Đến nay, sau 10 năm được Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội chủ trương cải tạo, tu sửa, tòa thành ốc hiếm có trên thế giới với niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên vẫn đã và đang bị xâm hại khủng khiếp.
Nguy cơ xóa sổ
Cổ Loa là một trong những khu di tích khảo cổ lớn nhất hội tụ các giai đoạn lịch sử đồ đá, đồ đồng, sắt. Là thủ đô với hệ thống vòng thành hoàn chỉnh và cổ nhất của Việt Nam. Kiến trúc thành hình xoáy ốc duy nhất trên thế giới với hệ thống sông hào là sự phối hợp hài hòa giữa các mô, con trạch đất, đồng lầy tự nhiên và nhân tạo, có hệ thống các công trình kiến trúc và các làng cổ có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật lớn. Song giờ đây, cảm nhận về Cổ Loa với nhiều người đến thăm chỉ là những vết tích, đình đền lụn vụn, nằm xen giữa những kiến trúc hiện đại.
Chung tình trạng với rất nhiều khu di tích khác ở nước ta, thành Cổ Loa hôm nay khác xa so với hình hài một Cổ Loa xưa được thể hiện trên bản đồ hay các tư liệu lịch sử. Mấy năm qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tiến hành trùng tu một số công trình kiến trúc như Đình Ngự Triều Di Quy, Am Mỵ Châu, Đền An Dương Vương… với sự bề thế, vững chãi; song nó vẫn bị chìm nghỉm trong cơn lốc đô thị hóa ở nơi này.
Nếu ở thành ngoại, trên một đoạn tường thành dài từng được coi là một trong những dấu vết khá nguyên vẹn còn sót lại thì giờ đây nó đã được “cải tạo”, cắm biển “vườn cây du lịch”. Và một điểm nhấn nhức nhối là tòa biệt thự rộng hàng trăm mét vuông đã xây xong phần thô chỉ chờ hoàn thiện chiếm toàn bộ phần chân sườn thành. Dẫn khách thực địa, những điểm được coi là nóng nhất trong việc xâm hại di tích, nhân viên của ban quản lý còn phải rất e dè tránh mặt vì “sợ có kẻ trả thù”. Hào nước ở phần thành trung cũng nhanh chóng được lấp kín và mọc lên hàng chục ngôi nhà kiên cố, hiện đại.
Song đau xót nhất phải kể tới phần đồi đất nằm ngay gần UBND xã Cổ Loa, được coi là trung tâm của di tích đang bị các hộ kinh doanh dịch vụ cà phê, giải khát lấn đất từng ngày. Mỗi mét đất đồi được bạt đi lại chèn thêm một kiốt mới… Nếu tình trạng này không thay đổi, chắc chỉ độ vài năm nữa, thành Cổ Loa sẽ bị xóa sổ.
Bảo tồn: Quá chậm
Nói về tiến độ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia thành Cổ Loa, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng dự án Cổ Loa, nhận xét: “Chậm!”. Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng của Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì sử dụng hai từ “quá chậm!”.
Từ tháng 9/1994, TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát hiện trạng di tích, lập dự án quy hoạch di tích thành Cổ Loa. Giữa năm 1995, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích thành Cổ Loa. Những tưởng rằng sau đó, sẽ có những động thái quan trọng thúc đẩy tiến độ bảo tồn khu di tích thành Cổ Loa. Nhưng mọi chuyện lại không hẳn vậy.
Đầu năm 2001, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch tổng thể chi tiết khu di tích thành Cổ Loa lên tới hơn 800 ha, trong khi đó, tại văn bản thông qua của Chính phủ lại chỉ có hơn 400 ha. Chính vì thế, khi TP Hà Nội trình lên Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cổ Loa thì không được chấp nhận. Từ năm 1999, Hà Nội tiếp tục xây dựng dự án chi tiết và xin ý kiến các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét, thẩm định để sau đó trình Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay, công việc chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất.
Song song, mấy năm qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đầu tư nâng cấp mấy kilômét đường nhựa dẫn vào di tích và hai bãi đỗ xe, song đến nay việc này vẫn dang dở. Vậy là kể từ khi Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành Cổ Loa và kể từ khi Hà Nội có chủ trương bảo tồn, khai thác thành Cổ Loa, đã 10 năm trôi qua, nhưng tất cả vẫn “giậm chân tại chỗ”.