Hơn một tuần nay từ khi triển lãm TP sông Hồng mở cửa để người dân vào xem góp ý, hàng nghìn hộ dân ở khu vực Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên, Phúc Xá… như ngồi trên đống lửa.

Đây là các phường nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. có thể nằm trong quy hoạch giải tỏa nếu dự án TP sông Hồng thành hiện thực. Những mảnh đất cách đây nửa tháng vẫn hét giá 20-25 triệu đồng/m2 giờ không còn ai đoái hoài. Người đang tìm mua thì dừng lại nghe ngóng. Người có đất bán thì tiếc hùi hụi vì không kịp bán nhanh từ trước.

Bà Nga ở Tứ Liên có mảnh đất 70 m2 đang rao bán, tiếc hùi hụi: “Tôi nói mà ông nhà tôi không chịu nghe. Mấy hôm trước họ trả 23 triệu đồng/m2 không bán giờ 15 triệu cũng chẳng có ma nào thèm ngó”.

Nhiều nhà lâm vào tình trạng khóc dở mếu dở, như bà Luyến ở Nhật Tân. Bà có mảnh đất 85 m2 định bán một nửa để lấy tiền làm lại căn nhà cấp 4 đang ở. Thỏa thuận xong xuôi đã hẹn người mua 20/9 lên quận làm giấy tờ giao tiền thì thành phố mở triển lãm, người mua gọi điện đán tháo. Nhà cũ đã dỡ xong nhưng không bán được đất nên không có tiền làm. Bà đành ngậm ngùi gom đồng lương hưu tiết kiệm xây lại một căn nhà cấp 4 khác.

Nhà ông Khuê ở Nhật Tân đã xây xong xuôi. “Vợ chồng con cháu vừa dọn đến ở được mấy tháng giờ lại nghe đến dự án này, không biết thực hư ra sao nhưng cả tuần nay tôi không ngủ được”, ông tâm sự. Gia đình ông trước đây ở Nguyễn Lương Bằng phải rời về đây vì dự án đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Nhà cửa vừa xây xong còn chưa ráo sơn. Ông sợ rằng chỗ này lại nằm trong quy hoạch, gia đình ông lại đứng trước nguy cơ phải tái định cư lần nữa.

Người muốn bán đất không bán được, người có tiền cũng không dám xây nhà. Nhiều người dự định làm 5-6 tầng đã xây xong phần móng nhưng khi nghe dự án đành lùi lại làm tạm 1-2 tầng để nghe ngóng tình hình. Anh Thành ở Quảng An cho biết gia đình định năm nay xây lại nhà vì hai đứa con anh cũng lớn rồi, căn nhà đang ở trở nên quá chật trội. Nhưng nghe dự án đành phải dừng lại chờ chứ không dám làm. Anh sợ xây xong mà nhà lại nằm trong quy hoạch giải tỏa thì coi như công cốc.

Ông Sinh một thương binh hạng 3/4 ở Nhật Tân cho biết, ông vừa bán được ít đất cộng với tiền bao năm làm ăn tích cóp được từ khi xuất ngũ đổ vào xây được ngôi nhà khang trang. Niềm vui vì có nhà mới chưa được bao lâu, giờ nghe tin này cả nhà ông như ngồi trên đống lửa. Gia đình ông cũng như nhiều hộ khác ở đây đều trông vào nông nghiệp, cái nhà có khi là sản nghiệp cả đời, giờ mà giải tỏa đền bù thì không biết được bao nhiêu.

Đến đâu trong khu vực này cũng nghe người dân bàn tán xôn xao chuyện quy hoạch đất đai, từ trụ sở UBND phường đến các quán nước, quán cắt tóc; từ những người già đi bộ buổi sáng đến những người trồng hoa ngoài ruộng, nghỉ làm một cái là họ lại túm tụm vào bán tán. Câu hỏi cửa miệng là: “Mất nhà, mất đất thì đi đâu, làm gì bây giờ?”

Các trung tâm môi giới bất động sản trên khu vực đóng cửa im ỉm. Một người chuyên môi giới ở đây cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người vào khu vực Quảng An, Quảng Bá hỏi mua, nhưng hỏi rồi để đấy. Người mua không tha thiết mua vì còn nghe ngóng. Người bán cũng không tha thiết bán vì sợ bị ép giá rẻ.

Theo ông Lê Xuân Trường chuyên viên tư vấn Công ty Bất động sản B.D.S, thị trường đóng băng khi nghe tin về dự án là đương nhiên. Người mua không bao giờ mạo hiểm bỏ ra cả tỷ bạc để mua một mảnh đất chưa biết rõ quy hoạch. Nhưng việc đóng băng thị trường ở khu vực này lại kích đẩy thị trường các khu lân cận. Khu Ciputra đã tăng giá 10-20% trong giai đoạn một tháng vừa qua. Giờ đây căn hộ 123 m2 tầng 10 nhìn ra hướng Hồ Tây có giá đến 180.000 USD.

Ông Lê Quang Chính, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, cho biết, phường chưa nhận được một văn bản nào về dự án này. Việc cấp sổ đỏ, sổ hồng hay giao dịch mua bán đất đai vẫn thực hiện bình thường. Nhưng thực tế thì giờ đây mọi giao dịch nhà đất trong địa bàn phường đều ngừng lại. Không chỉ người mua bán đất, những người dân khác ở đây cũng rất hoang mang.