Nghị định 17 tạo một bước ngoặt trong chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo ở mức tối đa, công tác giải phóng mặt bằng hứa hẹn nhanh hơn, ít khiếu kiện hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã nhận xét như vậy về Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được ban hành

* Ông có thể nói rõ hơn về “bước ngoặt” đó, thưa Bộ trưởng?

– Trong chính sách đất đai, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh phải tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước khi thu hồi đất. Nhưng trên thực tế thời gian qua, ở nơi này nơi khác đã chưa thể hiện được quan điểm đó. Việc đền bù được thực hiện theo giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định mà giá này thường thấp, thậm chí rất thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Mặt khác, khi lên phương án đền bù, các địa phương thường chỉ tính đến việc bồi thường bằng tiền mà ít quan tâm xem người ta sẽ sinh sống như thế nào, thành ra có chuyện nhiều gia đình nông dân được đền bù cả đống tiền, đã dùng tiền sửa nhà, sắm xe nhưng sau đó thì không có nguồn thu nhập thường xuyên nào cả.

Nghị định (NĐ) 17 giải quyết cả hai vấn đề bất cập đó. Thứ nhất, giá đền bù phải sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp giá do UBND tỉnh, thành phố quy định không sát giá thị trường tại thời điểm thu hồi thì phải định giá lại. Có nghĩa rằng, sẽ không lệ thuộc vào “khung giá” trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Thứ hai, một giải pháp mang tính căn cơ hơn, đó là hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp nếu không được bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được giao đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì việc tái định cư nhất thiết phải gắn với tạo việc làm từ sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp.

* Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất phi nông nghiệp để giao khi giải phóng mặt bằng thì sao, thưa ông?

– Khi hướng dẫn thi hành NĐ này, chúng tôi sẽ quy định rõ. Ví dụ, khi lập dự án một khu công nghiệp cần 200 ha, địa phương phải lên phương án thu hồi nhiều hơn, chẳng hạn 220 ha. 20 ha dư ra đó được bố trí làm đất tái định cư và đất sản xuất dịch vụ phi nông nghiệp để giao cho hộ có đất bị thu hồi. Rất nhiều dịch vụ phục vụ khu công nghiệp mà những hộ nông dân không còn đất sản xuất có thể làm để bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, còn một chính sách hỗ trợ cũng rất cụ thể khác của NĐ 17, đó là trong trường hợp hộ bị thu hồi đất là hộ nghèo (đã từng là hộ nghèo hoặc rơi vào diện hộ nghèo sau khi thu hồi đất) sẽ được hỗ trợ vượt nghèo trong vòng từ 3 – 10 năm.

* Thưa Bộ trưởng, chính sách thì lúc nào cũng tốt cả nhưng từ chính sách đến thực tế là một khoảng cách mà đôi khi không đạt tới. Chẳng hạn trước đây chúng ta cũng quy định về việc người bị thu hồi đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng thực tế như ông biết…

– NĐ 197 trước đây chỉ quy định hỗ trợ dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp nhưng thực tế số người đi học nghề không nhiều. Bây giờ thì có đất làm dịch vụ, con đường chuyển đổi nghề nghiệp rộng hơn và thuận lợi hơn nhiều. Có những dịch vụ thậm chí không phải học gì nhiều như cho thuê nhà trọ cho công nhân ở các khu công nghiệp chẳng hạn.

* Nhưng lấy gì để bảo đảm rằng, những quy định đó được các địa phương thực hiện nghiêm túc?

– Không có cấp ủy, chính quyền địa phương nào lại không quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, nếu có chỉ là cá nhân cán bộ này, cán bộ khác mà thôi. Chỉ có điều chính sách của chúng ta lâu nay chưa rõ ràng nên nhiều nơi giải quyết không thỏa đáng khiến dân bất bình. Các chính sách đã quy định trong NĐ 17 rất rõ ràng, cụ thể; nếu địa phương nào không làm, người dân sẽ khiếu nại. Theo tôi, hiện chỉ còn hai việc cần tiếp tục hoàn hiện, đó là xây dựng hệ thống định giá đất khoa học, khách quan và xây dựng hệ thống tài phán hành chính. Có hai công cụ đó thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhẹ nhàng hơn.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!