Chùa Tiên Tích tại 110 Lê Duẩn phường Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm có lịch sử ra đời vào đầu đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Chùa nằm trong khu vực cửa Nam, một trong bốn cửa ngõ của tòa thành Thăng Long xưa. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, khu vực Cửa Nam nhanh chóng phát triển sầm uất, các hoạt động văn hóa – xã hội phong phú.
Trong mấy thế kỷ đầu của Thăng Long, triều đình đã cho xây dựng rất nhiều công trình nổi tiếng, trong đó chùa Tiên Tích là một trong những công trình kiến trúc được xây dựng từ ngày ấy.
Tương truyền vào đời nhà Lý, có một hoàng tử đi chơi bị lạc được các tiên đưa về nên nhà vua dựng ngôi chùa này để tạ ơn các tiên. Lại có truyền thuyết kể lại rằng, nhà vua đi chơi hồ Kim Âu thấy có vết tích của Tiên giáng trần hiện ra ở gần hồ bèn cho xây dựng ngôi chùa đặt tên là Tiên Tích (Vết tích của Tiên).
Theo sử sách xưa viết lại, chùa Tiên Tích ngày xưa rất rộng lớn, sân chùa lát đá, phong cảnh hữu tình, có hồ nước xanh mát, có hương sen thơm ngát.
Chùa được xây theo hình chữ Đinh gồm Tiền Đường, Thiên Hương và Thượng điện. Kết cấu ở đây chủ yếu là gạch, ngói và gỗ. Trong chùa, hệ thống 5 bệ thờ Phật được xếp đặt cao dần tại Thượng điện, trên đó bài trí các pho tượng của Phật giáo. Phần lớn các pho tượng này được làm dưới triều Nguyễn, thế kỷ thứ XIX.
Chùa Tiên Tích được xây dựng từ rất sớm, được Chúa Trịnh mở rộng vào đầu đời vua Lê Cảnh Hưng (1740) và là một thắng tích trong vùng. Chùa được khôi phục vào đời vua Minh Mạng thứ 14 (1835) và liên tục được tu sửa, hoàn thiện.
Chùa Tiên Tích đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, với nhiều biến cố của thời gian, tuy đã làm thay đổi nhiều về diện mạo, nhưng đến nay vẫn mang đậm giá trị về mặt lịch sử, khoa học và nghệ thuật.
Sự có mặt của di tích đến hôm nay cùng các di vật như chuông đồng, bia đá là nguồn tư liệu quý phản ánh sự tồn tại không thể thiếu của đạo Phật trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây cũng là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam, về lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Nó giúp chúng ta hình dung được cảnh quan của mảnh đất kinh kỳ, hiểu thêm phần nào về đời sống cung đình, vua chúa ngày xưa.
Cho đến nay, về mặt kiến trúc, nghệ thuật, chùa Tiên Tích còn bảo lưu được khá nguyên vẹn về hình thức, kết cấu, kiến trúc tôn giáo dưới thời Nguyễn. Hệ thống tượng tròn mang giá trị thẩm mỹ cao, các pho tượng của chùa được gia công tỷ mỷ, công phu, giàu tính sáng tạo. Các hiện vật này ngoài giá trị nghệ thuật còn là khối di sản quý giá kho tàng di sản văn hóa nước nhà
Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật, chùa còn là nơi giáo dục truyền thống tốt đẹp cho nhân dân địa phương, là nơi điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi thành viên trong cộng đồng.
Với những giá trị quý báu trên, di tích chùa Tiên Tích đang được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt cho Sở VHTT và UBND phường Cửa Nam cùng nhân dân tôn tạo và trùng tu lại. Đây cũng là công trình xây dựng hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.