Đây là nội dung đáng lưu ý trong Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Chính phủ ban hành ngày 7/2. Cụ thể, cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với nhà riêng lẻ thì thời hạn cấp giấy phép không quá 15 ngày.

Cấp phép xây dựng chậm gây thiệt hại phải bồi thường

Nghị định nêu rõ: ”Cơ quan cấp phép cũng có trách nhiệm niêm yết công khai điều kiện, trình tự và các thủ tục cấp giấy phép xây dựng tại trụ sở cơ quan mình. Cung cấp bằng văn bản thông tin liên quan đến cấp phép xây dựng khi có yêu cầu của người xin cấp giấy phép. Thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 7 ngày làm việc, kể từ khi được yêu cầu”.

Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm.

Trường hợp do cấp phép chậm mà người xin phép xây dựng khởi công công trình thì người có thẩm quyền cấp phép phải bồi thường thiệt hại cho người xin phép xây dựng khi công trình bị định chỉ xử phạt hành chính hoặc không phù hợp với quy hoạch xây dựng, bị buộc phải dỡ bỏ.

Cơ quan cấp phép xây dựng có quyền đình chỉ xây dựng công trình khi phát hiện có vi phạm. Trường hợp đã có quyết định đình chỉ xây dựng mà người được cấp phép xây dựng vẫn tiếp tục vi phạm thì thu hồi giấy phép xây dựng và chuyển cho cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, cơ quan cấp phép có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện, nước, đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc công trình xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.

Cơ quan cấp phép xây dựng không được chỉ định tổ chức, cá nhân thiết kế hoặc lập các đơn vị thiết kế trực thuộc để thực hiện thiết kế cho người xin cấp phép xây dựng

Quy hoạch ”treo” cũng được cấp phép xây dựng

Cũng theo Nghị định trên, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, cấu trúc chịu lực và an toàn của công trình; công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô nhỏ thuộc các xã vùng xâu vùng xa; nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị; điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt…

Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã công bố quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa thực hiện (quy hoạch ”treo”) thì chỉ được cấp phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch. Trường hợp xin cấp phép xây dựng tạm có thời hạn thì trong đơn xin cấp phép xây dựng còn phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng.

Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh được uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I theo phân cấp công trình tại Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng (vừa ban hành cuối tháng 12/2004); công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hoá; công trình tượng đài; quảng cáo, tranh hoành tráng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý; những công trình trên các tuyến đường phố chính đô thị do UBND cấp tỉnh quy định.

UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do huyện quản lý. UBND cấp xã cấp giấy phép nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính xã quản lý theo quy định của UBND cấp huyện.

Nghị định trên hướng dẫn Luật Xây dựng, có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, thay thế cho các quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.