòm kính…

Ưu thế rõ rệt nhất của sản phẩm là tạo sự tiện dụng cho người sử dụng. Dù một căn nhà có đến 10 bộ rèm thì cũng vẫn chỉ cần một chiếc điều khiển từ xa. Người dùng có thể cùng lúc mở hoặc đóng nhiều rèm, hoặc đóng mở từng chiếc theo ý ‎thích. Do điều khiển bằng sóng vô tuyến nên dù đứng ở chỗ nào trong nhà, bạn cũng vẫn có thể đóng mở rèm mà không lo bị vật cản như điều khiển TV.

rem 1

Về chất liệu rèm, bạn có thể chọn vải thường cho các loại rèm mở ngang, hoặc chọn vải dệt bằng polyme cho các loại rèm cuốn. Với vải polyme, không cần giặt mà chỉ cần lau bằng nước xà phòng loãng khi cần. Thời gian bảo hành thông thường cho một hệ thống là 5 năm. Tùy từng trường hợp, bạn cũng có thể sử dụng hệ thống rèm đã có sẵn trong nhà, chỉ cần lắp thêm động cơ.

Ngoài các ứng dụng cho gia đình, hệ thống mành rèm điện (màn sáo ngang, màn sáo dọc và rèm cuốn điện) cũng rất hợp với các văn phòng, công sở hiện đại. Đồng thời, các không gian cũng được sử dụng linh hoạt hơn với các tấm rèm hoạt động như các vách ngăn ảo, chỉ xuất hiện khi cần thiết.

Hiện sản phẩm này có giá thành tương đối đắt, gấp gần 3 lần so với sản phẩm thông thường, khoảng hơn 500.000 đồng/m2. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng với diện tích rộng, giá thành sẽ giảm bớt, chỉ khoảng hơn 300.000 đồng/m2 vì diện tích rộng hay hẹp cũng chỉ cần một động cơ.

 

READ MORE

Sàn nhẹ BubbleDeck

BubbleDeck là công nghệ sàn nhẹ có xuất xứ từ Đan Mạch, sử dụng những quả bóng nhựa tái chế để giảm trọng lượng kết cấu sàn. Công nghệ này có thể ứng dụng cho khu văn phòng, bệnh viện, trường học, nhà ở, nhà để xe và các công trình công cộng khác.

Những quả bóng bằng nhựa tái chế là bước đột phá của BubbleDeck. Chúng giúp thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở giữa của bản sàn, giúp giảm trọng lượng kết cấu, giảm kích thước hệ cột, vách, móng, tường, vách chịu lực và tăng khoảng cách lưới cột. Bản sàn BubbleDeck là loại kết cấu rỗng, phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực nên có nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật và kinh tế. Chịu lực theo hai phương, giảm nhẹ trọng lượng bản thân, khi kết hợp với hệ cột và vách chịu lực, BubbleDeck sẽ có khả năng chống động đất tốt.

bub

Chẳng hạn, một tấm sàn đặc sẽ gặp vấn đề khi phải vượt nhịp lớn do ảnh hưởng của trọng lượng bản thân. BubbleDeck giải quyết vấn đề này bằng cách giảm được 35% lượng bê tông trong tấm sàn nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực tương ứng. Vì vậy, khi có cùng khả năng chịu lực, một tấm sàn BubbleDeck chỉ cần sử dụng 50% lượng bê tông so với một tấm sàn đặc. Với cùng độ dày, tấm BubbleDeck có khả năng chịu tải gấp đôi sàn đặc nhưng chỉ tiêu thụ 65% lượng bê tông. BubbleDeck có thể được tính toán tương tự như tấm sàn đặc.

bub1

Tính linh hoạt trong thiết kế của BubbleDeck khá cao nên có thể áp dụng cho nhiều loại mặt bằng công trình. Thời gian thi công và các chi phí dịch vụ kèm theo cũng thấp hơn vì khối lượng bê tông thi công giảm, chỉ 2,3 kg nhựa tái chế thay thế cho 230 kg bê tông/m3. BubbleDeck khá thân thiện với môi trường do giảm được lượng thải năng lượng và khí carbonic.

Sàn BubbleDeck được cấu tạo theo 3 lớp gồm lưới thép gia cường ở trên, tiếp theo là bóng rỗng từ nhựa tái chế và cuối cùng là lưới thép và đổ bê tông (khoảng 60 mm tùy chọn). Lưới thép gia cường có nhiệm vụ phân bổ và cố định các trái bóng tại những vị trí chính xác, còn các trái bóng định hình thể tích lỗ rỗng, giúp giữ vững định dạng của lưới thép gia cường đồng thời ổn định vị trí của lưới bóng. Khi tiến hành đổ bê tông phủ kín lưới thép, sẽ có được tấm sàn rỗng toàn khối.

system%20bub

Cấu tạo sàn BubbleDeck

Quá trình thi công được thực hiện theo nhiều bước. Trước tiên, cần phải lắp hệ thống chống tạm thời. Các dầm đỡ được đặt song song, cách nhau từ 1,8 đến 2,4 m. Tiếp theo, các cấu kiện tấm sàn bán đúc sẵn sẽ được gép vào vị trí đã xác định trên bản vẽ. Sau đó là công đoạn ghép cốt thép liên kết (trên và dưới), cốt thép chịu cắt, cốt thép biên và ván khuôn. Trước khi đổ bê tông, cần kiểm tra mối nối giữa các cấu kiện, làm sạch và làm ẩm lớp bê tông đúc sẵn dưới. Một đến hai tuần sau khi đổ bê tông, có thể tháo hệ chống tạm thời.

Giá thành thi công sẽ được tính toán dựa trên quy mô từng công trình. Sản phẩm được phân phối trực tiếp từ xưởng tới công trường.

READ MORE

Trang trí kính bằng phim quang học

Phim dán kính quang học 3M Accentrim là một phương pháp trang trí mới và cao cấp, làm sinh động cho những ô kính đơn điệu. Đây là giải pháp thay thế lý tưởng cho hình thức chạm trổ lâu nay.

Phim 3M Accentrim có xuất xứ từ Mỹ, bề mặt phủ một lớp lăng kính (microreplication) có khả năng tiếp nhận ánh sáng, tạo nên sự lấp lánh và đồng nhất, tạo cảm tưởng như kính trong suốt khi dán lên bề mặt gương hoặc kính.

Phim quang hoc 1

Ưu thế của loại phim trang trí này so với phương pháp chạm trổ truyền thống là có thể tạo hoa văn ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt, dễ dàng thay đổi và vẫn rất bền. Trên những mẫu phim có sẵn, cũng có thể tạo được những hoa văn như ý muốn. Trước khi dán, cần lưu ý kính phải làm sạch hoàn toàn. Môi trường dán không được bụi, và nhiệt độ tốt nhất là khoảng 30 độ C.

Tại Việt Nam, sản phẩm đã bắt đầu xuất hiện kể từ đầu tháng 7, thông qua Công ty TNHH 3M Việt Nam, chủ yếu nhập từ Mỹ, một số khác do Hàn Quốc sản xuất, nhưng cũng vẫn phải dùng nguyên liệu của Mỹ. Sử dụng trong không gian nội thất, 3M Accentrim có thể bền được tới 10 năm, còn nếu dán ở các khung kính chịu tác động của khí hậu ngoài trời (nắng, mưa, gió…), thời hạn sử dụng là 5 năm. Tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, hiện 3M Accentrim được dán nhiều trên các khung kính tại các showroom, cửa hàng, cửa Eurowindow…

Phim quang hoc 2

Trang trí trên những ô kính

Khi sử dụng, bóc lớp phủ PET ra khỏi tờ Accentrim, xịt dung dịch IPA 50% (cồn isopropyl alcohol 50%) lên kính và tờ Accentrim, định vị và dán tờ Accentrim lên kính. Để hoàn thiện, sau đó dùng gạc mềm gạt hết nước và bọt khí. Cuối cùng, bỏ nốt phần PET còn lại.

Phim trang trí loại đường diềm với khổ trung bình từ 1-3 cm và chiều dài tùy ý (giá trung bình 30.000 đồng/m); loại hoa văn, theo miếng hình vuông có kích thước 80×80 mm, 85×85 mm, 110×110 mm, 130×130 mm hoặc 150×150 mm (giá thành từ 90.000 đến 160.000/miếng). Ngoài ra, 3M Việt Nam còn cung cấp những sản phẩm có kích thước rất lớn, khổ phim lên tới hơn 40 cm, để có thể thiết kế theo yêu cầu của chủ nhà.

READ MORE

Ưu thế của vách ngăn và trần thạch cao

Thạch cao hiện là vật liệu được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực trang trí nội thất. Nét nổi bật của sản phẩm là đa dạng, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật như chống cháy, chống ẩm, cách âm và tiêu âm.

Tấm thạch cao chống cháy có tính chất vật lý và hóa học có khả năng chống cháy lên đến 2 tiếng tùy theo chiều dày cũng như số lớp tấm lắp đặt cho vách. Loại tấm chống cháy thường được sử dụng cho khu vực thoát hiểm và phòng lưu trữ dữ liệu, thông tin. Ngoài ra, sản phẩm có khả năng chịu được trong môi trường ẩm ướt, thường sử dụng cho nhà bếp, nhà tắm, khu vực có độ ẩm cao…

Mức độ cách âm của vách và trần thạch cao phụ thuộc vào chiều dày tấm cũng như số lớp lắp đặt cho vách và trần. Khả năng chống ồn của vách khoảng 70 dB do trên tấm có những lỗ tán âm và phía sau được phủ lên một lớp giấy hút âm. Khả năng tiêu âm lên đến hơn 70%.

tt hoi nghi qg

Trung tâm Hội nghị quốc gia là công trình có sử dụng tấm trần thạch cao trong trang trí nội thất

Thạch cao hiện nay dễ kết hợp với đèn trang trí nên có thể tạo được không gian kiến trúc hài hòa, bắt nhịp cùng với cảnh quan xung quanh, có thể che giấu các hệ thống kỹ thuật công trình như phần lạnh, điện, nước, đường truyền Internet… Với trần chìm, do đặc tính dễ cắt, ghép, uốn cong nên có thể tạo được nhiều hình dạng đặc biệt theo ý muốn như hình khối 3D dạng uốn lượn.

Nhờ trọng lượng nhẹ, chỉ bằng khoảng 12% trọng lượng vách ngăn bằng tường gạch nên vách thạch cao làm giảm đáng kể tính tải khi tính toán thiết kế kết cấu cho công trình, giảm kích thước nền móng, tiết diện đà, cột, trọng lượng thép chịu lực, có thể tiết kiệm khoảng 15% chi phí xây dựng cho cả công trình. Thạch cao nhẹ cũng dễ vận chuyển, không mất thời gian chờ khô, rút ngắn thời gian thi công. Mức độ an toàn cũng cao hơn khi có những cơn địa chấn, động đất.

Tấm trần thạch cao không gây hại cho sức khỏe do không chứa amiăng, phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không co giãn, không bị rạn nứt.

Sản phẩm này cũng dễ dàng kết hợp với các VLXD khác như sơn, giấy dán, fabric, veneer, vẽ… Hiện trên thị trường, sản phẩm có giá khoảng 200.000 đồng/m2 (vách ngăn); 80.000 đồng/m2 (tấm trần chìm) và khoảng 75.000 đến 80.000 đồng/m2 (tấm trần nổi).

 

READ MORE

Đá nhân tạo Marvello

Marvello là một sản phẩm đá nhân tạo, được dùng làm vật liệu trang trí nội thất, đa dạng về màu sắc và hoa văn, có thể ứng dụng ở nhiều không gian khác nhau và khả năng sử dụng khá linh hoạt.

solid2

Đá nhân tạo Marvello có thể thay thế cho đá hoa cương, granite, gạch ốp, gỗ hay các loại vật liệu có bề mặt tráng phủ khác. Sản phẩm thường được dùng trong trang trí nội thất các công trình dân dụng, công nghiệp, thương mại và những môi trường mang tính sáng tạo. Marvello lý tưởng cho khu vực quầy lễ tân, quầy bar, mặt bếp, mặt bàn làm việc, bộ mặt bàn và chậu lavabo hoàn chỉnh, phòng thí nghiệm, bệnh viện và trung tâm y tế, các công trình dân dụng và thương mại, ốp tường nội thất, chân tường và đường viền…

solid3

 Marvello được cấu tạo từ hỗn hợp Metyla Metha Acrylate và Polyeste nên tạo được bề mặt cứng, đặc và không có lỗ rỗng. Nhờ quá trình thi công tiên tiến, đá nhân tạo Marvello có thể dùng nhiệt để định hình theo mọi ý muốn. Do vậy, vật liệu có thể cắt, chạm khắc, khoan, soi rãnh bằng những dụng cụ thông thường của ngành mộc. Các chất kết dính chuyên dụng sẽ giúp Marvello không có bất kỳ một vết nối nào. Cho dù được sản xuất dưới dạng gia công hay đúc khuôn, đá nhân tạo Marvello đều được ứng dụng một cách đa dạng.

solid5

Marvello là sự lựa chọn mới trong ngành xây dựng vì nó có thể đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu về thiết kế, gia công đơn giản và chịu được mọi điều kiện khắc nghiệt trong quá trình sử dụng. Sản phẩm có chừng 400 màu sắc và kiểu vân, có thể hiện thực hóa các ý tưởng của người sử dụng và khá kinh tế.

Nhược điểm lớn nhất của sản phẩm là bề mặt có thể dễ bị xước trong quá trình sử dụng do khá trơn và bóng. Ngoài ra, cũng cần hạn chế những tác động mạnh như chặt chém, va đập… Theo đại diện nhà cung cấp, để hạn chế các vết xước, hoàn toàn có thể đánh bóng lại theo yêu cầu. Hiện, Marvello được bán trên thị trường với giá từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/m2. Sản phẩm không được bảo hành nhưng sẽ có bảo dưỡng định kỳ.

READ MORE

Xây nhà bằng vỏ trấu

LaMai là sản phẩm vật liệu xây dụng nhẹ không nung được làm từ vỏ trấu của Công ty Lâm Mai mới được đưa ra thị trường sau 7 năm nghiên cứu. Sản phẩm được sử dụng cho tấm tường, sàn, trần và mái.

Sản phẩm được công ty Lâm Mai nghiên cứu trong 7 năm và thử nghiệm nhiều lần mới cho ra thị trường. Thành phần LaMai gồm vỏ trấu nghiền, mụn dừa, hạt xốp, xi măng, phụ gia và lưới sợi thuỷ tinh. Trọng lượng của vật liệu nhẹ hơn gạch xây thông thường khoảng 50% và có tính cách âm, cách nhiệt và không thấm nước cao. Đây là vật liệu thích hợp với các vùng như miền Tây, miền Trung bị ngập úng, lũ lụt và nền đất yếu. Sau khi sử dụng có thể nghiền nát để tái chế lại.

Nhờ trọng lượng nhẹ, nên khi sử dụng vật liệu này làm vách và sàn, móng căn nhà sẽ không phải gia cố nhiều như xây bằng gạch. Lúc ấy cột nhà cũng không cần làm lớn. Nếu làm nhà ba tầng chỉ cần cột 10 x 15cm. Những điều này giúp giảm chi phí đến gần 1/2 so cách thông thường. Trong khi thi công do vách và sàn theo dạng lắp ghép nên công thợ sẽ giảm xuống rất nhiều. Giá thành ước tính xây thô nhà ở khoảng 1,2 – 1,4 triệu/m2. Một ưu điểm của sản phẩm là sau khi xây dựng muốn di chuyển có thể tháo dỡ toàn bộ và lắp ghép ở vị trí mới. Nhà sẽ xây theo nguyên tắc có khung xương bằng sắt hoặc thanh bê tông chịu lực, sản phẩm được ghép vào bằng cách bắt vít. Tường tô trát một lớp vửa mỏng do bề mặt vật liệu đã phẳng. Riêng sàn có thể lát gạch, trát. Khi đổ cột có thể dùng tấm LaMai mỏng thay cho cốp pha ốp bên ngoài và sau đó để luôn sẽ cho bề mặt phẳng. Vật liệu này còn thích hợp cho việc xây nhà trên nền đất yếu, sửa chữa nhanh như sửa nhà nâng thêm tầng, thay đổi các chức năng phòng trong nhà.

LaMai có giá từ 80.000 – 100.000đ/m2 với kích thước 1 x 2m độ dầy từ 15 – 22mm. Hiện trên thị trường đang có sản phẩm tương tự nhập từ nước ngoài. Chẳng hạn tấm Cemboar. Loại này được làm bằng vụn gỗ, sợi cellulose, xi măng và phụ gia với giá khoảng 150.000đ/m2.

Ông Lâm Ngọc Hải giám đốc công ty cho biết: “Sắp tới công ty sẽ tung ra sản phẩm trọn gói cho căn nhà từ khung bê tông lắp ghép bán cùng sản phẩm, tấm vách, sàn, trần, cầu thang và mái với căn nhà một trệt hai lầu. Thời gian thi công dự kiến từ 15 – 30 ngày”. Nước ta là nước nông nghiệp có rất nhiều vật liệu bỏ đi như cùi bắp, thân bắp, bã mía, trấu, vỏ dừa… là nguồn nguyên liệu quá dồi dào cho các sản phẩm vật liệu xây dụng sinh thái bảo vệ môi trường.

Trong thực tế, không chỉ có vỏ trấu, đã có rất nhiều nghiên cứu các vật liệu xây dụng nhẹ không nung từ rơm, mạt cưa, cây hoặc lõi trái bắp của các viện khoa học nhưng có rất ít sản phẩm thương mại hoá như LaMai.

 

READ MORE

Xu hướng cầu thang hiện đại

Xu hướng thiết kế và trang trí cầu thang hiện nay là đơn giản, tiện dụng và an toàn. Cầu thang càng ít chi tiết rườm rà càng hiện đại và càng không bị lỗi mốt.

READ MORE