Một điều tra mới đây của một Cty chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản cho thấy, đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là những trí thức trẻ tuổi đang có xu hướng thiên về lựa chọn căn hộ cho nhu cầu ở thay vì mua đất làm nhà như trước đây.

Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng ở một mức độ nào đó đến thị trường nhà ở trong thời gian tới theo chiều hướng tích cực.

Lý do “mua nhà để ở” thay vì “mua đất làm nhà” của nhiều người là bởi lẽ họ – đa phần là người trẻ tuổi có thể dễ dàng “biện cơm gắp mắm”, tuỳ túi tiền mà lựa chọn căn hộ phù hợp và hơn nữa là muốn hướng đến một không gian sống được quy hoạch đồng bộ, có nhà ở, có các dịch vụ hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, ở đó căn nhà trở thành nơi nghỉ ngơi thực sự.

Hiện tại trên thị trường có 3 loại căn hộ chính tính theo giá trị. Loại từ 300 triệu-500 triệu đồng/căn được xếp vào loại giá trị thấp; căn hộ trung bình giá từ 1-1,5 tỷ đồng và loại cao cấp thường có giá từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng.

Nếu như vào cuối những năm 90 những căn hộ tại khu Bắc Linh Đàm (Hà Nội) có giá 300-400 triệu đồng đã là mơ ước của nhiều người thì hiện giờ chính những người đó đang nhòm ngó những căn hộ có giá trị cao hơn với những yêu cầu về thiết kế, chất lượng nội ngoại thất tốt hơn.

Một vài chung cư cao cấp có giá bán tính bằng USD bắt đầu xuất hiện 2 năm trở lại đây nhưng đó thực sự chỉ là đối tượng săn lùng của người rất lắm tiền và mua không phải để ở.

Đây đang được xem là một hình thức đầu tư kiếm lời; đa phần người mua những khu chung cư cao cấp này là để cho người nước ngoài hoặc các văn phòng Cty thuê lại với giá vài nghìn USD/tháng.

Điều tra khác của một tổ chức tài chính nước ngoài cho thấy: 60% dân số Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tiềm năng mua những căn hộ trung bình với giá từ 1-1,5 tỷ đồng.

Đây thực sự là một thị trường lớn và chủ đầu tư của những chung cư giá trị thấp từng nổi tiếng một thời đó – Tổng Cty đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị (HUD) cũng đang phải bắt đầu lên phương án xây dựng những chung cư có giá trị cao hơn để đáp ứng nhu cầu này của thị trường.

Vấn đề còn lại là trong hàng loạt những chung cư có giá đồng hạng như thế thì người tiêu dùng sẽ căn cứ trên tiêu chí nào để lựa chọn cái này mà không phải cái kia?

Trước hết người ta sẽ đòi hỏi vị trí địa lý của cả khu chung cư nào đó có đắc địa hay không, có phù hợp với việc ở không? Tiếp đến là chất lượng của chung cư có “đáng đồng tiền bát gạo” không?

Thiết kế của từng căn hộ có phù hợp không và cuối cùng là hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) có bảo đảm không? Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho bài tính của các chủ đầu tư phức tạp khi muốn tham gia vào thị trường nhà ở đang có chiều hướng phát triển mạnh.

Chi phí cao hơn, nhu cầu lớn hơn đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng.

Với một thị trường hứa hẹn nhộn nhịp cả người bán và người mua trong năm 2007 chắc chắn sẽ không có chỗ cho những khu chung cư giá cả chục triệu đồng/m2 nhưng lại không có chợ, không có trường, thậm chí đường đi cũng tạm bợ như đã từng thấy ở một vài khu của Hà Nội thời gian qua.