Không đơn giản chỉ là thế giới riêng của các bà nội trợ mà gian bếp ngày nay còn chiếm một vị trí đặc biệt trong nhà. Sự đầu tư thiết kế cho một căn bếp vì thế trở nên không quá phung phí…

Đây là phần nghiên cứu về bếp (không gian sống và các yếu tố cấu thành nội thất) trong đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất (khoa Mỹ thuật công nghiệp, trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) của sinh viên Nguyễn Thị Bảo Trâm với đề tài  “Ý tưởng + Đôi tay = Không gian sống”.

Những quan điểm mới về bếp

* Sự thay đổi trong chức năng và vai trò của bếp:

Cuộc sống của chúng ta được duy trì do được đáp ứng một nhu cầu quan trọng nhất là ăn, uống (ẩm thực). Khi mức sống ngày càng tăng trưởng mau chóng, ẩm thực cũng chính thức trở thành một bộ phận của văn hóa sinh hoạt gia đình và xã giao. Ở những vùng xa, khi các phương tiện giao thông và các hình thức giải trí còn hạn chế thì “ẩm thực” còn là nhu cầu văn hóa hàng đầu, và phần lớn các sự kiện gia đình được diễn ra tại bếp.

Bữa ăn ngày càng có giá trị thưởng thức hơn là thuần túy để duy trì cuộc sống nên vai trò của hình thức sinh hoạt ẩm thực trở nên là hình thức sinh hoạt đặc trưng của văn hóa gia đình. Chuyện bếp núc vì vậy vốn được coi là một thành phần của khối phục vụ nay thường được xếp vào khối sinh hoạt chung và điều này ảnh hưởng khá lớn đến quan điểm thiết kế khối bếp (vị trí, bố trí, hình thức trang trí, vật liệu trang trí, thiết bị, quan hệ không gian với các bộ phận khác). Phòng ăn chính thức (phòng ăn lớn) nay chỉ dành cho các nghi thức lễ tân chính thức (tiệc, giỗ,…) hay để lo đãi khách.

Việc xuất hiện rộng rãi các trang thiết bị mới (như bếp gas, bếp điện, lò viba, máy giặt, máy hút khói… ) phục vụ gia đình cũng nâng cao vai trò của bếp và tạo điều kiện kỹ thuật để thay đổi vai trò và tính thẩm mỹ của bếp.

 

* Những thay đổi đáng kể trong quan điểm thiết kế bếp:

– Bếp nên gắn liền hoặc chan hòa với phòng sinh hoạt chung gia đình theo hình thức trực tiếp (với hai không gian gắn liền nhau) hoặc gián tiếp (sử dụng sân trong (patio) làm trung gian).

– Bếp phải có bàn ăn ngay tại chỗ (phương Tây quan niệm đó là bàn ăn sáng). Trong khi các hoạt động giao tiếp xã hội tăng lên thì sự đoàn tụ gia đình lại giảm xuống, bữa ăn ngày càng không nhất thiết phải tề tựu đủ thành viên trong gia đình. Vì vậy một chỗ ăn gọn lại trở nên đắc dụng. Có hai cách bố trí chỗ ăn này:

+ Kiểu độc lập hay kiểu đảo (island)

+ Kiểu bán đảo (peninsula) kiểu này được ưa thích hơn vì được gắn liền với bếp làm cho việc dọn ăn dễ dàng và an toàn hơn.

– Khối bếp và sinh hoạt chung thường được bố trí sao cho có thể tự kiểm soát ngôi nhà từ bên ngoài và sân vườn. Nếu kiểm soát được cả vườn trước lẫn vườn sau thì càng tốt vì như vậy sẽ kiểm soát được lối ra vào nhà. Nhưng nếu tình hình an ninh bảo đảm thì việc quan tâm nhiều về phía sân sau tạo sự riêng tư tốt hơn.

* Chất lượng thẩm mỹ của bếp được đề cao:

Bếp là thành phần khó thiết kế nhất trong nhà. Từ chỗ là một bộ phận của khối phục vụ, bếp trở nên là một thành phần của khối sinh hoạt chung.

Việc thay đổi này khiến bếp không còn là nơi kín đáo với các tủ đựng thức ăn, chén bát lỉnh kỉnh, mắm muối hôi hám mà trở nên là niềm tự hào của căn hộ. Và một căn nhà đẹp cần trình diễn (chứ không cần phải che chắn) vẻ đẹp duyên dáng của bếp cho người trong và người ngoài gia đình thưởng ngoạn.