“Chợ cóc” đã rất thân quen với đa số người Hà Nội, thường họp rải rác ở các tuyến đường, vỉa hè, khu dân cư… Nhưng khi các khu chung cư phát triển mà chưa có hạ tầng đồng bộ, như tại khu tái định cư Nam Trung Yên, thì chợ cóc leo cả lên cao.
Buổi sáng, chợ họp ngay trong khuôn viên chung cư. Những người bán hàng đều sinh sống trong các khu nhà. Cũng như bất cứ một chợ cóc nào khác, ở đây bán đủ thứ từ rau dưa, mắm muối đến các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gà, ngan… Một người bán ngô luộc cho biết: “Những người bán hàng ở đây đều là dân chung cư cả, chợ họp từ 6 đến 9h sáng là tan. Còn tôi thì bán vào buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày cũng được vài chục nghìn”.
Đấy là chuyện ở dưới sảnh, còn trên các tầng, đã hai năm nay, “chợ” diễn ra cả ngày, ở hành lang và cả trong phòng khách các nhà, có đủ cả từ đồ ăn sáng như bún, miến, cháo, phở, rau cỏ, đồ tạp hóa cho tới các gian thuê băng đĩa, giặt là hay thậm chí là cắt tóc gội đầu. Trên các cửa sổ hay cửa ra vào từ tầng 1 cho đến tầng 13, còn có thể tìm thấy hàng loạt biển quảng cáo, pano như “Cắt tóc nam – nữ, gội đầu, sơn sửa móng tay”, “Cho thuê băng đĩa, CD – DVD”, thậm chí cả “Chuyên sửa chữa các loại xe máy”… Một người bán hàng cho biết, chợ mở ra để phục vụ bà con tại chỗ, nhất là những người già.
Trên hành lang tầng 3 nhà B3B là một hàng bánh mỳ sáng. Bà chủ nhà cho biết: “Mỗi hôm tôi lấy chừng 30 chiếc. Mỗi tòa nhà ở đây đều có vài hàng ăn như thế này”. Tầng 12 là một quán phở khá to, khách khứa đông đúc. Gần chục bộ bàn ghế nhựa thường thấy ở các quán ăn trên phố được kê khắp phòng khách, chạy dài ra tận ngoài hành lang gần thang máy. Tất cả các bàn thường kín chỗ. Sáng nào quán cũng phục vụ vài chục lượt khách. Ở đây cũng có đến 4-5 người phụ việc.
Chị Lan, chủ một chủ cửa hàng tại gia, cho biết: “Cửa hàng của tôi mở từ sáng đến tối”. Chỉ vào tảng thịt lợn to, chị nói thêm: “Hôm nào tôi cũng bán hết chỗ này trước 9h, có định mức hết cả rồi. Bán xong thì dọn hàng sạch sẽ, cố gắng giữ vệ sinh. Ban quản lý cũng không phản đối, chỉ nhắc nhở phải gọn gàng thôi. Mà cái đấy thì khỏi phải nhắc, chúng tôi cũng không thể để mất vệ sinh cho khu mình ở được”.
Hàng hóa tại các sạp hàng trong khu nhà được vận chuyển lên cao bằng thang máy như bình thường. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của người dân ngay lập tức, những người bán hàng còn làm dịch vụ đặt hàng theo yêu cầu.
Không thể ngăn cấm!
Nam Trung Yên là khu tái định cư của người dân phường Phương Kim Liên, Nam Đồng thuộc diện giải tỏa cho dự án đường Kim Liên – Ô chợ Dừa. Tháng 9/2005, gần 2.000 người đã chuyển đến đây với lời hứa hẹn của cơ quan chức năng về một khu chung cư tiện nghi. Nhưng sau hai năm chờ đợi, hiện nay, bà con vẫn sống trong cảnh tạm bợ và việc buôn bán hàng hóa là tất yếu. Đa số người dân không phản đối chuyện bán hàng tại nhà, dù họ đều thừa nhận rằng có thể ảnh hưởng đến trật tự, vệ sinh cho tòa nhà.
Bà Tuyết, Tổ phó khu B2A, cho biết phần lớn người ở đây đều là những dân lao động với thu nhập không cao nên với họ việc vào các siêu thị như BigC hay Hapro Mart gần đó để mua sắm là quá xa xỉ. Việc mở ra “chợ cóc” kiểu này là do nhu cầu bức thiết hằng ngày. Nhưng nếu Ban quản lý dành riêng cho một nơi để họp chợ thì vẫn tốt hơn là mở các cửa hàng tại gia như thế”. Một người dân khác cũng bày tỏ ý kiến: “Đúng là mở quán ở đây thì không phù hợp với một khu chung cư cao tầng lắm. Nhưng biết làm sao được. Không cho mở thì chúng tôi ăn uống ở đâu?”.
Phản đối nhưng cũng đành phải nhượng bộ, một cán bộ hưu trí sống ở nhà B3B, nói: “Tôi không ủng hộ việc mở hàng quán trong phòng ở và cả dưới khuôn viên. Nhưng đó là do thói quen từ xưa và cũng do nhu cầu của đại đa số dân chúng, cũng đành chịu”.
Đại diện ban quản lý tòa nhà là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Kỹ thuật khu đô thị, cũng khẳng định không có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể về việc cấm bán hàng tại các khu chung cư. Biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là vận động và nhắc nhở giữ trật tự và vệ sinh chung.